Sign In

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

   TỈNH BÌNH THUẬN

      CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

  Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

   

Số:     86        /2015/NQ-HĐND

                 Bình Thuận, ngày  14    tháng 12 năm 2015

 

 

NGHỊ QUYẾT

Về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020

 

 
   

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

KHOÁ IX, KỲ HỌP THỨ 12

 

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14 tháng 01 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Nghị quyết số 98/2010/NQ-HĐND ngày 03 tháng 12 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 69/2014/NQ-HĐND ngày 8 tháng 12 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh quy hoạch bảo vệ phát triển rừng tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2020;

Sau khi xem xét Tờ trình số 4344/TTr-UBND ngày 30/11/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020 với các nội dung  chủ yếu sau:

1. Về mục tiêu chung:

a) Quản lý tốt diện tích rừng và đất lâm nghiệp phù hợp quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch sử dụng đất của địa phương trong cùng thời kỳ, gắn với đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp; sử dụng có hiệu quả tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, vừa đảm bảo yêu cầu phòng hộ, vừa sử dụng rừng và đất lâm nghiệp để phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

b) Nâng cao giá trị các sản phẩm từ rừng và ngành lâm nghiệp, góp phần vào tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông - lâm - thủy sản đạt bình quân 3,3 - 3,8%/năm.

c) Cải thiện đời sống của người làm nghề rừng thông qua xã hội hoá và đa dạng hoá các hoạt động lâm nghiệp, nhất là hộ đồng bào dân tộc, hộ nghèo vùng sâu, vùng xa.

d) Nâng độ che phủ rừng đến năm 2020 đạt 43% (độ che phủ chung bao gồm cả cây công nghiệp, ăn quả dài ngày đạt 55%). Nâng cao khả năng phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, biến đổi khí hậu. 

2. Các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu:

a) Quy hoạch diện tích 3 loại rừng toàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 (kèm theo phụ lục I).

b) Tổng hợp các chỉ tiêu về bảo vệ rừng, phát triển rừng, trồng rừng và các hoạt động lâm nghiệp khác giai đoạn 2016 - 2020 (kèm theo phụ lục II, III).

c) Chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác và chuyển mục đích sử dụng đất còn rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng vào đất lâm nghiệp (kèm theo phụ lục IV, V).

3. Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

a) Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý gắn với tăng cường bảo vệ tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp:

- Hoàn thành việc thiết lập lâm phận ổn định, theo hệ thống tiểu khu, khoảnh, lô, với mốc và ranh giới rõ ràng trên bản đồ và thực địa gắn với rà soát, sắp xếp tổ chức quản lý, lâm phận quản lý của các đơn vị chủ rừng, trước hết là các Ban quản lý rừng phòng hộ, Khu bảo tồn thiên nhiên, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh phù hợp tiêu chí được pháp luật quy định.

- Tiến hành kiểm kê đánh giá hiện trạng, phân loại rừng trên lâm phần được quy hoạch của các đơn vị chủ rừng và những diện tích chuyển đổi ra ngoài đất lâm nghiệp, những nơi dân xâm canh để xử lý phù hợp với pháp luật và hiện trạng đất còn rừng; tập trung quản lý bảo vệ tốt những diện tích rừng hiện có, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ ven biển và thực hiện nghiêm các quy định về cải tạo rừng.

b) Thực hiện có hiệu quả nội dung tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật để chọn tạo và phát triển giống có chất lượng và năng suất cao cho nhóm cây chủ lực trồng rừng sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của tỉnh; tạo liên kết vùng trong trồng rừng hướng đến nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất từ sản phẩm gỗ nguyên liệu, công nghiệp chế biến đến khâu tiêu thụ.

Tiếp tục thu hút đầu tư theo hướng lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, chuyển mạnh từ đầu tư theo chiều rộng sang đầu tư chiều sâu, áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng đối với sản phẩm lâm nghiệp.

c) Tăng cường các biện pháp phòng, chống phá rừng, cháy rừng, tổ chức tốt lực lượng bảo vệ rừng đến đơn vị cấp xã. Tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng, có sự phối hợp tốt của lực lượng kiểm lâm, đơn vị chủ rừng, các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn cùng với các hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ rừng cho nhân dân bằng các hình thức đa dạng phong phú, phù hợp, nhất là ở khu vực trọng điểm.

d) Đảm bảo chất lượng, hiệu quả việc trồng rừng tập trung trên đất trống chưa có rừng, trên các đối tượng rừng trồng đến tuổi khai thác và trồng các loài cây phân tán bằng các loài cây trồng phù hợp với vùng sinh thái và mục tiêu sử dụng rừng, từng bước nâng cao giá trị. Tập trung bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, chống xói lở, cát bay và khả năng sa mạc hóa. Tổ chức khai thác rừng có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật nhằm cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản và nhu cầu tiêu dùng gỗ của nhân dân trong tỉnh.

đ) Nhà nước đầu tư vốn để phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng nhằm ổn định diện tích rừng, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai bền vững. Phát triển rừng sản xuất bằng nguồn vốn vay, vốn tự có của các doanh nghiệp và hộ gia đình cá nhân. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân, thực hiện cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng, cho thuê cảnh quan để huy động vốn cho bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh hoàn chỉnh báo cáo, phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020 và tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện, nếu UBND tỉnh có đề nghị điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020, HĐND tỉnh ủy quyền cho Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh căn cứ các quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương để quyết định việc điều chỉnh, bổ sung và báo cáo HĐND tỉnh.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khoá IX, kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2015 và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.

 

Nơi nhận:                                                                                    

- Văn phòng Quốc hội;

- Văn phòng Chính phủ;

- Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn;

- Bộ Tài nguyên và Môi trường;

- Ban Công tác đại biểu Quốc hội;

- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);                                                

- Thường trực Tỉnh ủy;

- Thường trực HĐND tỉnh;

- UBND tỉnh;

- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;

- Đoàn đại ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Thuận;

- Các Ban HĐND tỉnh;

- Đại biểu HĐND tỉnh;

- Các Ban của Tỉnh ủy;                                                           

- Các sở, ban, ngành và đoàn thể tỉnh;

- Các Văn phòng: Tỉnh ủy, UBND tỉnh,

  Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;

- HĐND và UBND các huyện, thị xã, thành phố;

- Website Chính phủ;

- Trung tâm Thông tin tỉnh;

- Lưu: VT. Tấn Duy

                    CHỦ TỊCH

                         Đã ký

 

 

 

             Nguyễn Mạnh Hùng

 

                                                                                               

 

Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Thuận

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Mạnh Hùng