• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 21/01/2003
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Số: 19/2003/QĐ-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 6 tháng 1 năm 2003

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Về việc ban hành cơ chế điều hành nội bộ trong Ngân hàng Nhà nước để thực hiện thoả thuận hoán đổi ASEAN

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

 

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 ngày 12/12/1997;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 86/1999/NĐ-CP ngày 30/8/1999 của Chính phủ về quản lý Dự trữ ngoại hối Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 96/2002/QĐ-TTg ngày 18/7/2002 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế thực hiện Thoả thuận hoán đổi ASEAN;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ quản lý Ngoại hối,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Cơ chế điều hành nội bộ trong Ngân hàng Nhà nước để thực hiện Thoả thuận hoán đổi ASEAN".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Giám đốc Sở Giao dịch, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Vụ trưởng Vụ Kế toán tài chính, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế và Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

                                                                                                                                                           KT.THỐNG ĐỐC

                                                                                                                                                          PHÓ THỐNG ĐỐC

                                                                                                                                                                    (Đã ký)

                                                                                                                                                             Phùng Khắc Kế

 

CƠ CHẾ

ĐIỀU HÀNH NỘI BỘ TRONG NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC ĐỂ THỰC HIỆN THOẢ THUẬN HOÁN ĐỔI ASEAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2003/QĐ-NHNN ngày 06/1/2003 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Cơ chế này quy định quy trình tổ chức thực hiện Thoả thuận hoán đổi ASEAN trong nội bộ Ngân hàng Nhà nước trong các trường hợp Việt Nam là nước cho vay, Việt Nam là nước đi vay và Ngân hàng được chỉ định là Ngân hàng đại lý.

Điều 2. Sở Giao dịch thông báo số FAX hoặc TELEX của Sở Giao dịch cho Ngân hàng đại lý hoặc các thành viên tham gia để làm đầu mối nhận và gửi các thông tin về các giao dịch liên quan đến Thoả thuận hoán đổi ASEAN quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV của Cơ chế này.

Điều 3. Vụ Quản lý ngoại hối có trách nhiệm làm đầu mối phối hợp với các Vụ, Cục liên quan thường xuyên theo dõi tình hình, phát hiện kịp thời các vướng mắc hoặc những tranh chấp, bất đồng giữa Việt Nam và các nước ASEAN khác nảy sinh trong quá trình thực hiện Thoả thuận hoán đổi ASEAN trình Thống đốc để báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ hướng xử lý.

Điều 4. Giờ làm việc được quy định trong cơ chế này là giờ làm việc do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định.

Chương 2:

QUY TRÌNH THỰC HIỆN KHI VIỆT NAM LÀ NƯỚC CHO VAY

Điều 5. Trong thời gian 2 giờ làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu vay hoặc yêu cầu tăng số tiền cho vay theo Thoả thuận hoán đổi ASEAN, Sở Giao dịch gửi cho Vụ Quản lý ngoại hối các yêu cầu này.

Điều 6. Ngay sau khi nhận được thông báo của Sở Giao dịch, Vụ Quản lý ngoại hối căn cứ vào mức dự trữ quốc tế cuối tháng trước (số liệu báo cáo Quỹ tiền tệ quốc tế) và tình hình thực hiện các chương trình của Quỹ tiền tệ quốc tế để trình Thống đốc quyết định:

1. Việt Nam tham gia cho vay toàn bộ hoặc cho vay một phần hay không tham gia cho vay.

2. Việt Nam tăng hay không tăng số tiền cho vay (trong trường hợp Ngân hàng đại lý yêu cầu).

3. Số tiền, loại ngoại tệ cho vay trong trường hợp quyết định cho vay.

4. Nguồn ngoại tệ sử dụng để cho vay trong trường hợp quyết định cho vay.

Việc quyết định các nội dung trên được thực hiện chậm nhất vào 10 giờ sáng ngày làm việc thứ hai kể từ sau ngày nhận được đề nghị cho vay hoặc đề nghị tăng số tiền cho vay.

Điều 7.

1. Trong thời gian 1 giờ làm việc kể từ khi nhận được ý kiến của Thống đốc, Vụ Quản lý ngoại hối thông báo cho Sở Giao dịch quyết định của Thống đốc về việc Việt Nam cho vay toàn bộ hoặc một phần hoặc không cho vay, tăng số tiền cho vay hay không tăng số tiền cho vay.

2. Trong thời gian 3 giờ làm việc kể từ khi nhận được thông báo của Vụ Quản lý ngoại hối, Sở Giao dịch thông báo với Ngân hàng đại lý các nội dung đã quy định trong Bản ghi nhớ thoả thuận hoán đổi, bao gồm: việc cho vay toàn bộ hay một phần hoặc không cho vay, số tiền và loại tiền cho vay, tăng số tiền cho vay hoặc không tăng số tiền cho vay.

3. Trong thời gian 2 giờ làm việc kể từ khi nhận được xác nhận chính thức của Ngân hàng đại lý về giao dịch hoán đổi, Sở Giao dịch xác nhận lại với Ngân hàng đại lý bằng Telex hoặc Fax về nội dung của giao dịch hoán đổi.

4. Sở Giao dịch tiến hành các thủ tục cần thiết để thực hiện giao dịch hoán đổi vào ngày thực hiện giao dịch đã xác nhận với Ngân hàng đại lý. Ngay sau khi thực hiện giao dịch, Sở Giao dịch thông báo kết quả giao dịch cho Vụ Quản lý ngoại hối.

5. Sau khi nhận được thông báo về kết quả thực hiện của Sở Giao dịch, Vụ Quản lý ngoại hối dự thảo báo cáo trình Thống đốc duyệt để trình Thủ tướng Chính phủ, đồng thời sao gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư và Bộ Thương mại.

6. Khi đến hạn thanh toán, Sở Giao dịch thực hiện các thủ tục nhận lại số tiền gốc và lãi của khoản ngoại tệ đã cho vay, chuyển trả lại nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước dã sử dụng để cho vay, thực hiện hạch toán theo các quy định hiện hành và thông báo kết quả cho Vụ Quản lý ngoại hối. Trên cơ sở thông báo của Sở Giao dịch, Vụ Quản lý ngoại hối dự thảo báo cáo trình Thống đốc duyệt trình Thủ tướng Chính phủ, đồng thời sao gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư và Bộ Thương mại.

Điều 8. Quy trình đối với đề nghị xin gia hạn giao dịch hoán đổi được thực hiện theo các quy định tại bản ghi nhớ về thoả thuận hoán đổi ASEAN và theo quy trình tương tự với quy trình vay mới quy định tại Cơ chế này.

Chương 3:

QUY TRÌNH THỰC HIỆN KHI VIỆT NAM LÀ NƯỚC ĐI VAY

Điều 9. Khi cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt trầm trọng, nền kinh tế lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán quốc tế, hoặc trong các trường hợp khẩn cấp khác, Vụ Quản lý ngoại hối chủ trì phối hợp với các Vụ Cục chức năng trong Ngân hàng Nhà nước tham mưu cho Thống đốc xây dựng phương án vay theo thoả thuận hoán đổi ASEAN và lấy ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Thương mại để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án vay. Nội dung phương án vay bao gồm:

1. Số tiền vay vốn bằng đô la Mỹ.

2. Kế hoạch sử dụng vốn vay và trả nợ vay.

3. Dự kiến cân đối nguồn tiền đồng Việt Nam sử dụng.

Điều 10. Căn cứ vào phương án vay đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vụ Quản lý ngoại hối phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ dự thảo văn bản đề nghị vay kèm theo đánh giá về tình hình kinh tế quốc gia và triển vọng cán cân thanh toán để trình Thống đốc quyết định. Nội dung văn bản đề nghị vay gồm:

1. Số tiền của giao dịch hoán đổi bằng đô la Mỹ.

2. Thời hạn của giao dịch.

3. Ngày thực hiện giao dịch (ít nhất là 7 ngày làm việc sau ngày đưa ra đề nghị).

Điều 11.

1. Trong thời gian 1 giờ làm việc kể từ khi nhận được ý kiến của Thống đốc, Vụ Quản lý ngoại hối thông báo cho Sở Giao dịch quyết định của Thống đốc về việc đề nghị vay của Việt Nam và bản đánh giá về tình hình kinh tế quốc gia và triển vọng cán cân thanh toán của Việt Nam.

2. Trong cùng ngày nhận được thông báo của Vụ Quản lý ngoại hối, Sở Giao dịch gửi đề nghị vay và bản đánh giá về tình hình kinh tế quốc gia và triển vọng cán cân thanh toán của Việt Nam cho Ngân hàng đại lý.

3. Đồng thời, Sở Giao dịch thông báo cho các nước thành viên tham gia cho vay danh sách các ngày nghỉ của Việt Nam trong khoảng thời gian giao dịch có thể thực hiện.

Điều 12. Trong thời gian 2 ngày làm việc trước ngày thực hiện giao dịch đã được xác nhận, Sở Giao dịch thông báo qua Telex hoặc Fax cho Ngân hàng đại lý tỷ giá giao khoán ngay và thủ tục thực hiện giao dịch.

Điều 13. Tỷ giá giao ngay của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ, EURO và Yên Nhật là tỷ giá trung bình cộng giữa tỷ giá mua và tỷ giá bán của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ, EURO và Yên Nhật do Sở Giao dịch áp dụng vào ngày gửi thông báo.

Điều 14. Trong cùng ngày nhận được xác nhận chính thức về nội dung của giao dịch hoán đổi của Ngân hàng đại lý, Sở Giao dịch xác nhận lại nội dung của giao dịch hoán đổi với Ngân hàng đại lý bằng Telex hoặc Fax.

Điều 15.

1. Ngoại tệ đi vay theo Thoả thuận hoán đổi ASEAN sẽ được ghi có Quỹ dự trữ ngoại hối do Ngân hàng Nhà nước quản lý và được sử dụng theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Số tiền đồng tương ứng sẽ được ghi có vào tài khoản tiền đồng Việt Nam của từng nước thành viên tham gia cho vay mở tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 16. Sau khi hoàn tất giao dịch, Sở Giao dịch thông báo cho Vụ Quản lý ngoại hối kết quả giao dịch. Sau khi nhận được thông báo của Sở Giao dịch, Vụ Quản lý ngoại hối dự thảo báo cáo kết quả trình Thống đốc duyệt trình Thủ tướng Chính phủ, đồng thời sao gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Thương mại.

Điều 17.

1. Căn cứ vào kế hoạch trả nợ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khi đến hạn trả nợ, Sở Giao dịch thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định của thoả thuận hoán đổi và thông báo cho Vụ Quản lý ngoại hối.

2. Sau khi hoàn tất nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam, Vụ Quản lý ngoại hối dự thảo báo cáo trình Thống đốc duyệt để trình Thủ tướng Chính phủ, đồng thời sao gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư và Bộ Thương mại.

Điều 18. Việc xin gia hạn khoản vay sẽ được thực hiện theo các quy định tại bản ghi nhớ về thoả thuận hoán đổi ASEAN và theo quy trình tương tự với quy trình xin vay mới quy định tại cơ chế này.

Chương 4:

QUY TRÌNH KHI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH LÀ NGÂN HÀNG ĐẠI LÝ

Điều 19. Khi đến lượt hoặc có yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện nhiệm vụ là Ngân hàng đại lý, Sở Giao dịch trình Thống đốc quyết định việc chấp nhận nhiệm vụ là Ngân hàng đại lý.

Điều 20. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước không thực hiện được nhiệm vụ là Ngân hàng đại lý, Sở Giao dịch thông báo và dàn xếp với các thành viên tham gia tiếp theo để thay thế thực hiện nhiệm vụ là Ngân hàng đại lý.

Điều 21. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiệm vụ là Ngân hàng đại lý, Sở Giao dịch có trách nhiệm:

1. Điều phối việc thực hiện và gia hạn giao dịch hoán đổi theo quy trình nghiệp vụ quy định tại Điều 15 và 16 bản ghi nhớ thoả thuận hoán đổi ASEAN.

2. Thông báo số tiền còn lại của thoả thuận khi mỗi thành viên tham gia có yêu cầu.

3. Làm đầu mối phối hợp với Vụ Quan hệ quốc tế tổ chức các cuộc họp tham khảo ý kiến giữa các thành viên tham gia để giải quyết một cách thiện chí các tranh chấp hoặc bất đồng nảy sinh từ việc thực hiện thoả thuận theo quy định tại Điều 17 bản ghi nhớ thoả thuận hoán đổi ASEAN.

4. Làm đầu mối phối hợp với Vụ Quan hệ quốc tế để thực hiện nhiệm vụ là Ngân hàng đại lý trong việc sửa đổi và gia hạn thoả thuận theo các quy định tại Điều 18 và 19 bản ghi nhớ thoả thuận hoán đổi ASEAN.

Chương 5:

QUY TRÌNH KHI SỬA ĐỔI HOẶC GIA HẠN THOẢ THUẬN HOÁN ĐỔI ASEAN

Điều 22. Khi Việt Nam phát sinh đề nghị sửa đổi Thoả thuận Hoán đổi ASEAN, Vụ Quan hệ quốc tế có trách nhiệm:

1. Làm đầu mối phối hợp với các Vụ, Cục liên quan tập hợp các ý kiến sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong Bản ghi nhớ Thoả thuận hoán đổi ASEAN trình Thống đốc quyết định để gửi Ngân hàng đại lý.

2. Làm đầu mối phối hợp với các Vụ, Cục liên quan để theo dõi và tham gia vào quá trình xem xét, sửa đổi các đề nghị nêu tại Khoản 1 điều này.

Điều 23. Khi có đề nghị sửa đổi Thoả thuận hoán đổi ASEAN của các nước thành viên tham gia khác, Vụ Quan hệ quốc tế làm đầu mối phối hợp với các Vụ, Cục liên quan để tham gia vào quá trình xem xét, sửa đổi thông qua Ngân hàng đại lý.

Điều 24. Khi có yêu cầu tham vấn ý kiến của Ngân hàng đại lý về việc gia hạn Thoả thuận hoán đổi ASEAN, Vụ Quan hệ quốc tế có trách nhiệm trình Thống đốc về việc gia hạn Thoả thuận hoán đổi ASEAN.

Chương 6:

HẠCH TOÁN CÁC NGHIỆP VỤ LIÊN QUAN TỚI THOẢ THUẬN HOÁN ĐỔI ASEAN

Điều 25. Vụ Kế toán tài chính có trách nhiệm:

1. Hướng dẫn hạch toán các nghiệp vụ cho vay và vay của Ngân hàng Nhà nước liên quan tới việc thực hiện thoả thuận hoán đổi ASEAN.

2. Hướng dẫn hạch toán các chi phí và thu nhập liên quan tới việc thực hiện Thoả thuận ASEAN.

Điều 26. Sở Giao dịch phối hợp với Vụ Kế toán tài chính hạch toán các nghiệp vụ vay, cho vay ngoại tệ và tiền đồng Việt Nam đối ứng khi tham gia các giao dịch hoán đổi quy định tại cơ chế này.

Điều 27. Sở Giao dịch thực hiện mở tài khoản tiền đồng Việt Nam cho từng nước tham gia cho vay và mở các tài khoản ngoại tệ tương ứng tại các nước thành viên khi cần thiết để thực hiện hạch toán các giao dịch hoán đổi theo quy định tại bản ghi nhớ thoả thuận ASEAN.

Chương 7:

ĐIỀU KHOẢN VỀ BẢO MẬT THÔNG TIN

Điều 28.  Mọi thông tin, dữ liệu, tài liệu liên quan tới bản ghi nhớ về thoả thuận hoán đổi ASEAN, các bên tham gia vào các giao dịch hoán đổi ASEAN; các giao dịch vay, cho vay của Việt Nam theo Thoả thuận hoán đổi ASEAN được bảo quản theo chế độ mật.

Đối với các thông tin, dữ liệu, tài liệu liên quan tới tiền cung ứng trong giao dịch đi vay của Việt Nam theo Thoả thuận hoán đổi ASEAN được bảo quản theo chế độ tuyệt mật.

Chương 8:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 29. Việc sửa đổi, bổ sung cơ chế này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Phùng Khắc Kế

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.