• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/01/1994
CHÍNH PHỦ
Số: 2/CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 15 tháng 1 năm 1994

NGHỊ ĐỊNH

Ban hành bản quy định về giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 19 tháng 8 năm 1991;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 14 tháng 7 năm 1993;

Căn cứ Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp ngày 10 tháng 7 năm 1993;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc và miền núi, Tổng Cục trưởng Tổng cục quản lý ruộng đất;

 

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Nay ban hành kèm theo Nghị định này bản qui định về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.

Điều 2. - Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Điều 3. - Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những qui định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

 

QUI ĐỊNH

VỀ VIỆC GIAO ĐẤT LÂM NGHIỆP CHO TỔ CHỨC, HỘ GIA ĐÌNH,

CÁ NHÂN SỬ DỤNG ỔN ĐỊNH, LÂU DÀI VÀO MỤC ĐÍCH LÂM NGHIỆP.

(BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 2-CP NGÀY 15-1-1994 CỦA CHÍNH PHỦ).

Điều 1. - Đất lâm nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài nói trong bản Quy định này gồm:

Đất có rừng tự nhiên, đất đang có rừng trồng;

Đất chưa có rừng được qui hoạch để gây trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ thảm thực vật.

Điều 2. - Nhà nước giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài theo đúng mục đích sử dụng của từng loại rừng:

Rừng phòng hộ, vùng khoanh nuôi bảo vệ thảm thực vật được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, hạn chế thiên tai, điều hoà khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái;

Rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của Quốc gia, nguồn gien thực vật, động vật rừng, nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh, phục vụ nghỉ ngơi du lịch;

Rừng sản xuất được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh gỗ, các lâm sản khác, đặc sản rừng, động vật rừng và kết hợp phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái.

Điều 3.

1. Nhà nước giao đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên, có rừng trồng bằng vốn của Nhà nước cho tổ chức theo luận chứng kinh tế kỹ thuật, dự án quản lý, xây dựng khu rừng được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; cho hộ gia đình, cá nhân theo phương án quản lý, sử dụng rừng được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, để bảo vệ, phát triển và sử dụng ổn định, lâu dài theo qui hoạch, kế hoạch của Nhà nước;

2. Nhà nước giao đất lâm nghiệp chưa có rừng, giao đất vùng khoanh nuôi bảo vệ thảm thực vật và có chính sách đầu tư, hỗ trợ hợp lý để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp theo quy hoạch của Nhà nước;

3. Đối với đất có rừng, đất chưa có rừng mà chưa giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nào thì Bộ Lâm nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước về lâm nghiệp ở địa phương giúp Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp tổ chức quản lý và có kế hoạch từng bước đưa vào sử dụng.

Điều 4. Căn cứ để giao đất lâm nghiệp:

1. Quỹ đất lâm nghiệp của từng địa phương;

2. Quy hoạch đất lâm nghiệp, qui hoạch rừng các loại của từng địa phương đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt;

3. Nhu cầu, khả năng sử dụng đất lâm nghiệp vào mục đích lâm nghiệp của các tổ chức được ghi trong luận chứng kinh tế kỹ thuật, dự án quản lý xây dựng khu rừng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt; đơn xin giao đất lâm nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú xác nhận;

4. Trong trường hợp việc giao đất lâm nghiệp gắn với việc thực hiện các chính sách đầu tư hỗ trợ bằng vốn của Nhà nước, thì việc giao đất phải theo kế hoạch nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ hàng năm của Nhà nước.

Điều 5. - Đối tượng được giao đất lâm nghiệp:

1. Tổ chức gồm các Ban Quản lý khu rừng phòng hộ, khu rừng đặc dụng, các doanh nghiệp lâm nghiệp, Nông nghiệp, Ngư nghiệp; các trạm, trại, xí nghiệp giống lâm nghiệp; các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; trường học, trường dạy nghề, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế khác;

2. Hộ gia đình cư trú tại địa phương được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận.

3. Cá nhân.

Điều 6.

1. Thời hạn giao đất lâm nghiệp để sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp qui định như sau:

a) Đối với các tổ chức của Nhà nước thời hạn giao được qui định theo qui hoạch, kế hoạch của Nhà nước;

b) Đối với các tổ chức khác, hộ gia đình, cá nhân là 50 năm. Hết thời hạn qui định tại điểm này nếu tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó vẫn có nhu cầu và sử dụng đúng mục đích, thì được Nhà nước xét giao tiếp. Nếu trồng các loài cây lâm nghiệp có chu kỳ trên 50 năm, thì sau 50 năm được Nhà nước giao tiếp cho đến khi thu hoạch sản phẩm chính.

2. Thời hạn giao đất lâm nghiệp được tính như sau:

a) Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao từ ngày 14 tháng 10 năm 1993 trở về trước, thì được tính thống nhất từ ngày 15 tháng 10 năm 1993;

b) Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 trở đi thì được tính từ ngày giao.

Điều 7.

1. Đất lâm nghiệp được qui hoạch cho rừng phòng hộ gồm:

a) Phòng hộ đầu nguồn;

b) Phòng hộ chắn gió, chắn cát bay;

c) Phòng hộ chắn sóng, lấn biển;

d) Phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái.

2. Giao cho các ban quản lý của các khu rừng phòng hộ được xác lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) việc quản lý các khu rừng đó để bảo vệ, xây dựng theo qui hoạch và kế hoạch đã được duyệt.

3. Đối với các khu rừng phòng hộ đã giao cho các tổ chức (kinh tế lâm nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp của Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc các tổ chức khác), Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị này có trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo vệ, xây dựng các khu rừng đó theo qui hoạch, kế hoạch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.

4. Đối với các khu rừng phòng hộ có diện tích nhỏ trong phạm vi của một xã, thôn, buôn, bản nhưng chưa giao cho người sử dụng cụ thể; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã đó có trách nhiệm tổ chức để các thôn, buôn, bản quản lý,

bảo vệ, xây dựng các khu rừng đó theo sự hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước về lâm nghiệp ở địa phương.

5. Nhà nước giao đất trồng rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để gây trồng rừng phòng hộ hoặc khoanh nuôi, bảo vệ thảm thực vật được kết hợp với sản xuất kinh doanh lâm nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp ở các vùng sau đây:

a) Vùng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu;

b) Vùng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay;

c) Vùng phòng hộ chắn sóng, lấn biển mà đất đã ổn định;

d) Vùng phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái.

Điều 8.

1. Đất lâm nghiệp được qui hoạch cho rừng đặc dụng gồm:

a) Vườn quốc gia;

b) Khu rừng bảo tồn thiên nhiên;

c) Khu rừng văn hoá - xã hội, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, nghiên cứu thí nghiệm.

2. Giao cho Ban quản lý của các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên (được xác lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ) để quản lý, bảo vệ các khu rừng đó. Việc quản lý, bảo vệ các khu rừng này được qui định như sau:

a) Đối với khu vực bảo tồn nguyên vẹn, nhưng chưa có điều kiện chuyển dân ra khỏi vùng này, Ban quản lý khu rừng đặc dụng giao khoán cho hộ gia đình diện tích rừng phải bảo vệ theo hợp đồng khoán;

b) Đối với khu phục hồi sinh thái, Ban quản lý khu rừng đặc dụng giao khoán cho hộ gia đình diện tích phải bảo vệ rừng, gây trồng rừng theo hợp đồng khoán;

c) Đối với đất trồng cây hàng năm trong các khu rừng nói tại điểm a, b Khoản 2 Điều này, Ban quản lý khu rừng có quyền giao lại cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp theo các qui định của pháp luật.

3. Đối với các khu rừng văn hoá - xã hội, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, nghiên cứu thí nghiệm được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xác lập thì giao cho ban quản lý các công trình này quản lý theo qui định của pháp luật. Trong trường hợp có dân cư và đất trồng cây hàng năm trong các khu rừng này, việc giao đất sẽ thực hiện theo qui định tại điểm b, c Khoản 2 của Điều này.

Điều 9. - Đất lâm nghiệp được qui hoạch cho rừng sản xuất:

1. Rừng sản xuất được Nhà nước giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 và Khoản 3 Điều 4 của bản quy định này;

2. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhận đất để trồng rừng, sản xuất nông nghệp - lâm nghiệp - ngư nghiệp kết hợp ở những vùng đất trống, đồi núi trọc. Nhà nước có chính sách hỗ trợ trong việc trồng rừng, sản xuất nông nghiệp - lâm nghiệp - ngư nghiệp kết hợp, tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng kết cấu hạ tầng.

Điều 10. - Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang quản lý hoặc sử dụng hợp pháp đất lâm nghiệp trước đây đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao, sẽ được xét để tiếp tục sử dụng và hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục theo Điều 13 của bản qui định này.

Điều 11. - Thẩm quyền quyết định xác lập các khu rừng và giao đất lâm nghiệp để sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghệp được thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Nghị định số 17-HĐBT ngày 17-1-1992 về thi hành luật Bảo vệ và phát triển rừng.

Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất lâm nghiệp cũng là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật, phương án quản lý, dự án đầu tư để bảo vệ và phát triển rừng. Thẩm quyền giao đất và phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật không được uỷ quyền cho cấp dưới.

Điều 12.

1. Đối với đất lâm nghiệp là đất trống, đồi núi trọc, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao đất sẽ được giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài và được hưởng chính sách đầu tư, hỗ trợ hợp lý, miễn, giảm thuế theo qui định của pháp luật;

2. Đối với đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên, có rừng trồng, có thảm thực vật cần bảo vệ, hộ gia đình, cá nhân được giao đất phải chịu trách nhiệm theo khế ước trước Nhà nước về vốn rừng, thảm thực vật được giao;

3. Đối với hộ gia đình, cá nhân sinh sống trên địa bàn các khu rừng phòng hộ, khu rừng đặc dụng và trên địa bàn các lâm trường, nông trường, ngư trường quốc doanh, các trạm, trại, xí nghiệp giống lâm nghiệp quốc doanh việc nhận khoán sẽ được thực hiện thông qua ký hợp đồng khoán với các ban quản lý hoặc với các tổ chức đó và đăng ký hợp đồng tại Uỷ ban nhân dân địa phương.

Điều 13. - Hồ sơ giao đất lâm nghiệp gồm có:

1. Đơn xin giao đất lâm nghiệp;

2. Đối với tổ chức thì phải có luận chứng kinh tế kỹ thuật, phương án quản lý, dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đối với hộ gia đình, cá nhân thì phải có phương án quản lý, sử dụng hoặc khế ước được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

3. Bản đồ hoặc sơ đồ tỷ lệ từ 1/5.000 đến 1/25.000 về khu đất lâm nghiệp được giao. Nơi không có bản đồ với tỷ lệ trên, có thể dùng bản đồ tỷ lệ 1/50.000 phóng ra và bổ sung chi tiết ở thực địa. Trên bản đồ phải thể hiện rõ các mốc đánh dấu về diện tích được giao;

4. Quyết định giao đất lâm nghiệp của cấp có thẩm quyền;

5. Biên bản giao, nhận đất lâm nghiệp tại hiện trường;

6. Hồ sơ giao đất lâm nghiệp, phải lưu trữ tại cấp ra quyết định giao đất lâm nghiệp và Uỷ ban nhân dân địa phương nơi có đất lâm nghiệp.

Điều 14. - Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp qui định như sau:

1. Điều kiện cấp giấy sử dụng đất:

a) Có bản đồ địa chính hoặc sơ đồ địa chính tổng quát;

b) Đất được giao phải được cắm mốc trên thực địa, đánh dấu vị trí trên bản đồ và tính được diện tích.

2. Cơ quan quản lý Nhà nước về lâm nghiệp phối hợp với cơ quan quản lý đất đai cùng cấp làm thủ tục giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân;

3. Cơ quan quản lý về đất đai ở địa phương làm thủ tục để cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân;

4. Chi phí cho việc giao đất lâm nghiệp do Ngân sách Nhà nước cấp.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cơ quan quản lý đất đai Trung ương phát hành.

Điều 15. - Người sử dụng đất lâm nghiệp có các quyền lợi và nghĩa vụ sau đây:

1. Quyền lợi:

a) Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

b) Được Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp trên diện tích đất lâm nghiệp được giao;

c) Được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên diện tích đất lâm nghiệp được giao theo luận chứng kinh tế kỹ thuật, phương án quản lý, dự án đầu tư hoặc theo khế ước, theo hợp đồng khoán;

d) Được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong việc bảo vệ và phát triển rừng;

e) Được đền bù, bồi hoàn thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất lâm nghiệp được giao theo thời giá thị trường và hiện trạng của rừng, đất trồng rừng trong trường hợp bị thu hồi theo qui định của pháp luật;

g) Được để thừa kế, chuyển nhượng, thế chấp, chuyển đổi quyền sử dụng đất lâm nghiệp được giao theo quy định của pháp luật;

h) Được miễn hoặc giảm thuế trong trường hợp gây trồng rừng trên đất trống, đồi, núi trọc theo quy định của pháp luật.

2. Nghĩa vụ:

a) Chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc thực hiện các qui định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển đất lâm nghiệp được giao;

b) Đền bù, bồi hoàn theo thời giá cho chủ rừng, đất trồng rừng bị thu hồi để trao cho mình theo quy định của pháp luật;

c) Nộp thuế theo qui định của pháp luật.

Điều 16. - Khen thưởng và xử phạt.

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện qui định này sẽ được xét khen thưởng theo qui định của pháp luật.

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vi phạm qui định này, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị thu hồi toàn bộ hoặc một phần diện tích đất lâm nghiệp được giao; bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định của pháp luật.

Điều 17. - Bộ trưởng các Bộ Lâm nghiệp, Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Thuỷ sản, Tài chính; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi; Tổng cục trưởng Cục Quản lý ruộng đất và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan theo chức năng quyền hạn của mình, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện bản qui định này.

Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành các mẫu khế ước, mẫu hợp đồng khoán để áp dụng thống nhất trong cả nước.

Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý ruộng đất, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện bản qui định này.

Điều 18. - Những quy định trước đây trái với bản quy định này đều bãi bỏ./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.