• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 08/10/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 26/12/2018
BỘ CÔNG THƯƠNG
Số: 24/2009/TT-BCT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 24 tháng 8 năm 2009

THÔNG TƯ

Quy định về công tác quản lý địa bàn

của cơ quan Quản lý thị trường

_______________________

          Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

          Căn cứ Nghị định số 10/CP ngày 23 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Quản lý thị trường, Nghị định số 27/2008/NĐ-CP ngày 13 tháng 03 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/CP;

           Bộ Công Thương quy định về công tác quản lý địa bàn của cơ quan Quản lý thị trường như sau:

 

Chương I

Quy định chung

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định đối tượng, nội dung, phương pháp quản lý địa bàn; trách nhiệm của cơ quan Quản lý thị trường các cấp và công chức quản lý thị trường trong công tác quản lý địa bàn được phân công.  

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan Quản lý thị trường các cấp và công chức quản lý thị trường trong công tác quản lý địa bàn được phân công.                                      

Điều 3. Nguyên tắc quản lý

1. Quản lý địa bàn là nhiệm vụ thường xuyên của Quản lý thị trường nhằm nắm bắt tình hình hoạt đông thương mại, công nghiệp trên địa bàn được phân công về số lượng, tình hình diễn biến thị trường, dấu hiệu vi phạm, phương thức thủ đoạn vi phạm của các tổ chức, cá nhân.

2. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan kiểm tra, kiểm soát và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan nhằm quản lý tốt các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và hoạt động thương mại trên địa bàn được phân công.  

3. Không lợi dụng công tác quản lý địa bàn để gây phiền hà, sách nhiễu và  bảo kê, tiếp tay cho các hành vi vi phạm.

4. Cục Quản lý thị trường thống nhất các loại sổ sách, biểu mẫu thống kê và biểu mẫu báo cáo  phục vụ công tác quản lý các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn và thực hiện quản lý thông tin qua mạng điện tử.

Chương  II

Quy định cụ thể

Điều 4. Đối tượng được quản lý trên địa bàn

Đối tượng đươc quản lý trên địa bàn (sau đây gọi là tổ chức, cá nhân) bao gồm:

1. Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và hoạt động thương mại tại Việt Nam.

2. Hộ kinh doanh; cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và hoạt động  thương mại.

3. Các loại hình doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; các  loại hình Hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã.

4. Văn phòng đại diện, Chi nhánh của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại Việt nam.

5. Địa điểm sản xuất, kinh doanh, giao nhận, kho bảo quản, dự trữ hàng hoá; bến bãi tập kết hàng hoá, cảng hàng không, cảng đường sông, đường biển, ga đường sắt, bưu điện; trung tâm thương mại,cửa hàng miễn thuế, siêu thị, chợ; các loại phương tiện vận chuyển hàng hoá thường xuyên qua địa bàn, các tuyến giao thông vận chuyển hàng hoá qua địa bàn.

Điều 5. Phạm vi quản lý địa bàn

 Phạm vi quản lý địa bàn theo chức năng nhiệm vụ của lực lượng Quản lý thị trường được phân công theo địa giới hành chính.

Điều 6. Nội dung quản lý địa bàn

1. Theo dõi, tổng hợp số liệu, thường xuyên cập nhật thông tin của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại trên địa bàn về  tên, địa chỉ, loại hình kinh doanh, mặt hàng, ngành hàng sản xuất, kinh doanh chủ yếu. Tổ chức theo dõi việc chấp hành pháp luật, tình hình hoạt động của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại trên địa bàn được phân công quản lý theo các tiêu chí quy định tại Điều 8 Thông tư này nhằm phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát và yêu cầu của cơ quan quản lý cấp trên.

2. Lập sổ bộ thống kê, điều tra cơ bản, phân loại các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại trên địa bàn được giao quản lý. Thống kê các kho, bãi xe, cảng hàng không, ga đường sắt, đường thuỷ, trung tâm giao nhận hàng bưu điện, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại và siêu thị, các tuyến phố chuyên doanh, các làng nghề, các tuyến giao thông trên địa bàn được giao quản lý.

3. Kiểm tra, đối chiếu số liệu tình trạng hoạt động của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và việc duy trì các điều kiện phải thực hiện khi kinh doanh.

4. Tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại trên địa bàn được phân công thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại.

5. Tổng hợp và phản ánh kịp thời diễn biến tình hình thị trường, giá cả, đối với các mặt hàng thiết yếu, địa bàn trọng điểm và các biến động bất thường của thị trường.

6. Theo dõi, cập nhật việc chấp hành quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại, việc kiểm tra và xử lý vi phạm các tổ chức, cá nhân nhằm phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện quản lý địa bàn.

7. Tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật theo địa bàn và lĩnh vực được phân công quản lý.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                     8. Đề xuất các biện pháp về công tác quản lý và tổ chức thị trường trên địa bàn và lĩnh vực được phân công quản lý khi phát hiện những khó khăn vướng mắc trong qúa trình thực thi pháp luật.

9. Quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu thông tin về quản lý địa bàn và  thực hiện chế  độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất theo yêu cầu  của cơ quan  quản lý cấp trên.

Điều 7. Phương pháp quản lý địa bàn

1. Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn được phân công để phối hợp quản lý các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại trên địa bàn.

2. Chủ động phối hợp với các cơ quan cấp Giấy phép, cấp Giấy chứng  nhận đăng ký kinh doanh, cơ quan có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trên địa bàn để tổng hợp danh sách, số liệu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại trên địa bàn được phân công quản lý.

3. Thiết lập kênh thông tin để tiếp nhận ý kiến phản ánh của nhân dân về tình hình thị trường và các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại trên địa bàn.

4. Xây dựng cơ sở dữ liệu theo tiêu chí quy định tại Điều 8 Thông tư này.

Điều 8. Xây dựng cơ sở dữ liệu  phục vụ quản lý địa bàn

1. Đội Quản lý thị trường thiết lập cơ sở dữ liệu để quản lý các tổ chức cá nhân, sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại trên địa bàn được phân công.

2. Chi cục Quản lý thị trường tổng hợp số liệu về tổng số các tổ chức, cá nhân đang sản xuất, kinh doanh và  hoạt động thương mại trên địa bàn.

3. Xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý địa bàn theo các tiêu chí sau: 

a) Tên, địa chỉ, loại hình kinh doanh, ngành nghề kinh doanh của từng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại trên địa bàn;

b) Phân loại tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại:

- Phân loại theo cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng miễn thuế, Văn phòng đại diện, Chi nhánh của doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại Điều 4 Thông tư này;

- Phân loại theo quy mô, theo ngành hàng, mặt hàng kinh doanh chủ yếu; mặt hàng kinh doanh có điều kiện và hạn chế kinh doanh (tiêu chí xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 56/2009/NĐ- CP ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa).

4. Việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và trong hoạt động thương mại, thể hiện rõ đã bị lực lượng Quản lý thị trường và các lực lượng khác kiểm tra, xử lý. 

Chương III

Tổ chức thực hiện

Điều 9. Trách nhiệm của Cục Quản lý thị trường

1. Kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý địa bàn của các Chi cục Quản lý thị trường.

2. Tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách, các văn bản hướng dẫn về tổ chức phối hợp giữa các cơ quan chức năng đáp ứng yêu cầu thực tế của công tác quản lý địa bàn.  

Điều 10. Trách nhiệm của Chi cục Quản lý thị trường

1. Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn và phân công các Đội Quản lý thị trường thực hiện công tác quản lý địa bàn. Nắm tình hình hoạt động, cập nhật, tổng hợp dữ liệu, phân loại, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại trên địa bàn được phân công.

2. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định quản lý địa bàn của các Đội Quản lý thị trường.

Điều 11. Trách nhiệm của Đội Quản lý thị trường

1. Phân công công chức Quản lý thị trường quản lý địa bàn, nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại trên địa bàn. 

2. Tổ chức phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn trong việc cung cấp thông tin, tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền. 

3. Lập sổ bộ thống kê, điều tra cơ bản phân loại các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại trên địa bàn được giao quản lý.

Cập nhật sự thay đổi, tăng giảm về số lượng, loại hình, ngành nghề, địa điểm sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại trên địa bàn. Theo dõi việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và  hoạt động thương mại trên địa bàn được phân công quản lý.

4. Kiểm tra công tác quản lý địa bàn của các công chức quản lý thị trường thuộc Đội Quản lý thị trường.

Điều 12. Trách nhiệm của Công chức Quản lý thị trường

1. Thường xuyên bám sát địa bàn được phân công để nắm tình hình hoạt động thương mại của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại trên địa bàn được phân công quản lý.

2. Thực hiện việc quản lý địa bàn theo nội dung quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 8 Điều 6 Thông tư này.

Điều 13. Hiệu lực thi hành

          1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.

          2. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh đến Bộ Công Thương để kịp thời xem xét, điều chỉnh./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Vũ Huy Hoàng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.