• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 11/11/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 15/03/2019
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 35/2006/CT-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 13 tháng 10 năm 2006

CHỈ THỊ

Về việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý

_______________________

 

Luật Trợ giúp pháp lý được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 06 năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2007. Đây là văn bản pháp luật có ý nghĩa quan trọng, thể chế hoá quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước, thể hiện truyền thống đạo lý của dân tộc, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với người nghèo, người được hưởng chính sách ưu đãi về trợ giúp pháp lý, giúp những người này có điều kiện tiếp cận và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong nhân dân, thực hiện dân chủ ở cơ sở.

 

Để tập trung triển khai một số công việc chuẩn bị thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

I. Tổ chức rà soát các văn bản pháp luật hiện hành về trợ giúp pháp lý, đồng thời khẩn trương ban hành các văn bản mới để hướng dẫn thi hành Luật Trợ giúp pháp lý

1. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức việc rà soát các quy định của pháp luật hiện hành về trợ giúp pháp lý để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản pháp luật không còn phù hợp với Luật Trợ giúp pháp lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật. Việc rà soát các văn bản pháp luật trên đây phải được hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2006.

2. Từ nay đến trước khi Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực thi hành cần khẩn trương triển khai xây dựng các văn bản sau:

a) Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý theo hướng thể hiện được đầy đủ, cụ thể, toàn diện, bảo đảm Luật được thi hành có hiệu quả cao trong thực tiễn. Chỉ ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Nghị định theo thẩm quyền trong trường hợp thật sự cần thiết đối với vấn đề không thể đưa vào Nghị định của Chính phủ.

Bộ Tư pháp có trách nhiệm trình Chính phủ Dự thảo Nghị định này trong tháng 10 năm 2006;

b) Bộ Tư pháp xây dựng Đề án Quy hoạch mạng lưới Trung tâm và Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010; xây dựng Chiến lược hoàn thiện, phát triển hoạt động trợ giúp pháp lý đến 2020 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành;

c) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn về tổ chức, biên chế cán bộ và cơ sở vật chất của Trung tâm, Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, hướng dẫn về chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp của Trợ giúp viên pháp lý để thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;

d) Bộ Nội vụ ban hành mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức Trợ giúp viên pháp lý sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Tư pháp;

đ) Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Quỹ trợ giúp pháp lý sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tài chính;

e) Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn chế độ phụ cấp hàng tháng bồi dưỡng đối với cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

3. Để thống nhất hướng dẫn Luật Trợ giúp pháp lý về việc thực hiện trợ giúp pháp lý có liên quan đến hoạt động tố tụng, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an ban hành văn bản hướng dẫn về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, tạo điều kiện thuận lợi để luật sư và Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý khi Luật có hiệu lực thi hành. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng văn bản và hướng dẫn thực hiện văn bản này.

II. Kiện toàn tổ chức, bộ máy trực tiếp làm công tác trợ giúp pháp lý

Việc kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ trực tiếp làm công tác trợ giúp pháp lý để bảo đảm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý là một vấn đề mang tính chất quyết định. Vì vậy, công tác này cần phải được tiến hành khẩn trương, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong năm 2006 và 6 tháng đầu năm 2007 để các tổ chức này thực sự đủ năng lực, phát huy được vai trò nòng cốt trong việc trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý.

1. Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm:

a) Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất, tăng cường năng lực của Cục Trợ giúp pháp lý để Cục làm tốt chức năng tham mưu, hướng dẫn, thông tin, bồi dưỡng nghiệp vụ, chỉ đạo phát triển Trợ giúp viên pháp lý và Cộng tác viên trợ giúp pháp lý trong toàn quốc; kiểm tra chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý và giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý;

b) Kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các công việc về kiện toàn, củng cố Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước, thành lập Chi nhánh của Trung tâm, bổ nhiệm và cấp thẻ Trợ giúp viên pháp lý, bảo đảm ổn định các hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để Luật đi vào cuộc sống khi có hiệu lực. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo nguồn ngân sách nhà nước dành cho công tác trợ giúp pháp lý phải đến đúng các đối tượng được hưởng trợ giúp.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ở địa phương thực hiện các công việc sau:

a) Hoàn thành việc rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ, bảo đảm biên chế, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, tăng cường năng lực cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các Chi nhánh của Trung tâm;

b) Căn cứ vào nhu cầu trợ giúp pháp lý và điều kiện thực tế của địa phương thành lập các Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước nhằm đáp ứng kịp thời, tại chỗ nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân ở các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các phường, xã, thị trấn xa Trung tâm;

c) Rà soát tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý ở địa phương để bảo đảm các tổ chức này hoạt động phù hợp với Luật Trợ giúp pháp lý.

III. Các hoạt động truyền thông về Luật Trợ giúp pháp lý

1. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan ở Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức phổ biến rộng rãi Luật Trợ giúp pháp lý trong cán bộ, nhân dân, đặc biệt chú trọng đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới bằng các hình thức thiết thực, có hiệu quả.

2. Bộ Tư pháp biên soạn tài liệu, có kế hoạch phù hợp và hướng dẫn, chỉ đạo việc tổ chức tập huấn chuyên sâu cho những người trực tiếp làm công tác trợ giúp pháp lý ở Trung tâm và Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, cộng tác viên, luật sư của tổ chức hành nghề luật sư và Tư vấn viên pháp luật của các tổ chức tư vấn pháp luật có đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý để bảo đảm áp dụng thống nhất Luật Trợ giúp pháp lý.

3. Bộ Văn hoá - Thông tin phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, Bộ Tư pháp hướng dẫn các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan thông tấn, báo chí phổ biến, giới thiệu về trợ giúp pháp lý, tổ chức các mục giới thiệu, hỏi đáp pháp luật miễn phí và phối hợp, hỗ trợ giải quyết các vụ việc trợ giúp pháp lý.

4. Báo Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng khác ở Trung ương, địa phương tăng cường giới thiệu nội dung Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành, ưu tiên tổ chức định kỳ các chương trình truyền thông về trợ giúp pháp lý và phối hợp, hỗ trợ giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý.

5. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tích cực phối hợp chuẩn bị triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý; động viên, giới thiệu những người trong tổ chức mình có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý; khuyến khích các Trung tâm tư vấn pháp luật của tổ chức mình đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn, cân đối ngân sách, bảo đảm nguồn kinh phí cần thiết cho việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý và hỗ trợ để Quỹ trợ giúp pháp lý hoạt động có hiệu quả.

2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12 năm 2006 về kết quả chuẩn bị một số công việc để thi hành Luật Trợ giúp pháp lý; định kỳ hàng năm kiểm tra, tổng kết tình hình thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.