• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 11/05/2005
BỘ Y TẾ-BỘ TÀI CHÍNH
Số: 10/2005/TTLT-BYT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 30 tháng 3 năm 2005

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 265/2003/QĐ-TTg ngày 16/12/2003

của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với người bị phơi nhiễm với HIV

hoặc bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp

 

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ, cơ quan ngang Bộ;

 

Căn cứ Quyết định số 265/2003/QĐ-TTg ngày 16/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với người bị phơi nhiễm với HIV hoặc bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp;

Liên tịch Bộ Y tế và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ đối với người bị phơi nhiễm với HIV hoặc bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp quy định tại Quyết định số 265/2003/QĐ-TTg ngày 16/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:

1. Cán bộ, công chức, viên chức, người có hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đang làm việc trong:

1.1. Các cơ sở y tế dân y và lực lượng vũ trang;

1.2. Cơ sở chữa bệnh được thành lập theo quy định tại Điều 26 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02/07/2002;

1.3. Cơ sở cai nghiện ma tuý được thành lập theo quy định của Luật phòng, chống ma tuý ngày 09/12/2000.

2. Cán bộ, chiến sỹ thuộc các lực lượng vũ trang nhân dân, người có hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đang làm việc trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng thuộc Bộ Công an quản lý.

3. Cán bộ, chiến sỹ thuộc các lực lượng vũ trang nhân dân khi thi hành công vụ theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

4. Thành viên tổ công tác cai nghiện quy định tại Điều 11, Nghị định số 56/2002/NĐ-CP ngày 15/05/2002 của Chính phủ về tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, bao gồm:

4.1. Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân cấp xã;

4.2. Cán bộ y tế xã;

4.3. Công an xã;

4.4. Cán sự xã hội (nếu có);

4.5. Đại diện một số Ban, ngành, đoàn thể cấp xã (nếu có).

5. Cán bộ, công chức chuyên trách phòng chống tệ nạn xã hội ở trung ương và địa phương.

6. Học sinh (kể cả học sinh thuộc các trường ngoài công lập) thực tập tại các cơ sở y tế do Nhà nước quản lý (bao gồm cả các cơ sở y tế ngoài công lập).

II. ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC HƯỞNG CHẾ ĐỘ:

1. Các đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 4, 5, 6 mục I trên đây được hưởng các chế độ quy định tại mục III của Thông tư này khi được xác định là bị phơi nhiễm với HIV hoặc nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp theo quy định về điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV của Bộ Y tế.

2. Các đối tượng quy định tại khoản 3 mục I trên đây được hưởng các chế độ quy định tại mục III của Thông tư này khi được xác định là bị phơi nhiễm với HIV hoặc nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi đang thi hành công vụ theo quy định về điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV của Bộ Y tế.

III. CHẾ ĐỘ VÀ TRÁCH NHIỆM CHI TRẢ CÁC CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI BỊ PHƠI NHIỄM VỚI HIV HOẶC BỊ NHIỄM HIV DO TAI NẠN RỦI RO NGHỀ NGHIỆP:

1. Đối với người bị phơi nhiễm với HIV:

1.1. Chế độ được hưởng:

1.1.1. Được xét nghiệm chẩn đoán nhiễm HIV và được điều trị miễn phí các thuốc dự phòng chống lây nhiễm HIV do bác sỹ chỉ định theo quy định của Bộ Y tế;

1.1.2. Được nghỉ việc để điều trị dự phòng trong 20 ngày làm việc. Trong thời gian nghỉ việc được hưởng nguyên lương và phụ cấp khác (nếu có) theo quy định của pháp luật;

1.2. Trách nhiệm bảo đảm thực hiện chế độ cho người bị phơi nhiễm với HIV:

1.2.1. Trường hợp người bị phơi nhiễm với HIV là cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng công an nhân dân, quân nhân, công nhân viên quốc phòng, người có hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động làm việc trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước: Do cơ quan, đơn vị của người bị phơi nhiễm với HIV chịu trách nhiệm chi trả các chế độ theo quy định tại điểm 1.1, khoản 1, mục III của Thông tư này;

1.2.2. Trường hợp người bị phơi nhiễm với HIV là người lao động làm việc trong các cơ sở ngoài công lập: Do chủ sử dụng lao động của người bị phơi nhiễm với HIV chịu trách nhiệm chi trả các chế độ theo quy định tại điểm 1.1, khoản 1, mục III của Thông tư này;

1.2.3. Trường hợp người bị phơi nhiễm với HIV là học sinh, sinh viên: Do cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm chi trả các chế độ theo quy định tại tiết 1.1.1, điểm 1.1, khoản 1, mục III của Thông tư này;

1.2.4. Trường hợp người bị phơi nhiễm với HIV được điều trị bằng các thuốc đặc hiệu, thuốc nâng cao thể trạng miễn phí của các chương trình, dự án được duyệt của cấp có thẩm quyền thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ sử dụng lao động của người bị phơi nhiễm với HIV không phải thanh toán khoản chi phí này.

2. Đối với người bị nhiễm HIV:

2.1. Chế độ được hưởng:

2.1.1 Cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng công an nhân dân, quân nhân, công nhân viên quốc phòng bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp ngoài các chế độ được hưởng theo quy định của Quyết định số 22/2003/QĐ-TTg ngày 30/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với cán bộ, chiến sỹ lực lượng công an nhân dân trực tiếp làm công tác quản lý, giáo dục, chăm sóc, khám chữa bệnh và đấu tranh với đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS và Quyết định số 215/2003/QĐ-TTg ngày 24/10/2003 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng trực tiếp làm công tác quản lý, giáo dục, chăm sóc, khám chữa bệnh hoặc đấu tranh với những đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS, còn được hưởng thêm các chế độ sau:

a) Chế độ trợ cấp một lần ít nhất bằng 30 tháng lương và phụ cấp hiện hưởng (nếu có) ngay sau khi người lao động đã được xác định bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp;

b) Được hưởng chế độ hưu trí nếu đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên (không phụ thuộc vào tuổi đời); không phải giám định khả năng lao động và không phải giảm tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ việc trước tuổi hoặc được hưởng chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của Điều lệ Bảo hiểm Xã hội nếu chưa đủ điều kiện nghỉ hưu;

c) Nếu người nhiễm HIV bị chết thì gia đình hoặc người đại diện hợp pháp của họ được hưởng chế độ tử tuất và các chế độ khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
2.1.2. Đối với học sinh thực tập tại các cơ sở y tế bị nhiễm HIV:

a) Được điều trị miễn phí các bệnh nhiễm trùng cơ hội do HIV gây nên, thuốc đặc hiệu, thuốc nâng cao thể trạng do bác sỹ chỉ định theo quy định của Bộ Y tế;

b) Chế độ trợ cấp một lần ít nhất bằng 30 tháng lương khởi điểm của chuyên ngành được đào tạo ngay sau khi được xác định bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

2.1.3. Đối với người nhiễm HIV thuộc các đối tượng còn lại:

a) Được điều trị miễn phí các bệnh nhiễm trùng cơ hội do HIV gây nên, thuốc đặc hiệu, thuốc nâng cao thể trạng do bác sỹ chỉ định theo quy định của Bộ Y tế;

b) Được nghỉ việc để điều trị các bệnh do HIV gây nên, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp khác (nếu có) trong thời gian điều trị;

c) Được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần ít nhất bằng 30 tháng lương và phụ cấp hiện hành (nếu có) ngay sau khi người lao động đã được xác định bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp;
d) Được tiếp tục bố trí làm công việc phù hợp với sức khoẻ và được hưởng lương, nâng bậc lương, các chế độ chính sách khác theo quy định hiện hành;

đ) Người bị nhiễm HIV có tham gia bảo hiểm xã hội ngoài chế độ được hưởng các chế độ theo quy định tại tiểu tiết a, b, c, d nêu trên còn được hưởng thêm các chế độ sau:

- Đối với người còn khả năng lao động: Được hưởng chế độ trợ cấp bệnh nghề nghiệp hàng tháng với mức giảm khả năng lao động là 61% (không phải giám định khả năng lao động).
- Đối với người bị nhiễm HIV không còn khả năng lao động, phải nghỉ việc được hưởng: Chế độ trợ cấp bệnh nghề nghiệp hàng tháng với mức giảm khả năng lao động là 61% (không phải giám định khả năng lao động) và được hưởng một trong các chế độ sau:

+ Chế độ hưu trí nếu đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên (không phụ thuộc vào tuổi đời); không phải giám định khả năng lao động và không phải giảm tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ việc trước tuổi hoặc chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội 1 lần theo quy định của Điều lệ Bảo hiểm Xã hội nếu chưa đủ điều kiện nghỉ hưu;

- Nếu người bị nhiễm HIV chết thì gia đình hoặc người đại diện hợp pháp của họ được hưởng chế độ tử tuất và các chế độ khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

2.2. Trách nhiệm bảo đảm thực hiện chế độ cho người bị nhiễm HIV:

2.2.1. Cơ quan, đơn vị, chủ sử dụng lao động của người bị nhiễm HIV có trách nhiệm bảo đảm thực hiện chế độ cho người bị nhiễm HIV theo quy định tại:

a) Tiểu tiết a, tiết 2.1.3, điểm 2.1, khoản 2, mục III (đối với các đối tượng không có thẻ Bảo hiểm y tế);

b) Tiểu tiết a, tiết 2.1.1, điểm 2.1, khoản 2, mục III;

c) Tiểu tiết b, c, d, tiết 2.1.3, điểm 2.1, khoản 2, mục III.

2.2.2. Cơ quan Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chi trả các chế độ quy định tại:

a) Tiểu tiết a, tiết 2.1.3, điểm 2.1, khoản 2, mục III (đối với đối tượng có thẻ Bảo hiểm y tế);
b) Tiểu tiết b, c, tiết 2.1.1, điểm 2.1, khoản 2, mục III;

c) Tiểu tiết đ, tiết 2.1.3, điểm 2.1, khoản 2, mục III;

2.2.3. Đối với học sinh thực tập tại các cơ sở y tế do Nhà nước quản lý (bao gồm cả các cơ sở y tế ngoài công lập) đã được xác định bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp sẽ được cơ quan y tế có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp và được sử dụng giấy chứng nhận này để điều trị miễn phí các bệnh nhiễm trùng cơ hội do HIV gây nên, thuốc đặc hiệu, thuốc nâng cao thể trạng do bác sỹ chỉ định theo quy định của Bộ Y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh công lập.

Thủ trưởng cơ sở đào tạo có trách nhiệm bảo đảm thực hiện chế độ cho người bị nhiễm HIV theo quy định tại tiết 2.1.2, điểm 2.1, khoản 2, mục III của Thông tư này.

2.2.4. Trường hợp người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp được điều trị bằng các thuốc đặc hiệu, thuốc nâng cao thể trạng miễn phí của chương trình, dự án được duyệt của cấp có thẩm quyền thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ sử dụng lao động của người bị phơi nhiễm với HIV hoặc nhiễm HIV không phải thanh toán khoản chi phí này.

IV. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN:

1. Đối với các cơ sở công lập:

1.1. Đối với các cơ sở công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên: Thủ trưởng đơn vị sử dụng dự toán ngân sách nhà nước được giao để chi trả chế độ đối với người lao động của đơn vị bị phơi nhiễm với HIV hoặc nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

1.2. Đối với các cơ sở công lập được Nhà nước bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên: Thủ trưởng đơn vị sử dụng dự toán ngân sách nhà nước được giao và nguồn thu được để lại chi của đơn vị theo quy định để chi trả chế độ đối với người lao động của đơn vị bị phơi nhiễm với HIV hoặc nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp;

1.3. Đối các cơ sở công lập tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên: Thủ trưởng đơn vị sử dụng nguồn thu được để lại chi của đơn vị theo quy định để chi trả chế độ đối với người lao động của đơn vị bị phơi nhiễm với HIV hoặc nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

2. Đối với các cơ sở ngoài công lập: Chủ sử dụng lao động sử dụng nguồn kinh phí hoạt động của đơn vị để chi trả chế độ đối với người lao động của đơn vị bị phơi nhiễm với HIV hoặc nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

Kinh phí chi trả được hạch toán vào chi phí của đơn vị.

V. HỒ SƠ, THỦ TỤC CHI TRẢ:

1. Hồ sơ chi trả các chế độ đối với người bị phơi nhiễm với HIV hoặc bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp gồm:

1.1. Bản sao hợp pháp kết quả xét nghiệm chẩn đoán nhiễm HIV âm tính của người bị phơi nhiễm với HIV hoặc nhiễm HIV (có chữ ký đóng dấu của thủ trưởng cơ quan y tế; xét nghiệm chẩn đoán nhiễm HIV này phải được thực hiện sau khi bị phơi nhiễm với HIV chậm nhất là 36 giờ);

1.2. Bản sao hợp pháp kết quả xét nghiệm chẩn đoán nhiễm HIV dương tính sau khi điều trị dự phòng phơi nhiễm của người đó;

1.3. Bản sao hợp pháp biên bản tai nạn rủi ro nghề nghiệp theo mẫu do Bộ Y tế ban hành;

1.4. Bản sao hợp pháp Giấy chứng nhận bị phơi nhiễm HIV hoặc bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp theo mẫu do Bộ Y tế ban hành;

1.5. Các giấy tờ giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

2. Thủ tục và quy trình tiếp nhận hồ sơ giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, chế độ tử tuất được thực hiện theo quy định hiện hành của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

VI. CÔNG TÁC QUẢN LÝ:

1. Hàng năm, cùng với thời gian lập dự toán ngân sách nhà nước, các cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động có trách nhiệm lập dự toán kinh phí chi trả các chế độ cho người bị phơi nhiễm với HIV hoặc nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp; thực hiện quản lý kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách Nhà nước.

2. Trường hợp các cơ quan, đơn vị, cơ sở có trách nhiệm chi trả các chế độ cho người bị phơi nhiễm với HIV hoặc nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp theo quy định tại Quyết định số 265/2003/QĐ-TTg ngày 16/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ được sáp nhập hoặc chia tách thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, cơ sở mới có trách nhiệm chi trả các chế độ cho cán bộ, công chức, người lao động theo đúng quy định tại mục III Thông tư này. Trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản thì thực hiện theo quy định của Luật Phá sản và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

VII. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Liên Bộ để sửa đổi và bổ sung cho phù hợp./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Y tế
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Trần Chí Liêm

Huỳnh Thị Nhân

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.