• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 15/10/2024
BỘ XÂY DỰNG
Số: 17/2000/TT-BXD
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 29 tháng 12 năm 2000

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN PHÂN LOẠI VẬT LIỆU TÍNH VÀO CHI PHÍ TRỰC TIẾP TRONG DỰ TOÁN XÂY LẮP CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

 

Để quản lý thống nhất và chặt chẽ chi phí xây dựng đối với công trình thuộc các Dự án đầu tư và xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước quy định tại Điều 10, 11 và 12 ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ;

Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về xây dựng được quy định tại Nghị định số 15/CP ngày 4/3/1994 của Chính phủ;

Bộ Xây dựng hướng dẫn phân loại vật liệu tính vào chi phí trực tiếp trong dự toán xây lắp công trình xây dựng như sau:

 

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

1- Chi phí vật liệu (bao gồm vật liệu chính, vật liệu phụ) trong đơn giá dự toán xây dựng cơ bản là một phần chi phí trong dự án đầu tư của công trình. Do đặc điểm riêng của sản phẩm xây dựng, việc xác định vật liệu được tính vào chi phí trực tiếp trong dự toán xây lắp công trình xây dựng phải được quy định thống nhất, và phù hợp với đặc điểm, tính chất kỹ thuật, yêu cầu công nghệ của quá trình xây dựng.

2- Hao phí vật liệu bao gồm hao phí vật liệu chính, vật liệu phụ, vật liệu luân chuyển các cấu kiện, bán thành phẩm và các vật liệu khác cho một đơn vị sản phẩm xây dựng xác định trên cơ sở các định mức, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, được quy định phù hợp với công nghệ và điều kiện thực tế thi công công trình.

3- Những loại vật liệu được quy định trong Thông tư này và những loại vật liệu đã quy định trong các tập định mức dự toán xây dựng cơ bản hiện hành, định mức dự toán chuyên ngành được Bộ Xây dựng thoả thuận đều được coi là vật liệu và được tính vào chi phí trực tiếp trong dự toán xây lắp công trình.

4- Tất cả các công trình thuộc các dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước khi lập tổng dự toán, dự toán hạng mục xây lắp phải thực hiện theo các quy định tại Thông tư này.

 

II. QUY ĐỊNH VẬT LIỆU ĐƯỢC TÍNH VÀO CHI PHÍ TRỰC TIẾP TRONG DỰ TOÁN XÂY LẮP CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

 

1. Quy định các loại vật liệu được tính vào chi phí trực tiếp trong dự toán xây lắp công trình.

1.1. Vật liệu xây dựng thông dụng

Các loại vật liệu xây dựng thông dụng như vôi, cát, xi măng, gạch, đá và các loại vật liệu khác cấu thành trong một đơn vị sản phẩm xây dựng đã được quy định trong định mức dự toán XDCB hiện hành, định mức dự toán XDCB chuyên ngành đã được Bộ Xây dựng thoả thuận đều được coi là vật liệu xây dựng và được tính vào chi phí trực tiếp trong dự toán xây lắp công trình.

1.2. Một số loại vật liệu đặc thù được quy định như sau:

1.2.1. Vật liệu đường ống

ống nhựa, ống bê tông thường, và các phụ kiện kèm theo đường ống không phân biệt ống sản xuất trong nước hay ống nhập khẩu, không phân biệt kích thước ống (đường kính ống, chiều dài ống) đều được coi là vật liệu và được tính vào chi phí trực tiếp trong dự toán xây lắp công trình.

ống gang bao gồm gang xám, gang cầu, ống thép và các loại phụ kiện kèm theo, sản xuất trong nước hay nhập khẩu được coi là vật liệu và tính vào chi phí trực tiếp xây lắp theo quy định sau:

- ống dẫn nước và phụ kiện có đường kính < 600mm, ống dẫn dầu, khí và phụ kiện có đường kính < 400mm.

- ống dẫn nước và phụ kiện có đường kính > 600mm, ống dẫn dầu, khí và phụ kiện có đường kính > 400mm được quy về ống và phụ kiện có đường kính bằng 600mm (đối với đường ống dẫn nước) và bằng 400mm (đối với đường ống dẫn dầu, khí) để tính vào chi phí trực tiếp của dự toán xây lắp công trình.

Giá trị chênh lệch ống và phụ kiện có đường kính > 600mm so với đường ống và phụ kiện bằng 600mm (đối với đường ống dẫn nước) và > 400mm so với đường ống có đường kính bằng 400mm (đối với đường ống dẫn dầu, khí) được tính vào sau giá trị dự toán xây lắp trước thuế trong bảng tổng hợp dự toán xây lắp.

ống bê tông áp lực cấp nước các loại và phụ kiện kèm theo sản xuất trong nước hay nhập khẩu được coi là vật liệu và tính vào chi phí trực tiếp xây lắp theo quy định sau:

- ống và phụ kiện có đường kính < 800mm;

- ống và phụ kiện có đường kính >800mm được quy về ống và phụ kiện có đường kính bằng 800mm để tính vào chi phí trực tiếp của dự toán xây lắp công trình;

- Giá trị chênh lệch ống và phụ kiện có đường kính > 800mm với ống và phụ kiện có đường kính bằng 800mm được tính vào sau giá trị dự toán xây lắp trưóc thuế trong bảng tổng hợp dự toán xây lắp (như phụ lục kèm theo Thông tư này);

1.2.2. Kết cấu thép

Kết cấu thép gồm khung, giàn và các kết cấu khác gia công tại hiện trường xây lắp, khi lắp đặt được coi là vật liệu và được tính vào chi phí trực tiếp của dự toán xây lắp công trình;

Các kết cấu thép (tính cho một cấu kiện) đã gia công lắp ráp thành sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh có trọng lượng ( 15 tấn thì được coi là vật liệu và được tính vào chi phí trực tiếp trong dự toán xây lắp công trình;

Kết cấu thép có trọng lượng > 15 tấn được quy về kết cấu thép có trọng lượng bằng 15 tấn để tính vào chi phí trực tiếp của dự toán xây lắp công trình. Giá trị chênh lệch kết cấu thép có trọng lượng > 15 tấn và kết cấu thép có trọng lượng bằng 15 tấn được tính vào sau giá trị dự toán xây lắp trước thuế trong bảng tổng hợp dự toán xây lắp.

1.2.3. Cấu kiện bê tông đúc sẵn

Cấu kiện bê tông đúc sẵn các loại đều được tính vào chi phí trực tiếp trong giá thành xây lắp bao gồm các loại:

- Cọc bê tông cốt thép vuông, tròn các loại.

- Cọc ống có đường kính < 600mm.

- Tấm đan, panel các loại.

- Cột xà dầm nhà các loại.

- Dầm cầu:

Dầm cầu có khẩu độ < 25m, cọc ống có đường kính < 600mm thì được coi là vật liệu và được tính vào chi phí trực tiếp trong dự toán công trình; dầm cầu có khẩu độ > 25m, cọc ống có đường kính > 600mm được quy về dầm cầu có khẩu độ bằng 25m và đường kính ống bằng 600mm để tính vào chi phí trực tiếp của dự toán xây lắp công trình;

Giá trị chênh lệch dầm cầu có khẩu độ > 25m với dầm cầu có khẩu độ bằng 25m và cọc ống bằng 600mm được tính vào sau giá trị dự toán xây lắp trước thuế trong bảng tổng hợp dự toán xây lắp.

1.24. Vật liệu, phụ kiện điện và vật liệu, phụ kiện thông tin

Vật liệu, phụ kiện điện và vật liệu, phụ kiện thông tin sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu được coi là vật liệu và tính vào chi phí trực tiếp của dự toán xây lắp như sau:

1.2.41. Vật liệu và phụ kiện thông tin nối mạng

- Nút ấn các loại (kể cả thông tin và điện lực).

- Rơle tiếp điểm các loại (kể cả thông tin và điện lực).

- Cầu dao điện hạ thế các loại (kể cả thông tin và điện lực).

- Công tắc và phích cắm các loại (kể cả thông tin và điện lực).

- ổ cắm các loại, bộ khoá thẻ từ, điều chỉnh ánh sáng (kể cả thông tin và điện lực).

- Cầu dao chuyển mạch liên động (ATS).

- Đồng hồ đóng cắt đèn đường, tế bào quang điện.

- Sứ cách điện hạ thế các loại.

- Sứ cách điện cao thế các loại.

- Dây cáp điện cao hạ thế, dây dẫn điện cao hạ thế, cáp quang và dây thông tin các loại.

- Dây điện từ các loại.

- Dây cho mạng vi tính các loại.

- Đèn chiếu sáng, đèn chùm, đèn tín hiệu các loại.

- Đồng hồ đo đếm điện các loại (kể cả thông tin và điện lực).

- Tủ, bảng điện dân dụng các loại (trừ tủ, bảng điện trọn bộ trong thiết bị nhập đồng bộ).

- Bóng đèn (bóng đèn huỳnh quang, bóng đèn sợi đốt, bóng đèn Halogen...).

- Dây dẫn điện thông dụng các loại.

- Phụ kiện cứu hoả (đầu báo cháy, báo khói, bình cứu hoả).

- Và các loại vật liệu khác.

1.2.4.2. Phụ kiện điện

- Aptomat có dòng điện < 1000A.

- Khởi động từ dòng điện < 1000A.

- Vỏ tủ điện các loại.

- Vòng móc các loại.

- Khoá treo, khoá néo, khoá đỡ các loại.

- Kẹp đôi, kẹp nối, kẹp rẽ nhánh các loại.

- ống nối, ống nối dây, đầu nối các loại.

- Tạ chống rung, tạ bù các loại.

- Khánh đơn, khánh kép các loại.

- Vòng dập hồ quang các loại.

- Hộp nối cáp, hộp đầu cáp, chụp đầu cáp, hộp đấu dây, giá phối dây các loại (cao và hạ thế).

- ống luồn cáp, bảo hộ cáp các loại.

- Quạt điện dân dụng (không kể quạt bàn).

- Thanh cái đồng, nhôm các loại.

- Đầu cốt đồng các loại.

- Công tắc dòng các loại.

- ống đồng, nhôm, tôn và phụ kiện kèm theo của máy điều hoà nhiệt độ.

- ống thông gió điều hoà trung tâm.

- Lồng thép bảo vệ các loại.

- Acquy của Liên Xô cũ hoặc tương đương về cấu tạo, chất liệu.

- Và các loại vật liệu khác.

1.2.5. Vật liệu và phụ kiện vệ sinh

Vật liệu và phụ kiện vệ sinh sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu được coi là vật liệu và tính vào chi phí trực tiếp của dự toán xây lắp bao gồm:

- Chậu rửa các loại

- Thuyền tắm các loại và phụ kiện (không kể loại chậu tắm có buồng kính bảo vệ).

- Chậu xí xổm, xí bệt các loại.

- Chậu tiểu nam, tiểu nữ các loại.

- Vòi rửa các loại.

- Vòi tắm hương sen các loại.

- Thùng đun nước nóng các loại.

- Phễu thu rác các loại.

- ống kiểm tra.

- Gương soi và các phụ kiện kèm theo (hộp xà phòng, giá khăn, mắc treo quần áo).

- Vòi rửa vệ sinh.

- Bồn chứa nước các dung tích.

- Bộ sấy khô.

- ống nhựa dẫn nước, ống thép tráng kẽm các loại và phụ tùng kèm theo.

- Đồng hồ đo lưu lượng.

- Đồng hồ đo áp lực.

- Nút bịt đầu ống.

- Van cửa, van sả khí, van phao dẫn nước sạch các loại.

- Lồng thép bảo vệ điều hoà.

- Và các loại vật liệu khác.

2. Quy định về giá các loại vật liệu

Giá của các loại vật liệu quy định từ khoản 1.1 đến 1.2 được tính vào chi phí trực tiếp của dự toán xây lắp công trình theo các quy định như sau:

2.1. Các loại vật liệu thông dụng tính vào chi phí trực tiếp được tính giá theo thông báo giá của liên Sở Tài chính Vật giá - Xây dựng địa phương; những loại vật liệu không có trong thông báo giá được tính theo giá bán phù hợp với mặt bằng giá tại thời điểm tính toán.

2.2. Các loại vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài khi tính vào chi phí trực tiếp được tính theo giá nhập khẩu gồm giá mua, chi phí vận chuyển từ cảng hoặc từ nơi mua đến công trình, chi phí lưu kho, lưu bãi tại cảng Việt Nam, chi phí bảo quản, bảo dưỡng tại kho bãi hiện trường, thuế và bảo hiểm. Giá vật liệu nhập khẩu được quy đổi ra tiền Việt Nam theo tỷ giá quy định hiện hành tại thời điểm nhập khẩu.

 

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Thông tư này áp dụng thống nhất trong cả nước, có hiệu lực từ ngày 01/01/2001. Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Đối với công trình xây dựng có khối lượng xây lắp sử dụng các loại vật liệu đặc thù chuyển tiếp từ năm trước sang năm 2001 thì chủ đầu tư và đơn vị nhận thầu xác định khối lượng xây dựng đã thực hiện đến ngày 31/12/2000 và khối lượng xây dựng còn lại thực hiện từ 01/01/2001 để áp dụng việc điều chỉnh dự toán xây lắp theo nguyên tắc sau:

+ Đối với khối lượng xây lắp công trình, hạng mục công trình đã thực hiện đến ngày 31/12/2000 không điều chỉnh các loại vật liệu đặc thù quy định trong Thông tư này;

+ Đối với khối lượng xây lắp công trình, hạng mục công trình thực hiện từ ngày 01/01/2001 thì được điều chỉnh các loại vật liệu đặc thù quy định trong Thông tư này;

Trong quá trình áp dụng, nếu có vướng mắc hoặc chưa phù hợp đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và các chủ đầu tư phản ảnh về Bộ Xây dựng để nghiên cứu giải quyết.

PHỤ LỤC

BẢNG TỔNG HỢP DỰ TOÁN XÂY LẮP

HẠNG MỤC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

 

STT

 

Khoản mục chi phí

 

Cách tính

 

Kết quả

 

I

 

Chi phí trực tiếp

 

 

 

 

 

1

 

Chi phí vật liệu

 

         m

Qj x Djvl + CLvl

        j=1

 

 

VL

 

2

 

Chi phí nhân công

 

 m                       F1      F2

Qj x Djnc(1 +       +       )

 j=1                     h1n     h2n 

 

 

NC

 

3

 

Chi phí máy thi công

 

               m

Qj x Djm

              j=1

 

 

M

 

 

 

Cộng chi phí trực tiếp

 

VL+NC+M

 

T

 

II

 

Chi phí chung

 

P x NC

 

C

 

III

 

Thu nhập chịu thuế tính trước

 

(T+C) x tỷ lệ quy định

 

TL

 

 

 

Giá trị dự toán xây lắp trước thuế

 

(T+C+TL)

 

gxl

 

 

 

Giá trị chênh lệch vật liệu đặc thù

 

n

Qj x (Djvlvt - Djvlc)

        j=1

 

 

CL

 

IV

 

Thuế giá trị gia tăng đầu ra

 

(gxl +CL) x TxlGTGT

 

VAT

 

 

 

Giá trị dự toán xây lắp sau thuế

 

(T+C+TL+CL) + VAT

 

Gxl

 

 

Trong đó

Qj: Khối lượng công tác thứ j

Djvl, Djnc, Djm: Chi phí vật liệu, nhân công, máy thi công trong đơn giá xây dựng của công tác xây lắp thứ j

Djvlvt, Djvlc: Giá của vật liệu đặc thù thứ j với quy cách tương ứng

F1: Các khoản phụ cấp lương (nếu có) tính theo tiền lương tối thiểu mà chưa được tính hoặc chưa đủ trong đơn giá xây dựng.

F2: Các khoản phụ cấp lương (nếu có) tính theo tiền lương tối thiểu mà chưa được tính hoặc chưa đủ trong đơn giá xây dựng

h1n: Hệ số biểu thị quan hệ giữa chi phí nhân công trong đơn giá so với tiền lương tối thiểu của các nhóm lương thứ n

Nhóm I      :   h11 = 2,342

Nhóm II    :    h11 = 2,493

Nhóm III   :    h11 = 2,638

Nhóm IV   :    h11 = 2,796

h2n: Hệ số biểu thị quan hệ giữa chi phí nhân công trong đơn giá so với tiền lương cấp bậc của các nhóm lương thứ n

Nhóm I     :    h11 = 1,378

Nhóm II    :    h11 = 1,370

Nhóm III   :    h11 = 1,363

Nhóm IV   :    h11 = 1,357

P: Định mức chi phí chung (%) theo quy định hiện hành

TL: Thu nhập chịu thuế tính trước (%) theo quy định hiện hành

gXL: Giá trị dự toán xây lắp trước thuế

GXL: Giá trị dự toán xây lắp sau thuế

CLvl: Chênh lệch vật liệu thông dụng (nếu có)

TXLGTGT: Mức thuế suất thuế giá trị gia tăng quy định cho công tác xây dựng, lắp đặt.

VAT: Tổng số thuế giá trị gia tăng đầu ra (gồm thuế giá trị gia tăng đầu vào để trả khi mua các loại vật tư, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng... và phần thuế giá trị gia tăng mà doanh nghiệp xây dựng phải nộp).

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Hồng Quân

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.