• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 27/01/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 18/09/2013
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 343/2005/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 26 tháng 12 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hoá chất Việt Nam đến năm 2010 (có tính đến năm 2020)

____________________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Bộ Công nghiệp tại các công văn số 3034/CV-CLH ngày 10 tháng 06 năm 2005, số 552/CV-CLH ngày 13 tháng 10 năm 2005 và ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hoá chất Việt Nam đến năm 2010 (có tính đến năm 2020), với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu phát triển đến năm 2010:

a) Xây dựng ngành công nghiệp hoá chất có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, bao gồm các lĩnh vực chủ yếu như phân bón, cao su kỹ thuật và tiêu dùng, hoá chất cơ bản (kể cả hữu cơ và vô cơ), hoá dầu, hoá chất tinh khiết, hóa dược, hoá chất tiêu dùng đáp ứng nhu cầu trong nước, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

b) Từng bước xây dựng ngành công nghiệp hoá chất hiện đại, bước đầu hình thành các khu công nghiệp tập trung, các tổ hợp sản xuất hoá chất có quy mô lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực.

c) Phấn đấu đạt tốc độ phát triển 16 - 17%/năm. Tỷ trọng của công nghiệp hoá chất trong cơ cấu công nghiệp toàn quốc đạt 10 - 11% vào năm 2010 và 13 - 14% vào năm 2020.

Các mục tiêu cụ thể:

Các sản phẩm phân bón: đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị đối với các nhà máy sản xuất phân lân, phân NPK, phân hữu cơ sinh học, phát triển đa dạng các loại phân hỗn hợp, nâng cao hàm lượng dinh dưỡng, phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu. Tập trung vốn đầu tư các nhà máy sản xuất phân đạm từ khí thiên nhiên và từ than, một số nhà máy sản xuất NPK theo công nghệ tiên tiến, nhà máy sản xuất DAP. Đảm bảo cung ứng được 6 - 7 triệu tấn phân bón các loại/năm cho sản xuất nông nghiệp.

Các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV): áp dụng công nghệ gia công tiên tiến, tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường, phấn đấu đến năm 2010 sản xuất và gia công được 100% nhu cầu các hoá chất BVTV.

Các sản phẩm hoá dầu: theo chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đã được phê duyệt, đáp ứng nguyên liệu cho sản xuất các loại nhựa polyethylene (PE), polypropylene (PP), polystyrene (PS), polychlorvinyl (PVC), đảm bảo 50% nhu cầu chất dẻo của cả nước. Đáp ứng nguyên liệu cho sản xuất sợi polyamid (PA), polyeste (PES), các loại thuốc nhuộm phục vụ công nghiệp dệt - may, đồng thời đáp ứng nguyên liệu cho sản xuất muội than, keo dán, chất hoạt động bề mặt, một số hoá chất hữu cơ cơ bản, các sản phẩm cao su tổng hợp, các dung môi cho sản phẩm sơn,....

Các sản phẩm hoá chất vô cơ cơ bản: đảm bảo đủ axit sulfuric, axit photphoric cho sản xuất phân lân, phân DAP và các ngành kinh tế khác. Đầu tư cơ sở sản xuất xút và soda nhằm phục vụ sản xuất PVC, các chất tẩy rửa tổng hợp và các mặt hàng khác như giấy, alumin. Sản xuất axit nitric để sản xuất thuốc nổ phục vụ cho khai thác mỏ và an ninh quốc phòng. Sản xuất các loại oxyt cho công nghiệp gốm sứ, bột màu cho sơn, nhuộm và các ngành công nghiệp khác.

Các sản phẩm điện hoá: đầu tư chiều sâu các cơ sở sản xuất hiện có, mở rộng năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dân dụng và phục vụ các ngành công nghiệp, tiếp cận với công nghệ mới để có thể sản xuất các sản phẩm có yêu cầu công nghệ cao, nhất là nguồn điện cho thiết bị điện tử, điện thoại. Phát triển công nghệ chống ăn mòn, công nghệ bảo vệ điện hoá, công nghệ sản xuất các vật liệu phủ chống ăn mòn.

Các sản phẩm khí công nghiệp: bảo đảm cung cấp đủ các loại khí công nghiệp thông thường cho nhu cầu sản xuất trong nước. Tiếp cận với công nghệ cao để đầu tư các cơ sở sản xuất khí hiếm phục vụ nhu cầu trong nước, giảm tỷ lệ nhập khẩu.

Các sản phẩm cao su: đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị hiện có tại các cơ sở sản xuất cao su trong cả nước. Tập trung đổi mới thiết bị và công nghệ để sản xuất lốp ô tô theo công nghệ radian. Đầu tư sản xuất mới mặt hàng cao su kỹ thuật như băng tải cao su công nghiệp, ống dẫn cao su trong y tế, joăng, đệm, phớt, dây curoa và một số sản phẩm khác.

Các sản phẩm chất tẩy rửa: đáp ứng toàn bộ nhu cầu về sản lượng bột giặt, kem giặt, xà phòng thơm, nước cọ rửa,... cho thị trường trong nước. Đa dạng hoá các loại sản phẩm phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng và thị trường. Sản phẩm sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế, có khả năng cạnh tranh cao.

Các sản phẩm sơn: bảo đảm nhu cầu các loại sơn thông dụng có chất lượng cao cho nhu cầu trong nước. Tiếp cận với công nghệ mới để sản xuất các loại sơn chất lượng cao, sơn đặc chủng. Phát triển công nghệ sạch trong ngành sơn: Sơn sử dụng dung môi nước, sơn có hàm lượng chất rắn cao,....

Các sản phẩm hoá dược: đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật ban đầu cho các cơ sở công nghiệp hoá dược. Đảm bảo cung cấp phần lớn hoá dược vô cơ và tá dược thông thường. Trước mắt, xây dựng một số cơ sở sản xuất hoá dược hữu cơ phục vụ sản xuất và bào chế các loại thuốc thiết yếu. Sau năm 2010, ứng dụng và phát triển sản xuất hoá dược bằng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ gen.

2. Quy hoạch phát triển các sản phẩm

a) Các sản phẩm phân bón:

- Giai đoạn đến hết năm 2010: đầu tư nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 560.000 tấn/năm. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhà máy đạm từ khí tại Cà Mau, công suất 800.000 tấn/năm. Đầu tư nhà máy sản xuất DAP tại Đình Vũ, Hải Phòng. Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất NPK theo công nghệ tổng hợp có công suất 300.000 tấn/năm. Sản xuất supe phốt phát giàu với hàm lượng P2O5 từ 28 - 32%. Đầu tư hai nhà máy sản xuất phân bón sunphát amon với công suất tổng cộng 200.000 tấn/năm.

- Giai đoạn 2011 - 2020: nghiên cứu khả năng đầu tư nhà máy thứ hai sản xuất DAP.

b) Các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật:

- Giai đoạn đến hết năm 2010: đầu tư công nghệ thiết bị để đổi mới công nghệ gia công, sản xuất an toàn và sạch với môi trường. Tổng công suất các dạng gia công mới khoảng 10.000 - 15.000 tấn/năm. Đầu tư thêm hai nhà máy sản xuất hoạt chất công suất khoảng 3.000 tấn/năm và một nhà máy sản xuất chất hoạt động bề mặt công suất 7.000 - 10.000 tấn/năm.

- Giai đoạn từ 2011 - 2020: chọn lọc một số công nghệ thích hợp trong lĩnh vực công nghệ sinh học để triển khai sản xuất ở quy mô lớn hơn.

c) Các sản phẩm hoá dầu: theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam đã được phê duyệt:

- Giai đoạn đến hết năm 2010, hình thành ba cụm công nghiệp lọc - hóa dầu, bao gồm:

+ Cụm công nghiệp lọc - hoá dầu Dung Quất: nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy sản xuất PP, nhà máy sản xuất LAB (nguyên liệu cho bột giặt).

+ Cụm công nghiệp sử dụng khí tại Phú Mỹ.

+ Cụm công nghiệp sử dụng khí Tây Nam.

Xây dựng nhà máy lọc dầu số 2 và các nhà máy sản xuất PP, sản xuất PTA cung cấp cho sản xuất xơ/sợi PET. Nâng công suất của nhà máy sản xuất chất hoá dẻo dibutylphthalat (DOP) từ 30.000 tấn/năm lên 75.000 tấn/năm.

- Giai đoạn từ 2011 - 2020: đầu tư mở rộng sản xuất chất hoạt động bề mặt LAB. Nghiên cứu hình thành tổ hợp cracker lỏng có công suất 600.000 tấn/năm, từ tổ hợp này có thể tạo ra các loại nhựa PE, PP, PVC, PTA và PET.

d) Các sản phẩm hoá chất cơ bản:

Phát triển những cụm nhà máy lớn, gắn với quy hoạch xây dựng các vùng nguyên liệu hoặc các hộ tiêu thụ chính. Đầu tư dự án sản xuất xút, phục vụ cho sản xuất PVC, boxit nhôm, giấy,... Đẩy mạnh việc sản xuất các loại hoá chất số lượng nhỏ, hoá chất tinh và tinh khiết, bao gồm việc nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có và đa dạng hoá sản phẩm. Phát triển khai thác các loại tài nguyên như đá vôi, quặng apatit, quặng boxit, quặng imenhit, nước biển, muối mỏ kali... phục vụ sản xuất hoá chất cơ bản. Nhập kỹ thuật để sản xuất các loại hoá chất cơ bản đòi hỏi công nghệ phức tạp.

đ) Các sản phẩm điện hoá:

- Giai đoạn đến hết năm 2010: nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nâng sản lượng ắc quy lên 1,5 đến 1,9 triệu KWh/năm. Tăng sản lượng pin truyền thống lên đạt 500 - 800 triệu viên/năm. Nghiên cứu sản xuất một số loại pin chuyên dụng cao cấp.

- Giai đoạn từ 2011 - 2020: nghiên cứu để phát triển và nâng cao chất lượng các nguồn điện mới, phục vụ cho các yêu cầu của thị trường về nguồn điện sạch, như các loại pin Ion-Li, ắc quy cho ôtô điện và ôtô lai điện.

e) Các sản phẩm khí công nghiệp:

- Giai đoạn đến hết năm 2010: tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế cùng đầu tư phát triển các sản phẩm khí công nghiệp, đặc biệt là oxy và nitơ vì các sản phẩm này rất đa dạng về cấp chất lượng. Tranh thủ thu hút vốn đầu tư nước ngoài để sản xuất các loại khí hiếm đòi hỏi công nghệ cao và vốn đầu tư lớn.

Đầu tư mở rộng sản xuất một số nhà máy hiện có đồng thời đầu tư nhà máy sản xuất nitơ lỏng đi kèm với dự án điện - đạm Cà Mau, nhà máy sản xuất oxy - nitơ lỏng đi kèm với dự án điện - đạm Phú Mỹ, nhà máy sản xuất khí công nghiệp tại phía Bắc.

- Giai đoạn từ 2011 - 2020: đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất khí hiếm để có thể xuất khẩu.

g) Các sản phẩm cao su:

- Giai đoạn đến hết năm 2010: tập trung đổi mới thiết bị và công nghệ cho các nhà máy sản xuất săm lốp ô tô theo công nghệ radian. Đầu tư mở rộng nâng công suất để có năng lực sản xuất 2,3 triệu lốp ô tô/năm. Đầu tư xây dựng một số nhà máy sản xuất nguyên liệu như dây tanh, sợi bố thép và than đen. Xây dựng nhà máy sản xuất cao su kỹ thuật: băng tải, dây cuaroa và nhà máy sản xuất lốp ô tô có công suất 2 - 3 triệu bộ/năm, nhà máy sản xuất các sản phẩm cao su từ mủ latex tự nhiên như găng tay cao su, ống dẫn cao su dùng trong y tế và công nghiệp.

- Giai đoạn từ 2011 - 2020: phát triển mạnh sản xuất các sản phẩm lốp ôtô theo công nghệ radian với quy mô lớn và các sản phẩm khác như băng tải cao su, dây curoa... theo công nghệ hiện đại, bảo đảm chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu.

h) Các sản phẩm chất tẩy rửa:

- Giai đoạn đến hết năm 2010: đáp ứng đủ toàn bộ nhu cầu về bột giặt, kem giặt, xà phòng thơm, nước cọ rửa cho thị trường trong nước. Đầu tư một nhà máy LAB công suất 30.000 tấn/năm cung cấp cho các cơ sở sản xuất LAS. Nghiên cứu đầu tư một hoặc hai nhà máy sản xuất hoá mỹ phẩm cao cấp.

- Giai đoạn từ 2011 - 2020: trên cơ sở phát triển của công nghiệp hoá dầu, nghiên cứu sản xuất một số chủng loại chất hoạt động bề mặt khác.

i) Các sản phẩm sơn:

- Giai đoạn đến hết năm 2010: chủ yếu đầu tư mở rộng, đồng thời đầu tư mới cho sơn công nghiệp và sơn đặc chủng như sơn cách điện, sơn tầu thuỷ, sơn giao thông,... Lựa chọn sản phẩm theo xu thế: giảm độc tố chì, đi dần vào sơn bột, phát triển sơn điện di, sơn nhũ tương. Tập trung đầu tư 1 - 2 cơ sở sản xuất để sản xuất nhựa alkyd, nhựa acrylic, nhựa epoxy và một số loại nhựa khác cho ngành sản xuất sơn.

- Giai đoạn từ 2011 - 2020: đầu tư một số cơ sở chuyên sản xuất các loại sơn có chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

k) Các sản phẩm hoá dược:

- Giai đoạn đến hết năm 2010: đầu tư công nghệ hiện đại, đổi mới trang thiết bị và quản lý để ngành công nghiệp dược từng bước đáp ứng nguồn nguyên liệu làm thuốc. Xây dựng cơ sở sản xuất kháng sinh và hoá dược. Từ nay đến năm 2010, đầu tư nhà máy sản xuất hoá dược vô cơ và tá dược thông thường, nhà máy chiết xuất dược liệu và bán tổng hợp, nhà máy liên doanh sản xuất hoá dược, nhà máy liên doanh tá dược cao cấp và nhà máy sản xuất thuốc kháng sinh.

- Giai đoạn từ 2011 - 2020: tập trung vào các hướng sau: kháng sinh và kháng khuẩn, các vitamin, các thuốc hạ nhiệt giảm đau, các thuốc tim mạch, tiểu đường, các thuốc phòng dịch. Trên cơ sở phát triển công nghiệp hoá chất và hoá dầu, tăng cường các cơ sở sản xuất hoá chất trung gian cho công nghiệp dược, đồng thời phục vụ cho sản xuất thuốc thú y, chất điều hoà sinh trưởng.

3. Các dự án đầu tư chủ yếu của ngành công nghiệp hoá chất

Các dự án đầu tư chủ yếu được nêu trong phụ lục kèm theo quyết định này.

4. Hệ thống các giải pháp và chính sách thực hiện quy hoạch

Để bảo đảm đầu tư tập trung, hiệu quả, căn cứ theo cơ cấu sản phẩm và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, chia các sản phẩm hoá chất thành ba nhóm như sau:

- Nhóm các sản phẩm mà nhà nước cần trực tiếp đầu tư (nhóm I), gồm: sản xuất phân đạm, phân lân (kể cả DAP), sản xuất các chế phẩm bảo vệ thực vật, sản xuất các sản phẩm hoá dầu, sản xuất các loại hoá chất cơ bản với số lượng lớn, khai thác nguyên liệu phục vụ sản xuất phân bón.

- Nhóm các sản phẩm cần nhà nước ưu đãi đầu tư (nhóm II), gồm: sản xuất các loại dược liệu, sản xuất các sản phẩm cao su, khai thác và chế biến các loại nguyên liệu khác, sản xuất một số loại hoá chất cơ bản khác phục vụ sản xuất công nghiệp.

- Nhóm các sản phẩm khác (nhóm III), gồm: sản xuất các sản phẩm phân bón NPK, phân hữu cơ vi sinh, sản xuất các sản phẩm điện hoá, sản xuất các sản phẩm khí công nghiệp, sản xuất các sản phẩm chất tẩy rửa, sản xuất các sản phẩm sơn, sản xuất các sản phẩm hoá chất khác.

a) Các giải pháp về tài chính, tín dụng: giải pháp chung về tài chính và tín dụng là khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế đầu tư phát triển ngành công nghiệp hoá chất theo khả năng có thể. Có các ưu đãi cụ thể và ổn định nhằm tạo ra môi trường hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Vốn nhà nước được tập trung cho những công trình trọng điểm.

b) Các giải pháp về thị trường: hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu sản phẩm kém chất lượng, không an toàn, gây ô nhiễm hoặc hoá chất có tác hại đến sức khoẻ cộng đồng. Tăng cường chống hàng nhái, hàng giả và hàng nhập lậu. Thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, các đoàn công tác của Chính phủ giúp các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường và bạn hàng xuất khẩu.

c) Các giải pháp về thu hút đầu tư nước ngoài: tạo ra môi trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, tập trung vào lĩnh vực xuất khẩu và công nghệ cao. Tạo ra nhiều cơ hội, có những ưu đãi ổn định để thu hút vốn vào các ngành được xếp vào nhóm II.

d) Các giải pháp về khoa học - công nghệ: thực hiện một số chương trình, dự án khoa học - công nghệ (KHCN) trọng điểm về phân bón, khai thác sử dụng có hiệu quả quặng apatit, các sản phẩm cao su, các sản phẩm hoá dầu, công nghệ về nguồn điện hoá và công nghệ về hoá chất bảo vệ thực vật. Tạo lập thị trường KHCN, tổ chức tốt công tác nghiên cứu triển khai và mạng lưới các tổ chức nghiên cứu triển khai ba tầng: nghiên cứu cơ bản tại các trường đại học và các viện nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu triển khai công nghệ ở cấp tổng công ty và nghiên cứu áp dụng và hoàn thiện các công nghệ được chuyển giao tại các doanh nghiệp.

Trong việc triển khai các dự án, chương trình KHCN, cần đặc biệt chú ý tới các giải pháp về môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.

đ) Các giải pháp về tổ chức quản lý: tăng cường vai trò quản lý nhà nước của các Bộ, ngành đối với nhóm sản phẩm nhậy cảm là phân bón,thuốc BVTV và các sản phẩm hoá dược. Sắp xếp, đổi mới hoạt động đối với các doanh nghiệp nhà nước thuộc nhóm III và một số doanh nghiệp thuộc nhóm II.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

- Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hoá chất Việt Nam đến năm 2010 (có tính đến năm 2020).

- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công nghiệp xây dựng các chính sách tài chính ưu đãi đặc thù cho các sản phẩm thuộc nhóm I và các dự án hoá chất cơ bản, cao su thuộc nhóm II có quy mô của dự án đầu tư thuộc nhóm A.

- Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Dược Việt Nam và Tổng công ty Hoá chất Việt Nam xây dựng kế hoạch phát triển ngành hoá dược.

- Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Công nghiệp xây dựng các phương án phát triển giao thông vận tải đồng bộ phục vụ cho ngành công nghiệp hoá chất gồm cả vận tải nguyên nhiên liệu, sản phẩm, thiết bị phục vụ cho nhà máy trong quá trình xây dựng.

- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Thương mại, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Y tế, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Quỹ hỗ trợ phát triển... theo chức năng được giao, phối hợp để xử lý theo đề xuất của cơ quan chủ trì.

- Tổng công ty Hoá chất Việt Nam chịu trách nhiệm xây dựng các kế hoạch chi tiết phát triển các nhóm sản phẩm phân bón, hoá chất bảo vệ thực vật, cao su, điện hoá, khí công nghiệp, sản phẩm chất tẩy rửa, sơn.

- Tổng công ty Dầu khí Việt Nam chịu trách nhiệm xây dựng các kế hoạch chi tiết phát triển sản phẩm phân đạm từ khí, đồng thời phối hợp với Tổng công ty Hoá chất Việt Nam và các cơ quan liên quan phát triển các sản phẩm hoá dầu.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương cụ thể hoá quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố cho phù hợp.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan trực thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.