• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 18/05/2009
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 58/2005/QĐ-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 7 tháng 11 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Ban hành Quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật

và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

 

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14 tháng 06 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 04 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2006.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Thủ trưởng các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

QUY ĐỊNH

 

về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường

phương tiện giao thông đường sắt

(Ban hành kèm theo Quyết định số 58/2005/QĐ-BGTVT ngày 07/11/2005

của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Văn bản này quy định việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các loại phương tiện giao thông đường sắt nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, hoán cải, phục hồi và trong quá trình khai thác trên mạng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia.

2. Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến thiết kế, nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, hoán cải, phục hồi và khai thác phương tiện giao thông đường sắt.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Phương tiện giao thông đường sắt (sau đây gọi tắt là phương tiện) là đầu máy, toa xe, toa xe động lực, phương tiện chuyên dùng di chuyển trên đường sắt.

2. Toa xe động lực là toa xe có lắp động cơ để tự di chuyển trên đường sắt.

3. Phương tiện chuyên dùng là ôtô ray, goòng máy, cần trục, máy chèn đường, máy kiểm tra đường và phương tiện khác có thể di chuyển trên đường sắt.

4. Tổng thành là động cơ Diesel, máy phát điện chính, động cơ điện kéo, giá chuyển hướng, van hãm, bộ móc nối đỡ đấm.

5. Hệ thống là hệ thống hãm, hệ thống truyền động, hệ thống điện.

6. Hoán cải là việc thay đổi tính năng sử dụng của phương tiện hoặc thay đổi cấu tạo và đặc tính kỹ thuật khác với thiết kế ban đầu đối với động cơ Diesel, động cơ điện kéo, giá chuyển hướng, hệ thống hãm, bộ móc nối, đỡ đấm.

7. Sản phẩm là phương tiện hoặc tổng thành, hệ thống.

8. Cơ sở thiết kế là tổ chức có tư cách pháp nhân, có đăng ký kinh doanh ngành nghề thiết kế phương tiện giao thông đường sắt phù hợp với các quy định hiện hành.

9. Cơ sở sản xuất là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, hoán cải, phục hồi, sửa chữa phương tiện có đủ điều kiện theo quy định hiện hành.

Chương II

KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN KỸ THUẬT

VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 3. Căn cứ để kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường

Căn cứ để kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt (sau đây gọi tắt là kiểm tra) bao gồm:

1. Các tiêu chuẩn, quy định, quy trình, quy phạm kỹ thuật hiện hành;

2. Hồ sơ thiết kế hoặc hồ sơ kỹ thuật.

Điều 4. Loại hình kiểm tra

1. Kiểm tra sản phẩm nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp;

2. Kiểm tra sản phẩm hoán cải, phục hồi;

3. Kiểm tra định kỳ phương tiện.

Điều 5. Hồ sơ thiết kế

Hồ sơ thiết kế được cơ sở sản xuất hoặc cơ sở thiết kế lập thành 03 bộ gửi tới cơ quan đăng kiểm để thẩm định.

1. Đối với phương tiện sản xuất, lắp ráp, hồ sơ thiết kế gồm có:

a) Bản vẽ kỹ thuật:

- Bản vẽ tổng thể của phương tiện;

- Bản vẽ lắp đặt tổng thành, hệ thống;

- Bản vẽ và thông số kỹ thuật của tổng thành, hệ thống sản xuất trong nước;

- Bản thông số kỹ thuật của tổng thành, hệ thống nhập khẩu.

b) Bản thuyết minh, tính toán:

- Thuyết minh đặc tính kỹ thuật cơ bản của phương tiện;

- Tính toán động lực học: tính êm dịu vận hành, tính an toàn chống lật và chống trật bánh;

- Tính toán sức kéo (áp dụng đối với đầu máy, toa xe động lực hoặc phương tiện động lực khác);

- Tính toán kiểm nghiệm sức bền của bệ xe, thân toa xe và giá xe của đầu máy hoặc phương tiện động lực;

- Tính toán kiểm nghiệm hãm.

2. Đối với tổng thành sản xuất, lắp ráp, hồ sơ thiết kế gồm có:

a) Bản vẽ tổng thể của sản phẩm;

b) Bản thuyết minh đặc tính kỹ thuật của sản phẩm.

3. Đối với phương tiện hoán cải, hồ sơ thiết kế gồm có:

a) Bản vẽ tổng thể của phương tiện trước và sau hoán cải;

b) Tài liệu kỹ thuật của tổng thành, hệ thống được sử dụng để hoán cải;

c) Bản thuyết minh, tính toán liên quan đến nội dung hoán cải.

Điều 6. Thẩm định thiết kế

1. Việc thẩm định hồ sơ thiết kế được thực hiện đối với các sản phẩm trước khi sản xuất, lắp ráp lần đầu hoặc hoán cải.

2. Thẩm định thiết kế là việc xem xét, đối chiếu các nội dung của hồ sơ thiết kế sản phẩm với các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành. Việc thẩm định thiết kế được thực hiện trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp phải kéo dài thời gian thẩm định do yêu cầu bổ sung hồ sơ thiết kế thì cơ quan đăng kiểm thông báo bằng văn bản cho cơ sở thiết kế.

3. Sau khi thẩm định, hồ sơ thiết kế được chuyển tới cơ sở thiết kế, chủ phương tiện và lưu trữ tại cơ quan đăng kiểm.

Điều 7. Kiểm tra sản phẩm sản xuất, lắp ráp

1. Hồ sơ kỹ thuật sử dụng trong quá trình kiểm tra bao gồm:

a) Hồ sơ thiết kế của sản phẩm đã được cơ quan đăng kiểm thẩm định;

b) Chứng chỉ chất lượng (đối với sản phẩm yêu cầu phải có chứng nhận chất lượng) hoặc tài liệu kỹ thuật liên quan của tổng thành, hệ thống được sử dụng để sản xuất, lắp ráp sản phẩm;

c) Hồ sơ kiểm tra và nghiệm thu sản phẩm của cơ sở sản xuất.

2. Nội dung kiểm tra

a) Đối với phương tiện: kiểm tra theo nội dung quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Quy định này.

b) Đối với tổng thành: kiểm tra theo tiêu chuẩn hiện hành và đối chiếu các thông số kỹ thuật với hồ sơ thiết kế đã thẩm định.

3. Phương thức kiểm tra

a) Đối với phương tiện: kiểm tra từng sản phẩm.

b) Đối với tổng thành: kiểm tra 01 sản phẩm bất kỳ của lô sản phẩm.

Điều 8. Kiểm tra phương tiện hoán cải

1. Hồ sơ kỹ thuật sử dụng trong quá trình kiểm tra bao gồm:

a) Hồ sơ thiết kế hoán cải phương tiện đã được cơ quan đăng kiểm thẩm định;

b) Chứng chỉ chất lượng (đối với sản phẩm yêu cầu phải có chứng nhận chất lượng) hoặc tài liệu kỹ thuật liên quan của tổng thành, hệ thống được sử dụng để hoán cải phương tiện;

c) Hồ sơ kiểm tra và nghiệm thu phương tiện của cơ sở sản xuất.

2. Nội dung kiểm tra gồm xem xét, đánh giá chất lượng phương tiện hoán cải theo quy định, tiêu chuẩn hiện hành và hồ sơ thiết kế hoán cải đã được cơ quan đăng kiểm thẩm định.

3. Phương thức kiểm tra: kiểm tra từng phương tiện.

Điều 9. Kiểm tra phương tiện nhập khẩu

1. Hồ sơ kỹ thuật sử dụng trong quá trình kiểm tra bao gồm:

a) Thỏa thuận kỹ thuật của hợp đồng nhập khẩu;

b) Tài liệu giới thiệu đặc tính kỹ thuật của phương tiện;

c) Chứng chỉ chất lượng xuất xưởng hợp thức của nhà sản xuất hoặc của tổ chức kiểm tra chất lượng có thẩm quyền của nước ngoài được Đăng kiểm Việt Nam thừa nhận.

2. Nội dung kiểm tra

Kiểm tra theo nội dung quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Quy định này

3. Phương thức kiểm tra

Kiểm tra từng phương tiện.

Điều 10. Kiểm tra định kỳ đối với phương tiện

1. Thời điểm kiểm tra

Kiểm tra định kỳ được thực hiện cùng với thời điểm phương tiện đưa vào sửa chữa định kỳ, cụ thể như sau:

a) Đối với đầu máy, toa xe động lực là kỳ sửa chữa cấp đại tu, cấp ky, cấp 2 và cấp 3;

b) Đối với toa xe là kỳ sửa chữa cấp đại tu và cấp niên tu;

c) Đối với phương tiện chuyên dùng được thực hiện theo chu kỳ 12 tháng.

2. Hồ sơ kỹ thuật sử dụng trong quá trình kiểm tra bao gồm:

a) Lý lịch kỹ thuật của phương tiện;

b) Hồ sơ kiểm tra và nghiệm thu phương tiện của cơ sở sản xuất.

3. Nội dung kiểm tra theo quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Quy định này.

Điều 11. Kiểm tra bất thường

Kiểm tra bất thường được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khi có khiếu nại về chất lượng sản phẩm.

Điều 12. Cấp và sử dụng giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường

1. Việc cấp giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường được thực hiện như sau:

a) Sản phẩm được kiểm tra theo quy định tại Điều 4 của Quy định này và hồ sơ thiết kế được thẩm định nếu thỏa mãn các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành thì cơ quan đăng kiểm cấp giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là giấy chứng nhận) theo mẫu tương ứng tại Phụ lục 2 kèm theo Quy định này;

b) Sau khi kết thúc kiểm tra, việc cấp giấy chứng nhận được thực hiện trong phạm vi 01 ngày đối với phương tiện kiểm tra định kỳ, 03 ngày đối với phương tiện nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, hoán cải.

2. Việc sử dụng giấy chứng nhận được thực hiện như sau:

a) Giấy chứng nhận tổng thành sản xuất, lắp ráp được cấp cho cơ sở sản xuất để cho phép sử dụng, lắp ráp trên phương tiện.

b) Giấy chứng nhận cấp cho phương tiện được sử dụng để làm thủ tục đăng ký và lưu hành phương tiện.

c) Chủ phương tiện, chủ khai thác phương tiện có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn giấy chứng nhận và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nghiêm cấm việc sửa chữa và tẩy xóa giấy chứng nhận đã cấp.

3. Hiệu lực của giấy chứng nhận và việc thu hồi giấy chứng nhận:

a) Giấy chứng nhận của cơ quan đăng kiểm cấp cho phương tiện sẽ tự mất hiệu lực khi phương tiện bị tai nạn.

b) Cơ quan đăng kiểm thực hiện việc thu hồi giấy chứng nhận khi chủ phương tiện, chủ khai thác phương tiện không thực hiện đầy đủ các quy định của tiêu chuẩn, quy định, quy phạm và quy trình kỹ thuật hiện hành trong bảo dưỡng, sửa chữa và khai thác phương tiện.

4. Cơ quan đăng kiểm lưu trữ hồ sơ đăng kiểm trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm

Cục Đăng kiểm Việt Nam là cơ quan quản lý và tổ chức thực hiện việc đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt chịu trách nhiệm:

1. Tuân thủ các quy định của quy trình, quy phạm, quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành khi thực hiện việc kiểm tra chất lượng và an toàn kỹ thuật của sản phẩm.

2. Xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đến công tác đăng kiểm theo thẩm quyền.

3. Thực hiện kiểm tra và cấp giấy chứng nhận một cách khách quan, đúng pháp luật. Thủ trưởng cơ quan đăng kiểm và người trực tiếp kiểm tra phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra.

4. Thống nhất quản lý việc phát hành và cấp giấy chứng nhận cho các đối tượng kiểm tra.

5. Thực hiện việc xem xét, đánh giá và ủy quyền cho tổ chức đăng kiểm nước ngoài.

6. Thu, sử dụng phí và lệ phí đăng kiểm theo quy định hiện hành.

7. Định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả thực hiện công tác kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt.

8. Hướng dẫn thực hiện Quy định này.

Điều 14. Trách nhiệm của cơ sở thiết kế, cơ sở sản xuất và chủ phương tiện, chủ khai thác phương tiện

1. Trách nhiệm của cơ sở thiết kế:

a) Tuân thủ quy phạm, quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.

b) Thực hiện các quy định về hồ sơ thiết kế và thẩm định hồ sơ thiết kế theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Quy định này.

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm thiết kế do mình thực hiện.

2. Trách nhiệm của cơ sở sản xuất:

a) Tuân thủ các quy trình, quy phạm, quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành khi nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, sửa chữa, hoán cải, phục hồi sản phẩm.

b) Xây dựng quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm và đầu tư thiết bị kiểm tra phù hợp với sản xuất; thiết bị kiểm tra phải được kiểm chuẩn định kỳ.

c) Tổ chức kiểm tra chất lượng cho từng sản phẩm và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm xuất xưởng.

d) Chịu trách nhiệm về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm nhập khẩu.

đ) Chịu sự giám sát về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của cơ quan đăng kiểm trong quá trình sản xuất.

e) Bảo quản hồ sơ kỹ thuật, chứng chỉ chất lượng, giấy chứng nhận và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Chủ phương tiện, chủ khai thác phương tiện

Chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo dưỡng để bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giữa hai kỳ kiểm tra của cơ quan đăng kiểm./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đào Đình Bình

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.