• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 13/08/2002
  • Ngày hết hiệu lực: 25/04/2010
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Số: 797/2002/QĐ-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 29 tháng 7 năm 2002

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Về việc bổ sung, sửa đổi một số điều của Quy định về cổ đông, cổ phần,

cổ phiếu và vốn điều lệ của Ngân hàng thương mại cổ phần của Nhà nước

và nhân dân ban hành theoQuyết định số 1122/2001/QĐ-NHNN

ngày 04/09/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

 

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

 

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật các tổ chức tín dụng ngày 12/12/1997;

Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 12/06/1999;

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25/12/2001;

Căn cứ Nghị định số 49/2000/NĐ-CP ngày 12/09/2000 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng thương mại;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Các Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi Ngân hàng,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Bổ sung, sửa đổi một số điều của Quy định về cổ đông, cổ phần, cổ phiếu và vốn điều lệ của Ngân hàng thương mại cổ phần của Nhà nước và nhân dân ban hành theo Quyết định số 1122/2001/QĐ-NHNN ngày 04/09/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước như sau:

1. Khoản 1 Điều 13 được sửa đổi như sau:

"1. Hội đồng quản trị quyết định giá chào bán cổ phần theo quy định của pháp luật. Trường hợp giá chào bán cổ phần cao hơn mệnh giá cổ phần thì phải được quyết nghị thông qua của Đại hội đồng cổ đông, phần chênh lệch được hạch toán vào quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ."

2. Điều 22 được sửa đổi như sau:

"1. Vốn điều lệ của Ngân hàng thương mại cổ phần có thể được tăng bằng cách phát hành cổ phiếu mới hoặc được bổ sung từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, đánh giá lại tài sản cố định và các quỹ khác theo quy định của pháp luật nhưng phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua và phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện.

2. Xử lý thay đổi vốn điều lệ trong trường hợp Ngân hàng thương mại cổ phần phải giảm vốn điều lệ:

2.1. Các trường hợp buộc phải giảm vốn điều lệ:

a) Lỗ trong 03 năm liên tiếp; Ngân hàng thương mại cổ phần phải quyết định giảm vốn điều lệ tương ứng với số lỗ luỹ kế đến năm thứ 3;

b) Các khoản vốn đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hoặc quyết định là tổn thất trong hoạt động sau khi đã xử lý trích lập dự phòng rủi ro;

c) Số vốn góp có nguồn gốc không hợp pháp hoặc người góp vốn không đảm bảo tư cách cổ đông theo kết luận của Thanh tra;

d) Giảm giá tài sản cố định khi đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật.

2.2. Trong các trường hợp nêu tại điểm 2.1 khoản 2 điều này, Ngân hàng thương mại cổ phần phải tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường hoặc đưa ra Đại hội đồng cổ đông thường niên để quyết định biện pháp xử lý giảm vốn điều lệ sau khi đã xử lý bằng các biện pháp tài chính khác (Sử dụng quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ để bù đắp; Góp thêm vốn để xử lý...) mà vẫn không khắc phục được. Việc giảm vốn điều lệ gắn liền với việc giảm mệnh giá hoặc giảm số lượng cổ phần hoặc đồng thời cả hai hình thức này.

2.3. Trường hợp số vốn điều lệ sau khi giảm thấp hơn mức vốn pháp định và trong thời hạn 6 tháng Ngân hàng thương mại cổ phần không có giải pháp khắc phục, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước xử lý theo quy định hiện hành đối với tổ chức tín dụng không đủ mức vốn pháp định."

3. Khoản 5 Điều 25 được sửa đổi như sau:

"5. Sau khi đã thay đổi mức vốn điều lệ theo văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng thương mại cổ phần phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về mức vốn điều lệ mới đồng thời thực hiện việc đăng báo trung ương, địa phương về việc thay đổi vốn điều lệ theo quy định của pháp luật. Chậm nhất sau 05 ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về mức vốn điều lệ mới, Ngân hàng thương mại cổ phần phải gửi bản sao văn bản này (có xác nhận của cơ quan Công chứng Nhà nước) kèm danh sách cổ đông góp vốn mới (trường hợp tăng vốn điều lệ) và toàn bộ danh sách cổ đông sau khi thực hiện thay đổi vốn điều lệ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ các Ngân hàng và Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước nơi đặt trụ sở chính)."

4. Điểm b khoản 2 Điều 28 được sửa đổi như sau:

"2. Đại hội đồng cổ đông được triệu tập họp theo:

b) Yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng hoặc tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ Ngân hàng thương mại cổ phần;"

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Các Ngân hàng và Tổ chức tín dụng phi Ngân hàng, Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, các Thủ trưởng đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch, các thành viên Hội đồng Quản trị, Ban kiểm soát và Tổng giám đốc (Giám đốc) các Ngân hàng thương mại cổ phần của Nhà nước và nhân dân có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Trần Minh Tuấn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.