• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 20/07/2011
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 31/2011/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 2 tháng 6 năm 2011

QUYẾT ĐỊNH

Quy định việc công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội

________________________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Tổng thanh tra Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định về công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về Bảo hiểm xã hội; Bảo hiểm y tế; trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; ưu đãi đối với người có công; vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện và cơ sở bảo trợ xã hội; các chương trình xã hội (gọi chung là quy định pháp luật về an sinh xã hội).

Hoạt động giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân được thực hiện theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước; cá nhân, hộ gia đình, tập thể được thụ hưởng từ quy định pháp luật về an sinh xã hội; cơ quan, tổ chức, cá nhân tài trợ cho các hoạt động an sinh xã hội và cơ quan thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về an sinh xã hội hoạt động trong lĩnh vực an sinh xã hội.

Điều 3. Mục đích công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát

1. Công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội nhằm đảm bảo tổ chức thực hiện các quy định này đúng mục đích, đúng đối tượng; ngăn chặn những sai phạm và phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội.

2. Công khai, minh bạch trong việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội nhằm giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu đầy đủ, chính xác về mục đích, ý nghĩa, nội dung quy định pháp luật; đối tượng thụ hưởng, thứ tự ưu tiên; trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội.

3. Kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội nhằm nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội; phòng ngừa vi phạm pháp luật và xem xét, đánh giá hiệu quả việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội.

4. Giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội nhằm theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tổ chức thực hiện, đảm bảo tính chính xác, kịp thời và hiệu quả.

Điều 4. Chủ thể công khai, minh bạch

Chủ thể chịu trách nhiệm công khai, minh bạch là cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện pháp luật về Bảo hiểm xã hội; Bảo hiểm y tế; trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; ưu đãi đối với người có công; vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện và cơ sở bảo trợ xã hội; các chương trình xã hội.

Điều 5. Hình thức công khai, minh bạch

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm công khai tùy theo nội dung, đối tượng, mục đích công khai và điều kiện thực tế mà lựa chọn trong số các hình thức công khai dưới đây:

1. Công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

2. Niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

3. Thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.

4. Phát hành ấn phẩm.

5. Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

6. Đăng tải trên trang thông tin điện tử (nếu có).

7. Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Điều 6. Nội dung và thời gian công khai, minh bạch

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân phải công khai những nội dung sau:

a) Quy định pháp luật an sinh xã hội;

b) Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật;

c) Điều kiện, tiêu chuẩn của đối tượng thụ hưởng;

d) Hồ sơ, quy trình, phương pháp lựa chọn đối tượng thụ hưởng, thời hạn thực hiện;

đ) Danh sách đối tượng, thứ tự ưu tiên, mức được thụ hưởng từ quy định pháp luật;

e) Báo cáo kết quả thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày báo cáo quyết toán được phê duyệt.

2. Thời gian công khai, minh bạch ít nhất là 05 ngày kể từ ngày thực hiện.

Điều 7. Chủ thể kiểm tra

1. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình trong việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội có trách nhiệm thường xuyên tự kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, của cán bộ, công chức, viên chức.

3. Cơ quan, tổ chức thực hiện việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra đảm bảo việc thực hiện đúng mục đích, đối tượng được thụ hưởng.

Điều 8. Hình thức kiểm tra

1. Kiểm tra được tiến hành dưới hình thức kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc vi phạm quy định tại Quyết định này.

2. Tùy theo tình hình thực tế, người có trách nhiệm kiểm tra tổ chức việc kiểm tra theo quy định tại Quyết định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Điều 9. Nội dung kiểm tra

Người có trách nhiệm kiểm tra tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội theo nội dung sau:

1. Nội dung, hình thức, thời gian công khai, minh bạch trong thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội.

2. Việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội.

3. Kết quả thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội và việc xử lý kiến nghị của chủ thể giám sát.

Điều 10. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được kiểm tra

1. Cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra quy định tại Điều 9 của Quyết định này cho người có trách nhiệm kiểm tra.

2. Giải trình về những vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm tra.

3. Thực hiện kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm tra và chấp hành các quyết định xử lý kết quả kiểm tra.

Điều 11. Xử lý kết quả kiểm tra

Căn cứ kết quả kiểm tra, người có trách nhiệm kiểm tra quy định tại Điều 7 Quyết định này có trách nhiệm:

1. Công khai kết quả kiểm tra, công khai việc xử lý kết quả kiểm tra theo hình thức công khai, minh bạch quy định tại Điều 5 của Quyết định này.

2. Chấn chỉnh công tác quản lý việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội, hướng dẫn thực hiện đúng quy định pháp luật về an sinh xã hội.

3. Áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát.

4. Trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà chuyển cơ quan thanh tra hoặc cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Chủ thể giám sát

1. Các cơ quan quản lý nhà nước về an sinh xã hội giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội theo các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông, báo chí thực hiện giám sát theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

3. Công dân, cá nhân, tổ chức trực tiếp giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội hoặc giám sát thông qua Ban thanh tra nhân dân theo quy định tại Quyết định này.

Điều 13. Nội dung giám sát

Người có trách nhiệm giám sát quy định tại Điều 12 Quyết định này tổ chức giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội theo nội dung sau:

1. Việc thực hiện công khai, minh bạch quy định pháp luật về an sinh xã hội.

2. Việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội.

3. Danh sách đối tượng, thứ tự ưu tiên, mức được thụ hưởng từ quy định pháp luật về an sinh xã hội.

4. Việc áp dụng quy định pháp luật về an sinh xã hội với từng đối tượng cụ thể.

5. Tiến độ và tính kịp thời của việc tổ chức thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội.

6. Kết quả thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội.

7. Hiệu quả của việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội.

Điều 14. Hình thức giám sát

1. Việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội chịu sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên, Ban thanh tra nhân dân, tổ chức xã hội thông qua các hoạt động sau:

a) Tiếp nhận các ý kiến phản ánh của nhân dân, trực tiếp thu thập các thông tin, tài liệu để xem xét, theo dõi cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội;

b) Phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân ở xã, phường, thị trấn trong việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội;

c) Kiến nghị trực tiếp với Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vấn đề liên quan đến nội dung giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên, Ban thanh tra nhân dân, tổ chức xã hội và giám sát việc giải quyết kiến nghị đó.

2. Giám sát của cơ quan truyền thông, báo chí và công dân thông qua các hoạt động sau:

a) Tham gia các cuộc họp bàn về việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội trên địa bàn (khi được mời);

b) Thu thập thông tin liên quan đến việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội từ các ban, ngành chức năng ở địa phương; qua hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; qua các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tọa đàm có liên quan.

Điều 15. Trách nhiệm của chủ thể giám sát

1. Các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân bảo đảm việc thực hiện các quy định về an sinh xã hội được áp dụng đúng đối tượng, chế độ, tiêu chuẩn, định mức; kịp thời phòng ngừa sai phạm trong quá trình thực hiện.

2. Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông, báo chí giám sát theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo mục tiêu và hiệu quả của việc thực hiện các quy định pháp luật về an sinh xã hội.

3. Công dân, cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phản ánh kịp thời, trung thực những vấn đề liên quan đến việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát

1. Cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát quy định tại Điều 13 của Quyết định này cho các chủ thể giám sát.

2. Giải trình về những vấn đề có liên quan đến nội dung giám sát.

Điều 17. Xử lý kết quả giám sát

Căn cứ kết quả giám sát, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên, Ban thanh tra nhân dân, tổ chức xã hội, công dân, cá nhân, các cơ quan truyền thông, báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị đó hoặc chuyển cơ quan thanh tra, điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 7 năm 2011.

2. Thanh tra Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.