• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 05/02/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 01/05/2016
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Số: 191/2011/TTLT/BTC-BVHTTDL
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 21 tháng 12 năm 2011

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn chế độ quản lý đặc thù đối với Đội tuyên truyền

lưu động cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã

___________________

 

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;

Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hướng dẫn chế độ quản lý đặc thù đối với Đội tuyên truyền lưu động cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã như sau:

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi áp dụng: Các hoạt động tuyên truyền lưu động cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã.

2. Đối tượng áp dụng: Các tuyên truyền viên trong, ngoài biên chế của các Đội tuyên truyền lưu động cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã.

Điều 2. Chức năng, nhiệm vụ và định mức hoạt động của Đội tuyên truyền lưu động

1. Chức năng, nhiệm vụ: Đội tuyên truyền lưu động là Phòng chức năng (Đội tuyên truyền lưu động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), là Tổ chuyên môn nghiệp vụ (Đội tuyên truyền lưu động quận, huyện, thị xã) thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Thông tư số 03/2009/TT-BVHTTDL ngày 28/8/2009 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Văn hóa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thông tư số 01/2010/TT-BVHTTDL ngày 26/2/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của tổ chức sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch quận, huyện, thị xã.

2. Định mức hoạt động:

Số TT

Nội dung

Chỉ tiêu hoạt động trong năm

Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TW

Cấp quận, huyện, thị xã

1

Số buổi hoạt động trong năm

Từ 120 đến 140 buổi

Từ 100 đến 120 buổi

2

Tổ chức liên hoan, hội thảo, hội thi Đội Thông tin lưu động

Từ 1 đến 2 cuộc

Từ 1 đến 2 cuộc

3

Biên tập các chương trình tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ, phát hành tranh cổ động, các tài liệu tuyên truyền khác

Từ 8 đến 12 tài liệu

Từ 8 đến 12 tài liệu

4

Mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin cơ sở

Từ 1 đến 2 lớp

Từ 1 đến 2 lớp

5

Biên tập, dàn dựng chương trình mới

Từ 4 đến 6 chương trình

Từ 4 đến 6 chương trình

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định định mức hoạt động trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Định mức hoạt động cụ thể tại từng tỉnh có thể thấp hơn hoặc cao hơn, nhưng mức tăng, giảm không vượt quá 20% khung định mức hoạt động quy định tại Thông tư này.

Điều 3. Nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của Đội tuyên truyền lưu động

1. Ngân sách nhà nước (sự nghiệp văn hóa - thông tin) theo phân cấp ngân sách hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Tài trợ, viện trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

3. Nguồn xã hội hóa và các nguồn thu hợp pháp khác.

Điều 4. Các nội dung và mức chi đặc thù của Đội tuyên truyền lưu động

Kinh phí hoạt động của Đội tuyên truyền lưu động (tiền lương; tiền công lao động hợp đồng; các khoản phụ cấp; kinh phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn; các chi phí hoạt động chuyên môn; công tác phí; hội nghị, hội thảo; mua sắm vật tư, trang thiết bị, phương tiện làm việc; chi trả điện nước, điện thoại, báo chí, văn phòng phẩm; chi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, trình độ chuyên môn; thi tay nghề theo định kỳ; chi phí nghiệp vụ, hóa trang, đồng phục, phục trang, đạo cụ, biên tập, họa sỹ, sáng tác phục vụ các buổi biểu diễn; chi trang bị túi thuốc chữa bệnh thông thường khi đi công tác lưu động và các khoản chi khác) được thực hiện theo quy định hiện hành đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thông tư này hướng dẫn nội dung chi, mức chi đặc thù (chi bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn) của Đội tuyên truyền lưu động như sau:

1. Tuyên truyền viên trong biên chế các Đội tuyên truyền lưu động được hưởng chế độ bồi dưỡng biểu diễn, bồi dưỡng luyện tập theo quy định tại Thông tư này. Mức bồi dưỡng biểu diễn, bồi dưỡng luyện tập cụ thể tại từng tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giám đốc Sở Tài chính phù hợp với khả năng ngân sách và tình hình thực tế. Mức chi cụ thể tại từng tỉnh có thể thấp hơn hoặc cao hơn mức chi quy định tại Thông tư này. Mức cao hơn không tăng thêm quá 20% khung bồi dưỡng biểu diễn, bồi dưỡng luyện tập quy định dưới đây:

a) Bồi dưỡng luyện tập chương trình mới: Mức bồi dưỡng cho 01 buổi tập chương trình mới tối đa không quá 40.000 đồng/người. Số buổi tập tối đa cho một chương trình mới là 10 buổi.

b) Mức bồi dưỡng trong chương trình biểu diễn lưu động:

- Mức bồi dưỡng cho 01 buổi biểu diễn lưu động đối với vai chính tối đa không quá 65.000 đồng/người. Số lượng tuyên truyền viên đóng vai chính trong các chương trình biểu diễn lưu động do Giám đốc Trung tâm Văn hoá cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã quyết định.

- Mức bồi dưỡng 01 buổi biễu diễn lưu động đối với các vai khác tối đa không quá 50.000 đồng/người.

2. Các tuyên truyền viên ngoài biên chế (người đã được đơn vị tuyển dụng) tham gia luyện tập chương trình mới và biểu diễn lưu động theo hợp đồng thỏa thuận với Giám đốc Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã thì ngoài tiền công theo hợp đồng (nếu có), cũng được hưởng mức chi bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn theo quy định trên đây.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Việc lập dự toán, phân bổ dự toán, quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí của các Đội tuyên truyền lưu động thực hiện theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước.

2. Đối với các thành viên đội nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã khi tập luyện, tham gia hội thi, hội diễn hoặc thực hiện nhiệm vụ chính trị theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét để quyết định áp dụng mức chi bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn tối đa không quá 2 lần mức chi bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn quy định tại Thông tư này.

3. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/02/2012 và thay thế Thông tư liên tịch số 98/2005/TTLT/BTC-BVHTT ngày 10/11/2005 của Liên Bộ Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với Đội Thông tin lưu động cấp tỉnh, thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã, quận, huyện.

4. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các địa phương và các Đội tuyên truyền lưu động báo cáo về liên Bộ để kịp thời phối hợp giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Thị Minh

Huỳnh Vĩnh Ái

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.