• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 10/08/2016
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 47/2013/TT-BNNPTNT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 8 tháng 11 năm 2013

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa

__________________________

 

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008;

Căn cứ Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất lúa;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trồng trọt,

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương nhưng không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại khi cần thiết và vẫn được thống kê là đất trồng lúa.

2. Thông tư này không áp dụng đối với chuyển đổi mục đích sử dụng trong nội bộ đất nông nghiệp bao gồm chuyển từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm, chăn nuôi, chuyên nuôi trồng thủy sản ổn định, lâu dài.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động liên quan đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm,  trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cây hàng năm là loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá một (01) năm, kể cả cây hàng năm được lưu gốc để thu hoạch không quá năm (05) năm;

2. Cây lâu năm là loại cây được gieo trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm;

3. Kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa là hình thức kết hợp giữa trồng lúa với nuôi trồng thủy sản gồm:

a) Trồng một vụ lúa và một vụ nuôi trồng thủy sản;

b) Trồng lúa xen canh với nuôi trồng thủy sản.

Điều 4. Nguyên tắc chuyển đổi

Người sử dụng đất được chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

1. Không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại: không làm mất đi hoặc biến dạng lớp đất mặt thuộc tầng canh tác; không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa (mặn hóa, chua hóa...); không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa.

2. Phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa của cấp xã (sau đây gọi là kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa).

Điều 5. Thủ tục đăng ký, báo cáo chuyển đổi

1. Đối với đất chuyên trồng lúa nước:

a) Người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân gửi trực tiếp hoặc thông qua trưởng thôn hoặc người có trách nhiệm tương đương đăng ký chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa (sau đây gọi tắt là đăng ký chuyển đổi) cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất, theo mẫu tại Phụ lục lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Người sử dụng đất là tổ chức gửi trực tiếp đăng ký chuyển đổi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất, theo mẫu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Khi tiếp nhận đăng ký chuyển đổi, Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện đúng theo kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của xã. Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ khi nhận được đăng ký chuyển đổi, Ủy ban nhân dân cấp xã ghi ” tiếp nhận đăng ký chuyển đổi”, đóng dấu vào bản đăng ký gửi lại người sử dụng đất, vào sổ theo dõi việc sử dụng đất trồng lúa; trường hợp không tiếp nhận , Ủy ban nhân dân cấp xã phải trả lời cho người sử dụng đất, nêu rõ lý do, theo mẫu tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Đối với đất lúa khác

a) Hộ gia đình, cá nhân khi chuyển đổi đất lúa khác sang trồng cây hàng năm khác phải báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp hoặc thông qua trưởng thôn hoặc người có trách nhiệm tương đương, theo mẫu tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Đối với tổ chức khi chuyển đổi đất lúa khác sang trồng cây hàng năm khác phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 6. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước

1.  Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan:

a) Xác định các loại cây trồng hàng năm khác hoặc loại thủy sản phù hợp cho chuyển đổi để nuôi, trồng  trên đất trồng lúa tại địa phương theo quy định tại Thông tư này và kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Xây dựng chính sách khuyến khích và hỗ trợ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trình cấp có thẩm quyền ban hành;

c) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của địa phương;

d) Kiểm tra việc thực hiện của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã;

đ) Tổng hợp, hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của địa phương;

b) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện ở  cấp xã;

c) Tổng hợp, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

3. Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Tổ chức xây dựng và phê duyệt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của địa phương; thông báo công khai; tuyên truyền, hướng dẫn để người sử dụng đất thực hiện;

b) Kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn;

c) Lập sổ theo dõi việc sử dụng đất trồng lúa ở địa phương;

d) Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện.

4. Cục Trồng trọt là cơ quan đầu mối, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện:

a) Hướng dẫn, kiểm tra các địa phương thực hiện Thông tư này;

b) Xây dựng đề án, chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình chuyển đổi và đề xuất tháo gỡ những khó khăn vướng mắc theo quy định.

Điều 7. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các tổ chức, cá nhân báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được xem xét, giải quyết./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Cao Đức Phát

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.