• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 07/04/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 10/11/2009
BỘ TƯ PHÁP
Số: 09/1999/TT-BTP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 7 tháng 4 năm 1999

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc cấp giấy xác nhận không có quốc tịch Việt Nam

___________________

 

Căn cứ Nghị đinh số 38/CP ngày 04 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 104/1998/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 1998 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam;

Bộ Tư pháp hướng dẫn việc cấp Giấy xác nhận không có quốc tịch Việt Nam như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Giấy xác nhận không có quốc tịch Việt Nam được cấp cho người nước ngoài thường trú tại Việt Nam và người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam từ 06 tháng trở lên (sau đây gọi là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam) theo đơn yêu cầu của họ, nhằm chứng nhận người đó chưa bao giờ có quốc tịch Việt Nam.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), nơi người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận không có quốc tịch Việt Nam.

3. Khi nộp đơn xin cấp Giấy xác nhận không có quốc tịch Việt Nam, đương sự phải nộp lệ phí.

Mức thu, nộp, việc quản lý và sử dụng lệ phí cấp Giấy xác nhận không có quốc tịch Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 08/1998/TTLT/BTC-BTP-BNG ngày 31 tháng 12 nám 1998 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao.

II. THỦ TỤC, TRÌNH TỰ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN KHÔNG CÓ QUỐC TỊCH VIỆT NAM

1. Người yêu cầu cấp Giấy xác nhận không có quốc tịch Việt Nam phải làm đơn theo mẫu do Bộ Tư pháp quy định, trong đó phải nêu rõ mục đích của việc xin cấp Giấy xác nhận không có quốc tịch Việt Nam.

Kèm theo đơn xin cấp Giấy xác nhận không có quốc tịch Việt Nam phải có các giấy tờ sau đây:

a) Bản chụp có chứng thực Hộ chiếu hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế còn giá trị sử dụng của đương sự;

b) Bản sao hoặc bản chụp có chứng thực Giấy khai sinh hoặc giấy tờ khác chứng nhận ngày tháng năm sinh của đương sự;

c) Giấy tờ chứng nhận về quốc tịch của cha mẹ của đương sự; nếu giấy tờ quy định tại điểm a và điểm b trên đây không có những thông tin đó.

d) Bản cam kết của đương sự về việc người đó chưa được nhập quốc tịch Việt Nam.

Những giấy tờ trên đây, nếu do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch ra tiếng Việt và bản dịch phải được chứng thực hợp pháp.

2. Trong trường hợp cha mẹ, làm đơn xin cấp Giấy xác nhận không có quốc tịch Việt Nam cho con chưa thành niên dưới 15 tuổi, thì phải có các giấy tờ quy định tại Mục II.1.a, c của Thông tư này và bản sao hoặc bản chụp có chứng thực hợp pháp Giấy khai sinh của trẻ em đó.

3. Đơn và các giấy tờ kèm theo quy định tại Mục II.1,2 của Thông tư này phải được lập thành 02 bộ hồ sơ và nộp cho Sở Tư pháp nơi đương sự cư trú. Khi nộp đơn, đương sự phải xuất trình bản gốc các giấy tờ quy định tại Mục II.1.a, b của Thông tư này để kiểm tra.

4. Trình tự giải quyết công việc cấp Giấy xác nhận không có quốc tịch Việt Nam được thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và thu lệ phí, Sở Tư pháp phải thẩm tra hồ sơ và trong trường hợp cần thiết phải kiểm tra danh sách người được nhập quốc tịch Việt Nam.

Nếu xét thấy hồ sơ đã hoàn tất, lời khai, chứng nhận, giấy tờ của đương sự là đúng sự thật, đương sự là người chưa bao giờ có quốc tịch Việt Nam, thì Sở Tư pháp có văn bản trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, cấp Giấy xác nhận không có quốc tịch Việt Nam cho đương sự.

Ngay sau ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký Giấy xác nhận không có quốc tịch Việt Nam, Sở Tư pháp phải trao hoặc gửi Giấy xác nhận cho đương sự.

Nếu có những tình tiết phức tạp cần phải được thẩm tra làm rõ về nhân thân và quốc tịch của đương sự, Sở Tư pháp có văn bản gửi Công an cấp tỉnh, kèm theo 01 bộ hồ sơ, để phối hợp thẩm tra.

Trong trường hợp này thì thời hạn trên là 60 ngày.

b) Trong trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kết luận đương sự không được cấp Giấy xác nhận không có quốc tịch Việt Nam, Sở Tư pháp thông báo bằng văn bản cho đương sự biết, nếu đương sự không nhất trí với kết luận đó, thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

c) Định kỳ 3 tháng một lần, Sở Tư pháp báo cáo Bộ Tư pháp về tình hình cấp Giấy xác nhận không có quốc tịch Việt Nam (cùng với việc cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam, Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam).

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

2. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc, các Sở Tư pháp kịp thời phản ánh về Bộ Tư pháp để có hướng dẫn tiếp./.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Đình Lộc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.