• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 24/12/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 25/05/2012
CHÍNH PHỦ
Số: 174/1999/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 9 tháng 12 năm 1999

NGHỊ ĐỊNH

Về quản lý hoạt động kinh doanh vàng

_____________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 ngày 12 tháng 12 năm 1997;

Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh

1. Đối tượng điều chỉnh của Nghị định này là các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh vàng, không bao gồm hoạt động khai thác và tinh luyện vàng của doanh nghiệp khai thác vàng.

2. Phạm vi điều chỉnh của Nghị định này là hoạt động kinh doanh vàng không phải vàng tiêu chuẩn quốc tế bao gồm vàng trang sức, mỹ nghệ, vàng miếng và vàng nguyên liệu.

3. Việc kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế thực hiện theo quy định tại Nghị định số 63/1998/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ về quản lý ngoại hối.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các cụm từ dưới đây được hiểu như sau:

1. "Hoạt động kinh doanh vàng" là hoạt động sản xuất, gia công các sản phẩm bằng vàng; mua bán; xuất khẩu, nhập khẩu vàng theo quy định của pháp luật.

2. "Vàng trang sức" là các sản phẩm vàng có gắn hoặc không gắn đá quý, kim loại quý hoặc vật liệu khác để phục vụ nhu cầu trang sức của con người như các loại: nhẫn, dây, vòng, hoa tai, kim cài, tượng và các loại khác.

3. "Vàng mỹ nghệ" là các sản phẩm vàng có gắn đá quý hoặc không gắn đá quý, kim loại quý hoặc vật liệu khác để phục vụ nhu cầu trang trí mỹ thuật như các loại: khung ảnh, tượng và các loại khác.

4. "Vàng miếng" là vàng đã được dập thành miếng dưới các hình dạng khác nhau, có đóng chữ số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của nhà sản xuất.

5. "Vàng nguyên liệu" là vàng dưới các dạng: khối, thỏi, lá, hạt, dây, dung dịch, bột, bán thành phẩm trang sức và các loại khác nhưng không phải vàng tiêu chuẩn quốc tế.

Điều 3. Quản lý hoạt động kinh doanh vàng

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) là cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định này.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

Điều 4. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước

1. Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng;

2. Cấp, thu hồi giấy phép:

a) Sản xuất vàng miếng;

b) Xuất khẩu, nhập khẩu vàng theo quy định tại Nghị định này;

c) Mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định.

3. Kiểm tra, thanh tra hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình;

4. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 5. Hiệp hội kinh doanh vàng

Các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng, có thể thành lập Hiệp hội kinh doanh vàng để phối hợp hoạt động và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên, đồng thời đảm bảo lợi ích quốc gia.

Việc thành lập Hiệp hội và Điều lệ của Hiệp hội kinh doanh vàng phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trước khi trình cấp có thẩm quyền ra quyết định.

Điều 6. Hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ, trong quá trình hoạt động của mình phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, quy định của giấy phép đầu tư và các quy định của Nghị định này.

Điều 7. Thẩm quyền điều chỉnh mức vốn pháp định

Việc điều chỉnh mức vốn pháp định quy định tại các Điều 8, 9 và 12 Nghị định này do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Chương II

HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VÀNG

Điều 8. Điều kiện và phạm vi hoạt động kinh doanh vàng

1. Tổ chức, cá nhân muốn hoạt động mua, bán vàng; gia công vàng trang sức, mỹ nghệ phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;

b) Có cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động mua - bán, gia công vàng;

c) Có thợ có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh vàng.

Cá nhân là thợ kim hoàn từ bậc 5 trở lên có đăng ký gia công vàng trang sức, mỹ nghệ, sản xuất đơn chiếc các sản phẩm trang sức, mỹ nghệ thì thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

2. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân muốn hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ thì phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Phải là doanh nghiệp được thành lập và đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;

b) Có cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ;

c) Có cán bộ quản lý và thợ có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ;

d) Đối với các doanh nghiệp hoạt động tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, có vốn pháp định tối thiểu là 5 (năm) tỷ đồng Việt Nam; đối với các doanh nghiệp hoạt động tại các tỉnh và thành phố khác, có vốn pháp định tối thiểu là 1 (một) tỷ đồng Việt Nam.

3. Đối với các hoạt động sau đây phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép:

a) Sản xuất vàng miếng theo quy định tại Điều 9 Nghị định này;

b) Xuất khẩu, nhập khẩu vàng mỹ nghệ có khối lượng từ 3 (ba) kg trở lên theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định này;

c) Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu, vàng miếng theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.

Điều 9. Sản xuất vàng miếng

Căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp giấy phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp kinh doanh vàng có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có đăng ký kinh doanh sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, có vốn pháp định từ 50 (năm mươi) tỷ đồng Việt Nam trở lên;

2. Có cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang thiết bị đáp ứng yêu cầu sản xuất vàng miếng;

3. Có cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và thợ có trình độ chuyên môn phù hợp với hoạt động sản xuất vàng miếng.

Điều 10. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng

1. Tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan;

2. Niêm yết công khai tại nơi giao dịch về chất lượng, giá mua, giá bán các loại sản phẩm vàng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về sản phẩm bán ra;

3. Có phương án bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ;

4. Các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, vàng miếng đều phải đăng ký ký mã hiệu với Ngân hàng Nhà nước và phải đóng ký mã hiệu doanh nghiệp, chất lượng trên sản phẩm. Riêng đối với sản xuất vàng miếng, doanh nghiệp còn phải đăng ký chất lượng sản phẩm với Ngân hàng Nhà nước.

Chương III

XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VÀNG

Điều 11. Xuất khẩu, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ

1. Việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng trang sức thực hiện theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và quy định của Thủ tướng Chính phủ về điều hành xuất khẩu, nhập khẩu;

2. Việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng mỹ nghệ có khối lượng dưới 3 (ba) kg thực hiện theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và quy định của Thủ tướng Chính phủ về điều hành xuất khẩu, nhập khẩu;

3. Việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng mỹ nghệ có khối lượng từ 3 kg trở lên phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép;

4. Việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ để tham gia triển lãm, hội chợ thực hiện theo quy định của Chính phủ về hội chợ, triển lãm thương mại.

Điều 12. Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu, vàng miếng

1. Căn cứ nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, vàng miếng và mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh vàng được xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu dưới dạng khối, thỏi, lá, hạt, dây, bột khi có đủ các điều kiện sau:

a) Có vốn pháp định tối thiểu 5 (năm) tỷ đồng Việt Nam;

b) Kinh doanh có lãi trong năm gần nhất.

2. Doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh vàng được xuất khẩu, nhập khẩu các loại vàng trang sức dưới dạng bán thành phẩm, dung dịch, vẩy hàn, muối vàng không cần phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.

3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng có hợp đồng gia công vàng với nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu nhưng phải tái xuất khẩu sản phẩm.

4. Doanh nghiệp có giấy phép khai thác vàng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép xuất khẩu vàng nguyên liệu.

Điều 13. Xuất khẩu, nhập khẩu vàng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Hàng năm, Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào năng lực sản xuất và nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu, xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để xem xét cấp hạn ngạch xuất khẩu, nhập khẩu vàng cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không phải xin giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vàng từng chuyến.

Điều 14. Mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân

Cá nhân Việt Nam và nước ngoài khi xuất cảnh, nhập cảnh được mang theo vàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Chương IV

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 15. Xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng

Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Nghị định này, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Xử lý vi phạm đối với cán bộ, công chức Nhà nước

Cán bộ, công chức Nhà nước nếu lạm dụng chức vụ, quyền hạn, không thực hiện đúng các quy định của Nghị định này, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Chế độ báo cáo

Định kỳ quý, năm hoặc khi cần thiết, các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng phải thực hiện báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh vàng, tình hình xuất khẩu, nhập khẩu vàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 18. Hiệu lực

1. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Nghị định số 63/CP ngày 24 tháng 9 năm 1993 của Chính phủ về quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng.

2. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các tổ chức, cá nhân đang hoạt động kinh doanh vàng phải điều chỉnh hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định này.

Điều 19. Thi hành Nghị định

1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Ngân hàng Nhà nước quy định tiêu chuẩn vàng Việt Nam và phương pháp thử.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.