• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 20/02/2014
BỘ QUỐC PHÒNG-BỘ CÔNG AN
Số: 265/2013/TTLT-BQP-BCA
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 31 tháng 12 năm 2013

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Quy định việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự trong Quân đội

______________

Căn cứ Luật Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư liên tịch quy định việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự trong Quân đội,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự trong Quân đội (sau đây gọi là phối hợp bảo vệ cưỡng chế) giữa cơ quan thi hành án thuộc Bộ Tổng Tham mưu, các quân khu, Quân chủng Hải quân (sau đây gọi là cơ quan thi hành án cấp quân khu), cơ quan Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cơ quan Công an cấp tỉnh), cơ quan Công an cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là cơ quan Công an cấp huyện) nơi tổ chức cưỡng chế và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự có huy động lực lượng Công an tham gia bảo vệ cưỡng chế.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan thi hành án cấp quân khu.

2. Cơ quan Công an cấp tỉnh.

3. Cơ quan Công an cấp huyện.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự trong Quân đội.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

1. Nhanh chóng, chính xác, kịp thời, hiệu quả, tuân thủ các quy định của pháp luật.

2. Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị đã được pháp luật quy định; không làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của mỗi cơ quan, đơn vị.

3. Bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của nhân dân, của cơ quan, tổ chức, đơn vị và những người tham gia cưỡng chế; bảo đảm chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội nơi tiến hành cưỡng chế.

Điều 4. Chi phí bảo vệ cưỡng chế

Chi phí bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự trong Quân đội thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành về chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Phối hợp xây dựng kế hoạch cưỡng chế

1. Đối với những vụ cưỡng chế cần có lực lượng Công an tham gia bảo vệ, trước khi xây dựng kế hoạch cưỡng chế ít nhất 10 ngày, Chấp hành viên báo cáo Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu để trao đổi, cung cấp thông tin và đề nghị bằng văn bản với cơ quan Công an cấp huyện nơi tiến hành cưỡng chế phối hợp xây dựng kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị nghiệp vụ tham gia bảo vệ cưỡng chế. Đối với những vụ án lớn, khó khăn, phức tạp thì đề nghị cơ quan Công an cấp tỉnh phối hợp bảo vệ.

2. Nội dung trao đổi gồm:

a) Họ tên, địa chỉ người bị cưỡng chế;

b) Điều kiện, kết quả thi hành án của người bị cưỡng chế;

c) Thời gian, địa điểm tổ chức cưỡng chế, biện pháp cưỡng chế;

d) Thành phần tham gia cưỡng chế;

đ) Tình hình an ninh, trật tự nơi tổ chức cưỡng chế, thái độ của người bị cưỡng chế và gia đình người bị cưỡng chế;

e) Dự kiến các tình huống và phương án giải quyết các tình huống;

g) Yêu cầu cụ thể các nội dung cần phối hợp, dự kiến lực lượng bảo vệ cưỡng chế, phương tiện, công cụ hỗ trợ và các trang thiết bị phục vụ cho việc bảo vệ cưỡng chế.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông tin trao đổi và đề nghị phối hợp bảo vệ cưỡng chế, cơ quan Công an có trách nhiệm trả lời về nội dung đề nghị phối hợp bảo vệ cưỡng chế với cơ quan thi hành án cấp quân khu.

4. Sau khi thống nhất ý kiến với cơ quan Công an, Chấp hành viên hoàn chỉnh Kế hoạch cưỡng chế (nội dung Kế hoạch thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 72 Luật Thi hành án dân sự) báo cáo Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu phê duyệt. Kế hoạch cưỡng chế phải được gửi ngay cho cơ quan Công an và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định tại Khoản 3 Điều 72 Luật Thi hành án dân sự.

5. Trước khi phê duyệt Kế hoạch cưỡng chế, Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Tư lệnh Quân khu, Quân chủng Hải quân.

Điều 6. Phối hợp trong xây dựng kế hoạch và phương án bảo vệ cưỡng chế

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kế hoạch cưỡng chế của cơ quan thi hành án cấp quân khu, cơ quan Công an có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ cưỡng chế và trao đổi thống nhất với cơ quan thi hành án cấp quân khu.

2. Nội dung kế hoạch bảo vệ cưỡng chế bao gồm:

a) Mục đích, yêu cầu nhiệm vụ công tác bảo vệ cưỡng chế, công tác bảo đảm an toàn cho việc cưỡng chế;

b) Tình hình có liên quan đến hoạt động bảo vệ cưỡng chế;

c) Nhiệm vụ cụ thể của người chỉ huy chung, người chỉ huy từng lực lượng; nhiệm vụ cụ thể của cán bộ, chiến sỹ tham gia bảo vệ cưỡng chế;

d) Trách nhiệm của từng đơn vị trong việc chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ và các trang thiết bị nghiệp vụ khác;

đ) Lực lượng, phương tiện dự phòng khi có tình huống phát sinh đối với những vụ việc cưỡng chế lớn được đánh giá có khả năng xảy ra nhiều diễn biến phức tạp.

3. Nội dung phương án bảo vệ cưỡng chế bao gồm:

a) Khái quát nhiệm vụ và đặc điểm tình hình có liên quan đến công tác bảo vệ cưỡng chế;

b) Dự kiến tình huống có thể xảy ra, đặc biệt lưu ý các tình huống chống đối, gây hậu quả cháy, nổ, thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân, tổ chức, lực lượng tham gia cưỡng chế, cán bộ, chiến sĩ tham gia bảo vệ cưỡng chế và phương án xử lý các tình huống đó (nêu rõ trách nhiệm của người chỉ huy, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong từng tình huống cụ thể);

c) Nhiệm vụ của người chỉ huy, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế;

d) Lực lượng, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ và các trang thiết bị khác phục vụ cho bảo vệ cưỡng chế; lực lượng, phương tiện dự phòng;

đ) Quy ước phối hợp và quy ước thông tin liên lạc.

Phương án bảo vệ cưỡng chế được thể hiện bằng văn bản, có sơ đồ kèm theo.

4. Kế hoạch và phương án bảo vệ cưỡng chế được gửi cho cơ quan thi hành án cấp quân khu trước khi tiến hành cưỡng chế 05 ngày làm việc.

Điều 7. Phối hợp triển khai kế hoạch cưỡng chế, kế hoạch và phương án bảo vệ cưỡng chế

1. Trước thời điểm cưỡng chế ít nhất 01 ngày làm việc, cơ quan thi hành án cấp quân khu phải tổ chức cuộc họp với cơ quan Công an, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để bàn biện pháp triển khai kế hoạch cưỡng chế, kế hoạch và phương án bảo vệ cưỡng chế.

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được mời dự hợp có trách nhiệm cử cán bộ đến dự đúng thành phần. Cơ quan thi hành án cấp quân khu có trách nhiệm cung cấp thông tin về nội dung vụ việc phải tổ chức cưỡng chế; các tình huống có thể xảy ra, trách nhiệm của các lực lượng khi tham gia tổ chức cưỡng chế và bảo đảm kinh phí cho quá trình tổ chức cưỡng chế. Chỉ huy lực lượng bảo vệ cưỡng chế báo cáo kế hoạch, phương án bảo vệ cưỡng chế và phương án xử lý tình huống phát sinh.

Điều 8. Phối hợp trong khi tiến hành cưỡng chế

1. Lực lượng bảo vệ cưỡng chế phải có mặt từ trước khi tiến hành cưỡng chế đến khi kết thúc cưỡng chế; duy trì an ninh, trật tự, bảo đảm an toàn trong suốt quá trình tiến hành cưỡng chế và chịu sự điều hành của người chỉ huy lực lượng Công an tham gia bảo vệ cưỡng chế.

2. Thành phần tham gia cưỡng chế có trách nhiệm tham gia đầy đủ, đúng thành phần trong suốt quá trình tiến hành cưỡng chế, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình và chịu sự điều hành của người chủ trì tiến hành cưỡng chế.

Điều 9. Phối hợp giải quyết tình huống phát sinh trong quá trình tiến hành cưỡng chế

1. Trong quá trình tiến hành cưỡng chế, chỉ huy lực lượng Công an bảo vệ cưỡng chế và các lực lượng tham gia cưỡng chế phải thông báo kịp thời cho người chủ trì, điều hành cưỡng chế biết những tình huống phát sinh gây phức tạp về an ninh, trật tự và các tình huống phát sinh khác có liên quan đến công tác cưỡng chế để có biện pháp xử lý kịp thời.

2. Khi tình huống phát sinh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị nào thì cơ quan, đơn vị đó tiến hành giải quyết, các cơ quan khác có trách nhiệm phối hợp. Trường hợp tình huống phát sinh thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan, đơn vị thì cơ quan, đơn vị nào phát hiện đầu tiên có trách nhiệm giải quyết, sau đó chuyển giao cho cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết.

Nếu tình huống phát sinh không thuộc thẩm quyền giải quyết của các lực lượng tham gia cưỡng chế và lực lượng bảo vệ cưỡng chế thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

3. Trường hợp có căn cứ cho rằng vụ việc cưỡng chế thi hành án có khả năng diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà lực lượng bảo vệ cưỡng chế chưa có biện pháp khắc phục, giải quyết thì chỉ huy lực lượng bảo vệ cưỡng chế báo cáo Thủ trưởng cơ quan Công an cùng cấp xin ý kiến chỉ đạo và báo cáo người chủ trì, điều hành buổi cưỡng chế để có thể xem xét.

Điều 10. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế

Cơ quan thi hành án cấp quân khu đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế cử đại diện tham gia cưỡng chế, đồng thời chỉ đạo lực lượng Công an xã, Ban chỉ huy Quân sự xã và huy động lực lượng tại chỗ để tham gia phối hợp bảo vệ cưỡng chế.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2014.

Điều 12. Tổ chức thực hiện

1. Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng, Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an là đầu mối giúp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đánh giá tình hình thực hiện việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự trong Quân đội; tiếp nhận thông tin, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư liên tịch này.

2. Định kỳ 6 tháng, một năm, cơ quan thi hành án cấp quân khu có trách nhiệm báo cáo Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng việc thực hiện phối hợp bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự trong Quân đội trong báo cáo nghiệp vụ thi hành án.

3. Định kỳ 6 tháng, cơ quan công an cấp huyện có trách nhiệm báo cáo cơ quan Công an cấp tỉnh việc thực hiện phối hợp bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự trong Quân đội (nếu có), cùng với báo cáo việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự địa phương để tổng hợp báo cáo Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an theo quy định.

4. Quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc các cơ quan thi hành án cấp quân khu báo cáo Bộ Quốc phòng (qua Cục Thi hành án) và cơ quan Công an các đơn vị, địa phương báo cáo Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) để có hướng dẫn kịp thời./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Quốc phòng
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Công an
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Thượng tướng Nguyễn Thành Cung

Thượng tướng Lê Quý Vương

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.