• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 03/07/1995
  • Ngày hết hiệu lực: 09/08/2005
BỘ Y TẾ-BỘ TÀI CHÍNH
Số: 51/TTLB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 3 tháng 7 năm 1995

THÔNG TƯ

LIÊN BỘ TÀI CHÍNH - Y TẾ

Quy định chế độ thu, quản lý, sử dụng lệ phí thẩm định và cấp giấy chứng nhận

đủ tiêu chuẩn, điều kiện thành lập cơ sở hành nghề y dược tư nhân

và lệ phí cấp số đăng ký mặt hàng thuốc

Căn cứ Pháp lệnh về hành nghề y dược tư nhân ngày 30/09/1993;

Căn cứ Điều 12 Nghị định số 06/CP ngày 29/01/1994 cụ thể hoá một số điều trong Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân;

Căn cứ Quyết định số 276/CT ngày 28/07/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ trưởng Chính phủ) về việc thống nhất quản lý các loại phí và lệ phí;

Sau một thời gian thực hiện thông tư số 51/TTLB ngày 06/06/1994 của Liên Bộ Tài chính - Y tế, quy định chế độ thu, quản lý, sử dụng lệ phí thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn, điều kiện thành lập cơ sở hành nghề y dược tư nhân, có một số điểm chưa phù hợp với thực tế cần sửa đổi, bổ sung. Liên Bộ Tài chính - Y tế ban hành thông tư quy định chế độ thu, quản lý và sử dụng lệ phí thẩm định việc xin cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn, điều kiện thành lập cơ sở hành nghề y dược tư nhân và lệ phí cấp số đăng ký mặt hàng thuốc để thay thế thông tư số 51/TTLB như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG NỘP

Các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước khi nộp đơn xin cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn, điều kiện thành lập cơ sở hành nghề y dược tư nhân và xin cấp số đăng ký mặt hàng thuốc phải nộp lệ phí thẩm định hồ sơ và lệ phí cấp số đăng ký mặt hàng thuốc được quy định tại Thông tư này.

II. MỨC THU

Mức thu lệ phí thẩm định và lệ phí xin cấp số đăng ký mặt hàng thuốc quy định tại phụ lục "Biểu mức thu lệ phí thẩm định và lệ phí cấp số đăng ký mặt hàng thuốc" kèm theo thông tư này.

Khi nộp hồ sơ xin cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện thành lập cơ sở hành nghề y dược tư nhân, người nộp hồ sơ nộp lệ phí thẩm định 70% và khi được cấp giấy chứng nhận nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận 30% mức thu tại biểu thu này.

Đối với các trường hợp giấy chứng nhận hết thời hạn, các cơ sở Y - Dược tư nhân muốn cấp lại giấy chứng nhận phải nộp 50% mức thu quy định tại thông tư này và nộp một lần khi nộp hồ sơ.

Đối với các trường hợp xin cấp số đăng ký mặt hàng thuốc người nộp hồ sơ nộp ngay 100% mức thu tại biểu này.

Khi giá cả thị trường biến động từ 20% trở lên thì Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Y tế xem xét điều chỉnh lại mức thu quy định tại thông tư này cho phù hợp với thực tế.

III. TỔ CHỨC THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG LỆ PHÍ.

1. Tổ chức thu:

a) Bộ Y Tế thu lệ phí đối với việc thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn, điều kiện thành lập bệnh viện tư nhân, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn kinh doanh dược - trang thiết bị y tế; Cơ sở hành nghề y - dược tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và lệ phí cấp số đăng ký mặt hàng thuốc.

b) Sở y tế các Tỉnh, Thành phố trực thuộc TW thu lệ phí thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn, điều kiện thành lập cơ sở hành nghề y dược tư nhân của các tổ chức, cá nhân đối với các loại hình thành nghề còn lại.

2. Quản lý và sử dụng nguồn thu lệ phí

a) Quản lý nguồn thu lệ phí:

Lệ phí thẩm định: Việc cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn, điều kiện thành lập cơ sở hành nghề y dược tư nhân và lệ phí cấp số đăng ký mặt hàng thuốc là nguồn thu của ngân sách Nhà nước. Cơ quan thu lệ phí nhận biên lai tại Cục Thuế của Tỉnh, Thành phố nơi đóng trụ sở.

Cơ quan thu lệ phí phải mở sổ sách kế toán theo dõi tình hình thu lệ phí và các khoản chi phí liên quan theo đúng pháp lệnh kế toán thống kê của Nhà nước và phải đăng ký sổ sách kế toán với cơ quan thuế trước khi sử dụng.

b) Sử dụng nguồn thu lệ phí:

Cơ quan thu lệ phí tạm thời được giữ lại 40% số phí thu được đối với cơ sở y tế tư nhân có trụ sở đóng ở thành phố trực thuộc TW; 50% số phí thu được đối với cơ sở y tế tư nhân có trụ sở đóng ở các tỉnh đồng bằng, trung du; 60% số phí thu được đối với cơ sở y tế tư nhân có trụ sở đóng ở các tỉnh Miền Núi và 20% số lệ phí thu được do cấp số đăng ký mặt hàng thuốc để chi cho:

- Công tác thẩm định và cấp số đăng ký mặt hàng thuốc.

- In biểu mẫu, giấy chứng nhận.

- Thường cho những cán bộ CNV có liên quan trực tiếp tới việc tổ chức thu lệ phí, nhưng mức thưởng một năm tối đa không quá 3 tháng lương cơ bản theo chế độ hiện hành của Nhà nước.

Các khoản chi nêu trên phải đúng chế độ tài chính hiện hành và có chứng từ hợp lệ.

Số lệ phí còn lại sau khi cơ quan thu lệ phí được tạm giữ lại theo các tỷ lệ nêu trên, cơ quan thu lệ phí phải nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước.

Thời hạn nộp theo quy định của Cục Thuế địa phương.

c) Hàng tháng, quý, năm cơ quan thu lệ phí phải tổ chức thanh toán quyết toán với cơ quan thuế và cơ quan tài chính cùng cấp.

Hàng năm, cơ quan thu lệ phí phải dự toán thu chi, tổng hợp trong kế hoạch thu, chi tài chính chung của đơn vị gửi cơ quan tài chính đồng cấp duyệt.

Cuối năm quyết toán việc sử dụng số lệ phí được tạm giữ lại theo tỷ lệ nêu tại điểm 2b, mục III của Thông tư này, về nguyên tắc nếu không chi hết phải nộp vào ngân sách Nhà nước. Trường hợp có nhu cầu giữ lại số lệ phí chưa sử dụng hết để đáp ứng chi cho năm sau thì phải được cơ quan tài chính đồng cấp đồng ý bằng văn bản. Số tiền để lại được tổng hợp vào kế hoạch thu, chi tài chính năm sau.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký và thay thế Thông tư số 51/TTLB ngày 06/06/1994 của Liên Bộ Tài chính - Y tế.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc gì đề nghị phản ánh về Liên Bộ để nghiên cứu giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Y tế
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Vũ Mộng Giao

Lê Văn Truyền

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.