Sign In

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 78/2011/NĐ-CP
ngày 01-9-1011 của Chính phủ quy định việc phối hợp giữa Bộ Công an
với Bộ Quốc phòng trong tổ chức thực hiện công tác phòng cháy
 và chữa cháy đối với cơ sở quốc phòng

Căn cứ Nghị định số 78/2011/NĐ-CP ngày 01-9-2011 của Chính phủ quy định việc phối hợp giữa Bộ Công an với Bộ Quốc phòng trong tổ chức thực hiện công tác phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở quốc phòng;

Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15-9-2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an; Nghị định số 21/2014/NĐ-CP ngày 25-3-2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15-9-2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22-4-2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 78/2011/NĐ-CP ngày 01-9-2011 của Chính phủ quy định việc phối hợp giữa Bộ Công an với Bộ Quốc phòng trong tổ chức thực hiện công tác phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở quốc phòng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 78/2011/NĐ-CP ngày 01-9-1011 của Chính phủ quy định việc phối hợp giữa Bộ Công an với Bộ Quốc phòng trong tổ chức thực hiện công tác phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở quốc phòng (sau đây viết gọn là Nghị định số 78/2011/NĐ-CP), bao gồm: Thông tin về phòng cháy và chữa cháy; huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy; thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy; kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy; cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm; xây dựng kế hoạch phòng cháy và chữa cháy, xây dựng và thực tập phương án chữa cháy; thẩm quyền phê duyệt phương án chữa cháy; chỉ huy chữa cháy và trách nhiệm phối hợp thực hiện.

2. Ban hành kèm theo Thông tư này Phụ lục phân cấp quản lý về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở hoạt động phục vụ mục đích quân sự.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cấp chiến lược là các cơ quan, đơn vị chỉ đạo ở cơ quan Bộ Quốc phòng.

2. Cấp chiến dịch, chiến thuật là các cơ quan, đơn vị chỉ đạo ở Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, Binh chủng, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sư đoàn, Lữ đoàn và tương đương.

Chương II

NỘI DUNG PHỐI HỢP

Điều 4. Thông tin về phòng cháy và chữa cháy

1. Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Bộ Công an (sau đây viết gọn là Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) và Cục Cứu hộ - Cứu nạn/ Bộ Tổng tham mưu/ Bộ Quốc phòng (sau đây viết gọn là Cục Cứu hộ - Cứu nạn); Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữaa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau dây viết gọn là Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh) và cấp chiến dịch, chiến thuật đóng quân trên địa bàn có trách nhiệm thông tin cho nhau theo các nội dung tương ứng quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 78/2011/NĐ-CP.

2. Việc trao đổi thông tin được thực hiện định kỳ bằng văn bản một năm một lần vào cuối quý IV giữa Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với Cục Cứu hộ - Cứu nạn; sáu tháng một lần vào cuối quý II và quý IV giữa Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh với cơ quan cứu hộ, cứu nạn cấp chiến dịch, chiến thuật.

Trường hợp đột xuất cần trao đổi thông tin thì hai bên trực tiếp thông báo kịp thời cho nhau.

Điều 5. Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy

1. Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm phối hợp với Cục Cứu hộ - Cứu nạn xây dựng các nội dung tuyên truyền, phổ biến phápluật và kiến thức về phòng cháy và chữa cháy cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ của Bộ Quốc phòng theo quy định của pháp luật hiện hành về phòng cháy và chữa cháy.

2. Người đứng dầu cơ sở quốc phòng có trách nhiệm tổ chức các lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc phạm vi quản lý theo chương trình huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, sát hạch và cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy theo quy định của Bộ Công an cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ của Bộ Quốc phòng làm việc tại các cơ sở phục vụ kinh tế - xã hội thuộc đối tượng phải huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.

4. Cục Cứu hộ - Cứu nạn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan của Bộ Quốc phòng tổ chức kiểm tra, sát hạch và cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ của cơ sở phục vụ mục đích quân sự thuộc cấp chiến lược theo quy định của Bộ Quốc phòng.

5. Phòng, Ban cứu hộ, cứu nạn cấp chiến dịch, chiến thuật chủ trì, phối hợp với Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh trên địa bàn đóng quân tổ chức kiểm tra, sát hạch và cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ của cơ sở phục vụ mục đích quân sự thuộc cấp chiến dịch, chiến thuật theo quy định của Bộ Quốc phòng.

Điều 6. Thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy

1. Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thẩm duyệt, kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình thi công xây dựng và kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với các dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật công trình quốc phòng hoạt động phục vụ kinh tế - xã hội và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động phục vụ kinh tế - xã hội do Thủ tướng Chính phủ và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt, quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành về phòng cháy và chữa cháy.

2. Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh thẩm quyền, kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy trong quá trình thi công xây dựng và kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với các dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật công trình quốc phòng hoạt động phục vụ kinh tế - xã hội do Thủ trưởng cấp chiến dịch, chiến thuật phê duyệt, quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành về phòng cháy và chữa cháy.

3. Cục Cứu hộ - Cứu nạn thực hiện các điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quản lý đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật công trình quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự tại nhóm I Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Cấp chiến dịch, chiến thuật thực hiện các điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quản lý đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy và trình Thủ trưởng cấp chiến dịch, chiến thuật phê duyệt đối với dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật công trình quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự tại các nhóm II, III Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này và những trường hợp do cấp trên ủy quyền.

Trường hợp nếu có yêu cầu phối hợp bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quản lý đầu tư xây dựng đối với dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật công trình quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự thì Cục Cứu hộ - Cứu nạn có văn bản đề nghị Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; cấp chiến dịch, chiến thuật có văn bản đề nghị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn đóng quân tham gia.

Điều 7. Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy

1. Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh phối hợp với cấp chiến dịch, chiến thuật trên địa bàn tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật hiện hành về phòng cháy và chữa cháy.

2. Cục Cứu hộ - Cứu nạn kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở  hoạt động phục vụ mục đích quân sự thuộc nhóm I Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này theo quy định của pháp luật hiện hành về phòng cháy và chữa cháy. Hàng năm, xây dựng kế hoạch phối hợp với Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với một số cơ sở theo kế hoạch đã được Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu phê duyệt. Để đảm bảo bí mật quốc phòng, người tham gia kiểm tra phải được Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn và Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quyết định.

3. Phòng, Ban cứu hộ, cứu nạn cấp chiến dịch, chiến thuật kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở hoạt động phục vụ mục đích quân sự thuộc các nhóm II, III Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này theo quy định của pháp luật hiện hành về phòng cháy và chữa cháy. Hàng năm, xây dựng kế hoạch phối hợp với Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh trên địa bàn  đóng quân kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với một số cơ sở theo kế hoạch đã được Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp cấp chiến dịch, chiến thuật phê duyệt. Để đảm bảo bí mật quốc phòng, người tham gia kiểm tra phải được Thủ trưởng cấp chiến dịch, chiến thuật và Giám đốc Cảnh  sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh quyết định.

Điều 8. Cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm

1. Bộ Công an chủ trì và tổ chức thực hiện việc cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm (trừ vật liệu nổ công nghiệp) phục vụ hoạt động kinh tế - xã hội bằng các loại phương tiện giao thông cơ giới theo thẩm quyền quy định tại Thông tư số 35/2010/TT-BCA ngày 11-10-2010 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và hàng nguy hiểm và Thông tư số 04/2014/TT-BCA ngày 21/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2010/TT-BCA ngày 11-10-2010 quy định về cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và hàng nguy hiểm.

2. Bộ Quốc phòng tổ chức thực hiện việc cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm phục vụ mục đích quân sự bằng phương tiện giao thông cơ giới của Bộ Quốc phòng và bảo đảm các điều kiện an toàn về cháy, nổ; thực hiện việc cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại Thông tư số 22/2013/TT-BQP ngày 11/3/12013 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về quản lý hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trong Quân đội.

Điều 9. Xây dựng kế hoạch phòng cháy và chữa cháy, xây dựng và thực tập phương án chữa cháy

1. Người đứng đầu cơ sở quốc phòng chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch và phương án chữa cháy sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ thuộc phạm vi quản lý của mình, tổ chức hiệp đồng cụ thể với lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy và lực lượng phòng cháy và chữa cháy của các đơn vị khác trên địa bàn đóng quân. Định kỳ ít nhất một năm một lần thực tập phương án chữa cháy đã được phê duyệt.

2. Người đứng đầu cơ sở quốc phòng chủ trì, phối hợp với Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh trên địa bàn đóng quân xây dựng kế hoạch phòng cháy và chữa cháy, xây dựng và thực tập phương án chữa cháy trong các tình huống cháy lớn, cháy có diễn biến phức tạp, phương án chữa cháy cần huy động lực lượng, phương tiện của nhiều cơ quan, tổ chức hoặc nhiều địa phương tham gia.

Điều 10. Thẩm quyền phê duyệt phương án chữa cháy

1. Cấp trên trực tiếp của cơ sở quốc phòng phê duyệt phương án chữa cháy trong đó sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ của cơ sở đó.

2. Người đứng đầu cơ sở quốc phòng và Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh phê duyệt phương án chữa cháy (tình huống chữa cháy cụ thể) đã có trong kế hoạch phối hợp đối với cơ sở quốc phòng thuộc phạm vi và địa bàn quản lý khi trong phương án có huy động lực lượng, phương tiện của nhiều cơ quan, tổ chức tham gia.

3. Cục Cứu hộ - Cứu nạn và Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phê duyệt phương án chữa cháy trong các tình huống cháy lớn, cháy có diễn biến phức tạp xảy ra tại các cơ sở quốc phòng khi trong phương án cần huy động lực lượng, phương tiện của các địa phương, Bộ, ngành và các đơn vị khác tham gia, trường hợp đặc biệt thì Bộ trưởng hai bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 11. Chỉ huy chữa cháy

1. Khi xảy ra cháy tại cơ sở quốc phòng thì người đứng đầu cơ sở  quốc phòng xảy ra cháy hoặc người được ủy quyền là người chỉ huy chữa cháy tại chỗ, ban đầu. Khi có lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tham gia chữa cháy thì thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều  này.

2. Khi xảy ra cháy tại các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ kinh tế - xã hội thì người có chức vụ cao nhất của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có mặt tại đám cháy là người chỉ huy chữa cháy.

3. Khi xảy ra cháy tại cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự có lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tham gia chữa cháy thì phải thành lập Ban chỉ huy xử lý vụ cháy do người có chức vụ cao nhất của cơ sở quốc phòng bị cháy có mặt tại đám cháy là Trưởng ban, người có chức vụ cao nhất của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tham gia Ban chỉ huy xử lý vụ cháy và là người chỉ huy chữa cháy.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm phối hợp thực hiện

1. Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ giúp Bộ trưởng Bộ Công an, Cục Cứu hộ - Cứu nạn giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Nghị định số 78/2011/NĐ-CP và Thông tư này.

Định kỳ vào cuối quý IV hàng năm, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh và cấp chiến dịch, chiến thuật trên địa bàn tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp thực hiện Nghị định số 78/2011/NĐ-CP và Thông tư này.

2. Các cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Điều 13. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 23 tháng 10 năm 2014.

2. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) và Bộ Quốc phòng (qua Cục Cứu hộ - Cứu nạn) để kịp thời hướng dẫn.

Bộ Công an

Bộ Quốc phòng

Bộ trưởng

Bộ trưởng - Bộ Quốc phòng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Đại tướng Trần Đại Quang

Đại tướng Phùng Quang Thanh