THÔNG TƯ LIÊN BỘ
Hướng dẫn thủ thủ tục xét duyệt nhân sự và cấp thị thực
cho người nước ngoài vào Việt Nam
- Căn cứ Nghị định số 83/CP ngày 10/6/1961 của Hội đồng Chính phủ về việc người nước ngoài xin nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam;
- Căn cứ vào các Chỉ thị số 419/CT ngày 14/12/1984 và số 189/CT ngày 4/8/1986 của Hội đồng Bộ trưởng về nguyên tắc quản lý các đoàn của nước ta ra nước ngoài và các đoàn nước ngoài vào nước ta;
- Để phục vụ yêu cầu phát triển và mở rộng quan hệ giữa nước ta với các nước, giải quyết kịp thời việc cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam, Liên Bộ Nội vụ-Ngoại giao ra Thông tư hướng dẫn cụ thể như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ ĐỐI TƯỢNG GIẢI QUYẾT CHO NHẬP CẢNH VIỆT NAM
1. Đối với những người vào Việt Nam theo Luật đầu tư nước ngoài và du lịch ở Việt Nam thì có Thông tư hướng dẫn riêng.
2. Những người nước ngoài mang các loại hộ chiếu mà nước đó đã ký Hiệp định với nước ta thoả thuận miễn thị thực thì không phải làm thủ tục xin cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam.
3. Những người nước ngoài là công dân của nước chưa ký Hiệp định miễn thị thực với nước ta thì áp dụng như sau:
3.1. Các đoàn nước ngoài vào nước ta thuộc các diện sau đây, kể cả các thành viên chính thức và những người phục vụ đi theo đoàn, được miễn thủ tục xin cấp thị thực nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam và miễn xét duyệt nhân sự:
a. Đoàn người đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ
b. Đoàn Đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ;
c. Đoản Tổng thư ký Liên hợp quốc;
d- Đoàn Đặc phái viên của Nguyên thủ quốc gia, hoặc của Thủ tướng Chính phủ, của Tổng thư ký Liên hợp quốc;
đ. Đoàn Đại biểu chính thức của Quốc hội và các uỷ ban của Quốc hội;
e. Đoàn Bộ trưởng Ngoại giao.
3.2. Các đoàn (kể cả các thành viên chính thức và những người phục vụ đi theo đoàn) và các cá nhân thuộc diện sau đây (không thuộc diện quy định ở điểm 3.1 nêu trên được miễn xét duyệt nhân sự, nhưng phải làm thủ tục xin cấp thị thực nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam:
a. Các đoàn và cá nhân vào thăm Việt Nam theo lời mời của:
- Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng;
- Chủ tịch Quốc hội và các Uỷ ban của Quốc hội;
- Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ;
- Lãnh đạo tổ chức Đảng từ cấp tỉnh, thành phố đặc khu trực thuộc Trung ương trở lên;
- Trưởng các ban trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng;
- Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương;
- Người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Nông dân tập thể.
b. Những người có trong danh sách mời vào Việt Nam dự Hội nghị Quốc tế do Việt Nam đăng cai.
c. Những người vào làm việc ở các Cơ quan đại diện Ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự của nước ngoài, Cơ quan đại diện của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác ở Việt Nam cụ thể là:
- Các thành viên Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự của nước ngoài, Cơ quan đại diện của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác, kể cả các thành viên gia đình của những người đó.
- Các Giao thông viên ngoại giao.
- Khách mời của cá nhân Đại sứ hoặc của Tổng Lãnh sự của nước ngoài tại Việt Nam.
Những người nước ngoài vào thăm thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con công tác tại các Cơ quan đại diện Ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự, Cơ quan đại diện của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác ở Việt Nam.
- Công dân các nước XHCN mang các loại hộ chiếu chưa miễn thị thực với nước ta vào thăm người thân như cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị em ruột là chuyên gia đang công tác tại các công trình hoặc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở nước ta.
d. Các trường hợp khác như:
- Vào săn sóc người ốm nặng; đưa bệnh nhân về nước;
- Vào để khắc phục các sự cố kỹ thuật khẩn cấp theo yêu cầu của các cơ quan chủ quản Việt Nam;
- Quá cảnh Việt Nam để đi Lào, Campuchia khi đương sự đã có thị thực hoặc giấy mời của Lào, Cămpuchia.
3.3. Những người nước ngoài không thuộc diện quy định tại các điểm 3.1 và 3.2 nêu trên đều phải làm thủ tục xin cấp thị thực nhập cảnh, xuất cảnh và cơ quan Việt Nam chủ quản phải làm thủ tục để Bộ Nội vụ xét duyệt nhân sự về mặt an ninh chính trị.
II. NHỮNG TRƯỜNG HỢP KHÔNG ĐƯỢC NHẬP CẢNH VIỆT NAM
1. Những người là tội phạm chiến tranh, những người đang hoạt động trong các tổ chức phát xít mới, các tổ chức khủng bố quốc tế, các tổ chức buôn lậu quốc tế.
2. Những người đang tham gia các hoạt động công khai chống phá Việt Nam.
3. Những người đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam trong lần nhập cảnh trước.
4. Những người đã cố ý khai sai sự thật khi xin nhập cảnh vào Việt Nam.
5. Những trường hợp khác vì lý do bảo đảm an ninh quốc gia của Việt Nam.
III. THỦ TỤC THỜI GIAN GIẢI QUYẾT CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH VIỆT NAM
A. Những người thuộc diện được miễn làm thủ tục và miễn xét duyệt nhân sự:
1. Những người được miễn thủ tục xin cấp thị thực và miễn xét duyệt nhân sự (điểm 3.1 mục I):
a. Cơ quan đại diện Ngoại giao hoặc Cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi chung là Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài) báo danh sách (họ, tên, chức vụ) các thành viên trong đoàn, kể cả các nhân viên phục vụ đi theo đoàn, để cơ quan chủ quản đón khách ở trong nước xem xét.
b. Ngay sau khi xem xét, nếu chấp thuận thì cơ quan đón khách phải thông báo cho Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp thị thực cho đoàn vào, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Bộ Nội vụ biết.
2. Những người được miễn xét duyệt nhân sự nhưng phải làm thủ tục xin nhập cảnh Việt Nam (điểm 3.2 mục I):
a. Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hướng dẫn cho đương sự kê khai đơn có dán ảnh (theo mẫu ở các Đại sứ quán ta) và báo ngay danh sách đoàn xin vào để cơ quan chủ quản ở trong nước xem xét, quyết định có đón hay không (nội dung thông báo theo quy định ở phần B mục này)
b. Ngay sau khi xem xét, nếu chấp thuận thì cơ quan chủ quản đón khách phải thông báo cho Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp thị thực cho đoàn vào, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Bộ Ngoại giao (Vụ Lãnh sự) và Bộ Nội vụ (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) nếu là khách của cơ quan Trung ương hoặc Công an cấp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương nếu là khách của địa phương.
Riêng đối với những người nước ngoài vào làm việc thăm thân nhân ở Cơ quan đại diện Ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự, Cơ quan đại diện của Liên hợp quốc, vào vì lý do nhân đạo hoặc để khắc phục những sự cố kỹ thuật (theo qui định ở điểm 3.2 mục I) thì do Bộ Ngoại giao xem xét quyết định và báo cho Bộ Nội vụ (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) biết. Ngay sau khi cấp thị thực, Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài phải điện báo cho Bộ Ngoại giao (Vụ Lãnh sự).
B. Các đối tượng phải làm thủ tục xin nhập cảnh Việt Nam và phải qua xét duyệt nhân sự
1. Những người nước ngoài làm thủ tục xin cấp thị thực nhập cảnh, xuất cảnh theo hướng dẫn của Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Khi làm thủ tục, đương sự phải:
- Nộp hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu có giá trị.
- Nộp các loại giấy tờ, chứng nhận của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam mời (nếu có).
- Nộp lệ phí Lãnh sự, nếu thuộc diện không được miễn lệ phí.
2. Ngay sau khi đương sự làm xong đầy đủ thủ tục xin nhập cảnh Việt Nam, Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài phải báo về nước cho cơ quan Việt Nam chủ quản, đồng gửi cho Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) những yếu tố về khách như sau:
- Họ và tên.
- Ngày tháng năm sinh, nơi sinh.
- Quốc tịch gốc và quốc tịch hiện nay.
- Nghề nghiệp và địa chỉ thường trú.
- Mục đích, thời gian và cửa khẩu vào Việt Nam.
- Loại và số hộ chiếu.
Riêng trường hợp xin vào thăm thân nhân ở Việt Nam thì phải báo thêm họ, tên, địa chỉ của thân nhân ở Việt Nam và quan hệ của đương sự với thân nhân đó.
3. Ngay sau khi nhận được thông báo của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan Việt Nam chủ quản phải gửi công văn đề nghị Bộ Nội vụ (gửi về Cục Quản lý xuất nhập cảnh) xét duyệt nhân sự về mặt an ninh chính trị.
Trường hợp cơ quan Việt Nam chủ quản không đồng ý đón tiếp hoặc làm việc với khách thì cũng phải thông qua Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan được Bộ Ngoại giao uỷ quyền báo cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài biết để trả lời cho đương sự.
4. Thời hạn xét duyệt nhân sự đoàn vào không quá 7 ngày, kề từ khi Cục quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ nhận được công văn đề nghị của cơ quan chủ quản. Sau khi xét duyệt, Bộ Nội vụ trả lời kết quả cho cơ quan chủ quản để thông báo cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài giải quyết.
Sau 15 ngày kể từ khi cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài thông báo danh sách người nước ngoài xin vào Việt Nam, nếu không được cơ quan có trách nhiệm duyệt nhân sự ở trong nước trả lời kết quả thì cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài có quyền xem xét quyết định việc cấp thị thực cho đương sự, đồng thời báo cho cơ quan chủ quản ở Việt Nam và Bộ Nội vụ biết.
IV. CÁC QUY ĐỊNH KHÁC
1. Những người nước ngoài đến cửa khẩu Việt Nam mà không có thị thực của cơ quan Việt Nam có thẩm quyền (đối với những trường hợp quy định phải có thị thực của Việt Nam), cơ quan Công an cửa khẩu Việt Nam có trách nhiệm xem xét, xử lý vi phạm của đương sự, kể cả việc buộc đương sự xuất cảnh ngay.
Trường hợp cá biệt hoặc người từ các nước mà Việt Nam chưa có cơ quan đại diện, nếu có thông báo trước bằng công văn của cơ quan Việt Nam chủ quản và được Bộ Nội vụ chấp thuận thì do cơ quan Công an cửa khẩu cấp thị thực cho khách vào Việt Nam. Trong trường hợp này, đương sự phải nộp lệ phí theo quy định của cơ quan hữu trách Việt Nam.
2. Bộ Ngoại giao uỷ quyền cho thủ trưởng các cơ quan đoàn thể ở Trung ương hoặc người được uỷ nhiệm (có thông báo trước họ tên cho - Bộ Ngoại giao (Vụ Lãnh sự), các cơ quan Ngoại vụ của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, đặc khu Vũng Tàu - Côn đảo được điện trực tiếp báo cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài về việc giải quyết cho người nước ngoài nhập, xuất cảnh nước ta theo quy định ở thông tư này; các tỉnh khác ở phía Bắc thông qua Bộ Ngoại giao, các tỉnh từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở vào thông qua Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh.
3. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành và thay thế các quy định trước đây của Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao về thủ tục giải quyết cho người nước ngoài vào Việt Nam./.