Sign In

THÔNG TƯ

Quy định kiểm định môi trường về nước thải

của lực lượng Công an nhân dân

Căn cứ Pháp lệnh Cảnh sát môi trường ngày 23 tháng 12 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 105/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường;

Căn cứ Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 08 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định kiểm định môi trường về nước thải của lực lượng Công an nhân dân.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về thu mẫu, đo kiểm tại hiện trường, kiểm định mẫu nước thải, điều kiện chuyên môn của cán bộ kiểm định, bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng trong kiểm định môi trường về nước thải của lực lượng Công an nhân dân (sau đây viết gọn là kiểm định nước thải).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Công an các đơn vị, địa phương; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân thực hiện nhiệm vụ kiểm định nước thải.

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc kiểm định nước thải.

Điều 3. Nguyên tắc áp dụng phương pháp kiểm định nước thải

1. Việc kiểm định nước thải phải thực hiện theo các phương pháp quy định tại Thông tư này hoặc tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải.

2. Các phương pháp kiểm định nước thải quy định tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo phương pháp mới.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Kiểm định nước thải là hoạt động thu mẫu, đo kiểm, kiểm định mẫu nước thải được thực hiện theo một quy trình nhất định nhằm tìm ra mức độ vượt ngưỡng của các thông số môi trường được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải.

2. Địa điểm thu mẫu nước thải là nơi, khu vực, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà từ đó thu được một hoặc nhiều mẫu nước thải khác nhau.

3. Điểm thu mẫu nước thải là vị trí cụ thể được xác định trong địa điểm thu mẫu nước thải.

4. Thu mẫu nước thải là hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc lấy mẫu nước thải để xác định mức độ vượt ngưỡng cho phép của các thông số môi trường hoặc mức độ xuất hiện các yếu tố ô nhiễm với mục đích phát hiện, chứng minh và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

Điều 5. Điều kiện chuyên môn của cán bộ kiểm định nước thải

1. Cán bộ làm nhiệm vụ thu mẫu nước thải, đo kiểm tại hiện trường phải có trình độ trung cấp trở lên và được cấp giấy chứng nhận đã tập huấn hoặc bồi dưỡng về thu mẫu nước thải, đo kiểm tại hiện trường.

2. Cán bộ làm nhiệm vụ kiểm định mẫu nước thải phải có trình độ đại học trở lên và được cấp giấy chứng nhận đã tập huấn hoặc bồi dưỡng về kiểm định mẫu nước thải.

Điều 6. Trách nhiệm của cán bộ và đơn vị quản lý cán bộ kiểm định nước thải

1. Cán bộ kiểm định nước thải quy định tại Điều 5 Thông tư này có trách nhiệm:

a) Thực hiện đúng quy trình vận hành, sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kiểm định nước thải và chịu trách nhiệm về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kiểm định nước thải;

b) Đảm bảo phương tiện, thiết bị được giao hoạt động bình thường, ổn định và đã được hiệu chuẩn hoặc kiểm định theo quy định; thực hiện các biện pháp khắc phục hoặc hạn chế ảnh hưởng theo hướng dẫn hoặc khuyến cáo của nhà sản xuất; thực hiện đầy đủ quy trình kiểm soát chất lượng và bảo đảm chất lượng.

2. Đơn vị quản lý cán bộ kiểm định nước thải có trách nhiệm:

a) Lập hồ sơ quản lý phương tiện, thiết bị kiểm định nước thải bao gồm: lý lịch; hướng dẫn sử dụng; nhật ký sử dụng; giấy kiểm định hoặc hiệu chuẩn; sổ giao, nhận phương tiện, thiết bị;

b) Tổ chức bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn các phương tiện, thiết bị kiểm định nước thải; mua sắm hóa chất, vật tư theo quy định, kịp thời sửa chữa phương tiện, thiết bị kiểm định đảm bảo công tác;

c) Mở và lưu trữ hồ sơ về năng lực chuyên môn của cán bộ kiểm định: lý lịch khoa học; hồ sơ đào tạo, các văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận liên quan; bảng thống kê năng lực kiểm định của cán bộ;

d) Mở và lưu trữ đầy đủ hồ sơ về kiểm định nước thải, bao gồm hồ sơ về thu mẫu, hồ sơ đo kiểm tại hiện trường, hồ sơ kiểm định mẫu nước thải và các văn bản, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ việc kiểm định.

Điều 7. Lựa chọn đơn vị phối hợp

1. Khi năng lực của đơn vị thu mẫu, đơn vị kiểm định thuộc lực lượng Công an nhân dân không đáp ứng yêu cầu thì sử dụng đơn vị phối hợp bên ngoài Công an nhân dân. Đơn vị được phối hợp phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường còn hiệu lực với thông số cần kiểm định.

2. Khi lựa chọn đơn vị phối hợp đáp ứng yêu cầu kiểm định nước thải thì phải lập danh sách kèm theo hồ sơ năng lực và được phê duyệt của lãnh đạo có thẩm quyền. Chỉ sử dụng đơn vị phối hợp trong danh sách đã được duyệt.

3. Khi thực hiện việc thu mẫu nước thải và đo kiểm tại hiện trường thì đơn vị thuộc Công an nhân dân phải chủ trì thực hiện và cùng đơn vị phối hợp ghi biên bản thu mẫu, biên bản kiểm định môi trường tại hiện trường.

Điều 8. Biểu mẫu sử dụng trong kiểm định nước thải

1. Ban hành kèm theo Thông tư này các biểu mẫu sau đây để sử dụng trong kiểm định nước thải:

a) Phụ lục I: Kế hoạch thu, bảo quản mẫu nước thải;

b) Phụ lục II: Báo cáo thu mẫu nước thải;

c) Phụ lục III: Bảng tổng hợp thông số môi trường nước thải và kỹ thuật bảo quản;

d) Phụ lục IV: Phương pháp kiểm định nước thải.

2. Các biểu mẫu: Yêu cầu kiểm định mẫu môi trường; biên bản thu và niêm phong mẫu vật môi trường; biên bản mở niêm phong và giao, nhận mẫu vật môi trường; biên bản kiểm định môi trường tại hiện trường; biên bản kiểm định môi trường tại phòng thí nghiệm; kết quả kiểm định môi trường; kết quả kiểm định môi trường có chứng chỉ phòng thí nghiệm đạt chuẩn Quốc gia và Quốc tế theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025; kết luận kiểm định môi trường; kết luận kiểm định môi trường có chứng chỉ phòng thí nghiệm đạt chuẩn Quốc gia và Quốc tế theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 được ban hành kèm theo Thông tư số 61/2012/TT-BCA-C41 ngày 16 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành các loại biểu mẫu sử dụng trong hoạt động kiểm định môi trường phục vụ công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của lực lượng Cảnh sát nhân dân.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1

THU MẪU NƯỚC THẢI VÀ ĐO KIỂM TẠI HIỆN TRƯỜNG

Điều 9. Thực hiện công tác chuẩn bị thu, bảo quản mẫu nước thải

1. Khi nhận nhiệm vụ, cán bộ được giao nhiệm vụ có trách nhiệm thu thập thông tin cần thiết để lập kế hoạch. Kế hoạch thu, bảo quản mẫu nước thải được lập theo Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này và phải được lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp phụ trách cán bộ đó phê duyệt để xác nhận các nội dung cần thực hiện.

2. Cán bộ thực hiện nhiệm vụ thu mẫu nước thải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu, hóa chất, dụng cụ, phương tiện, trang thiết bị phù hợp, an toàn bảo hộ lao động theo Kế hoạch thu, bảo quản mẫu nước thải đã được duyệt.

Điều 10. Thông số nước thải cần thu để kiểm định

1. Thông số nước thải cần thu để kiểm định là thông số được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này và các thông số khác theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải.

2. Căn cứ để lựa chọn những thông số nước thải đặc trưng, có khả năng vượt ngưỡng cho phép để kiểm định dựa trên: quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, giấy phép môi trường, loại hình sản xuất, quy mô, đặc điểm nguồn thải, thông tin từ hoạt động trinh sát, điều tra cơ bản và yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác định các thông số cần kiểm định.

Điều 11. Xác định điểm thu mẫu nước thải

1. Điểm thu mẫu nước thải được chọn tại cửa xả nước thải ra môi trường sao cho tại đó có dòng chảy rối, dòng nước thải hòa trộn đều, dễ tiếp cận, bảo đảm an toàn cho người và thiết bị thu mẫu. Nếu vị trí dự kiến chọn làm điểm thu mẫu không bảo đảm an toàn thì phải loại bỏ và chọn vị trí khác sao cho bảo đảm an toàn.

2. Sau khi xác định được điểm thu mẫu nước thải, phải xác định tọa độ địa lý của điểm thu mẫu. Trường hợp không thể xác định được tọa độ địa lý thì phải chọn vật chuẩn cố định để làm mốc mô tả vị trí điểm thu mẫu trong biên bản thu mẫu.

3. Trường hợp cửa xả nước thải không có vị trí có dòng chảy rối thì chọn một trong hai cách sau để tạo dòng chảy rối:

a) Chọn ít nhất 3 vị trí trở lên theo mặt cắt ngang dòng nước thải, không được sát bờ dòng nước thải. Thực hiện kỹ thuật lấy mẫu tại các vị trí đã chọn với lượng gần bằng nhau trong khoảng thời gian không quá 15 phút, trộn đều cho đồng nhất mẫu;

b) Tạo vách ngăn hình chữ V hoặc hình chữ nhật để thu hẹp tiết diện dòng nước thải, chọn điểm lấy mẫu là vị trí ở phía sau phần thu hẹp, cách chỗ thu hẹp ít nhất một khoảng bằng 3 lần đường kính cửa xả thải.

Điều 12. Tiến hành thu, bảo quản mẫu nước thải

1. Việc thu mẫu phải có mặt chủ cơ sở nguồn thải hoặc người đại diện của cơ sở có nguồn thải. Trường hợp chủ cơ sở nguồn thải hoặc người đại diện vắng mặt hoặc không hợp tác thì trưởng đoàn công tác có trách nhiệm lập biên bản về sự vắng mặt hoặc không hợp tác và phải có người chứng kiến việc thu mẫu.

2. Sử dụng dụng cụ, phương tiện, thiết bị thu mẫu để thu nước thải vào dụng cụ chứa trung gian. Nếu chiều sâu dòng nước thải nhỏ hơn 01 mét, độ sâu thu mẫu nước thải nằm ở 1/3 chiều sâu dòng nước thải tính từ bề mặt nước. Nếu chiều sâu dòng nước thải lớn hơn 01 mét thì thu ở độ sâu từ 20 cm đến 50 cm tính từ mặt nước. Với các cửa xả thải nhỏ và dạng thác thì chọn điểm thu mẫu ở giữa dòng nước thải. Trường hợp phải khuấy trộn dòng nước thải cho đều thì sau khi khuấy, phải để 05 phút cho cặn thô lắng xuống đáy mới tiến hành thu mẫu. Phải lọc rác trước khi cho mẫu vào dụng cụ chứa trung gian.

3. Trường hợp thu mẫu để xác định các chất nổi và nhũ hóa thì phải tráng dụng cụ chứa trung gian bằng nước thải, đổ nước tráng đi rồi thu mẫu như bình thường.

4. Bảo quản mẫu: Những mẫu nước thải cần bảo quản bằng hóa chất thì thêm hóa chất theo quy định tại Bảng tổng hợp thông số môi trường nước thải và kỹ thuật bảo quản tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này hoặc theo tiêu chuẩn quốc gia về bảo quản và xử lý mẫu nước. Sau khi thêm đủ lượng hóa chất, nạp bổ sung lượng nước thải cho đến khi đủ hoặc đầy như quy định thì vặn chặt nút bình. Cán bộ thu mẫu kiểm tra độ kín của bình chứa mẫu, nếu không đảm bảo thì phải thay bình chứa khác.

Điều 13. Tiến hành dán tem nhãn mẫu

1. Cán bộ thu mẫu có trách nhiệm ghi thông tin mẫu trên tem nhãn gồm: Ký hiệu mẫu, hóa chất bảo quản và thời gian thu mẫu. Ký hiệu mẫu phải được ghi sao cho không bị nhầm lẫn trong các quá trình lập biên bản, vận chuyển, kiểm định, lưu mẫu, đồng thời không được trùng nhau giữa các mẫu được thu trong vòng một năm, thể hiện được đặc trưng riêng của nơi thu mẫu.

2. Tem nhãn khi dán phải bám chắc vào bình chứa, không để bị thấm nước, phải dùng băng dính trong, rộng bản dán đè kín lên mặt nhãn và bao tròn hơn một vòng quanh bình chứa để cố định chặt và kín toàn bộ tem nhãn vào thành bình.

Điều 14. Niêm phong mẫu nước thải

1. Cán bộ thu mẫu có trách nhiệm niêm phong mẫu nước thải đã thu. Dùng tem niêm phong dán đè qua nơi tiếp giáp, dán băng dính trong kín toàn bộ bề mặt tem niêm phong.

2. Tem niêm phong phải có chữ ký của cán bộ thu mẫu và chủ cơ sở nguồn thải hoặc người đại diện cơ sở có nguồn thải. Trường hợp chủ nguồn thải hoặc người đại diện cơ sở có nguồn thải vắng mặt hoặc không hợp tác thì phải có chữ ký của người chứng kiến.

Điều 15. Lập biên bản thu và niêm phong mẫu nước thải

Biên bản thu và niêm phong mẫu nước thải được lập theo mẫu Biên bản thu và niêm phong mẫu vật môi trường. Ghi đầy đủ các thông tin trong biên bản. Nếu biên bản có nhiều tờ thì phải có dấu giáp lai của cơ sở có nguồn thải hoặc của chính quyền địa phương nơi có cơ sở nguồn thải hoạt động và có chữ ký của những người có tên trong biên bản thu và niêm phong mẫu vật môi trường.

Điều 16. Vận chuyển mẫu nước thải đến đơn vị kiểm định

1. Mẫu nước thải đã thu phải chuyển ngay đến đơn vị kiểm định, trừ trường hợp bất khả kháng thì phải báo cáo ngay cho trưởng đoàn công tác hoặc lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp phụ trách để xử lý.

2. Trước khi chuyển mẫu nước thải đến đơn vị kiểm định, cần đối chiếu giữa Biên bản thu và niêm phong mẫu vật môi trường với các mẫu nước thải đã thu.

3. Tất cả các bình mẫu nước thải phải được bảo quản trong thùng bảo ôn, ở điều kiện môi trường có nhiệt độ 5 ± 3 oC.

4. Phải đảm bảo duy trì được điều kiện môi trường bảo quản mẫu nước thải theo tiêu chuẩn quy định trong suốt quá trình vận chuyển.

Điều 17. Đo kiểm môi trường tại hiện trường

1. Với những thông số nước thải phải đo kiểm tại hiện trường thì cán bộ thu mẫu nước thải tiến hành đo kiểm tại các điểm thu mẫu đã chọn.

2. Việc đo kiểm tại hiện trường được tiến hành ngay trước hoặc đồng thời với quá trình thu mẫu nước thải và phải có sự chứng kiến của đại diện chủ nguồn thải hoặc đại diện cơ sở có nguồn thải hoặc người làm chứng. Chụp ảnh hoặc quay phim về hoạt động đo kiểm.

3. Cán bộ thu mẫu có trách nhiệm lập biên bản về nội dung đo kiểm theo mẫu Biên bản kiểm định môi trường tại hiện trường. Biên bản phải ghi rõ kết quả và đọc trực tiếp tại hiện trường, có chữ ký của chủ nguồn thải hoặc đại diện cơ sở có nguồn thải hoặc người làm chứng.

Điều 18. Kết thúc công tác thu mẫu nước thải

1. Đơn vị thu mẫu bàn giao ngay mẫu nước thải, Biên bản thu và niêm phong mẫu vật môi trường cho đơn vị kiểm định mẫu nước thải, trừ trường hợp bất khả kháng. Việc bàn giao phải lập thành biên bản theo mẫu Biên bản thu và niêm phong mẫu vật môi trường. Đơn vị kiểm định mẫu nước thải khi mở niêm phong phải có mặt đại diện đơn vị kiểm định, đại diện đơn vị thu mẫu nước thải.

2. Đơn vị yêu cầu thu mẫu lập yêu cầu kiểm định mẫu môi trường theo mẫu Yêu cầu kiểm định mẫu môi trường.

3. Nếu giao mẫu cho đơn vị ngoài ngành Công an kiểm định thì đơn vị kiểm định không bàn giao Biên bản thu và niêm phong mẫu vật môi trường; trong mẫu Yêu cầu kiểm định mẫu môi trường không ghi thông tin về cơ sở có nguồn thải.

4. Cán bộ thu mẫu nước thải viết Báo cáo thu mẫu nước thải theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Báo cáo phải ghi rõ tình hình xả thải, hệ thống xử lý, nghi vấn bất thường tại thời điểm thu mẫu nước thải.

Mục 2

KIỂM ĐỊNH MẪU NƯỚC THẢI

Điều 19. Quy trình kiểm định mẫu nước thải

1. Đơn vị kiểm định khi tiếp nhận mẫu nước thải để kiểm định phải đánh giá mẫu nước thải và xem xét yêu cầu kiểm định mẫu nước thải để xác định sự phù hợp với năng lực kiểm định. Trường hợp không phù hợp với năng lực kiểm định thì từ chối kiểm định hoặc sử dụng đơn vị phối hợp để thực hiện; trường hợp tiếp nhận mẫu nước thải để kiểm định thì tiến hành mã hóa mẫu nước thải và phân công cán bộ thực hiện.  

2. Cán bộ kiểm định mẫu nước thải căn cứ vào các thông số và phương pháp kiểm định để chuẩn bị các trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất, vật tư phù hợp để tiến hành kiểm định.

3. Cán bộ kiểm định thực hiện kiểm định theo quy trình đã được xây dựng theo từng phương pháp cụ thể.

4. Kết thúc kiểm định mẫu nước thải.

Cán bộ kiểm định có trách nhiệm viết biên bản kiểm định theo mẫu Biên bản kiểm định môi trường tại phòng thí nghiệm và kết luận kiểm định môi trường theo mẫu Kết luận kiểm định môi trường hoặc mẫu Kết luận kiểm định môi trường có chứng chỉ phòng thí nghiệm đạt chuẩn Quốc gia và Quốc tế theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025. Trường hợp chưa đủ điều kiện kết luận theo quy định thì viết theo mẫu Kết quả kiểm định môi trường hoặc mẫu Kết quả kiểm định môi trường có chứng chỉ phòng thí nghiệm đạt chuẩn Quốc gia và Quốc tế theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025. Phần mẫu còn lại sau khi kiểm định được lưu theo quy định về kiểm soát chất lượng và quy định về quản lý mẫu vật môi trường. Thời gian lưu mẫu kiểm định nước thải là 30 ngày sau khi kết thúc kiểm định trừ khi có yêu cầu khác.

Điều 20. Yêu cầu về điều kiện môi trường đối với đơn vị kiểm định nước thải

1. Phòng bảo quản thiết bị kiểm định môi trường cần có diện tích từ 15 m2 trở lên, có điều hòa, hút ẩm, đồng hồ theo dõi nhiệt độ, độ ẩm; đảm bảo về nhiệt độ từ 10 ÷ 30 0C, độ ẩm: ≤ 80 %.

2. Phòng kiểm định mẫu môi trường cần tách biệt với phòng bảo quản thiết bị kiểm định môi trường, có trang bị bàn phân tích; tủ hút khí độc; giá hoặc tủ để vật tư, hóa chất; bồn rửa dụng cụ; điều hòa; quạt thông gió; bảo đảm về nhiệt độ trong khoảng 23 ± 7 0C và độ ẩm < 85 %.

Điều 21. Bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng kiểm định nước thải

Đơn vị kiểm định phải thiết lập và duy trì các yêu cầu về kiểm soát chất lượng, bảo đảm chất lượng, bao gồm các quy định về nhân sự, cơ sở vật chất, điều kiện môi trường, quản lý và sử dụng thiết bị, quản lý mẫu nước thải, kiểm soát tài liệu, hồ sơ kiểm định mẫu nước thải và các tài liệu liên quan.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2024 và thay thế Thông tư số 41/TT-BCA ngày 06 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định kiểm định nước thải.

Điều 23. Trách nhiệm thi hành

1. Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Công an các đơn vị, địa phương thi hành Thông tư này.

2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

3. Trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương, các tổ chức, cá nhân báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường) để có hướng dẫn kịp thời./.

Bộ Công an

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đại tướng Tô Lâm