• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 06/12/2014
BỘ CÔNG AN
Số: 46/2014/TT-BCA
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2014

THÔNG TƯ

Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 06/2013/NĐ-CP
ngày 09 tháng 01 năm 2013 quy định về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp

Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 21/2014/NĐ-CP ngày 25/3/2014);

Căn cứ Nghị định số 06/2013/NĐ-CP ngày 09/01/2013 quy định về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp (sau đây viết gọn là Nghị định số 06/2013/NĐ-CP);

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh,

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 06/2013/NĐ-CP ngày 09/01/2013 quy định về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp.                                                   

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 06/2013/NĐ-CP gồm: Nội dung các biện pháp nghiệp vụ bảo vệ; tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước được thuê dịch vụ bảo vệ thường xuyên, lâu dài; công tác phối hợp giữa cơ quan Công an với các cơ quan, doanh nghiệp trong quản lý và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ; huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ; giấy chứng nhận nhân viên bảo vệ; trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ và các loại phương tiện đối với lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam; doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp.

3. Công an các đơn vị, địa phương.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp.

Điều 3. Nội dung các biện pháp nghiệp vụ bảo vệ    

1. Nội dung của biện pháp hành chính

a) Tham mưu, đề xuất với người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy định liên quan đến công tác bảo vệ an ninh, trật tự và an toàn tại cơ quan, doanh nghiệp.

b) Tổ chức thực hiện các quy định của nhà nước, các quy định của cơ quan, doanh nghiệp về công tác bảo vệ an ninh, trật tự và an toàn tại cơ quan, doanh nghiệp.

c) Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về cư trú, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; công tác phòng cháy, chữa cháy và các quy định khác về bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn tại cơ quan, doanh nghiệp.

d) Khi được sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp, được phép khai thác tài liệu hành chính của cơ quan, doanh nghiệp phục vụ công tác bảo vệ an ninh, trật tự và an toàn tại cơ quan, doanh nghiệp.

2. Nội dung của biện pháp quần chúng

a) Phối hợp với các tổ chức quần chúng trong cơ quan, doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, trách nhiệm và năng lực bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn cho cán bộ, công nhân viên trong cơ quan, doanh nghiệp.

b) Tham mưu, xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cơ quan, doanh nghiệp và hướng dẫn cán bộ, công nhân viên tích cực tham gia; xây dựng cơ quan, doanh nghiệp an toàn về an ninh, trật tự.

c) Nắm tình hình liên quan đến an ninh, trật tự và an toàn trong cơ quan, doanh nghiệp thông qua gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với cán bộ, công nhân viên, qua hình thức hòm thư tố giác tội phạm, số điện thoại đường dây nóng và vận động cán bộ, công nhân viên tự giác cung cấp thông tin; tranh thủ sự ủng hộ và vận động cán bộ, công nhân viên phối hợp giải quyết các vụ, việc phức tạp liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xảy ra trong cơ quan, doanh nghiệp.

3. Nội dung của biện pháp tuần tra, canh gác

a) Tuần tra là hoạt động công khai của lực lượng bảo vệ được thực hiện trong một phạm vi theo hành lang bảo vệ đã được xác định trong phương án bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, bao gồm các nội dung sau:

- Phát hiện đối tượng đột nhập từ bên ngoài vào phạm vi bên trong cơ quan, doanh nghiệp hoặc từ bên trong cơ quan, doanh nghiệp vượt ra ngoài để làm rõ mục đích, động cơ của đối tượng.

- Phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm nội quy của cơ quan, doanh nghiệp xảy ra trong phạm vi cơ quan, doanh nghiệp quản lý.

b) Canh gác là hoạt động công khai của lực lượng bảo vệ được thực hiện tại một vị trí hoặc mục tiêu cụ thể thuộc phạm vi cơ quan, doanh nghiệp quản lý, bao gồm những nội dung sau:

- Kiểm soát người ra, vào vị trí hoặc mục tiêu.

- Kiểm soát phương tiện di chuyển, đồ vật, hàng hóa được vận chuyển ra, vào vị trí hoặc mục tiêu. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc vi phạm nội quy của cơ quan, doanh nghiệp thì được yêu cầu kiểm tra để làm rõ. Nếu phát hiện người phạm tội quả tang thì được quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.

- Phát hiện, ngăn chặn các đối tượng có hành vi gây rối an ninh, trật tự tại vị trí hoặc mục tiêu canh gác.

Điều 4. Tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước được thuê dịch vụ bảo vệ thường xuyên, lâu dài

1. Nhà trường và các cơ sở giáo dục khác theo quy định của Luật Giáo dục; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh (trừ các trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thuộc quản lý của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các trường học, trung tâm giáo dục của ngành Công an, Quân đội).

2. Nơi sử dụng để sản xuất, cung ứng dịch vụ, kho tàng, bến, bãi; các cơ sở, trung tâm văn hóa, thể thao, giải trí (trừ các công trình thuộc danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia theo quy định tại Nghị định số 126/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 và danh mục các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 37/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 và Thông tư số 20/2010/TT-BCA ngày 23/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 37/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009).

Điều 5. Công tác phối hợp giữa cơ quan Công an với các cơ quan, doanh nghiệp trong quản lý và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ

Các đơn vị Công an có chức năng bảo vệ an ninh nội bộ (An ninh chính trị nội bộ, An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư, An ninh kinh tế tổng hợp, An ninh nông nghiệp nông thôn, An ninh thông tin truyền thông, Bảo vệ chính trị III) có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan và người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp tổ chức quản lý và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ, cụ thể:

1. Hướng dẫn cơ quan, doanh nghiệp xây dựng, tổ chức thực hiện  chương trình, kế hoạch, phương án, nội quy, quy chế bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp.

2. Hướng dẫn công tác bảo vệ tại cơ quan, doanh nghiệp trong các ngày lễ, tết, các sự kiện chính trị lớn hoặc theo đề nghị của cơ quan, doanh nghiệp.

3. Hướng dẫn công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự xảy ra tại cơ quan, doanh nghiệp.

4. Phối hợp kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của nhân viên bảo vệ; việc quản lý, sử dụng vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ và các loại phương tiện trang bị cho lực lượng bảo vệ.

5. Hướng dẫn tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá công tác bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp và xây dựng cơ quan, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh, trật tự; đề xuất hình thức khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ quan, doanh nghiệp.

Điều 6. Công tác huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ

1. Hàng năm, các cơ quan, doanh nghiệp nếu có nhu cầu đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ cho nhân viên bảo vệ, chủ động xây dựng kế hoạch và thông báo cho đơn vị Công an có chức năng bảo vệ an ninh nội bộ quy định tại Điều 5 Thông tư này để biết và phối hợp thực hiện. Ngoài việc huấn luyện cho số nhân viên bảo vệ chưa qua đào tạo, các đơn vị Công an có chức năng bảo vệ an ninh nội bộ căn cứ vào tình hình thực tế để chủ động phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức lớp học để bổ sung và cập nhật kiến thức mới về chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên bảo vệ.

2. Nội dung huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ

a) Kiến thức cơ bản về pháp luật; đạo đức, tác phong nghề nghiệp.

b) Các biện pháp nghiệp vụ bảo vệ.

c) Hướng dẫn, huấn luyện cách sử dụng vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ, chất dễ cháy, chất độc hại và các loại phương tiện chuyên dùng được trang bị cho lực lượng bảo vệ.

d) Kiến thức cơ bản về phòng cháy, chữa cháy và cấp cứu người bị nạn.

đ) Các nội dung khác phù hợp với quy định của pháp luật và yêu cầu thực tế trong hoạt động bảo vệ của cơ quan, doanh nghiệp.

3. Tổng cục An ninh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan biên soạn nội dung, chương trình huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ.

4. Phân cấp huấn luyện và cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ cho lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, cụ thể như sau:

a) Lực lượng bảo vệ tại các cơ quan, doanh nghiệp thuộc các Bộ, ngành ở Trung ương do các Cục: An ninh chính trị nội bộ, An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư, An ninh kinh tế tổng hợp, An ninh nông nghiệp nông thôn, An ninh thông tin truyền thông, Bảo vệ chính trị III của Bộ Công an tổ chức huấn luyện và cấp Giấy chứng nhận.

b) Lực lượng bảo vệ tại các cơ quan, doanh nghiệp ở địa phương do các Phòng: An ninh chính trị nội bộ, An ninh kinh tế, An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ quan, doanh nghiệp đặt trụ sở tổ chức huấn luyện và cấp Giấy chứng nhận.

5. Trách nhiệm phối hợp tổ chức huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ

a) Các đơn vị có liên quan của Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục An ninh để xây dựng nội dung, chương trình huấn luyện và bố trí giáo viên giảng dạy tại các lớp huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp.

b) Cơ quan, doanh nghiệp cử nhân viên tham gia huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ phải chịu trách nhiệm về kinh phí huấn luyện, bố trí địa điểm, tổ chức và quản lý lớp học.

6. Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ

a) Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ được cấp cho nhân viên bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp khi đã tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và đạt kết quả kiểm tra theo quy định.

b) Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ có giá trị sử dụng trong thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp. Hết thời hạn này, nhân viên bảo vệ phải được huấn luyện để cấp lại Giấy chứng nhận. Giấy chứng nhận cũ được thu hồi, tiêu hủy.

c) Trường hợp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ bị rách, cũ nát hoặc mất, người đã được cấp Giấy chứng nhận phải báo cáo cơ quan, doanh nghiệp trực tiếp quản lý để đề nghị cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 4 Điều này làm thủ tục đổi hoặc cấp lại.

Thời hạn cấp, đổi, cấp lại Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ là 05 ngày làm việc, kể từ ngày kiểm tra xong hoặc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị.

d) Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ được làm bằng chất liệu giấy trắng khổ 21cm x 15cm, nền màu vàng nhạt, đường viền và chữ “GIẤY CHỨNG NHẬN” màu đỏ, các chữ còn lại màu đen. Phía trên là dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” có cỡ chữ 11, kiểu chữ Times New Roman, in hoa, in đậm và “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” có cỡ chữ 12, kiểu chữ Times New Roman, in đậm. Tên “GIẤY CHỨNG NHẬN” có cỡ chữ 12, kiểu chữ Times New Roman, in hoa, in đậm. Các chữ còn lại in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ Times New Roman; cụ thể theo mẫu sau:

 
  1/01/clip_image002.gif" width="537" />

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

      

 

 

 

Điều 7. Giấy chứng nhận nhân viên bảo vệ

          1. Nhân viên bảo vệ được sử dụng Giấy chứng nhận nhân viên bảo vệ do cơ quan, doanh nghiệp trực tiếp quản lý cấp và phải mang theo khi thi hành nhiệm vụ.

Cơ quan, doanh nghiệp có trách nhiệm quy định việc cấp, đổi, cấp lại, thu hồi và quản lý Giấy chứng nhận nhân viên bảo vệ.

2. Người được cấp Giấy chứng nhận nhân viên bảo vệ có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản và không được cho người khác mượn; nếu bị mất hoặc hư hỏng phải báo cáo ngay với người phụ trách bảo vệ trực tiếp để báo cáo người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp có biện pháp xử lý kịp thời. Khi không làm nhân viên bảo vệ phải trả lại Giấy chứng nhận nhân viên bảo vệ cho cơ quan, doanh nghiệp đã cấp.

3. Giấy chứng nhận nhân viên bảo vệ được làm bằng chất liệu giấy trắng khổ 9cm x 6cm, cụ thể:

a) Mặt trước có nền màu nâu, xung quanh có khung màu vàng, nét khung có kích thước 0,1cm và cách mép ngoài của giấy 0,5cm, chữ màu vàng nhạt. Phía trên là dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” có cỡ chữ 11, kiểu chữ Times New Roman, in hoa, in đậm và “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” có cỡ chữ 12, kiểu chữ Times New Roman, in đậm. Tên “GIẤY CHỨNG NHẬN NHÂN VIÊN BẢO VỆ” có cỡ chữ 12, kiểu chữ Times New Roman, in hoa, in đậm đặt ở chính giữa, nét đậm 0,2cm, chiều cao 0,5cm được chia ra làm 02 dòng, dòng trên là “GIẤY CHỨNG NHẬN”, dòng dưới là “NHÂN VIÊN BẢO VỆ”.

b) Mặt sau có nền màu vàng nhạt; trên cùng là tên của cơ quan, doanh nghiệp cấp Giấy chứng nhận (1) có cỡ chữ 12, kiểu chữ Times New Roman, in hoa, in đậm. Dòng chữ “CHỨNG NHẬN” có cỡ chữ 11, kiểu chữ Times New Roman, in hoa, in đậm; các chữ còn lại có màu đen, in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ Times New Roman; cụ thể theo mẫu sau:

 

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

 
  1/01/clip_image003.gif" width="140" />
 

 


GIẤY CHỨNG NHẬN
NHÂN VIÊN BẢO VỆ

 

 

 

 

…(1)…

CHỨNG NHẬN

 

Ảnh 2x3

Họ và tên: …………………
Năm sinh: …………………
Chức danh: ………………..

 

 

Số:  …....

Ngày … tháng … năm… 
(Người đứng đầu CQDN)
(Ký tên, đóng dấu)

 

 

 

Mặt trước

 

Mặt sau

 

Điều 8. Trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ và các loại phương tiện đối với lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp

1. Căn cứ vào yêu cầu và tình hình thực tế hoạt động, lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp được xem xét, trang bị công cụ hỗ trợ, bao gồm: Dùi cui điện, dùi cui kim loại, dùi cui cao su, găng tay bắt dao.

Cơ quan, doanh nghiệp căn cứ vào số lượng nhân viên bảo vệ và yêu cầu thực tế để lập hồ sơ đề nghị cơ quan Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có thẩm quyền xem xét, cấp giấy phép. Cơ quan Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có thẩm quyền sau khi nhận được hồ sơ, tiến hành thẩm tra để cấp giấy phép mua, giấy phép sử dụng theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu trang bị vũ khí thô sơ, phương tiện xịt hơi cay, động vật nghiệp vụ thì thực hiện theo quy định sau:

a) Cơ quan, doanh nghiệp ở địa phương nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép mua vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ về Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Công an cấp tỉnh; cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ, ngành ở Trung ương nộp hồ sơ về Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội. Trong hồ sơ phải gửi kèm phương án bảo vệ đối với mục tiêu thuộc cơ quan, doanh nghiệp quản lý và sự cần thiết phải trang bị vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ nêu trên.

b) Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có trách nhiệm tập hợp hồ sơ đề nghị của cơ quan, doanh nghiệp trong cả nước có nhu cầu trang bị và phối hợp với các đơn vị có chức năng bảo vệ an ninh nội bộ quy định tại Khoản 4 Điều 6 Thông tư này để báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định.

3. Quản lý, sử dụng vũ khí thô sơ

Việc quản lý, sử dụng vũ khí thô sơ phải tuân theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 25/2012/NĐ-CP ngày 5/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sau đây viết gọn là Nghị định số 25/2012/NĐ-CP) và Điều 12 Thông tư số 30/2012/TT-BCA ngày 29/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh (sau đây viết gọn là Thông tư số 30/2012/TT-BCA).

4. Quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ

a) Công cụ hỗ trợ khi chưa đưa vào sử dụng phải được bảo quản trong kho hoặc nơi cất giữ. Khi đưa vào kho hoặc nơi cất giữ phải sắp xếp hợp lý, để riêng từng chủng loại, nhãn hiệu. Các cơ quan, doanh nghiệp phải tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng công cụ hỗ trợ được trang bị theo đúng định kỳ và quy trình bảo dưỡng của nhà sản xuất.

Cơ quan, doanh nghiệp khi được phép trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ phải lập hồ sơ, sổ sách theo dõi. Công cụ hỗ trợ khi mang ra sử dụng phải được người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp đồng ý và ghi vào hồ sơ của cơ quan, doanh nghiệp.

b) Người được cơ quan, doanh nghiệp giao công cụ hỗ trợ phải được tập huấn về tính năng, tác dụng, kỹ năng sử dụng. Khi hoàn thành nhiệm vụ, người được giao công cụ hỗ trợ phải bàn giao lại cho người có trách nhiệm bảo quản công cụ hỗ trợ. Trường hợp bị mất công cụ hỗ trợ hoặc Giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ thì phải báo cáo ngay cho người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp trực tiếp quản lý biết. Cơ quan, doanh nghiệp bị mất Giấy phép, công cụ hỗ trợ phải báo cáo ngay bằng văn bản cho cơ quan Công an đã cấp Giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ biết để phối hợp giải quyết.

c) Khi sử dụng công cụ hỗ trợ, người được cơ quan, doanh nghiệp giao công cụ hỗ trợ phải tuân thủ theo quy định tại Điều 33 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Khoản 4 Điều 24 Nghị định số 25/2012/NĐ-CP và Khoản 2 Điều 18 Thông tư số 30/2012/TT-BCA.

5. Các loại phương tiện khác

Tùy theo yêu cầu thực tế công tác bảo vệ an ninh, trật tự, người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp quyết định việc trang bị và sử dụng các loại phương tiện khác, như phương tiện quan sát, máy kiểm soát người ra, vào tại cổng trụ sở cơ quan, doanh nghiệp, máy soi, máy bộ đàm, … và phải tuân theo các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày  06  tháng  12  năm 2014 và thay thế Thông tư số 10/2002/TT-BCA ngày 26/8/2002 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định số 73/2001/NĐ-CP ngày 05/10/2001 về hoạt động và tổ chức lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp.

Điều 10. Tổ chức thực hiện

1. Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.

2. Định kỳ vào cuối quý II và quý IV hàng năm, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo Bộ Công an (qua Tổng cục An ninh) về tình hình, kết quả triển khai thực hiện Nghị định số 06/2013/NĐ-CP và Thông tư này.

3. Các Tổng cục trưởng, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo về Bộ Công an (qua Tổng cục An ninh) để kịp thời hướng dẫn./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đại tướng Trần Đại Quang

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.