THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn thực hiện việc cấp nước phòng cháy,
chữa cháy tại đô thị và khu công nghiệp
Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29-6-2001;
Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04-02-2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày 14-11-2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Căn cứ Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04-4-2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11-7-2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;
Bộ Xây dựng và Bộ Công an hướng dẫn thực hiện việc cấp nước PCCC tại đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao (sau đây gọi chung là khu công nghiệp) như sau:
I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
1. Thông tư này hướng dẫn việc thực hiện công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng vận hành nhằm bảo đảm cấp nước phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cho đô thị và khu công nghiệp.
2. Hệ thống cấp nước PCCC bao gồm hệ thống cấp nước tập trung, họng, trụ nước chữa cháy lắp đặt trên tuyến ống cấp nước, bể dự trữ nước chữa cháy và các bến bãi lấy nước chữa cháy ở các nguồn nước tự nhiên như: ao, hồ, sông, suối, kênh...
3. Mọi tổ chức và cá nhân trong nước và nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam có trách nhiệm thực hiện Thông tư này.
II. QUY HOẠCH HỆ THỐNG CẤP NƯỚC PCCC
1. Khi lập quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chuyên ngành cấp nước đô thị, khu công nghiệp phải xác định hệ thống cấp nước PCCC như một nội dung không tách rời của đồ án.
2. Nội dung quy hoạch cấp nước PCCC trong quy hoạch chung xây dựng đô thị và khu công nghiệp bao gồm:
a) Xác định các nguồn nước cần được sử dụng cho PCCC: nguồn nước từ hệ thống cấp nước tập trung, nguồn nước tự nhiên (ao hồ, sông, suối, kênh...);
b) Xác định lưu lượng cần thiết trên mạng cấp nước tập trung cho nhu cầu PCCC theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành;
c) Xác định áp lực nước PCCC cần thiết trên mạng cấp nước tập trung;
d) Khái toán kinh phí cho hệ thống cấp nước PCCC đô thị và khu công nghiệp.
3. Nội dung quy hoạch cấp nước PCCC trong quy hoạch chi tiết bao gồm:
a) Xác định các nguồn nước cụ thể cần được sử dụng phục vụ cho PCCC (từ bể chứa các trạm cấp nước, ao, hồ, sông, suối, kênh..);
b) Xác định lưu lượng, áp lực cần thiết cho PCCC theo mạng quy hoạch và căn cứ tiêu chuẩn về số lượng đám cháy đồng thời, thời gian cháy, dung tích dự trữ nước PCCC trong các trạm cấp nước, trạm tăng áp;
c) Xác định các tuyến ống và vị trí đặt họng, trụ lấy nước PCCC;
d) Xác định dung tích bể chứa nước PCCC tại các khu dân cư, vị trí các bến bãi phục vụ cho xe chữa cháy lấy nước ở các ao, hồ, sông, suối, kênh;
đ) Khái toán kinh phí cho hệ thống cấp nước PCCC đô thị và khu công nghiệp.
4. Nội dung quy hoạch cấp nước PCCC trong quy hoạch cấp nước đô thị, khu công nghiệp bao gồm:
a) Xác định lưu lượng, áp lực cần thiết cho PCCC theo mạng quy hoạch và căn cứ theo quy chuẩn và tiêu chuẩn hiện hành;
b) Xác định các tuyến ống đặt trụ lấy nước, khoảng cách các trụ, vị trí trụ lấy nước;
c) Xác định áp lực nước PCCC trên mạng đường ống cấp nước; các phương án điều chỉnh áp lực, lưu lượng nước cho chữa cháy;
d) Khái toán kinh phí.
5. Việc quy hoạch hệ thống cấp nước PCCC đô thị và khu công nghiệp phải căn cứ vào các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC hiện hành.
6. Trong trường hợp các đô thị, khu công nghiệp đã có quy hoạch xây dựng, quy hoạch cấp nước được phê duyệt mà chưa có các nội dung về quy hoạch hệ thống cấp nước PCCC thì cần lập bổ sung quy hoạch cấp nước PCCC.
7. Trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch hệ thống cấp nước PCCC thực hiện theo quy định của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04-4-2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC; Nghị định 08/2007/NĐ-CP ngày 28-5-2007 về quy hoạch xây dựng và Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11-7-2007 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.
8. Kinh phí lập quy hoạch hệ thống cấp nước PCCC do ngân sách địa phương chi trả. Kinh phí lập quy hoạch hệ thống cấp nước PCCC tại khu công nghiệp do chủ đầu tư chi trả theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng về phương pháp tính đơn giá lập quy hoạch.
III. YÊU CẦU VỀ THIẾT KẾ, XÂY DỰNG HỆ THỐNG CẤP NƯỚC PCCC
1. Trong quá trình thiết kế, xây dựng các tuyến ống cấp nước, cần tính toán giải pháp tăng cường lưu lượng nước khi có cháy theo các quy định hiện hành. Trên mạng lưới đường ống cấp 1, cấp 2 phải bố trí các họng, trụ lấy nước PCCC. Không lắp đặt họng, trụ lấy nước PCCC trên các ống chuyền tải chính của hệ thống cấp nước, trong trường hợp cần thiết chỉ lắp đặt họng, trụ lấy nước PCCC tại các điểm phân mạng, đặt van chặn, xả khí, xả cặn.
2. Khi thiết kế các họng, trụ lấy nước PCCC phải đảm bảo các yêu cầu về lưu lượng, áp lực cần thiết theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC và được lắp đặt thống nhất trên toàn bộ hệ thống cấp nước đô thị, khu công nghiệp.
3. Vị trí các họng, trụ lấy nước PCCC phải bố trí thuận tiện cho quá trình lấy nước, vận chuyển nước và phải có ký hiệu hoặc chỉ dẫn các vị trí đó.
4. Các khu đô thị mới, khu công nghiệp tập trung có hệ thống cấp nước hoặc có trạm tăng áp riêng phải bố trí các máy bơm có lưu lượng, áp lực cao (áp lực đầu nguồn không nhỏ hơn 40 m cột nước) để có thể sử dụng trực tiếp chữa cháy từ các họng, trụ lấy nước PCCC.
5. Tại các phố, ngõ, hẻm không bố trí, lắp đặt được họng, trụ nước chữa cháy nổi thì phải thiết kế, lắp đặt họng, trụ nước chữa cháy ngầm để đảm bảo cung cấp nước cho PCCC.
6. Tại các khu dân cư có đường hẹp, không thể lắp đặt họng, trụ nước chữa cháy nổi hoặc ngầm hoặc không có hệ thống cấp nước tập trung, cần xây dựng các bể nước PCCC dự phòng cho từng khu vực theo hướng dẫn của cơ quan Cảnh sát PCCC.
7. Tại các ao, hồ, sông, suối, kênh... được quy hoạch làm nguồn nước cho PCCC, cần thiết kế và xây dựng các điểm lấy nước (bến, bãi, hố ga) thuận tiện cho xe chữa cháy lấy nước.
8. Các đơn vị tư vấn thiết kế phải tiến hành thiết kế hệ thống cấp nước PCCC kết hợp với hệ thống cấp nước đô thị, khu công nghiệp theo đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC hiện hành.
9. Hồ sơ thiết kế hệ thống cấp nước PCCC phải được cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt về thiết kế và thiết bị PCCC trước khi triển khai thi công. Việc phân cấp thẩm duyệt hệ thống cấp nước PCCC đô thị, khu công nghiệp (trong quá trình lập Dự án đầu tư) được phân cấp cụ thể như sau:
a) Cục Cảnh sát PCCC tiến hành thẩm duyệt về PCCC đối với hệ thống cấp nước tập trung tại các đô thị và khu công nghiệp do Bộ Xây dựng thẩm định;
b) Phòng Cảnh sát PCCC - Công an tỉnh, thành phố hoặc Sở Cảnh sát PCCC các địa phương tiến hành thẩm duyệt về PCCC đối với hệ thống cấp nước tập trung tại các đô thị còn lại (theo phân loại đô thị của Bộ Xây dựng) và các công trình khác do Cục Cảnh sát PCCC uỷ nhiệm.
10. Hệ thống cấp nước PCCC phải được triển khai thi công theo đúng thiết kế đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đảm bảo tiến độ quy định. Trường hợp có thay đổi so với thiết kế đã được phê duyệt thì chủ đầu tư có văn bản đề nghị và phải được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt bổ sung bằng văn bản.
11. Vật tư thiết bị PCCC chuyên dùng (họng, trụ nước chữa cháy, lăng, vòi, đầu nối chữa cháy...) trên hệ thống cấp nước PCCC phải được cơ quan Cảnh sát PCCC có thẩm quyền kiểm định theo quy định trước khi lắp đặt.
IV. TRÁCH NHIỆM ĐẦU TƯ CÁC HẠNG MỤC
CÔNG TRÌNH, THIẾT BỊ CẤP NƯỚC PCCC
1. Các hạng mục, công trình, thiết bị của hệ thống cấp nước PCCC bao gồm:
a) Bể chứa, trạm bơm, các tuyến ống thuộc hệ thống cấp nước tập trung;
b) Các họng, trụ lấy nước PCCC lắp đặt trên hệ thống đường ống cấp nước;
c) Xây dựng các điểm lấy nước tại các ao, hồ, sông, suối, kênh... theo quy hoạch sử dụng lấy nước PCCC;
d) Máy bơm chữa cháy tại các trạm bơm nước sạch của khu công nghiệp, khu dân cư tập trung;
e) Xây dựng các bể chứa nước, giếng khoan cấp nước PCCC tại các khu dân cư;
g) Hệ thống PCCC bằng nước cục bộ tại nhà cao tầng, các xí nghiệp công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và các cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ khác;
h) Vật tư, thiết bị PCCC thuộc hệ thống cấp nước PCCC.
2. Trách nhiệm đầu tư:
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bảo đảm nguồn kinh phí đầu tư cho cấp nước PCCC. Chủ công trình, cơ sở chịu trách nhiệm đầu tư cho hệ thống cấp nước PCCC của mình theo quy hoạch được phê duyệt, cụ thể như sau:
a) Đơn vị cấp nước (Công ty cấp nước, xí nghiệp cấp nước...) có trách nhiệm đầu tư các thiết bị thuộc hệ thống cấp nước tập trung (bể chứa trong trạm xử lý, trạm bơm nước sạch, hệ thống đường ống); các họng, trụ lấy nước PCCC lắp đặt trên các tuyến ống cấp nước thuộc hệ thống cấp nước tập trung; các bể chứa cấp nước PCCC tại các khu dân cư. Kinh phí đầu tư được tính vào tổng mức đầu tư để xác định giá nước sạch;
b) Đơn vị thoát nước (Công ty thoát nước, Công ty môi trường đô thị, Công ty hạ tầng đô thị...) có trách nhiệm đầu tư các bến, bãi phục vụ cho xe chữa cháy lấy nước ở các ao, hồ, sông, suối, kênh... Kinh phí đầu tư xây dựng, cải tạo được đưa vào dự toán chi phí đầu tư xây dựng, cải tạo hạ tầng hàng năm;
c) Đơn vị đầu tư cơ sở hạ tầng các khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu chức năng theo dự án chịu trách nhiệm đầu tư máy bơm nước chữa cháy, các thiết bị PCCC trên mạng đường ống cấp nước tập trung. Kinh phí đầu tư được tính vào tổng mức đầu tư hạ tầng khu đô thị và khu công nghiệp;
d) Chủ công trình, cơ sở có trách nhiệm đầu tư hệ thống cấp nước PCCC cục bộ tại các công trình, cơ sở của mình.
V. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ BẢO VỆ HỆ THỐNG
CẤP NƯỚC PCCC ĐÔ THỊ VÀ KHU CÔNG NGHIỆP
1. Đơn vị cấp nước chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, bảo dưỡng, bảo vệ hệ thống cấp nước tập trung và các họng, trụ nước PCCC được lắp đặt trên các tuyến ống do mình quản lý, các bể chứa nước, giếng khoan cấp nước PCCC tại các khu dân cư tập trung phục vụ công tác PCCC.
Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, Sở Cảnh sát PCCC chịu trách nhiệm quản lý sử dụng, tổ chức bảo vệ các trụ nước chữa cháy, kiểm tra, đề xuất sửa chữa duy tu bảo dưỡng thay thế trụ nước chữa cháy theo Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
2. Đơn vị thoát nước chịu trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo vệ các điểm lấy nước PCCC tại các ao, hồ, sông, suối, kênh... được quy hoạch, xây dựng làm điểm lấy nước PCCC.
3. Đơn vị quản lý hạ tầng chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, bảo dưỡng và bảo vệ hệ thống cấp nước PCCC tại các khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu chức năng theo dự án.
4. Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Phòng Cảnh sát PCCC) hoặc Sở Cảnh sát PCCC có trách nhiệm khai thác sử dụng có hiệu quả hệ thống cấp nước PCCC đô thị, khu công nghiệp và phối hợp với các đơn vị quản lý, vận hành hệ thống cấp nước PCCC (đơn vị cấp nước, thoát nước, đơn vị quản lý hạ tầng) xây dựng phương án quản lý, sử dụng hệ thống cấp nước PCCC.
5. Cơ quan Cảnh sát PCCC có trách nhiệm phối hợp với đơn vị cấp nước trong việc dự kiến kế hoạch sử dụng nước cần thiết cho công tác PCCC hàng năm và xác nhận số lượng nước đã sử dụng cho công tác PCCC từ hệ thống cấp nước đô thị và khu công nghiệp.
6. Cơ quan Cảnh sát PCCC và các đơn vị quản lý, vận hành hệ thống cấp nước PCCC có trách nhiệm định kỳ kiểm tra chất lượng hệ thống cấp nước PCCC. Trường hợp phát hiện hệ thống cấp nước PCCC bị hư hỏng thì đơn vị quản lý, vận hành hệ thống cấp nước PCCC phải có kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng trong thời gian sớm nhất.
7. Chủ công trình, chủ cơ sở chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng và bảo vệ hệ thống cấp nước PCCC cục bộ tại các công trình, cơ sở đó.
8. Tổ chức và cá nhân chỉ được lấy nước từ hệ thống cấp nước PCCC phục vụ cho mục đích PCCC. Các bến, bãi lấy nước PCCC phải được sử dụng đúng mục đích cho công tác PCCC.
9. Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân gây cản trở, dịch chuyển, huỷ hoại các vật tư, thiết bị của hệ thống cấp nước PCCC đô thị và khu công nghiệp. Không được lấy nước từ hệ thống cấp nước tập trung, họng, trụ nước chữa cháy, bể dự trữ nước chữa cháy để sử dụng cho mục đích khác.
10. Chính quyền địa phương các cấp, Sở Xây dựng, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Cảnh sát PCCC thành phố HCM có trách nhiệm phối hợp với đơn vị cấp nước, thoát nước để xây dựng phương án bảo vệ hệ thống cấp nước PCCC đô thị. Ban quản lý khu công nghiệp, khu đô thị mới, khu chức năng theo dự án chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ hệ thống cấp nước PCCC trong khu vực quản lý của mình.
VI. CHI PHÍ SỬ DỤNG NƯỚC PHỤC VỤ CÔNG TÁC PCCC
1. Kinh phí sử dụng nước lấy từ hệ thống cấp nước sạch, bể nước PCCC tập trung phục vụ công tác PCCC được chi trả từ ngân sách địa phương trên cơ sở xác nhận của cơ quan Cảnh sát PCCC và Đơn vị cấp nước.
2. Kinh phí sử dụng nước lấy từ hệ thống cấp nước sạch tại cơ sở (sau đồng hồ nước) phục vụ công tác PCCC do cơ sở đó chịu trách nhiệm chi trả cho Công ty cấp nước.
VII. XỬ LÝ VI PHẠM
1. Các hành vi xâm phạm gây thiệt hại đến các hạng mục của hệ thống cấp nước PCCC đô thị và khu công nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Các hành vi gây cản trở, làm trì hoãn việc lấy nước từ các nguồn nước để phục vụ cho công tác PCCC sẽ bị xử lý theo Nghị định 123/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm trong lĩnh vực PCCC. Trường hợp những hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng thì căn cứ Bộ luật Hình sự để xử lý theo quy định của pháp luật.
VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.
2. Sở Xây dựng, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Sở Cảnh sát PCCC chịu trách nhiệm tham mưu đề xuất giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện và trực tiếp chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn.
3. Các đơn vị cấp nước, đơn vị thoát nước có trách nhiệm quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng và phát triển hệ thống cấp nước PCCC.
4. Chính quyền địa phương các cấp có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát công tác đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước PCCC và tham gia cùng đơn vị cấp nước, thoát nước bảo vệ an toàn hệ thống cấp nước PCCC trên địa bàn theo quy định về phân cấp quản lý của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
5. Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng và Cục Cảnh sát PCCC - Bộ Công an chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn việc thực hiện Thông tư này, hàng năm có báo cáo Bộ Xây dựng và Bộ Công an về tình hình và kết quả thực hiện.
Thông tư này thay thế Thông tư số 10/TT-LB ngày 31-12-1994 và có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký. Các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc nảy sinh đề nghị phản ánh về Bộ Xây dựng (qua Cục Hạ tầng kỹ thuật) và Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát PCCC) để được hướng dẫn kịp thời./.