THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn việc thực hiện Quyết định
số 957/1997-QĐ-TTg ngày 11/11/1997 của Thủ tướng Chính phủ
về cải tiến một số thủ tục về xuất cảnh và giải quyết
vấn đề người Việt Nam đã xuất cảnh nhưng không về nước đúng hạn
Thực hiện Quyết định số 957/1997/QĐ-TTg ngày 11/11/1997 của Thủ tướng Chính phủ về cải tiến một số thủ tục về xuất cảnh và giải quyết vấn đề người Việt Nam đã xuất cảnh nhưng không về nước đúng hạn và ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 6044/QHQT ngày 27/11/1997 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao hướng dẫn như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:
Quyết định số 957/1997/QĐ-TTg ngày 11/11/1997 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Quyết định số 957/1997/QĐ-TTg) áp dụng đối với công dân Việt Nam thường trú ở trong nước hoặc làm ăn sinh sống, công tác, học tập, lao động v.v... có thời hạn ở nước ngoài. Việc xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định nói trên.
II. THỦ TỤC CẤP, GIA HẠN HỘ CHIẾU Ở TRONG NƯỚC:
1. Thủ tục cấp, gia hạn hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ:
Thủ tục cấp, gia hạn hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ tại Bộ Ngoại giao (Cục lãnh sự, Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện theo hướng dẫn tại các điểm 1, 3, 4, 5 và 7 Mục II Thông tư số 163/NG/TT ngày 25/5/1995 của Bộ Ngoại giao.
Đoạn đầu điểm (1) (a) Mục II được sửa lại như sau:
"Văn bản của cơ quan có thẩm quyền do Thủ trưởng cơ quan đó ký. Chữ ký trên văn bản phải là chữ ký trực tiếp (không được là chữ ký photocopy) và có đóng dấu của cơ quan. Trong văn bản cần nêu rõ họ tên, ngày sinh, chức danh của người được cử đi công tác nước ngoài, nước đến, nhiệm vụ và thời gian người đó được phép ở nước ngoài".
2. Thủ tục cấp, gia hạn hộ chiếu phổ thông:
Thủ tục cấp, gia hạn hộ chiếu phổ thông thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/TT-BNV (A18) ngày 30/4/1995 của Bộ Nội vụ với một số điểm điều chỉnh, bổ sung cụ thể sau đây:
Những người là cán bộ, công nhân, viên chức và quân nhân thuộc biên chế của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang (kể cả người trong diện hợp đồng dài hạn từ một năm trở lên) xin cấp hộ chiếu để xuất cảnh về việc riêng thì phải có văn bản xác nhận của Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền đồng ý cho xuất cảnh, kèm theo đơn đề nghị cấp hộ chiếu, giấy tờ để chứng minh lý do xin xuất cảnh.
Nơi nộp hồ sơ và nhận kết quả:
Những người thuộc cơ quan Trung ương quản lý, thì nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ;
Những người thuộc cơ quan, tổ chức do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý thì nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh - công an tỉnh, thành phố nơi đăng ký nhân khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn, hoặc trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ.
3. Cơ quan có thẩm quyền:
"Cơ quan có thẩm quyền" nói tại điểm 1 và 2 mục này bao gồm:
a. Các cơ quan, tổ chức quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 1 Nghị định số 24/CP ngày 24/3/1995 của Chính phủ về thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 76/CP ngày 6/11/1995);
b. Các cơ quan khác do Chính phủ quy định.
Các cơ quan, tổ chức nêu tại khoản 2 và khoản 3 Điều 1 Nghị định số 24/CP và các cơ quan, tổ chức thuộc điểm (b) nêu trên, sau đây gọi tắt là cơ quan chủ quản.
III. VIỆC THỰC HIỆN MIỄN THỊ THỰC XUẤT CẢNH:
1. Công dân Việt Nam mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ còn thời hạn giá trị, được cấp kể từ ngày 26/11/1997 và công dân Việt Nam mang hộ chiếu phổ thông còn thời hạn giá trị, kể cả những hộ chiếu phổ thông cấp trước ngày 26/11/1997, được miễn thị thực xuất cảnh của Việt Nam và được xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam.
2. Công dân Việt Nam mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ cấp trước ngày 26/11/1997 nhưng còn thời hạn giá trị, khi xuất cảnh Việt Nam phải xuất trình cho lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu văn bản cử đi công tác nước ngoài của cơ quan chủ quản, trong đó nêu rõ họ tên, chức danh của người được cử đi công tác, nước đến và thời gian công tác ở nước ngoài.
3. Việc xuất cảnh từ lần thứ 2 trở đi:
a. Phù hợp với các quy định của Chính phủ về quản lý đoàn ra, đoàn vào và đăng ký, quản lý hộ khẩu, 10 ngày trước khi xuất cảnh, công dân Việt Nam phải báo cho cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh về việc rời khỏi nơi cư trú để xuất cảnh đi nước ngoài, theo nguyên tắc người cư trú ở địa phương nào thì báo cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh ở địa phương đó, bằng cách người xuất cảnh báo trực tiếp hoặc báo qua thư, điện báo, fax, nội dung giấy báo xuất cảnh ghi rõ họ và tên, ngày tháng năm sinh, nơi thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú dài hạn, số hộ chiếu, cơ quan cấp hộ chiếu, thời gian, mục đích xuất cảnh, nước đến, thời gian ở lại nước ngoài. Việc thông báo này không phải chờ ý kiến trả lời của cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh.
b. Những người thuộc diện sau đây không phải thông báo trước cho cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh:
Những người thuộc biên chế nhà nước, quân nhân, công an, nhân viên hợp đồng dài hạn (từ 01 năm trở lên) của các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, được Thủ trưởng cơ quan chủ quản có văn bản cử ra nước ngoài công tác hoặc cho phép ra nước ngoài về việc riêng.
Những người đang công tác, lao động, học tập... có thời hạn ở nước ngoài về nước không quá 90 ngày.
IV. VIỆC QUẢN LÝ HỘ CHIẾU, NHÂN SỰ CỦA CƠ QUAN CHỦ QUẢN:
Phù hợp với khoản 1 Điều 2 Quyết định 957/1997/QĐ-TTg, Thủ trưởng cơ quan chủ quản cử cán bộ đi công tác nước ngoài hay cho phép cán bộ ra nước ngoài về việc riêng chịu trách nhiệm trước pháp luật về quản lý nhân sự, quản lý hộ chiếu.
1. Việc quản lý nhân sự, quản lý hộ chiếu gồm:
Chịu trách nhiệm về nhân sự do mình cử đi công tác nước ngoài hoặc cho phép đi nước ngoài về việc riêng.
Quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông của cán bộ, công chức thuộc cơ quan mình ngay sau khi cán bộ đi nước ngoài về. Trường hợp cán bộ sau khi đi nước ngoài về mà không tự nguyện giao cho cơ quan quản lý hộ chiếu, thì phải có công văn thông báo ngay cho Bộ Nội vụ (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) và Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự hoặc Sở ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp xử lý.
Đối với mỗi lần xuất cảnh của cán bộ, công chức, Thủ trưởng cơ quan chủ quản đảm bảo để đương sự sử dụng loại hộ chiếu phù hợp với tính chất chuyến đi. Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ chỉ được giao cho cán bộ, công chức khi ra nước ngoài vì mục đích chính thức theo quy định tại Điều 5 hoặc Điều 6 Nghị định số 48/CP ngày 8/7/1993 của Chính phủ về hộ chiếu và thị thực.
Nếu phát hiện cán bộ, công chức ở lại nước ngoài quá thời hạn thì phù hợp với Điều 3 Quyết định số 957/1997/QĐ-TTg, Thủ trưởng cơ quan chủ quản xem xét quyết định việc đưa ra khỏi biên chế cán bộ, công chức đó và thông báo ngay cho Bộ Nội vụ (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) và Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh).
Cơ quan quản lý hộ chiếu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý hộ chiếu của cán bộ, công chức thuộc cơ quan mình. Khi hộ chiếu bị mất, cơ quan quản lý hộ chiếu phải thông báo ngay cho Bộ Nội vụ (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) để huỷ giá trị của hộ chiếu đó. 2. Trường hợp có sự thay đổi chức danh của cán bộ, công chức hoặc cán bộ chuyển sang công tác tại cơ quan khác thì cơ quan chủ quản thông báo cho Bộ Ngoại giao (Cục lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh) về thay đổi chức danh của cán bộ, công chức thuộc cơ quan mình hoặc việc chuyển công tác để sửa đổi chức danh trong hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ của những cán bộ, công chức đó.
Trường hợp cán bộ nghỉ hưu, hoặc ra khỏi biên chế cơ quan Nhà nước nếu còn hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ thì Thủ trưởng cơ quan chủ quản giao lại hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ của người này cho Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh) để đóng dấu "Đã huỷ"; nếu còn hộ chiếu phổ thông thì giao lại cho đương sự. Trường hợp cán bộ chết, mất tích, thì Thủ trưởng cơ quan chủ quản nộp lại các loại hộ chiếu của những người dó cho cơ quan cấp hộ chiếu quản lý.
V. VIỆC Ở LẠI NƯỚC NGOÀI QUÁ THỜI HẠN ĐƯỢC PHÉP:
1. Phù hợp với Điều 4 Quyết định số 957/1997/QĐ-TTg, người Việt Nam đã xuất cảnh ra nước ngoài không về nước đúng hạn, nếu muốn được bảo hộ quyền công dân Việt Nam, thì phải đến khai báo tại cơ quan đại diện Ngoại giao hoặc cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài hoặc cơ quan đại diện khác của Việt Nam ở nước ngoài được uỷ nhiệm thực hiện chức năng lãnh sự (sau đây gọi tắt là cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài).
Cơ quan địa diện của Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm yêu cầu những người đến khai báo làm thủ tục đăng ký công dân theo hướng dẫn tại Quy định tạm thời về thủ tục đăng ký công dân Việt Nam ở nước ngoài (ban hành kèm theo Quyết định số 713/NG-QĐ ngày 17/5/1997 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) và hướng dẫn những người này khai báo về việc ở lại nước ngoài quá thời hạn được phép (thời gian xuất cảnh, mục đích xuất cảnh, cơ quan cử đi, thời gian được phép ở nước ngoài, lý do ở quá hạn; họ tên, quan hệ, địa chỉ của người bảo lãnh hoặc cơ quan, tổ chức tiếp nhận làm việc). Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài thông báo cho Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự), Bộ Nội vụ (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) biết danh sách những người đăng ký, trường hợp là cán bộ, công nhân, viên chức và quân nhân thì đồng gửi cơ quan chủ quản của người đó trước khi xuất cảnh.
2. Đối với những người đến khai báo ở lại nước ngoài quá thời hạn được phép, nếu mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ thì cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài thu hồi hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và đóng dấu "Đã huỷ" vào hộ chiếu. Cơ quan đại diện cấp hộ chiếu phổ thông nếu đương sự không thuộc các trường hợp chưa được cấp hộ chiếu nêu tại điểm 6 Mục VI Thông tư này.
3. Đối với những người đến khai báo ở lại quá thời hạn được phép, nếu mang hộ chiếu phổ thông, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cho phép đương sự tiếp tục sử dụng hộ chiếu đó. Trường hợp thuộc diện chưa được cấp hộ chiếu thì cơ qua đại diện của Việt Nam ở nước ngoài thu hồi hộ chiếu phổ thông.
4. Đối với những người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ ở lại nước ngoài quá thời hạn được phép mà không đến cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài khai báo thì cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thông báo huỷ hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ đó sau khi có thông báo của cơ quan chủ quản (thông qua Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao).
VI. VIỆC GIA HẠN, BỔ SUNG, SỬA ĐỔI, CẤP ĐỔI, CẤP LẠI HỘ CHIẾU:
1. Việc gia hạn, bổ sung, sửa đổi hộ chiếu ở nước ngoài:
a. Ba mươi ngày trước khi hộ chiếu hết hạn, công dân Việt Nam ở nước ngoài phải đến cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài xin gia hạn hộ chiếu. Hồ sơ gồm:
Tờ khai xin gia hạn hộ chiếu có dán ảnh (theo mẫu);
Hộ chiếu;
Văn bản hoặc thông báo của Thủ trưởng cơ quan chủ quản về việc tiếp tục được cử công tác ở nước ngoài (đối với những người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ).
b. Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài xem xét, quyết định việc gia hạn đối với những hộ chiếu hợp lệ nhưng hết thời hạn giá trị ghi trong hộ chiếu. Thời hạn hộ chiếu được gia hạn không quá 3 năm, tính từ ngày hộ chiếu hết hạn.
Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài không gia hạn đối với những trường hợp xin gia hạn từ lần 2 trở đi.
c. Những trường hợp nghi hộ chiếu không hợp lệ (thay ảnh, thay trang, khâu lại hộ chiếu, tẩy xoá v.v....) hoặc nhân thân không rõ ràng, Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài thông báo bằng văn bản tới cơ quan cấp hộ chiếu cho người đó để xác minh và trả lời cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong vòng 20 ngày, nếu sau 20 ngày không trả lời, thì cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài xem xét quyết định việc gia hạn như nêu tại điểm b.
Trường hợp phức tạp về nhân sự, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài chỉ thực hiện việc gia hạn, sửa đổi, bổ sung sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ (Cục Quản lý xuất nhập cảnh).
d. Căn cứ vào đơn xin sửa đổi, bổ sung hộ chiếu của công dân Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài sửa đổi, bổ sung hộ chiếu cho những trường hợp có lý do sửa đổi, bổ sung hợp lý.
2. Cấp đổi hộ chiếu do rách nát, hư hỏng, hết trang hay hết thời hạn sử dụng (đối với hộ chiếu đã được gia hạn một lần):
a. Người xin cấp đổi hộ chiếu phải trực tiếp đến cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài nộp hồ sơ gồm:
Tờ khai xin cấp hộ chiếu (theo mẫu) kèm theo 4 ảnh cỡ 4 x 6 cm (nếu đương sự thuộc sự quản lý của bộ phận chuyên trách của cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài thì cần được thủ trưởng bộ phận chuyên trách đó xác nhận nội dung khai và đóng dấu giáp lai ảnh trong tờ khai).
Hộ chiếu cũ (bị rách nát, hư hỏng, hết trang hay hết thời hạn sử dụng).
b. Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm kiểm tra hộ chiếu bị rách nát, hư hỏng, hết trang hay hết thời hạn sử dụng. Nếu khẳng định đúng là hộ chiếu hợp lệ và không bị rách, bẩn tại trang nhân thân và trang ảnh hộ chiếu, thì cơ quan đại diện cấp đổi hộ chiếu.
Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đóng dấu "Đã huỷ" vào hộ chiếu cũ và đóng vào hồ sơ.
Trường hợp nghi hộ chiếu cũ bị tẩy xoá, thay ảnh rách, bẩn tại trang thân nhân hay trang ảnh của hộ chiếu mà không đảm bảo tính xác thực của những chi tiết nhân thân và ảnh trong hộ chiếu, thì cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp hộ chiếu các thông tin cần thiết (theo mẫu). Trong thời hạn 20 ngày, cơ quan cấp hộ chiếu có trách nhiệm trả lời, nếu sau 20 ngày mà không trả lời, thì cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài xem xét quyết định việc cấp đổi.
Trường hợp phức tạp về nhân sự thì cơ quan đại diện của Việt Nam ở nười ngoài chỉ thực hiện việc cấp đổi sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ (Cục Quản lý xuất nhập cảnh).
c. Riêng đối với những người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ đã xuất cảnh Việt Nam từ 3 tháng trở lên, cơ quan đại diện chỉ xem xét quyết định cấp đổi hộ chiếu ngoại giao hay hộ chiếu công vụ mới nếu có điện của Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh) xác nhận cơ quan chủ quản đã khẳng định đương sự tiếp tục nhiệm vụ chính thức ở nước ngoài.
3. Cấp lại hộ chiếu trong trường hợp mất hộ chiếu cũ:
a. Người xin cấp lại hộ chiếu phải trực tiếp đến nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, gồm:
Tờ khai xin cấp hộ chiếu kèm theo 4 ảnh như nêu ở điểm 2 trên đây.
Đơn tường trình việc mất hộ chiếu của người xin cấp lại hộ chiếu; trong đơn nêu rõ số, ngày cấp, cơ quan cấp hộ chiếu cũ, mã số hộ chiếu cũ (nếu hộ chiếu cũ có mã số); lý do, hoàn cảnh mất hộ chiếu cũ....
Giấy trình báo mất hộ chiếu có xác nhận của cơ quan Công an hoặc cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh nước sở tại.
b. Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và xem xét việc cấp lại hộ chiếu như sau:
Đối với trường hợp khai báo hộ chiếu bị mất do các cơ quan chức năng ở trong nước cấp hoặc các cơ quan đại diện khác cấp:
Cơ quan đại diện thông báo các yếu tố nhân sự và chi tiết về hộ chiếu khai báo bị mất (kèm ảnh) về cơ quan đã cấp hộ chiếu để xác minh trong vòng 20 ngày. Nếu sau thời gian đó mà không có trả lời của cơ quan đã cấp hộ chiếu thì cơ quan đại diện xem xét quyết định việc cấp lại hộ chiếu và chịu trách nhiệm về quyết định đó.
Nếu đương sự không nhớ chính xác số, ngày cấp, cơ quan cấp, mã số hộ chiếu cũ, cơ quan đại diện yêu cầu đương sự cung cấp những thông tin liên quan để có thể xác minh được thân nhân của người khai mất hộ chiếu (ngày xuất cảnh, số hộ chiếu của những người đi cùng đợt, cơ quan cử đi công tác v.v...) và thông báo về cơ quan cấp hộ chiếu toàn bộ các thông tin đó (kèm theo các yếu tố nhân sự và ảnh như đã nói ở trên). Trong trường hợp này, cơ quan đại diện chỉ xem xét cấp lại hộ chiếu nếu cơ quan đã cấp hộ chiếu khẳng định việc cấp hộ chiếu cũ cho đương sự.
Trường hợp phức tạp về nhân sự thì cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài chỉ thực hiện việc cấp lại sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ (Cục Quản lý xuất nhập cảnh).
Đối với trường hợp khai báo hộ chiếu bị mất do chính cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài nhận hồ sơ và cấp trước đây và trường hợp khai báo hộ chiếu bị mất do cơ quan trong nước hoặc các cơ quan đại diện khác cấp nhưng đương sự đã có hồ sơ đăng ký công dân tại cơ quan đại diện, thì cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đối chiếu với hồ sơ cấp hộ chiếu cũ hoặc hồ sơ đăng ký công dân của đương sự lưu tại cơ quan đại diện, khẳng định đúng người và các chi tiết nhân thân, thì cơ quan đại diện xem xét cấp lại hộ chiếu mới. Trường hợp không khẳng định được đúng người và các chi tiết nhân thân thì cơ quan đại diện thông báo các yếu tố nhân sự kèm theo ảnh cho cơ quan cấp hộ chiếu xác minh. Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài chỉ cấp lại hộ chiếu sau khi có ý kiến đồng ý của các cơ quan trong nước được yêu cầu xác minh.
Đối với trường hợp khai mất hộ chiếu và có nhu cầu được cấp giấy tờ để về nước thì cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài thông báo các chi tiết nhân sự, ảnh về Bộ Nội vụ (Cục Quản lý xuất nhập cảnh). Bộ Nội vụ (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) xác minh, nếu đúng là công dân Việt Nam và có địa chỉ thường trú ở Việt Nam trước khi xuất cảnh có thời hạn ra nước ngoài thì thông báo để cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp giấy thông hành cho họ về nước.
Trong trường hợp cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đã có hồ sơ đăng ký công dân của họ thì xem xét và cấp ngay giấy thông hành cho họ về nước và thông báo cho Bộ Nội vụ (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) biết.
Riêng đối với những người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, đã xuất cảnh Việt Nam từ 3 tháng trở lên, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài chỉ cấp lại hộ chiếu ngoại giao hay hộ chiếu công vụ mới khi có điện của Bộ Ngoại giao (Cục lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh) xác nhận cơ quan chủ quản đã khẳng định đương sự tiếp tục nhiệm vụ chính thức ở nước ngoài.
Khi cấp lại hộ chiếu mới cho những người mất hộ chiếu cũ, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài thông báo bằng văn bản về việc huỷ hộ chiếu cũ cho các cơ quan chức năng của nước sở tại, Bộ Nội vụ (Cục Quản lý xuất nhập cảnh), Bộ Ngoại giao (Cục lãnh sự) và Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng).
4. Cấp đổi hộ chiếu trong trường hợp thay đổi tính chất chuyến đi:
Việc cấp đổi hộ chiếu trong các trường hợp thay đổi tính chất chuyến đi thực hiện theo điểm III.1. Một số Quy định về trình tự và thủ tục giải quyết công tác Lãnh sự (ban hành kèm theo Quyết định số 297/NG-QĐ ngày 26/9/1996 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao).
5. Việc gửi danh sách, hồ sơ những trường hợp gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cấp đổi, cấp lại hộ chiếu:
Trong vòng 5 ngày kể từ ngày gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cấp đổi, cấp lại hộ chiếu, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài điện về Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự) và Bộ Nội vụ (Cục Quản lý xuất nhập cảnh): - Danh sách những trường hợp đã được gia hạn, bổ sung, sửa đổi hộ chiếu (họ tên, ngày tháng năm sinh, số, loại, ngày cấp, cơ quan cấp, mã số hộ chiếu cũ (nếu có), gia hạn đến ngày, tháng, năm; bổ sung, sửa đổi ở điểm nào, lý do);
Danh sách cấp đổi, cấp lại hộ chiếu gồm các mục: số thứ tự, họ và tên; ngày tháng năm sinh; nơi sinh, cơ quan cử đi (nếu có); số, loại, ngày cấp, mã số hộ chiếu mới; lý do cấp đổi, cấp lại.
Sau đó, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài gửi hồ sơ những trường hợp có tên trong các danh sách nói trên về Bộ Nội vụ (Cục Quản lý xuất nhập cảnh), trừ những trường hợp cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đã thông báo và yêu cầu Bộ Nội vụ (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) có ý kiến, như đã nêu ở các điểm 1, 2, 3, Mục VI trên đây.
6. Những trường hợp chưa được gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cấp đổi, cấp lại hộ chiếu:
Công dân Việt Nam ở nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau đây chưa được gia hạn, bổ sung, sửa đổi, cấp đổi, cấp lại hộ chiếu:
Xin gia hạn, bổ sung, sửa đổi, cấp đổi, cấp lại hộ chiếu mà lý do không rõ ràng hoặc phương hại tới quan hệ giữa Việt Nam với nước sở tại;
Đang hưởng quy chế bị nạn;
Dùng hộ chiếu giả để xuất cảnh;
Giả mạo hồ sơ để xuất cảnh hoặc xuất cảnh trái phép;
Đang liên quan tới các vụ kiện hoặc vụ án về dân sự, kinh tế hoặc hình sự mà cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Toà án ở trong nước đang truy tìm, truy nã hoặc có yêu cầu đưa về nước xử lý, giải quyết.
Có hoạt động phương hại đến an ninh quốc gia của Việt Nam.
VII. VIỆC THU HỒI HỘ CHIẾU:
1. Những trường hợp sau đây bị thu hồi hộ chiếu:
Người thuộc diện chưa được phép xuất cảnh theo quy định tại mục III, phần A Thông tư số 02/TT-BNV ngày 30/4/1995 của Bộ Nội vụ;
Những hộ chiếu bị cơ quan có thẩm quyền thông báo huỷ.
2. Phù hợp với khoản 2 Điều 2 Quyết định số 957/1997/QĐ-TTg, Bộ Nội vụ (Cục quản lý xuất nhập cảnh) có trách nhiệm quản lý những hộ chiếu bị thu hồi và thông báo cho Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự) biết số hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ đã bị thu hồi.
VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự) thông báo cho các nước về việc miễn thị thực xuất cảnh cho công dân Việt Nam, thông báo cho các nước mà nước ta đã ký kết thoả thuận miễn thị thực về việc dùng ký hiệu để áp dụng chế độ miễn thị thực nhập cảnh theo các thoả thuận đó.
2. Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ và Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao nghiên cứu báo cáo lãnh đạo hai Bộ về việc sử dụng mã số cố định cho các loại hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam.
3. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Nội vụ (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) và Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự) hướng dẫn các cơ quan, các ngành, các địa phương thống nhất thực hiện Thông tư này; tổng hợp tình hình xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Những hướng dẫn trước đây của Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký./.