THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện Quyết định 35-TTG ngày 13/1/1997 của
Thủ Tướng Chính Phủ về việc phê duyệt chương trình
xây dựng trung tâm cụm xã miền núi, vùng cao
___________________
Căn cứ Quyết định 35/TTg ngày 13/1/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình xây dựng TTCX miền núi, vùng cao.
Sau khi thống nhất với các Bộ, Ngành liên quan, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi hướng dẫn một số vấn đề cụ thể để các cấp, các ngành thực hiện Quyết định.
I. MỤC TIÊU, PHẠM VI, QUY MÔ CỦA CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG TTCX
1/ Mục tiêu:
Chương trình xây dựng TTCX nhằm:
- Tạo ra các cụm kinh tế - xã hội văn hoá, nơi giao lưu hàng hoá của đồng bào các dân tộc miền núi vùng cao thuộc từng tiểu vùng, từng bước xoá dần sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị.
- Từng bước xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu về kinh tế - xã hội để đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các hoạt động thông tin về kinh tế, văn hoá, xã hội và chính trị đến gần nơi đồng bào các dân tộc đang cư trú.
Tăng cường sự chỉ đạo sát sao của huyện, tỉnh, TW đối với cơ sở, thúc đẩy các hoạt động văn hoá - xã hội trong tiểu vùng, tạo thuận lợi cho sự giao lưu giữa các bản làng, xã trong tiểu vùng với các đô thị để phát huy sức mạnh cộng đồng.
Trung tâm cụm xã là hạt nhân thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng dân tộc, tạo điều kiện thực hiện đường lối công nghiệp hoá và hiện đại hoá của Đảng, củng cố và nâng cao lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tăng cường đoàn kết các dân tộc anh em trong cả nước.
- Bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước.
2/ Phạm vi và quy mô thực hiện chương trình XD TTCX:
- Chương trình được thực hiện ở các TTCX Miền núi, vùng cao của các tỉnh miền núi, tỉnh có miền núi trong phạm vi cả nước.
- Trên cơ sở danh mục các TTCX đã được các tỉnh chọn, xét khả năng vốn trong những năm trước mắt từ 1997-2005, Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng TTCX khu vực 3 (vùng sâu, vùng cao, biên giới (kể cả hải đảo) vùng có dân tộc đặc biệt khó khăn), nhằm tăng cường một bước cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội để nhanh chóng ổn định dân cư, phát triển sản xuất, bảo đảm các dịch vụ đời sống, y tế, giáo dục, thông tin, tuyên truyền, củng cố các tuyến phòng thủ biên giới, an ninh quốc phòng.
- Những TTCX đã được đầu tư xây dựng một số công trình thiết yếu như đường giao thông, trạm xá, trường học, điện, nước... cũng được xem xét, xây dựng bổ sung một số hạng mục công trình còn thiếu để hoàn chỉnh các yêu cầu cấp thiết giai đoạn đầu của 1 TTCX đúng tinh thần Quyết định 35/TTg ngày 13/1/1997.
- Vốn đầu tư cho dự án này là để xây dựng các công trình thiết yếu tại TTCX. Còn các xã trong cụm sẽ do các nguồn vồn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khác như: vốn ngân sách, vốn các chương trình quốc gia, vốn vay tín dụng và huy động sức dân.
II. NỘI DUNG, KẾ HOẠCH XÂY DỰNG TRUNG TÂM CỤM XÃ:
1/ Nguyên tắc, tiêu chuẩn để xét chọn dự án xây dựng Trung tâm cụm xã đưa vào danh mục.
a/ Nguyên tắc để xét chọn và đưa vào danh mục dự án:
- Dự án xây dựng Trung tâm cụm xã phải được bố trí phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, với sự giao lưu thuận lợi của đồng bào dân tộc trong tiểu vùng. Khi lựa chọn địa điểm để xây dựng TTCX phải hết sức chú ý để thoả mãn các yếu tố: thuận tiện giao thông, ổn định về địa lý và mặt bằng xây dựng; độ lan toả về kinh tế - xã hội cao đối với vùng dự án và giao lưu với các vùng khác.
- Mỗi Trung tâm cụm xã chỉ có thể phát huy tác dụng khi chọn địa điểm đúng, vì vậy quá trình lựa chọn phải cân nhắc kỹ, thật sự khách quan và vì lợi ích của cả tiểu vùng.
- Quy mô của 1 cụm xã nên từ 3 đến 5 xã. Trường hợp những xã có diện tích rộng, địa bàn chia cắt thì cụm có thể bố trí số xã ít hơn.
- Trung tâm cụm xã không phải là một đơn vị hành chính, các hoạt động kinh tế xã hội do huyện và các ngành chuyên môn của huyện chỉ đạo (coi TTCX là cánh tay vươn dài của huyện). Riêng về mặt quản lý hành chính, an ninh quốc phòng, TTCX đặt ở xã nào thì do chính quyền xã sở tại quản lý.
b/ Tiêu chuẩn xét chọn địa điểm xây dựng Trung tâm cụm xã:
Khi xét chọn địa điểm xây dựng TTCX cần lưu ý đạt được các tiêu chuẩn sau:
- Trung tâm cụm xã phải thực sự là nơi nối liền thuận lợi nhất của các xã, thôn bản trong tiểu vùng với các đô thị và trục đường giao thông.
- Có diện tích để xây dựng đồng bộ các công trình trước mắt, có địa dư để hoàn chỉnh mở rộng về lâu dài.
- Mặt bằng xây dựng:
+ Đối với những Trung tâm cụm xã đã có sự hình thành manh nha bước đầu thì nên tận dụng và có sự kế thừa các công trình cũ để tránh lãng phí và giảm được vốn đầu tư.
+ Đối với những Trung tâm cụm xã được chọn mới hoàn toàn thì chú ý: hạn chế tối đa sử dụng đất canh tác vào xây dựng các công trình để không ảnh hưởng đến sản xuất, tránh di chuyển dân cư, đảm bảo độ cao để tránh được ngập lụt, lũ quét và tốt nhất là chọn những nơi đất trống, đồi gò.
+ Các Trung tâm cụm xã phải nằm trong sơ đồ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
+ Danh sách các Trung tâm cụm xã được thể hiện đầy đủ trên bản đồ tỷ lệ 1/50.000.
2/ Xây dựng dự án Trung tâm cụm xã:
Khi xây dựng dự án Trung tâm cụm xã cần lưu ý nội dung và nêu lên được:
- Lý do và sự cần thiết phải xây dựng Trung tâm cụm xã.
- Số hộ, số dân hiện có ở các xã trong tiểu vùng, phương án bố trí dân cư của huyện, của tỉnh sau này.
- Các điều kiện tự nhiên kinh tế - xã hội.
- Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của tiểu vùng (các xã trong cụm); quy hoạch bố trí mặt bằng; quy mô và chất lượng xây dựng các hạng mục công trình; kích cỡ công trình cho trước mắt và lâu dài; diện tích xây dựng từng hạng mục bao nhiêu...
Trong khi bố trí mặt bằng cần chú ý đến dân cư, ưu tiên công trình chợ, khu thương mại, công trình giao thông và cấp thoát nước, công trình phục vụ khuyến nông, dịch vụ y tế, giáo dục, văn hoá...
Các công trình sát biên giới và đường biên cần chú ý đến cả hình thức, quan hệ đối ngoại và kết hợp quốc phòng, an ninh.
Xây dựng hoàn chỉnh một TTCX là cả quá trình gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của tiểu vùng, khi xây dựng dự án phải chú ý xem xét đầy đủ các hạng mục công trình, dự toán các khoản kinh phí 1 cách chặt chẽ, không sửa đổi bổ sung về sau.
- Nội dung xây dựng Trung tâm cụm xã: phải thể hiện quy mô xây dựng các công trình cụ thể, phù hợp với nhu cầu sử dụng (dân số, khả năng phát triển kinh tế trong cụm xã, khả năng vốn đầu tư...); phân khu chức năng để bảo đảm cảnh quan môi trường thuận lợi về kinh tế, văn hoá, xã hội.
Các hạng mục công trình của 1 Trung tâm cụm xã thời kỳ đầu như mục III của Quyết định 35/TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 13/1/1997 và cần đạt được các yêu cầu sau:
+ Chợ Thương mại.
Đây là nơi giao lưu hàng hoá của Tiểu vùng với các vùng khác để phát triển sản xuất. Chợ có ý nghĩa hết sức quan trọng với đồng bào các dân tộc. Đồng bào họp chợ không chỉ để mua bán hàng hoá mà còn là nơi giao lưu văn hoá xã hội và kinh tế, nơi hẹn hò giao duyên, hát hò trong dịp lễ tết cổ truyền, là nơi hoạt động văn hoá làm tăng thêm sự đoàn kết của cộng đồng, vì vậy hình thức, quy mô xây dựng chợ phải mang đặc thù của từng Trung tâm cụm xã. Khu vực chợ có thể nên có đình chợ (nhà có mái che), có sân chợ để bán hàng cồng kềnh, gia súc và gia cầm, có nơi để xe, buộc ngựa, có các quầy bán tư thương và gần cửa hàng thương nghiệp.
+ Cửa hàng thương nghiệp:
Cửa hàng thương nghiệp là nơi bán các mặt hàng thiết yếu cho dân và tiêu thụ nông sản phẩm của nhân dân làm ra ở trong tiểu vùng.
Cửa hàng thương nghiệp quốc doanh cần có đủ các quầy thiết yếu như: vật tư, công cụ sản xuất, muối ăn, dầu thắp sáng, vải mặc chăn màn, giấy viết, sách vở cho học sinh, quầy văn hoá phẩm, và bàn tín dụng ngân hàng, bưu điện... đây là cơ sở vật chất cơ bản làm chỗ dựa đảm bảo ổn định đời sống cho bà con các dân tộc.
Bên cạnh cửa hàng quốc doanh, nên khuyến khích tư thương trong vùng bỏ vốn mở cửa hàng dịch vụ 2 đầu cho đồng bào, nơi mà nhân dân địa phương chưa đủ vốn, chưa đủ kỹ thuật nghiệp vụ thì khuyến khích dân các nơi khác đến để sớm hình thành các đô thị nhỏ.
+ Phòng khám đa khoa và chữa bệnh.
Phòng khám và chữa bệnh tại TTCX đảm bảo phục vụ số dân khoảng từ 1-2 vạn người, ở mức độ khám và chữa bệnh thông thường, sơ cứu và trung chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Phòng khám nên có một số giường bệnh, quầy bán thuốc, các trang thiết bị chủ yếu và cán bộ y tế, đồng thời đây cũng là nơi để phối hợp tốt với đội phòng dịch lưu động của huyện, tỉnh.
+ Trường học bán trú.
Trường học bán trú nhằm thu hút học sinh trong độ tuổi của cụm xã, những địa bàn cụm xã có bán kính từ 6 km trở lên cần xây dựng trường bán trú cấp 1-2, những Trung tâm cụm xã có số bản làng tương đối tập trung thì nên xây dựng các lớp cấp 3, không nhất thiết Trung tâm cụm xã nào cũng có trường bán trú mà tuỳ tình hình thực tế dân cư trong cụm để bố trí xây dựng lại hình trường học cho phù hợp.
Đối với công trình trường học, nên chú ý nhà ở và các điều kiện sinh hoạt cho giáo viên để tạo điều kiện động viên thu hút giáo viên yên tâm phục vụ lâu dài tại cụm xã.
+ Công trình thông tin văn hoá: Là phương tiện để tuyên truyền nếp sống văn hoá mới, chuyển tải các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, tiến bộ khoa học kỹ thuật đến tận bà con các dân tộc. Mặt khác còn là nơi sưu tầm, khơi dậy và phát huy bảo tồn bản sắc văn hoá truyền thống dân gian với bản sắc riêng của từng dân tộc trong tiểu vùng.
Trang bị cơ sở vật chất cho công trình này nên thực hiện theo chương trình phủ sóng vùng lõm và nên giao cho đài truyền hình và phát thanh địa phương thực hiện dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn giúp đỡ tạo điều kiện của đài truyền hình, đài phát thanh Trung ương về kỹ thuật và lồng ghép chương trình này với nội dung của việc xây dựng TTCX.
+ Các cơ sở khuyến nông, khuyến lâm:
Nhiệm vụ cơ bản của Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm là hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ sinh học đến tận người dân, làm các dịch vụ chuyển giao giống mới, bảo vệ cây trồng, vật nuôi, tập huấn canh tác, thao diễn VACR, do đó cần có nơi làm vườn ươm cây giống, có nơi giới thiệu phân bón và cách bón phân, các loại thuốc sâu và cách sử dụng...
+ Cơ sở chế biến: Trước mắt nên tập trung phát triển ngành nghề truyền thống, cơ khí nhỏ, tiểu thủ công nghiệp (lò rèn, lò gạch ngói, xưởng mộc...) cơ sở chế biến nông lâm sản.
Khuyến khích mọi thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư vùng nguyên liệu cây non bản địa, thu gom khai thác khoáng sản, đặc biệt chú ý các dịch vụ kỹ thuật phức tạp như sửa chữa ti vi, xe máy, kỹ nghệ vàng bạc... mà nhân dân trong tiểu vùng chưa đủ trình độ tham gia.
+ Hệ thống giao thông:
Đường giao thông tại trung tâm cụm xã được nâng cấp, mở rộng và làm mới phù hợp với quy mô sản xuất, lưu lượng vận chuyển và mật độ đi lại của dân cư trong tiểu vùng. Không dùng vốn xây dựng TTCX để làm đường từ Trung tâm cụm xã đến các xã, thôn bản mà chủ yếu huy động sức dân, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần vật liệu xây dựng và mìn để giúp cho việc xây cầu, cống, ngầm...
+ Điện phục vụ sản xuất, chế biến và sinh hoạt:
Trung tâm cụm xã được ưu tiên điện lưới quốc gia, những nơi xa xôi hẻo lánh thì phát triển thuỷ điện nhỏ và các dạng năng lượng khác.
+ Hệ thống cấp thoát nước:
Tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể và địa bàn xây dựng của từng TTCX để bố trí hệ thống cấp thoát nước phù hợp với các công trình cơ sở hạ tầng cũng như khu dân cư và dịch vụ công cộng khác. Cũng có thể xây dựng hệ thống thuỷ lợi tự chảy để lấy nước ăn và nước sinh hoạt hoặc đào giếng, phục vụ nước sinh hoạt cho các gia đình trong cụm dân cư, những nơi núi đá có nước ngầm thì xây dựng các bể chứa đựng nước.
- Những địa phương có nhiều dự án xây dựng TTCX thì nên xuất phát từ đặc điểm, tính chất nổi bật của mình để xây dựng bản thiết kế mẫu chuẩn về quy hoạch và các loại công trình của 1 TTCX, (tiêu chuẩn chất lượng, quy mô kích cỡ, kiểu dáng, chi phí vật liệu...) nhằm tạo thuận lợi cho công tác xét duyệt, quản lý chỉ đạo, tiết kiệm được chi phí dự toán thiết kế và nhanh chóng đầu tư xây dựng.
3/ Nguồn lực để xây dựng TTCX:
a/ Vốn để xây dựng TTCX:
- Tuỳ điều kiện cụ thể của từng dự án có khác nhau mà xác định mức vốn đầu tư khác nhau.
Những Trung tâm cụm xã đã được đầu tư và hình thành một số công trình rồi thì đầu tư bổ sung để tu bổ và hoàn chỉnh đồng bộ các hạng mục, những Trung tâm cụm xã xây dựng mới hoàn toàn thì phải đầu tư đủ các hạng mục công trình. Nơi khó thì suất đầu tư cao hơn nơi thuận lợi, nơi đòi hỏi phải làm cả công tác đối ngoại thì phải đầu tư đủ độ và đúng nguồn vốn.
- Việc xây dựng TTCX cần phải huy động cộng đồng và xã hội, vì vậy vốn đầu tư để xây dựng TTCX cần huy động nhiều nguồn và lồng ghép nhiều nội dung để nhanh chóng hoàn thành công trình đưa vào sử dụng.
+ Vốn ngân sách Nhà nước (kể cả ngân sách địa phương và các tổ chức quốc tế tài trợ) dành để đầu tư các hạng mục công trình chủ yếu như: cơ sở hạ tầng, trường bán trú, trạm xá, công sở, chợ, cửa hàng thương nghiệp và một số công trình thuộc diện công ích.
+ Vốn vay ưu đãi dùng để đầu tư vào các công trình sản xuất kinh doanh như cơ sở chế biến, sản xuất nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ công cộng.
+ Khuyến khích dân bỏ vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh mở rộng ngành nghề và trao đổi hàng hoá... Huy động sức dân tham gia xây dựng công trình cơ sở hạ tầng và phúc lợi công cộng theo pháp luật quy định.
+ Vốn đầu tư xây dựng các công trình cần đảm bảo đúng mục đích, kế hoạch mà Nhà nước đã ghi hàng năm cho các địa phương theo đúng loại khoản mục.
b/ Nguồn nhân lực:
- Nhân lực huy động để xây dựng Trung tâm cụm xã chủ yếu là tại chỗ trong tiểu vùng, nhằm giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho đồng bào trong Trung tâm cụm xã, nâng cao ý thức trách nhiệm quản lý, khai thác công trình của đồng bào trong cụm xã.
- Khi Trung tâm cụm xã được hình thành thì các khu dân cư tập trung cũng được hình thành, vì vậy cần đặc biệt ưu tiên cho đồng bào các dân tộc trong cụm xã được góp vốn đầu tư xây dựng và lập nghiệp tại TTCX, dân cư nơi khác đến lập nghiệp chỉ ưu tiên những ngành nghề phức tạp như sửa chữa xe máy, hàng điện tử, gia công vàng bạc đá quý, quay phim nhiếp ảnh... mà đồng bào các dân tộc trong Tiểu vùng chưa đủ trình độ và kinh nghiệm.
4/ Thời gian hoàn thành việc xây dựng Trung tâm cụm xã:
Tất cả các TTCX dù được kế thừa hoặc xây dựng mới hoàn toàn đều phải tập trung vốn, nhân lực để hoàn thành sớm đưa vào khai thác sử dụng. Thời gian dài nhất không quá 4 năm.
III. TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG TÂM CỤM XÃ:
1/ Bộ máy quản lý chương trình ở Trung ương:
- Quyết định 35/TTg ngày 13/1/1997 của Thủ tướng Chính phủ giao cho Uỷ ban Dân tộc và Miền núi chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để lựa chọn các Trung tâm cụm xã và hướng dẫn các địa phương lập các dự án cụ thể trình duyệt theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng đồng thời tổ chức kiểm tra đôn đốc các địa phương thực hiện. Chương trình có số lượng dự án lớn, nằm ở phạm vi rộng, thời gian dài, tiến độ xây dựng của một dự án yêu cầu nhanh khẩn trương, do đó đòi hỏi phải thành lập 1 ban chỉ đạo chương trình.
Ban chỉ đạo chương trình do 1 đồng chí lãnh đạo Uỷ ban Dân tộc và Miền núi làm trưởng ban và 1 số thành viên là đại diện của một số Vụ, Ban có bộ phận thường trực đặt tại Vụ Tổng hợp của Uỷ ban Dân tộc và Miền núi.
Ban chỉ đạo chương trình là tổ chức giúp việc cho Bộ Trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và Miền núi, định kỳ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
Uỷ ban Dân tộc và Miền núi là cơ quan chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh để tổ chức thực hiện.
- Các Bộ ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các địa phương, bố trí cán bộ địa phương thuộc ngành, chỉ đạo lồng ghép các chương trình quốc gia có trên địa bàn. Giúp đỡ địa phương, đào tạo cán bộ để quản lý khai thác các công trình đã hoàn thành đúng mục tiêu và đối tượng theo pháp luật hiện hành.
Công tác quản lý xây dựng làm đúng theo luật Ngân sách Nhà nước ban hành ngày 30/3/1996, việc đầu tư xây dựng theo quy định tại Nghị định 42/CP và 43/CP các công khác chấp hành đúng văn bản quy định của các ngành.
Khi TTCX đã xây dựng xong các hạng mục công trình của giai đoạn đầu, các ngành Tổ chức quản lý theo ngành dọc, về hành chính quản lý theo lãnh thổ mà không hình thành cấp hành chính mới.
2/ Bộ máy thực hiện chương trình XDTTCX ở địa phương:
a. Tỉnh là cơ quan chủ quản đầu tư, vì vậy cần tổ chức xét duyệt chặt chẽ và sớm các dự án trên địa bàn theo luật định.
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Ban chỉ đạo chương trình và cử một đồng chí lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh phụ trách và chịu trách nhiệm tiếp nhận sự hướng dẫn của Ban chỉ đạo chương trình Trung ương về kế hoạch, vốn, nội dung, địa điểm xây dựng và điều chỉnh mục tiêu chương trình khi thấy không còn phù hợp với thực tế (nếu có).
- Thành viên Ban chỉ đạo là các cơ quan chức năng do Uỷ ban nhân dân tỉnh lựa chọn, nên giao cho Ban Dân tộc hoặc Ban Dân tộc và Miền núi, Ban Dân tộc - Định canh định cư là cơ quan thường trực giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý và cùng các ngành của tỉnh để lồng ghép các chương trình quốc gia trong tỉnh: (vì trên địa bàn tỉnh có rất nhiều chương trình quốc gia, nên chỉ có chính quyền địa phương mới có đủ khả năng tổ chức lồng ghép các chương trình có hiệu quả nhất).
Những nơi không có tổ chức trên thì Uỷ ban nhân dân tỉnh chọn một đơn vị phù hợp giúp việc, làm cơ quan thường trực và Chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định giao nhiệm vụ theo dõi thực hiện.
- Tỉnh ra soát toàn bộ số lượng TTCX (đã báo cáo Uỷ ban Dân tộc và Miền núi năm 1994); lập kế hoạch dài hạn và lựa chọn những TTCX cho kế hoạch 1997-2005; lập danh sách theo thứ tự ưu tiên kèm theo bản đồ tỷ lệ 1/50.000 có thể hiện đầy đủ các TTCX của toàn tỉnh và gửi về Uỷ ban Dân tộc và Miền núi trước ngày 30/6/1997.
- UBND tỉnh chỉ đạo các huyện lập dự án TTCX, tổ chức thẩm định theo đúng Nghị định 42/CP và 43/CP ngày 16 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ và trình hồ sơ dự án lên UBDT & MN và Bộ Kế hoạch và Đầu tư mỗi nơi một bộ để xem xét và tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Quyết định phê duyệt của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh có giá trị thi hành khi nhận được thông báo của UBDT & MN và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Uỷ ban Nhân dân các Huyện là chủ đầu tư các Dự án trên địa bàn huyện, những TTCX có liên quan 2 hay nhiều huyện thì dự án nằm trên huyện nào huyện đó là chủ đầu tư, và có nhiệm vụ thông báo cho nhân dân trong vùng dự án biết để tham gia kiểm tra, thực hiện.
Tuỳ theo quy mô của Dự án, chủ đầu tư có thể cử ra một số cán bộ chuyên trách. Chủ đầu tư có trách nhiệm lập quy hoạch xây dựng dự án, trình duyệt và tổ chức thực hiện dự án khi đã được phê duyệt đúng pháp luật.
3/ Chế độ báo cáo
Tỉnh chỉ đạo chặt chẽ các chủ đầu tư có báo cáo tình hình thực hiện các dự án đầu tư theo tháng, quý và gửi về UBDT & MN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính vào trước ngày 20 hàng tháng, nếu báo cáo quý thì trước ngày 20 tháng cuối quý.
Các đơn vị không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo thì UBDT & MN sẽ kiến nghị ngừng cấp vốn để xem xét cụ thể.
4/ Tổng kết công tác XDTTCX
Năm 1996 Nhà nước đã đầu tư xây dựng 3 TTCX của 3 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, do đó 3 tỉnh cần tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm về các mặt xây dựng, chỉ đạo, chọn địa điểm, địa bàn, kích cỡ và chất lượng công trình, các tiêu chuẩn chọn dự án, quản lý dự án, vốn đầu tư cho các hạng mục, suất đầu tư các chính sách kinh tế xã hội, những bài học cần bổ sung để hoàn chỉnh phương án tổng thể của địa phương gửi cho UBDT & MN và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước tháng 6/1997 để báo cáo Chính phủ.
Năm 1997 và các năm sau, số lượng TTCX được triển khai đồng loạt, Ban chỉ đạo các địa phương duy trì tốt chế độ sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm báo cáo hàng năm để kịp thời chỉ đạo những năm tiếp theo.
Thông tư này được cụ thể hoá các điều mục, nội dung của Quyết định 35/TTg ngày 13/1/1997 của Thủ tướng Chính phủ để các Bộ ngành liên quan cùng phối hợp hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện.
Trong quá trình thực hiện Thông tư này có gì vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời cho Uỷ ban Dân tộc và Miền núi xem xét bổ dung sửa đổi.