• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 04/05/1994
CHÍNH PHỦ
Số: 38/CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 4 tháng 5 năm 1994

NGHỊ QUYẾT

Về cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức

Hiện nay, thủ tục hành chính, trước hết là thủ tục tiếp nhận và giải quyết công việc của công dân và tổ chức do nhiều ngành, nhiều cấp qui định, vừa thiếu tính đồng bộ, vừa rườm rà phức tạp, thường xuất phát từ yêu cầu thuận tiện của cơ quan có trách nhiệm giải quyết công việc mà chưa quan tâm đầy đủ đến nguyện vọng và sự thuận tiện cho dân.

Nhiều cơ quan Nhà nước chưa chấp hành đúng các quy định về việc tiếp nhận và giải quyết công việc của dân hoặc đùn đẩy trách nhiệm giải quyết công ciệc giữa các cơ quan, cuối cùng công việc không ai giải quyết; thậm chí tự đặt ra các thủ tục, các khoản phí, lệ phí không đúng thẩm quyền hoặc thu phí và lệ phí quá mức qui định; không niêm yết công khai cho nhân dân biết các qui định về thủ tục hành chính của Nhà nước; không bố trí cán bộ đủ trình độ và phẩm chất làm công việc tiếp nhận và giải quyết công việc.

Không ít công chức Nhà nước khi tiếp và giải quyết công việc của dân có thái độ thiếu tôn trọng nhân dân, cửa quyền, ban ơn, thậm chí sách nhiễu, đòi hối lộ. Tình hình giải quyết công việc như vậy không những làm mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc của các cơ quan, đơn vị, của nhân dân, mà là nguyên nhân chính làm tệ tham nhũng phát triển, gây bất bình và làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước. Vì vậy, cải cách thủ tục hành chính là một đòi hỏi bức xúc, đáp ứng yêu cầu chính đáng của nhân dân. Đây cũng là một nội dung quan trọng của cải cách một bước nền hành chính quốc gia.

Yêu cầu đặt ra là phải đạt được bước chuyển biến căn bản trong quan hệ và thủ tục giải quyết công việc giữa các cơ quan Nhà nước, giữa cơ quan Nhà nước và các cơ quan, đơn vị khác; giữa cơ quan Nhà nước với nhân dân trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc.

Chính phủ quyết định tiến hành ngay từ quý II năm 1994 một số công việc sau đây:

1. Trước hết, các thành viên Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương phải tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-TTg ngày 29-10-1992 của Thủ tướng Chính phủ qui định một số điểm trong quan hệ làm việc giữa các đồng chí phụ trách bộ máy hành chính các cấp, với các nội dung chính sau đây:

a) Luật Tổ chức Chính phủ và Quy chế làm việc của Chính phủ đã xác định các Phó thủ tướng là người giúp Thủ tướng, nhân danh Thủ tướng chỉ đạo, điều hành, chịu trách nhiệm trực tiếp giải quyết công việc thuộc lĩnh vực công tác được phân công, xem đó là được uỷ nhiệm của Thủ tướng. Các Bộ trưởng quan hệ thường xuyên với Thủ tướng, trực tiếp gặp và làm việc với Thủ tướng khi có công việc cần thiết, nhưng khi làm việc với Phó Thủ tướng thì phải chấp hành ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng và coi đó là ý kiến thay mặt Thủ tướng.

Tinh thần nói trên cũng cần được thể hiện trong quan hệ làm việc giữa Bộ trưởng với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giữa các đồng chí phụ trách các cấp hành chính trong tỉnh (thành phố) nhằm tăng cường trách nhiệm cá nhân, bảo đảm sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, khắc phục tệ quan liêu, phiền hà, trì trệ.

b) Trong quan hệ làm việc giữa Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Bộ trưởng phải trực tiếp làm việc với các Chủ tịch (hoặc Phó chủ tịch được chủ tịch uỷ nhiệm) Uỷ ban Nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương để giải quyết công việc trực tiếp, nhanh và đủ trách nhiệm các vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng trong thời gian ngắn nhất, chấm dứt tình trạng Bộ trưởng, Thứ trưởng buộc Chủ tịch (Phó Chủ tịch) Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố phải làm việc trước với từng Vụ, Cục thuộc Bộ, sau đó Bộ trưởng mới giải quyết công việc. Trường hợp đề nghị của tỉnh và thành phố có liên quan đến nhiều Bộ, thì Bộ chuyên ngành phải làm đầu mối bàn với các Bộ liên quan khác, Không nên để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phải đi đến từng Bộ để xin ý kiến giải quyết của Bộ trưởng sau đó mới đến bộ trưởng chuyên ngành giải quyết.

c) Đối với những việc vượt quá thẩm quyền của Bộ trưởng thì Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm việc với Thủ tướng (hoặc phó Thủ tướng). Trong trường hợp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm đứng ra tổ chức để Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng làm việc trực tiếp với Chủ tịch (hoặc phó Chủ tịch) Uỷ ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương.

Những quy định nói ở điểm b và c nói trên cũng được thực hiện đối với Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ.

d) Trong quan hệ làm việc giữa Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh (thành phố) với giám đốc các Sở, các Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện (quận) cũng phải xử lý công việc theo tinh thần nói trên.

e) Trong quan hệ làm việc giữa Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện (quận) với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã (phường) cũng phải quán triệt tinh thần nói trên. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Huyện (quận) phải dành phần lớn thời gian đi sát các xã (phường) để giải quyết công việc tại chỗ, giảm đến mức thấp nhất việc giải quyết công việc thông qua hội nghị.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức một đợt soát xét lại toàn bộ các quy định hiện hành về thủ tục hành chính, về phí và lệ phí thuộc lĩnh vực mình phụ trách, kể cả những quy định do cấp dưới ban hành nhằm bãi bỏ ngay những quy định thủ tục hành chính không đúng thẩm quyền và bổ sung, sửa đổi những thủ tục không phù hợp với thực tế, đã và đang trở ngại cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị khác và gây phiền hà cho nhân dân.

Nếu có những quy định do cấp trên ban hành xét thấy cần phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ thì báo cáo, kiến nghị để cơ quan đã ban hành xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. Công việc này phải được tiến hành trong tất cả các khâu và các lĩnh vực mà trọng tâm là thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư, xây dựng, sửa chữa nhà cửa, cấp đất; đăng ký kinh doanh, hành nghề; sở hữu và sử dụng phương tiện giao thông; hộ khẩu; xuất cảnh, nhập cảnh; trước bạ mua bán chuyển nhượng các loại tài sản; cho vay vốn; công chứng; thanh tra doanh nghiệp.

Đối với những thủ tục đã quy định trước, nay còn phù hợp nhưng được quy định phân tán ở nhiều văn bản, nay cần được hệ thống hoá lại bằng một văn bản thống nhất theo thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ để thuận tiện cho việc thi hành và kiểm tra, giám sát. Những thủ tục liên quan đến nhiều Bộ, ngành thì Bộ có chức năng quản lý Nhà nước chính có trách nhiệm phối hợp để ban hành quy định liên Bộ.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo triển khai công việc này ngay từ quý II năm 1994, coi đây là một trong những công tác trọng tâm của Bộ, ngành và địa phương từ nay đến cuối năm 1994.

Sau khi các thủ tục hành chính được soát xét lại, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, trong phạm vi quản lý của mình, phải công bố công khai hệ thống các văn bản qui định thủ tục mới bằng nhiều hình thức để mọi cơ quan, đơn vị, mọi người dân được biết và thực hiện. Hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung loại thủ tục nào thì kịp thời công bố ngay loại thủ tục đó, nhưng chậm nhất công việc này phải xong trong năm 1994. Đồng thời, thông qua công tác kiểm tra, soát xét các thủ tục hành chính của ngành mà kiện toàn ngay các bộ phận tiếp nhận, giải quyết công việc của các cơ quan, đơn vị khác, của công dân, kiên quyết xử lý và đưa những cán bộ vi phạm hoặc không đủ tiêu chuẩn ra khỏi vị trí công tác đó.

3. Ngoài luật, pháp lệnh và các văn bản pháp quy của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ, chỉ có Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ mới có thẩm quyền quy định các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của mình và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các qui định đó. Việc quy định mới hoặc bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ các quy định về thủ tục hành chính đã có phải được thể hiện bằng văn bản, bảo đảm tính đồng bộ; chính xác, không được trái với luật, pháp lệnh và các văn bản pháp quy của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ. Các quy định về thủ tục hành chính phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện và phải được công bố công khai để mọi cơ quan, đơn vị và nhân dân biết.

Đối với một số quy định thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ, ngành Trung ương, nhưng cần phải có quy định riêng để phù hợp với đặc điểm của một số địa phương thì các Bộ, ngành Trung ương có văn bản uỷ quyền cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quy định. Các quy định này của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phải có sự thống nhất của Bộ, ngành quản lý về lĩnh vực đó và phải được công bố công khai như quy định thủ tục hành chính của Bộ, ngành.

4. Các Bộ, các ngành và các địa phương có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Quyết định số 276-CT ngày 28-7-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc thống nhất quy định, quản lý các loại phí, lệ phí trong cả nước. Nghiêm cấm các cơ quan và công chức Nhà nước tự đặt ra các khoản phí, lệ phí ngoài những quy định trong Quyết định này.

Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan hữu quan thống nhất hướng dẫn chế độ quản lý đối với từng khoản thu phí, lệ phí.

5. Tại địa điểm tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ, đơn thư và giải quyết công việc của dân phải niêm yết công khai các quy định, thủ tục giải quyết từng loại công việc (sau khi đã được các Bộ, ngành soát xét, sửa đổi, bổ sung theo tinh thần trên đây). Phải xác định rõ từng loại việc do cơ quan nào là đầu mối giải quyết công việc đến cùng. Nếu có quy định về phí, lệ phí thì cũng phải được niêm yết công khai.

Những công chức được giao nhiệm vụ tiếp xúc, nhận hồ sơ và giải quyết việc của dân phải là những người có chuyên môn, liêm khiết, có tác phong thái độ nghiêm chỉnh, đeo thẻ có ảnh ghi rõ họ tên, chức danh công tác và chỉ được giải quyết công việc tại công sở.

Khi nhận hồ sơ yêu cầu giải quyết công việc của dân, phải có phiếu hẹn thời gian trả lời. Những công việc đã có đủ hồ sơ, thủ tục, thì cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật, không được trì hoãn dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả trường hợp không giải quyết được cũng phải nói rõ lý do để dân biết. Nếu hồ sơ thủ tục chưa đầy đủ, thì phải hướng dẫn cụ thể để đương sự không phải đi lại nhiều lần. Những công việc liên quan đến nhiều bộ phận trong cơ quan thì Thủ trưởng cơ quan phải đề ra quy chế phối hợp giải quyết trong nội bộ cơ quan để công dân, tổ chức có yêu cầu giải quyết công việc chỉ phải làm việc với một công chức được giao nhiệm vụ làm đầu mối tiếp xúc, nhận hồ sơ và giải quyết công việc.

6. Người yêu cầu giải quyết công việc có quyền khiếu nại, tố cáo với Thủ trưởng phụ trách trực tiếp, với thủ trưởng cơ quan cấp trên hoặc kiện trước toà án những việc làm sai trái, gây phiền hà của công chức Nhà nước như không theo đúng thủ tục, có thái độ cửa quyền, hống hách hoặc vòi vĩnh khi giải quyết công việc. Người đứng đầu tổ chức được giao nhiệm vụ giải quyết công việc và cá nhân công chức trực tiếp giải quyết công việc nếu vi phạm đều phải bị xử lý kỷ luật kịp thời, nghiêm minh; trước mắt, không để cán bộ có vi phạm các quy định trên làm công tác đó; mặt khác, cần xử lý theo pháp luật những người lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để làm rối trật tự, kỷ cương, vu cáo làm mất uy tín người thi hành công vụ và cơ quan Nhà nước.

7. Để việc soát xét lại hệ thống thủ tục hành chính hiện hành cũng như quy định mới hoặc bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ thủ tục hành chính được nhanh chóng, giao Văn phòng Chính phủ chủ trì phối hợp với các ngành tổ chức tiếp thu ý kiến các cơ quan, đoàn thể về những thủ tục hành chính đã lỗi thời hoặc trái với luật pháp, gây phiền hà cho các cơ quan, đơn vị, cho nhân dân và tạo kẽ hở cho những người xấu lợi dụng. Thư góp ý của các cơ quan, đơn vị và của nhân dân về những thủ tục hành chính cần sửa đổi, bãi bỏ gửi về Văn phòng Chính phủ không phải trả cước phí bưu điện. Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm tổng hợp, phân loại ý kiến đóng góp và thông báo cho các Bộ, ngành liên quan xử lý.

8. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì có sự phối hợp với Bộ trưởng, trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Nhà nước giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành, các địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết này.

Đề nghị các cơ quan Trung ương của các đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và Uỷ ban nhân dân các cấp tuyên truyền sâu rộng các chủ trương trên đây nhằm thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Nghị quyết này./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.