NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 01/2019/NĐ-CP NGÀY 01 THÁNG 01 NĂM 2019 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ KIỂM LÂM VÀ LỰC LƯỢNG CHUYÊN TRÁCH BẢO VỆ RỪNG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
“1. Tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp.”.
b) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 như sau:
“a) Phối hợp với chủ rừng tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật tại các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được giao quản lý;”.
c) Bổ sung điểm k vào sau điểm i khoản 3 như sau:
“k) Thực hiện các quy định về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam; quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản theo quy định của pháp luật.”.
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:
a) Bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 1 như sau:
“d) Phát triển rừng, sử dụng rừng khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.”.
b) Sửa đổi, bổ sung tên khoản 2 như sau:
“2. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp trên phạm vi địa bàn tỉnh:”.
c) Bổ sung điểm e vào sau điểm đ khoản 2 như sau:
“e) Hướng dẫn, kiểm tra công tác phát triển rừng, sử dụng rừng khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật;”.
d) Sửa đổi, bổ sung tên khoản 3 như sau:
“3. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp trên phạm vi địa bàn tỉnh:”.
đ) Bổ sung điểm k, điểm l vào sau điểm i khoản 3 như sau:
“k) Thực hiện các quy định về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam; quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản theo quy định của pháp luật;
l) Thực hiện các nhiệm vụ phát triển rừng, sử dụng rừng khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.”.
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 2 như sau:
“e) Thực hiện các quy định về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam; xác nhận nguồn gốc lâm sản, xác nhận mẫu vật động vật, thực vật; quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản theo quy định của pháp luật;”.
b) Sửa đổi khoản 3 như sau:
“3. Quản lý, chỉ đạo Trạm Kiểm lâm và Kiểm lâm làm việc tại địa bàn thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, phương án về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp.”
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:
“Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm lâm
1. Kiểm lâm khi thi hành công vụ thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định tại Nghị định này và theo quy định của pháp luật; mặc đồng phục, đeo cấp hiệu, kiểm lâm hiệu, biển tên theo quy định.
2. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ, kiểm tra hiện trường, áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
3. Xử lý vi phạm pháp luật về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, xử lý vi phạm pháp luật hình sự.
4. Được trang bị và sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, đồng phục, phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng theo quy định của pháp luật.
5. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao khác theo quy định của pháp luật.”.
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:
“Điều 8. Tổ chức Kiểm lâm trung ương
Cục Kiểm lâm là tổ chức hành chính thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp.”.
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:
“Điều 9. Tổ chức Kiểm lâm cấp tỉnh
Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh là tổ chức hành chính thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp và thực hiện các nhiệm vụ khác về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.”.
7. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 10 như sau:
“1. Hạt Kiểm lâm cấp huyện là tổ chức hành chính thuộc Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh, giúp Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp và thực hiện các nhiệm vụ khác về lâm nghiệp trên địa bàn huyện khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.
Hạt Kiểm lâm cấp huyện có bộ phận giúp việc là Trạm Kiểm lâm.”.
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau:
“Điều 11. Tổ chức Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ
1. Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ là tổ chức hành chính thuộc Cục Kiểm lâm đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do Trung ương quản lý; thuộc Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do địa phương quản lý.
Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ có bộ phận giúp việc là Trạm Kiểm lâm.
2. Tiêu chí thành lập Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ:
a) Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng được thành lập ở Vườn quốc gia;
b) Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng được thành lập ở khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh có diện tích từ 15.000 héc-ta trở lên;
c) Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ được thành lập ở khu rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển có diện tích từ 20.000 héc-ta trở lên.
3. Căn cứ tiêu chí thành lập Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ và yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ thuộc trung ương quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ thuộc địa phương quản lý.”.
9. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 như sau:
“2. Kiểm lâm trong khi trực tiếp làm nhiệm vụ hy sinh, bị thương thì được cơ quan có thẩm quyền căn cứ điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận là liệt sỹ, người hưởng chính sách như thương binh theo quy định tại điểm g, điểm i khoản 1 Điều 14 và điểm g, điểm i khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.”.
10. Bổ sung điểm c vào sau điểm b khoản 2 Điều 16 như sau:
“c) Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng trong khi trực tiếp làm nhiệm vụ bị hy sinh, bị thương được hưởng chế độ, chính sách theo quy định Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.”.
11. Bổ sung khoản 4 Điều 19 như sau:
“4. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn tại Nghị định này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.”.
12. Sửa đổi điểm a khoản 2 mục VIII Phụ lục I như sau:
“a) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, thu hồi, tạm đình chỉ Giấy chứng nhận Kiểm lâm đối với chức danh Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm;”.
Điều 2. Điều khoản thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 02 tháng 02 năm 2025.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.