• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 05/06/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 31/12/2024
BỘ CÔNG THƯƠNG
Số: 16/2010/TT-BCT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 2010

THÔNG TƯ

Về việc cấp mã số nhà sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ

____________________________________

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài;   

Căn cứ Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 02 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về xuất xứ hàng hóa;

Bộ Công Thương quy định việc cấp Mã số nhà sản xuất hàng dệt may xuất khẩu (MID) sang Hoa Kỳ như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

Thông tư này quy định việc cấp mã số nhà sản xuất (MID lần đầu khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ cho các nhà nhà sản xuất hàng dệt may xuất khẩu.

Điều 2. Thẩm quyền cấp mã MID

Việc đăng ký và và làm thủ tục cấp mã MID được thực hiện tại các phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực trực thuộc Bộ Công Thương và do Bộ Công Thương uỷ quyền tại các Sở Công Thương địa phương (quy định tại Phụ lục 1).

Điều 3. Hồ sơ, thủ tục và thời gian cấp mã MID

1. Hồ sơ đề nghị cấp mã số MID

a.    Đơn đăng ký mã số nhà sản xuất (MID) hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ (quy định tại Phụ lục 2);

b.    Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư, hoặc giấy phép kinh doanh: 01 bản sao

c.    Đăng ký mã số thuế : 01 bản sao

d.    Biên bản kiểm tra năng lực sản xuất hàng dệt may (quy định tại Phụ lục 3) do Sở Công Thương địa phương  chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và đầu tư lập.

2.Hồ sơ thủ tục và thờ gian cấp mã MID

Việc cấp mã MID được thực hiện không quá 03 giờ làm việc kể từ khi Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực phải trả lại hồ sơ kèm theo thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 4. Kê khai mã số nhà sản xuất (MID):

Các nhà sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ phối hợp với nhà nhập khẩu hoặc môi giới hải quan xác định mã (MID) theo quy định.

1.Thương nhân khi làm thủ tục xuất khẩu kê khai mã MID vào ô số 1 trên tờ khai xuất khẩu của Hải quan (sau tên và địa chỉ người xuất khẩu) và ô số 23 trên Hoá đơn thương mại (sau tên và địa chỉ nhà sản xuất) theo đúng mã MID đã đăng ký tại Phòng Quản lý XNK khu vực và chịu trách nhiệm về việc kê khai này.

Thương nhân kinh doanh thương mại thuần tuý, không trực tiếp sản xuất hàng dệt may xuất khẩu khi xuất khẩu uỷ thác phải kê khai mã MID của thương nhân sản xuất lô hàng xuất khẩu.

2. Thương nhân lập tờ khai xuất khẩu của Hải quan riêng theo từng nhà sản xuất.

3. Mã MID điền sai mã số nước sản xuất và của các thương nhân kinh doanh thương mại thuần tuý sẽ được coi là không hợp lệ và Hải quan Hoa Kỳ sẽ từ chối nhập cảng.

4. Tra cứu thông tin: Thông tin hướng dẫn chi tiết tạo lập mã số của nhà sản xuất (MID) tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Kiểm tra năng lực sản xuất hàng dệt may

1. Nguyên tắc kiểm tra

Kiểm tra kịp thời, không báo trước (thương nhân chỉ được báo trước nhiều nhất 02 giờ đồng hồ trước khi Đoàn đến), trừ trường hợp thương nhân tự đề nghị kiểm tra.

2.  Tổ chức Đoàn kiểm tra

Sở Công Thương làm đầu mối, chủ trì phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư thành lập Ban kiểm tra liên ngành kiêm nhiệm, trong đó mỗi cơ quan trên sẽ có ít nhất 02 thành viên (có thể thay thế nhau) tham gia trong các Đoàn kiểm tra liên ngành;

Đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập trong số thành viên của Ban kiểm tra liên ngành kiêm nhiệm. Trưởng đoàn phải là lãnh đạo cấp phòng/ ban trở lên của Sở Công Thương. Sở Công Thương ra quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành cho từng thương nhân khi có văn bản đề nghị của Bộ Công Thương hoặc của thương nhân.

3. Thủ tục và nội dung kiểm tra:

Khi làm việc với thương nhân, Trưởng đoàn trao 01 bản chính Quyết định của Sở Công Thương về thành lập Đoàn kiểm tra thương nhân đó.

Đoàn xác định năng lực sản xuất hàng may mặc của thương nhân và cập nhật vào Biên bản kiểm tra theo mẫu số 2 kèm theo Thông tư này.

Công tác kiểm tra được tiến hành theo đúng quy định, không được sách nhiêu, gây trở ngại cho sản xuất của thương nhân.

Yêu cầu thương nhân nghiêm chỉnh chấp hành quy định kiểm tra, cử đại diện có thẩm quyền hợp tác với Đoàn ngay khi nhận được thông báo qua điện thoại hoặc khi Đoàn đến cơ sở. Thương nhân phải cung cấp toàn bộ hồ sơ về quản lý, máy móc, thiết bị, lao động và đưa Đoàn kiểm tra trực tiếp tại tất cả các kho, xưởng, ký xác nhận vào biên bản kiểm tra.

Biên bản kiểm tra được lập thành 05 bản: 01 bản bản do thương nhân lưu giữ, 01 bản do Sở Công Thương lưu giữ, 01 bản do Sở Kế hoạch và Đầu tư lưu giữ, 01 bản gửi về Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu và 01 bản gửi về Vụ Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương

Điều 6.  Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05 tháng 6 năm 2010.

2. Bãi bỏ các quy định trước đây trái với nội dung Thông tư này.

3. Trong qua trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, thương nhân và các bên liên quan phản ánh về Bộ Công Thương để kịp thời xử lý./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thành Biên

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.