• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 23/07/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 23/12/2012
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Số: 05/2007/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lào Cai, ngày 16 tháng 7 năm 2007

NGHỊ QUYẾT

Phê chuẩn Quy định về quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa các

công trình cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai

_______________

 

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

KHÓA XIII - KỲ HỌP THỨ 9

 

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;

Sau khi xem xét Tờ trình số 51/TTr-UBND ngày 29/6/2007 của UBND tỉnh về việc Quy định về quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Báo cáo thẩm tra số 13/BC-BKT ngày 03/7/2007 của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND dự kỳ họp;

HĐND tỉnh Lào Cai khóa XIII, Kỳ họp thứ 9,

 

QUYẾT NGHỊ:

 

Điều 1. Phê chuẩn Quy định về quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai:

1. Quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh do Nhà nước quản lý hoặc Nhà nước giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác, sử dụng; gồm: Công trình thủy lợi và công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn; Hệ thống đường giao thông liên thôn; Công trình cấp điện nông thôn do cấp xã quản lý; Trường học; Trạm y tế cấp xã; Trụ sở HĐND và UBND cấp xã; các công trình công cộng khác của xã hoặc thôn, bản.

2. Nguồn kinh phí cân đối cho công tác quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn, gồm:

- Huy động đóng góp tự nguyện của người hưởng lợi;

- Nguồn thu phí sử dụng theo quy định của pháp luật cho từng loại công trình;

- Nguồn hỗ trợ của Nhà nước và kinh phí chi hoạt động thường xuyên của cơ quan sử dụng công trình;

3. Quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn:

a. Kinh phí cân đối cho công tác quản lý khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn, gồm:

- Đối với công trình giao cho hộ, nhóm hộ tự quản thì do hộ, nhóm hộ tự huy động theo thỏa thuận;

- Đối với công trình giao cho tổ chức do UBND cấp xã thành lập để quản lý, thì tổ chức đó được thu thủy lợi phí, tiền nước theo mức quy định của UBND tỉnh. Kinh phí để quản lý công trình thủy lợi nội đồng chưa được tính trong mức thu thủy lợi phí thì tổ chức quản lý được huy động đóng góp thường xuyên theo thỏa thuận của cộng đồng; trường hợp thủy lợi phí tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, miễn giảm theo quy định của Nhà nước được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí quản lý duy tu sửa chữa công trình,

b. Các chính sách về quản lý công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn:

- Mỗi tổ chức quản lý công trình cấp nước do UBND cấp xã thành lập được trang bị 01 bộ dụng cụ sửa chữa đường ống. Kinh phí được lập trong dự toán xây dựng mới công trình; đối với công trình đã xây dựng, chưa được trang bị thì UBND xã huy động hoặc tiết kiệm chi ngân sách xã để trang bị.

- Các tổ chức quản lý Nhà nước và các tổ chức trực tiếp quản lý khai thác công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn được Nhà nước hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý.

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ hàng năm cho công tác quản lý công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn, thông qua ngân sách xã: Mức hỗ trợ từ ngân sách địa phương cho việc quản lý, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa các công trình thủy lợi và nước sinh hoạt nông thôn do UBND tỉnh quyết định dựa trên cơ sở nguồn thu thủy lợi phí, tiền nước; nguồn đóng góp của nhân dân; định mức duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng đối với từng loại công trình thủy lợi và nước sinh hoạt nông thôn.

4. Quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa đường giao thông liên thôn: Hệ thống đường giao thông liên thôn chủ yếu do UBND cấp xã huy động nhân dân địa phương tự đảm nhận duy tu, bảo dưỡng.

Ngân sách Nhà nước hỗ trợ thêm 300.000 đồng/km/năm cho các xã duy tu bảo dưỡng đường giao thông liên thôn từ loại B - GTNT (chiều rộng nền đường: 4 m, rãnh dọc rộng: 0,8 m) trở lên.

Khuyến khích các xã, phường, thị trấn chủ động đầu tư nâng cấp, kiên cố hóa đường giao thông nông thôn (gồm rãnh thoát nước dọc, cầu, cống, mặt đường...) theo nguyên tắc Nhà nước hỗ trợ xi măng, vật liệu nổ công nghiệp, ca máy lu lèn và hướng dẫn kỹ thuật. Phần khối lượng còn lại các xã, phường, thị trấn huy động nhân dân tự nguyện tham gia đóng góp.

5. Quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn khác (trường học, trạm y tế, trụ sở HĐND và UBND, cấp điện sinh hoạt do xã quản lý và các công trình công cộng khác của xã, thôn, bản). Nguồn kinh phí được cân đối từ nguồn chi thường xuyên hàng năm; huy động lao động xã hội; nguồn đóng góp của nhân dân và các nguồn vốn khác. Các tổ chức, cá nhân sau khi tiếp nhận các công trình có kế hoạch bảo quản, sử dụng và sửa chữa thường xuyên.

Điều 2. HĐND tỉnh giao cho:

UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này.

1. Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc tố chức thực hiện Nghị quyết.

2. Nghị quyết này được HĐND tỉnh Lào Cai khóa XIII, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 13 tháng 7 năm 2007.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Sùng Chúng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.