• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 24/03/2011
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 560/QĐ-BNN-CB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 24 tháng 3 năm 2011

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành quy định tạm thời về yêu cầu kỹ thuật kho chứa thóc chuyên dùng và cơ sở xay xát thóc gạo phục vụ xuất khẩu

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ về việc sửa đổi điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04/11/2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về yêu cầu kỹ thuật kho chứa thóc chuyên dùng và cơ sở xay xát thóc gạo phục vụ xuất khẩu.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
(Đã Ký)

Bùi Bá Bổng

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ YÊU CẦU KỸ THUẬT KHO CHỨA THÓC CHUYÊN DÙNG VÀ CƠ SỞ XAY, XÁT THÓC, GẠO PHỤC VỤ XUẤT KHẨU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 560/QĐ-BNN-CB ngày 24 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT)

Điều 1. Đối với kho chứa thóc chuyên dùng

1. Yêu cầu kỹ thuật chung:

a) Về kỹ thuật kết cấu kho: Kho phải có kết cấu phù hợp cho việc cơ giới hóa xuất, nhập thóc.

- Móng kho: bằng bê tông đảm bảo độ cứng vững, không bị lún, cao hơn mặt đất bên ngoài ít nhất 30 - 40cm, có gờ úp xuống tránh chuột.

- Sàn kho: bằng bê tông, chịu được áp lực cực đại của khối sản phẩm; cách ẩm tốt; ngăn được mạch nước ngầm; sàn kho kết cấu ở dạng phẳng khi bảo quản thóc trong bao bì, kết cấu ở dạng nghiêng khi bảo quản thóc rời.

- Tường kho: Vững chắc, không thấm nước, cách nhiệt tốt, đảm bảo kín tránh được sự xâm nhập của côn trùng.

- Mái kho: Mái nghiêng phẳng hoặc vòm cuốn, không thấm, dột, có lắp đặt các cửa thông gió và chiếu sáng tự nhiên.

- Cửa kho gồm: Cửa ra vào đặt ở nơi thuận tiện cho vận chuyển xuất, nhập kho, tiện cho đi lại kiểm tra xử lý sự cố cần thiết; Cửa sổ có mái chìa hoặc vỉa chớp tránh mưa hắt; Cửa thông gió tự nhiên gồm hai lớp, lớp phía trong bằng lưới mắt cáo chống chim, chuột, lớp phía ngoài bằng kính hoặc chớp, đóng mở dễ dàng.

b) Về trang thiết bị cho kho: Gồm có các thiết bị sau.

- Thiết bị sơ chế.

- Thiết bị vận chuyển phục vụ xuất nhập kho.

- Thiết bị thông gió cưỡng bức.

- Bục kê (palet) chống ẩm.

2. Yêu cầu kỹ thuật cho loại hình kho cơ giới và silo:

a) Loại kho cơ giới: phải đáp ứng được yêu cầu chung về kết cấu kho như điểm a, mục 1, Điều 1 tại Quy định này và trang bị các thiết bị sau:

- Thiết bị sơ chế (lò sấy, thiết bị làm sạch, phân loại và sàng tách tạp chất).

- Thiết bị bốc dỡ, vận chuyển, xuất nhập kho (băng chuyển, gầu chuyển, guồng chuyển…).

- Thiết bị xử lý những sự cố bất lợi trong quá trình bảo quản (thiết bị thông gió cưỡng bức, thiết bị xông hơi khử trùng, bục kê để chống ẩm).

b) Loại kho silo: thân kho hình trụ, đáy dạng hình chóp hoặc đáy phẳng với cơ cấu tháo liệu, đường kính từ 6 - 20m, chiều cao từ 10 - 30m, có nắp kín và các cửa thông hơi. Vật liệu làm silo là bê tông, kim loại, hoặc tôn tráng kẽm; kết cấu kho phải đáp ứng được yêu cầu chung như điểm a, mục 1, Điều 1 tại Quy định này. Số lượng silo tối thiểu là hai chiếc, đảm bảo trộn nguyên liệu trong quá trình bảo quản. Kho silo phải được trang bị các thiết bị sau:

- Thiết bị bốc dỡ vận chuyển.

- Thiết bị sơ chế (thiết bị làm sạch, phân loại và sàng tách tạp chất, máy sấy).

- Hệ thống thiết bị phục vụ xuất, nhập silo và phục vụ đảo trộn khi cần thiết.

- Hệ thống cân tự động, cân kiểm tra, cân đóng bao bì khi xuất kho.

- Thiết bị kiểm tra, giám sát và xử lý nguyên liệu: nhiệt kế, ẩm kế, hệ thống thông thoáng, xông hơi khối nguyên liệu trong silo.

3. Yêu cầu về hạ tầng cơ sở đối với kho:

- Địa điểm đặt kho phải thông thoáng, cao ráo, không bị úng ngập khi có lũ, bão.

- Nhà kho phải đặt ở địa điểm giao thông thuận tiện, có hệ thống đường vận chuyển tốt thuận lợi cho việc xuất, nhập thóc vào kho.

4. Yêu cầu về phòng chống cháy nổ và an toàn lao động đối với kho

- Có phương án phòng chống cháy nổ, phòng cháy chữa cháy và lực lượng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Trang bị, tổ chức công tác phòng chống cháy nổ theo Nghị đinh số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ và Thông tư 04/2004/TT-BCA ngày 31/3/2004 của Bộ Công an.

- Cán bộ, nhân viên kho bảo quản được trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động theo đúng quy định, được đào tạo về an toàn điện và vận hành máy móc, thiết bị.

Điều 2. Đối với cơ sở xay, xát thóc gạo phục vụ xuất khẩu

1. Yêu cầu về thiết bị: Các cơ sở xay xát thóc gạo phải có bộ phận phân tích, máy sấy công nghiệp, hệ thống máy xay xát, đánh bóng, phân loại, phối trộn và đóng gói.

a) Đối với bộ phận phân tích: phải có các thiết bị phân tích thử nghiệm chuyên dùng đối với các chỉ tiêu về độ ẩm, tạp chất, hạt trong nguyên, hạt bệnh, hạt xanh non, thiết bị xay, xát thí nghiệm… để phân loại lúa nhằm kiểm tra phân tích nguyên liệu đầu vào.

b) Đối với máy sấy công nghiệp: là loại máy sấy dạng tháp hoặc loại máy sấy vỉ ngang có khả năng xử lý độ ẩm của lúa đạt theo yêu cầu.

c) Đối với hệ thống máy xay xát: Phải có sàng để loại bỏ tạp chất, thiết bị tách vỏ trấu, máy tách vỏ trấu khỏi gạo lức, sàng phân loại thóc gạo, thiết bị xát bóc cám (xát trắng), máy tách sạn đá.

d) Đối với dây chuyền máy đánh bóng, phân loại và phối trộn: Phải đảm bảo làm sạch và đánh bóng được bề mặt gạo, đồng thời có thiết bị tách tấm, phân loại và phối trộn gạo theo yêu cầu.

e) Đối với dây chuyền đóng gói: phải có đầy đủ bồn chứa, cân, thiết bị đóng bao đảm bảo yêu cầu bảo quản sản phẩm hàng hóa.

2. Yêu cầu về cơ sở hạ tầng

- Mặt bằng của cơ sở chế biến phải đủ rộng để bố trí được dây chuyền xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ.

- Địa điểm cơ sở xay, xát thóc gạo phải thuận tiện giao thông, có hệ thống đường vận chuyển tốt, có đủ năng lực cho việc bốc xếp, xuất nhập thóc gạo.

3. Về Vệ sinh an toàn thực phẩm: phải đáp ứng được điều kiện về VSATTP trong quá trình xay, xát thóc gạo.

4. Yêu cầu về phòng chống cháy nổ và an toàn lao động.

- Có phương án phòng chống cháy nổ, phòng cháy chữa cháy và lực lượng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Trang bị, tổ chức công tác phòng chống cháy nổ theo Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ và Thông tư 04/2004/TT-BCA ngày 31/3/2004 của Bộ Công an.

- An toàn lao động: Người lao động phải được trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động theo đúng quy định./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thủ trưởng

(Đã ký)

 

Bùi Bá Bổng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.