THÔNG TƯ
Hướng dẫn ngành nội thương về quản lý và thanh toán nộp ngân sách nhà nước tiền hàng tiêu dùng nhập khẩu chính ngạch theo nghị định thư đối với các nước xã hội chủ nghĩa
_________________________________
Căn cứ quyết định số 288 CT ngày 16/10/1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về thanh toán và cho vay xuất nhập khẩu theo Nghị định thư đối với khu vực XHCN;
Căn cứ quyết định số 104 CT ngày 29/4/1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý nhập khẩu chính ngạch hàng tiêu dùng từ các Bộ khác sang Bộ Nội thương;
Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm cụ thể về quản lý và thanh toán, thu nộp Ngân sách Nhà nước tiền hàng tiêu dùng nhập khẩu chính ngạch của các Tổng Công ty trực thuộc Bộ Nội thương như sau:
I. NGUYÊN TẮC CHUNG:
Tổng số tiền hàng tiêu dùng nhập khẩu chính ngạch từ các nước XHCN theo Nghị định thư đều thuộc nguồn thu của Ngân sách Nhà nước (kể cả các khoản chênh lệch giữa giá bán thực tế trong nước với giá (hoặc tỷ giá) bán hàng nhập theo qui định).
Bộ Tài chính và Bộ Nội thương căn cứ vào chỉ tiêu hàng về để xác định nghĩa vụ nộp Ngân sách Nhà nước đối với các Tổng công ty được giao nhiệm vụ nhập khẩu hàng tiêu dùng trong năm kế hoạch.
II. NHỮNG QUI ĐỊNH CỤ THỂ
1. Toàn bộ tiền hàng nhập khẩu nộp vào tài khoản 640 “Thu Ngân sách Nhà nước”, chương 27, loại 7, khoản 3, mục 41 theo mục lục Ngân sách Nhà nước hiện hành.
2. Giá cả, phương thức thanh toán, cho vay và thủ tục nộp Ngân sách Nhà nước về tiền hàng nhập khẩu áp dụng như hướng dẫn tại thông tư số 53 TC/TCĐN ngày 11/1/1989 của Bộ Tài chính và thông tư số 150/NH-TT ngày 4/11/1989 của Ngân hàng Nhà nước Việt nam.
3. Khi tiêu thụ hàng tiêu dùng nhập khẩu trong nước, nếu giá bán theo thực tế trong nước chênh lệch so với giá (hoặc tỷ giá) bán hàng nhập khẩu theo qui định, do: Giá bán thực tế biến động so với thời điểm qui định giá (hoặc tỷ giá) cơ cấu, chủng loại, chất lượng, mặt hàng thay đổi; không phù hợp thị hiếu tiêu dùng... thì:
a. Đối với những mặt hàng, nhóm hàng qui định giá (hoặc tỷ giá) cao hơn so với giá bán thực tế, các Tổng Công ty kinh doanh hàng nhập khẩu phải lập báo cáo chi tiết gửi cơ quan qui định giá (hoặc tỷ giá) để điều chỉnh lại và gửi Bộ Tài chính để có căn cứ tính lại số thu Ngân sách Nhà nước.
b. Đối với những mặt hàng, nhóm hàng qui định giá (hoặc tỷ giá) thấp hơn giá bán thực tế, các Tổng Công ty kinh doanh hàng nhập khẩu phải lập bảng kê chi tiết hàng tháng nộp số chênh lệch giá này vào Ngân sách Nhà nước.
Số chênh lệch giá này được xác định như sau:
Chênh lệch giá = Giá bán - CKTN - Giá (hoặc tỷ giá) bán hàng
khâu bán thực tế (nhóm, mặt hàng) nhập khẩu theo qui định
Trong trường hợp này, việc xác định giá bán, giá giao hàng nhập khẩu giữa các đơn vị nhập hàng và cung ứng trong nước phải căn cứ vào giá cả thực tế hình thành trên thị trường không được thỏa thuận giá bán, giá giao thấp hơn để sử dụng chênh lệch giá sai mục đích.
Những trường hợp cơ quan tài chính kiểm tra phát hiện thấy thất thu hàng nhập là do trách nhiệm của đơn vị kinh doanh nhập khẩu thì Nhà nước sẽ thực hiện truy thu và xử phạt 5% tính trên số tiền hàng nhập khẩu bị thất thu này.
c. Trường hợp giá bán thực tế trong một nhóm hàng vừa có mặt hàng bán cao, vừa có mặt hàng bán thấp hơn giá (hoặc tỷ giá) qui định thì đơn vị phải lập bảng kê chi tiết giá bán thực tế từng mặt hàng gửi cơ quan qui định giá (hoặc tỷ giá) và Bộ Tài chính để xem xét, quản lý và điều chỉnh kịp thời; đồng thời đơn vị được phép bù trừ chênh lệch mặt hàng có giá bán cao mặt hàng có giá bán thấp hơn giá (hoặc tỷ giá) qui định. Sau khi bù trừ, nếu còn chênh lệch giá, đơn vị phải nộp ngay vào Ngân sách Nhà nước theo qui định và thể hiện đầy đủ, chính xác trên quyết toán định kỳ của đơn vị.
III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:
Thông tư này áp dụng cho các Tổng công ty thuộc Bộ Nội thương làm nhiệm vụ nhập khẩu hàng tiêu dùng trực tiếp và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/1990.