• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 29/05/2012
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Số: 915/QĐ-BTTTT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 29 tháng 5 năm 2012

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Chương trình Hành động của ngành Thông tin và Truyền thông thực hiện Nghị quyết 06/NQ-CP

ngày 07/3/2012 ban hành Chương trình Hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016

______________________________________

 BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Căn cứ Nghị định 187/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông; Nghị định 50/2011/NĐ-CP ngày 24/6/2011 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 187/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Căn cứ Nghị quyết 06/NQ-CP ngày 07/03/2012 Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016;

Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của ngành Thông tin và Truyền thông thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 07/3/2012 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

BỘ TRƯỞNG

(Đã ký)


Nguyễn Bắc Son


CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

Của ngành Thông tin và Truyền thông thực hiện Nghị quyết 06/NQ-CP ngày 07/3/2012 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016
(Ban hành kèm theo Quyết định số 915/QĐ-BTTTT ngày 29 tháng 5 năm 2012

của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông)

_____________________

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

- Cụ thể hóa các nội dung trong Chương trình hành động của Chính phủ nhằm triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết 06/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2012 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016.

- Các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp thuộc ngành Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, bám sát đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, tập trung triển khai và hoàn thành tốt nhiệm vụ chung của toàn Ngành nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016.

- Tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm mà Chương trình đề ra như: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững; tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; phát triển ngành, lĩnh vực; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khoa học - công nghệ và kinh tế tri thức; thực hiện tốt công tác thông tin - tuyên truyền mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống nhân dân; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ CẦN TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH:

1. Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững

Sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính công. Thực hiện đổi mới các chính sách chi tiêu công, gắn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước hàng năm với việc xây dựng kế hoạch tài chính và chi tiêu trung hạn. Quản lý, phân phối và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính. Kiểm tra, giám sát và kiểm toán chặt chẽ việc sử dụng ngân sách, tài sản của nhà nước ở các đơn vị sử dụng ngân sách. Công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và kết quả xử lý của từng cấp, từng đơn vị; công khai tài chính doanh nghiệp nhà nước.

Tăng cường quản lý giá cả, thị trường dịch vụ trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, công bằng, cạnh tranh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân, bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước.

Tăng cường công tác phân tích và dự báo vĩ mô. Hoàn thiện hệ thống thông tin, thống kê số liệu phục vụ công tác đánh giá tình hình và xây dựng chính sách phát triển ngành Thông tin và Truyền thông; tăng cường năng lực theo dõi, đánh giá và dự báo để phục vụ công tác xây dựng và điều hành kế hoạch phát triển Ngành, cũng như cảnh báo kịp thời các tác động với nền kinh tế.

2. Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh:

Cùng với việc tiếp tục chuyển đổi cơ cấu, mô hình quản lý và sản xuất kinh doanh trong từng lĩnh vực thuộc ngành Thông tin và Truyền thông, trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, cần tập trung đổi mới công tác đầu tư và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong Ngành.

Tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công theo hướng giảm dần tỷ trọng và nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Ban hành cơ chế, chính sách để huy động mạnh các nguồn vốn thuộc mọi thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tái cơ cấu các lĩnh vực trong Ngành và phân bố lực lượng sản xuất trên từng vùng lãnh thổ. Tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, tập trung vốn cho các dự án cấp thiết, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả; ưu tiên bố trí vốn cho các công trình cần thiết, cấp bách phải hoàn thành và vốn đối ứng cho các dự án ODA; kiểm soát chặt chẽ, xác định rõ nguồn vốn đối với các dự án, công trình khởi công mới.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và thực hiện tốt hơn vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Tiến hành phân loại các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trên cơ sở xác định rõ vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước để thực hiện phương án sắp xếp, tổ chức lại theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, không phân biệt cấp quản lý. Cơ cấu lại từng doanh nghiệp nhà nước một cách toàn diện về mô hình tổ chức, quản lý, tài chính, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển, cơ cấu sản phẩm, nguồn nhân lực; hoàn thiện các quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu và người quản lý trong doanh nghiệp có vốn nhà nước theo các quy định mới của Chính phủ, về cơ chế quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, cơ chế giám sát, kiểm tra và chế tài xử lý. Phân định rõ hoạt động kinh doanh với nhiệm vụ công ích của doanh nghiệp.

Thực hiện công khai, minh bạch hóa kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, tiếp tục xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, đồng thời có cơ chế, chính sách thúc đẩy tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp dân doanh. Xây dựng các doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin mạnh, làm chủ thị trường trong nước và từng bước vươn ra quốc tế.

3. Phát triển các lĩnh vực:

Xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển trong các lĩnh vực thuộc ngành Thông tin và Truyền thông thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy lợi thế so sánh; phát huy tối đa tiềm năng, hiệu quả; tăng cường liên kết, khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng kinh tế trọng điểm; tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động. Cụ thể cho từng lĩnh vực như sau:

3.1. Lĩnh vực báo chí:

Xây dựng Luật Báo chí sửa đổi; Chiến lược thông tin đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Hoàn thiện hệ thống thiết chế thông tin cơ sở giai đoạn 2011 - 2016. Triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống báo chí (bao gồm cả báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình) theo nguyên tắc: Phát triển đi đôi với quản lý tốt hệ thống báo chí. Tăng cường thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tạo đồng thuận xã hội. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông ở cơ sở giai đoạn 2011 - 2016. Rà soát các giấy phép hoạt động báo chí đã cấp, xác định rõ tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan báo chí nhằm khắc phục sự chồng chéo, gây lãng phí.

Phát triển, mở rộng mạng lưới phát thanh, truyền hình đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trên toàn quốc và ra quốc tế để phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại; phủ sóng phát thanh truyền hình mặt đất trên toàn bộ lãnh thổ; đẩy mạnh việc phổ cập thiết bị nghe, nhìn đến hộ gia đình. Đa dạng hóa, phát triển các loại hình dịch vụ phát thanh, truyền hình, tiến tới hình thành thị trường dịch vụ có cạnh tranh lành mạnh.

Đầu tư phát triển công nghệ phát thanh số, truyền hình số, thực hiện thành công đề án Số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất tại các thành phố lớn. Quy hoạch lại hệ thống các đài phát thanh, truyền hình theo hướng tinh, gọn về số lượng, phong phú về nội dung, nâng cao chất lượng sản xuất chương trình đáp ứng nhu cầu của người dân và đạt trình độ nhất định trong khu vực. Điều chỉnh hệ thống truyền hình trả tiền bảo đảm vừa phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị thông tin tuyên truyền, vừa đáp ứng nhu cầu thông tin giải trí của người dân. Tăng cường việc đưa các chương trình phát thanh, truyền hình ra nước ngoài bằng tiếng Việt và nhiều thứ tiếng để phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài quan tâm đến Việt Nam. Triển khai thực hiện chiến lược thông tin đối ngoại quốc gia giai đoạn 2010-2020.

Phát triển mạnh mẽ, toàn diện thông tin điện tử đi đôi với việc quản lý nội dung, gắn kết việc phát triển thông tin điện tử với các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội. Xây dựng chính sách quản lý thông tin trên mạng internet, viễn thông di động phù hợp với xu thế hội tụ công nghệ, dịch vụ trên mạng viễn thông di động băng rộng; khuyến khích phát triển các dịch vụ nội dung thông tin lành mạnh do các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam cung cấp để giảm thiểu tác động tiêu cực của các thông tin độc hại.

3.2. Lĩnh vực xuất bản, in và phát hành:

Triển khai việc sửa đổi Luật Xuất bản. Xây dựng, triển khai thực hiện tốt Quy hoạch phát triển ngành xuất bản, in, phát hành đến năm 2020. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm, trong đó tăng cường công tác quản lý hoạt động in, phòng chống in lậu, in trái phép xuất bản phẩm và các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm.

Hoàn thành việc chuyển đổi về mô hình tổ chức nhà xuất bản theo quy định của pháp luật giai đoạn 2011 - 2016 và cổ phần hóa các cơ sở in nhà nước; hoàn thành công tác xây dựng mô hình đơn vị sự nghiệp để phát triển hệ thống phát hành sách từ trung tâm các tỉnh, thành phố đến các huyện và việc xây dựng cơ chế chính sách để đưa sách về các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn.

Nâng cao công nghệ xuất bản và công nghệ in. Đa dạng hóa các loại hình xuất bản phẩm. Xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật để quản lý hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử, nhà xuất bản điện tử. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực để phát triển sự nghiệp của ngành xuất bản. Mở rộng thị trường xuất bản phẩm và tăng cường quảng bá, phổ biến xuất bản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài.

3.3. Lĩnh vực bưu chính:

Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về bưu chính để phát triển mạng lưới bưu chính công cộng hiện đại, rộng khắp, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Phát triển bưu chính theo hướng tự động hóa, tin học, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ với chất lượng phục vụ tốt, mọi lúc, mọi nơi.

Phát triển thị trường bưu chính theo hướng đa dạng hóa thị trường và cạnh tranh lành mạnh; phấn đấu để hoạt động kinh doanh của Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam dần đảm bảo cân đối thu chi, tiến tới có lãi.

Hoàn chỉnh cơ chế quản lý dịch vụ bưu chính công ích; triển khai thành công Đề án cung cấp dịch vụ bưu chính công ích đến năm 2013.

Chỉ đạo đổi mới tổ chức và hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam theo hướng độc lập, tách khỏi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

3.4. Lĩnh vực viễn thông và Internet:

Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; thực thi chính sách pháp luật nhằm tăng cường quản lý thị trường viễn thông; thiết lập môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp nhằm phát triển bền vững thị trường viễn thông theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tăng cường hiệu quả sử dụng kho số viễn thông, tần số vô tuyến điện, phát triển và đảm bảo hoạt động ổn định của hệ thống quản lý tài nguyên Internet quốc gia; phát triển tài nguyên Internet mới góp phần thúc đẩy phát triển và đảm bảo hoạt động Internet tại Việt Nam. Triển khai thi tuyển, đấu giá quyền sử dụng tài nguyên viễn thông để phát triển các dịch vụ truy cập băng rộng, truyền dẫn phát sóng truyền hình số. Thực hiện quy hoạch hệ thống kỹ thuật kiểm soát tần số vô tuyến điện, nâng cao năng lực kiểm soát tần số, xử lý can nhiễu, kiểm tra, thanh tra tần số vô tuyến điện. Triển khai kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật trung tâm Internet Việt Nam.

Phát triển hạ tầng viễn thông và Internet có công nghệ hiện đại, phù hợp với xu thế hội tụ giữa công nghệ thông tin và truyền thông; mạng lưới thông tin có độ bao phủ rộng khắp trên cả nước, với tốc độ và chất lượng cao. Tiếp tục mở rộng băng thông Internet trong nước và quốc tế thỏa mãn nhu cầu của xã hội. Triển khai thành công mạng thông tin di động 3G và các thế hệ tiếp theo, phóng thêm các vệ tinh viễn thông, đầu tư nâng cấp và xây dựng các tuyến cáp quang mặt đất và cáp quang biển mới.

Xã hội hóa việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng cùng đầu tư, chia sẻ và dùng chung hạ tầng. Khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động. Phát triển dịch vụ viễn thông có hiệu quả tốt, chất lượng cao, giá cước hợp lý. Đẩy mạnh cáp quang hóa đến hộ gia đình, trước mắt tại các đô thị và thành phố lớn. Phổ cập điện thoại di động cho cá nhân. Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động viễn thông.

Xây dựng và triển khai có hiệu quả Chương trình cung ứng dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2015. Đẩy nhanh tốc độ và mức độ phổ cập dịch vụ viễn thông công ích để rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền. Giai đoạn 2011 - 2016 tập trung hỗ trợ và nâng mật độ điện thoại, internet tại 69 huyện nghèo nhất trên toàn quốc và các xã đảo xa bờ, các đồn biên phòng. Bảo đảm thông tin chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước; thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn.

3.5. Lĩnh vực công nghệ thông tin:

Xây dựng Luật An toàn thông tin số. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và nâng cao vai trò của Ban chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin trong việc đôn đốc và chỉ đạo công tác ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; tập trung đôn đốc các cơ quan liên quan triển khai các chương trình, dự án về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong giai đoạn 2011 - 2015; tham mưu cho Chính phủ về các chủ trương, chính sách về phát triển công nghệ thông tin trong giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng 2020.

Đẩy mạnh tốc độ phát triển, tạo bước đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước để xây dựng Chính phủ điện tử, công dân điện tử và doanh nghiệp điện tử. Xây dựng hệ thống các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ phát triển Chính phủ điện tử và cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo an toàn thông tin số quốc gia. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin tới cấp xã, phường; cung cấp hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 3 (cho phép quá trình thụ lý hồ sơ được thực hiện qua mạng) tới người dân, doanh nghiệp.

Coi thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong từng ngành, từng lĩnh vực. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng hiện đại, sử dụng một cách có hiệu quả. Đôn đốc các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân, đất đai, nhà ở, doanh nghiệp, làm cơ sở cho việc ứng dụng công nghệ thông tin quản lý các nguồn lực phát triển đất nước. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015.

Nâng cao năng lực làm chủ công nghệ và hiệu lực, hiệu quả quản lý hệ thống hạ tầng thông tin, nội dung thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước; đáp ứng yêu cầu cung cấp, trao đổi thông tin của xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, chủ quyền quốc gia về không gian mạng.

Triển khai đúng định hướng các chính sách của Nhà nước hỗ trợ và phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, thực hiện tốt vai trò điều tiết của Nhà nước. Ưu tiên nguồn lực để triển khai các chương trình phát triển công nghiệp phần mềm, nội dung số và phần cứng, điện tử, đồng thời chú trọng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ công nghệ thông tin. Đẩy mạnh đầu tư phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung, các vườn ươm doanh nghiệp và các trung tâm cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường trong nước và thế giới.

Tăng cường năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, làm chủ và từng bước sáng tạo ra công nghệ cho chế tạo sản phẩm mới. Nâng cao năng lực nghiên cứu sáng tạo, đào tạo nhân lực bậc cao có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong các ngành công nghiệp. Xây dựng một số phòng thí nghiệm trọng điểm dùng chung trên cả nước về công nghệ chip, công nghệ cảm biến, phần mềm lõi, phần mềm nguồn mở, phần mềm nhúng, nội dung số, xử lý tiếng Việt, an toàn thông tin.

Phấn đấu đến hết năm 2015, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu của khu vực; Việt Nam là một trong nhưng nước đứng đầu khu vực về cung cấp dịch vụ và xuất khẩu nhân lực công nghệ thông tin.

4. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa:

Tập trung xây dựng các dự án luật, pháp lệnh theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII và hàng năm, đảm bảo chất lượng và tiến độ. Ưu tiên đưa vào chương trình các dự án luật liên quan đến ba khâu đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, bao gồm: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Thường xuyên rà soát nhằm phát hiện kịp thời và chủ động sửa đổi, bổ sung những bất cập, hạn chế của các đạo luật và văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền quyết định sửa đổi, bổ sung nhằm tiến tới một hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, dễ tiếp cận và áp dụng, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế. Tập trung vào một số trọng tâm sau:

- Bảo đảm quyền tự do kinh doanh và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

- Tiếp tục đổi mới việc xây dựng và thực thi luật pháp bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

5. Nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học - công nghệ và kinh tế tri thức:

Nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển Ngành, góp phần tích cực thực hiện tăng trưởng kinh tế theo mô hình mới, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững. Tạo sự đột phá về chất lượng dạy nghề, đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao (bao gồm cả cao đẳng nghề và trung cấp nghề). Đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích để huy động tối đa sự tham gia của doanh nghiệp trong việc phát triển dạy nghề.

Tập trung đầu tư có trọng điểm cho khoa học kỹ thuật và công nghệ để phục vụ trực tiếp cho mục tiêu đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của Ngành; tạo ra các sản phẩm quốc gia có năng suất và giá trị gia tăng cao, ứng dụng công nghệ cao, hình thành hệ thống doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học, năng lực sáng tạo và đổi mới công nghệ, tăng tỷ trọng đóng góp của khoa học và công nghệ để thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Đổi mới căn bản cơ chế tài chính phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ.

6. Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế - xã hội theo đúng chỉ đạo, định hướng của Đảng và Nhà nước:

Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ tốt sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tích cực đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu sai trái của các phần tử cơ hội chính trị và các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; định hướng dư luận xã hội trước những vấn đề bức xúc, nhạy cảm, tạo được sự đồng thuận xã hội.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền đưa chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; đẩy mạnh tuyên truyền việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao hơn.

7. Tích cực và chủ động hội nhập quốc tế:

Triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm trọng điểm các hoạt động đối ngoại, đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả, góp phần phát triển nhanh, bền vững và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế. Phát huy vai trò và huy động nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào phát triển ngành Thông tin và Truyền thông.

Tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia để thu hút và chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn lực chiến lược cho Ngành. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đổi mới công nghệ, tổ chức sản xuất, phát triển nguồn nhân lực và chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế để nâng cao năng lực cạnh tranh của Ngành. Thực hiện tốt, kiểm tra, chủ động trong việc thực hiện lộ trình mở cửa đối với các cam kết trong Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA); Tổ chức thương mại thế giới WTO; Đàm phán tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với các lĩnh vực dịch vụ thông tin và truyền thông.

8. Chú trọng cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng:

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020, trong đó chú trọng công tác rà soát, kiểm soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và người dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp của các cơ quan hành chính nhà nước thuộc Bộ và các Sở Thông tin và Truyền thông. Tiến hành rà soát bộ máy, điều chuyển, bố trí lại cán bộ phù hợp với nhu cầu thực tiễn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới tại Nghị định sửa đổi Nghị định 187/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007 của Chính phủ quy định cơ cấu chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tổ chức xây dựng, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức (kể cả các chức danh lãnh đạo, quản lý). Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp; nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ công chức, nhất là đội ngũ công chức trực tiếp tham gia xây dựng, hoạch định chính sách, công chức lãnh đạo; xây dựng cơ cấu công chức gắn với vị trí việc làm; thực hiện mạnh mẽ chế độ chức nghiệp việc làm. Tiếp tục đổi mới chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức.

Thực hiện kiên quyết và đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng; tăng cường biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi hành vi tham nhũng. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các thiếu sót, vi phạm trong hoạt động quản lý nhà nước và việc chấp hành chính sách, pháp luật của các tổ chức, cá nhân; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo và những bức xúc của nhân dân.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Trên cơ sở các nhiệm vụ và nội dung chủ yếu trong Chương trình hành động này, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân công, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các doanh nghiệp nhà nước thuộc Ngành, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động của đơn vị trong cả nhiệm kỳ và cụ thể hóa thành các nhiệm vụ của kế hoạch hàng năm; tiếp tục xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong suốt nhiệm kỳ của Chính phủ. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện những nhiệm vụ và nội dung công tác thuộc lĩnh vực được giao, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng.

2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động này; định kỳ hàng năm (trước ngày 30 tháng 11) các cơ quan, đơn vị, các Sở Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp tổ chức kiểm điểm đánh giá kết quả thực hiện Chương trình và báo cáo về Bộ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

3. Giao Văn phòng Bộ chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính, các đơn vị thuộc Bộ theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động, định kỳ báo cáo và kiến nghị Bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cần thiết bảo đảm thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình hành động này.

4. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể trong Chương trình hành động này, các đơn vị chủ động báo cáo Bộ xem xét, quyết định.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Bắc Son

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.