• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 02/08/1979
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 263-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 2 tháng 8 năm 1979

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

_____________________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14-7-1960;
Căn cứ vào điều lệ và chế độ hợp đồng kinh tế ban hành kèm theo nghị định số  54-CP ngày 10-03-1975 của Hội đồng Chính phủ, Điều lệ vế tổ chức và hoạt động của Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước ban hành kèm theo nghị định số 75-CP ngày 14-4-1975 của Hội đồng Chính phủ;
Theo đề nghị của đồng chí chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: - Nay ban hành kèm theo quyết định này bản Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 2: - Các văn bản đã ban hành trước đây về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố trái với bản quy định này đều bãi bỏ.

Điều 3: - Đồng chí chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước, các đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

BẢN QUY ĐỊNH

VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI KINH TẾ TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
(Ban hành kèm theo quyết định số 263-TTg ngày 02-8-1979 của Thủ tướng Chính phủ)

_____________________________

CHƯƠNG 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: - Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố là cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, thành phố chuyên trách công tác trọng tài kinh tế, đặt dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, đồng thời chịu sự chỉ đạo của Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước về nghiệp vụ và đường lối xét xử.

Điều 2: - Nhiệm vụ của Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố là giám sát và thúc đẩy việc chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật hợp đồng kinh tế và pháp luật quản lý kinh tế của Nhà nước có liên quan tới hợp đồng kinh tế ở các xí nghiệp và công ty quốc doanh, công tư hợp doanh, các cơ quan Nhà nước, các đơn vị bộ đội, các tổ chức xã hội, các hợp tác xã và các hoạt động kinh tế khác của nhân dân trong hệ thống quản lý của tỉnh, thành phố.

Điều 3: - Mọi hoạt động của Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố phải căn cứ vào pháp luật hiện hành của Nhà nước về chế độ hợp đồng kinh tế và quản lý kinh tế; phải theo đúng các quyết định, chỉ thị, thông tư của Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước, đồng thời theo đúng các quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, nếu các quyết định, chỉ thị ấy không trái với các điều quy định hiện hành của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 4: - Tổ chức Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố là cơ quan tương đương với cấp Sở, Ty; có một chủ tịch, hai phó chủ tịch chuyên trách và một số ủy viên kiêm chức. Chủ tịch và các phó chủ tịch chuyên trách của Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố do chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đề nghị, chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước ký quyết định bổ nhiệm theo quy định hiện hành. Các ủy viên kiêm chức là thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng các cơ quan kế hoạch, tài chính, ngân hàng, vật giá do chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ký quyết định giao nhiệm vụ.

Điều 5: - Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố làm việc theo chế độ tập thể lãnh đạo, phân công phụ trách. Chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố về mọi mặt công tác trọng tài kinh tế trong địa phương và chịu trách nhiệm trước Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước về mặt nghiệp vụ và đường lối xét xử. Chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố phân công các phó chủ tịch phụ trách từng phần công tác. Các ủy viên kiêm chức cùng với chủ tịch, các phó chủ tịch lãnh đạo công tác trọng tài kinh tế của tỉnh, thành phố, đề xuất những ý kiến có liên quan đến nghiệp vụ của mình, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị trong ngành thực hiện nghiêm chỉnh các yêu cầu của Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố và thi hành các quyết định xét xử của Hội đồng trọng tài kinh tế các cấp có thẩm quyền.

CHƯƠNG 2:

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI KINH TẾ TỈNH, THÀNH PHỐ

Điều 6: - Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố có những nhiệm vụ cụ thể dưới đây:

1. Xét xử kịp thời, đúng đắn các vụ tranh chấp, vi phạm chế độ hợp đồng kinh tế giữa các tổ chức kinh tế dưới đây:

- Giữa các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh, các đơn vị bộ đội, các cơ quan Nhà nước nằm trong hệ thống quản lý của tỉnh, thành phố;

- Giữa các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước với các hợp tác xã và các hình thức hoạt động kinh tế khác của nhân dân trong hệ thống quản lý của tỉnh, thành phố;

- Giữa các hợp tác xã và các hình thức hoạt động kinh tế khác của nhân dân nằm trong hệ thống quản lý của tỉnh, thành phố với nhau;

- Giữa các tổ chức kinh tế không thuộc quyền xét xử của Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố được Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước ủy quyền xét xử.

2. Thanh tra việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế, phát hiện các hoạt động sai trái, thiếu sót có ảnh hưởng đến việc ký kết, thực hiện và thanh lý hợp đồng kinh tế ở các đơn vị kinh tế hoạt động trên địa bàn tỉnh, thành phố, kể cả các tổ chức kinh tế của các ngành trung ương hoạt động trên lãnh thổ tỉnh, thành phố.

3. Qua công tác thanh tra và xét xử mà giúp đỡ các đơn vị kinh tế cơ sở khắc phục những thiếu sót, lệch lạc trong việc chấp hành kỷ luật hợp đồng kinh tế, đưa công tác ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế vào nề nếp, góp phần thiết thực vào việc xây dựng và thực hiện kế hoạch Nhà nước, kiến nghị với các cơ quan quản lý cấp trên của các đơn vị kinh tế cơ sở và ngành có liên quan các biện pháp khắc phục những sai trái, thiếu sót trong hoạt kinh tế làm trở ngại đến việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế.

4. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chế độ hợp đồng kinh tế.

5. Tổ chức học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hợp đồng kinh tế ở các đơn vị cơ sở, các hợp đồng xã, các ngành, các cấp thuộc hệ thống quản lý của tỉnh, thành phố.

6. Tổ chức thông tin về hợp đồng kinh tế và trọng tài kinh tế, làm báo cáo gửi đến Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước theo định kỳ hoặc theo yêu cầu đột xuất.

Điều 7: - Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố có những quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Kết luận là không có giá trị đối với những điều khoản trong các hợp đồng hoặc những hợp đồng kinh tế ký kết không đúng với chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, trái với thể lệ, chế độ hiện hành về quản lý kinh tế của Nhà nước; yêu cầu các bên sửa lại hợp đồng và ấn định thời gian cho các bên sửa lại hợp đồng.

2. Quyết định mức tiền phạt đối với bên vi phạm chế độ hợp đồng kinh tế theo quy định của Nhà nước.

3. Quyết định mức bồi thường thiệt hại thực tế mà bên vi phạm gánh chịu theo quy định của Nhà nước; quyết định tăng hoặc giảm mức bồi thường thiệt hại trong trường hợp các bên tự thỏa thuận mà mức bồi thường đã thỏa thuận trái với quy định của Nhà nước.

4. Ngoài việc xét xử các vụ vi phạm kỷ luật hợp đồng kinh tế có quyền căn cứ vào pháp luật Nhà nước mà yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền thi hành kỷ luật hành chính đối với đơn vị vi phạm chế độ hợp đồng kinh tế, thi hành kỷ luật hành chính hoặc phạt tiền, trừ vào tiền lương, tiền thưởng hoặc truy tố hình sự đối với cá nhân có những sai phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của tập thể, của nhân dân.

5. Triệu tập thủ trưởng đơn vị ký hợp đồng kinh tế hoặc cá nhân có tên trong hợp đồng kinh tế và đại diện các cơ quan quản lý có liên quan đến dự các phiên họp của hội đồng để xử lý các vụ vi phạm.

6. Yêu cầu thủ trưởng các cơ quan có liên quan cung cấp các văn bản, các hồ sơ, các mẫu hàng, các bản giám định; cử giám định viên, tổ chức việc giám định để làm căn cứ kết luận các vụ vi phạm được chính xác.

7. Đôn đốc, kiểm tra việc thi hành các quyết định xét xử của hội đồng.

8. Yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện và các cơ quan quản lý kinh tế thuộc tỉnh, thành phố cung cấp kịp thời và đầy đủ số liệu về công tác hợp đồng kinh tế để báo cáo lên Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước.

9. Báo cáo kịp thời, chính xác, đầy đủ với chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước những vấn đề thuộc trách nhiệm các cơ quan quản lý ngành ở trung ương phải góp phần khắc phục hoặc xử lý các vụ vi phạm hợp đồng kinh tế ở địa phương.

10. Được tham dự các hội nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và các ngành, các cấp thuộc hệ thống quản lý của tỉnh, thành phố bàn các vấn đề có liên quan đế hợp đồng kinh tế.

Điều 8: - Tổ chức bộ máy làm việc của Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố phải gọn nhẹ, theo đúng điều lệ quản lý bộ máy Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành và theo sự hướng dẫn của chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế Nhà nước. Biên chế của Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố nằm trong biên chế chung của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Hội đồng trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố có con dấu riêng.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Lê Thanh Nghị

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.