Sign In

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Đê điều

____________________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;

Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 24 tháng 8 năm 2000;

Căn cứ Pháp lệnh Đê điều ngày 24 tháng 8 năm 2000;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

1. Nghị định này quy định các hoạt động quản lý, xây dựng, tu bổ, bảo vệ, sử dụng, hộ đê và cứu hộ đê thuộc các tuyến đê đã được phân cấp.

2. Nghị định này áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có các hoạt động liên quan đến đê điều tại Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ.

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. "Đê sông" là tuyến đê dọc theo bờ sông, ngăn không cho nước lũ, nước triều gây ngập lụt vùng được tuyến đê bảo vệ.

2. "Đê biển" là tuyến đê dọc theo bờ biển, đầm phá ngăn không cho nước biển gây ngập lụt vùng được đê bảo vệ.

3. "Đê tuyến trong" là tuyến đê nằm trong vùng đã được tuyến đê sông, đê biển bảo vệ, đầu và cuối tuyến này nối với đê chính tuyến ngoài, có tác dụng dự phòng, ngăn không cho nước sông, nước biển gây ngập lụt khu vực cần bảo vệ khi đê tuyến ngoài bị tràn, vỡ.

4. "Đê bối" là đê nằm ở phía ngoài của tuyến đê sông có quy mô thấp, nhỏ hơn đê sông, có tác dụng bảo vệ những vùng dân sinh - kinh tế ở bãi ven sông hoặc bãi nổi ở lòng sông.

5. "Chân đê hiện tại" của loại đê đắp bằng đất là vị trí giao nhau giữa mái đê hoặc mái cơ đê với mặt đất tự nhiên trung bình tại thời điểm xác định mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê. Đối với đê có kết cấu bằng bê tông hoặc vật liệu khác thì chân đê hiện tại là vị trí xây đúc ngoài cùng của móng công trình ở thượng và hạ lưu đê.

6. "Kè bảo vệ đê" là các loại kè được xây dựng nhằm mục đích trực tiếp bảo vệ các đoạn đê xung yếu hoặc lái dòng chảy ra xa bờ, có tác dụng gián tiếp bảo vệ đê.

7. "Cống qua đê" là cống xây dựng tại đê dùng để phục vụ việc cấp, thoát nước qua đê.

8. "Cửa khẩu qua đê" là đoạn đê được hạ thấp, cắt ngang đê để làm đường giao thông.

9. "Công trình phụ trợ khác" là những công trình phục vụ việc quản lý, bảo vệ đê điều như: tràn sự cố, các loại cột mốc trên đê; cột chỉ giới phạm vi bảo vệ đê, kè, cống; các loại biển báo đê, kè, cống; cột thủy chí; giếng giảm áp; đường dây thông tin chuyên dùng chống lụt, bão; các trạm và thiết bị chuyên dùng đặt ở trong hoặc ngoài phạm vi bảo vệ đê để quan trắc các thông số kỹ thuật của đê; điếm canh đê; trụ sở Đội quản lý đê; trụ sở Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và kho vật tư dự trữ chống lụt, bão.

10. "Phân lũ" là việc chủ động chuyển một phần nước lũ của một con sông sang hướng dòng chảy khác.

11. "Chậm lũ" là việc tạm chứa một phần nước lũ của một con sông vào khu vực đã định.

12. "Hộ đê" là các hoạt động nhằm bảo đảm an toàn cho đê trong mùa lũ, bão.

13. "Cứu hộ đê" là các hoạt động ứng cứu, sửa chữa khẩn cấp khi đê, kè, cống bị hư hỏng hoặc bị uy hiếp nghiêm trọng.

Điều 3. Phân cấp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm lập, phê duyệt tiêu chuẩn và quy định cấp của từng tuyến đê theo quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh Đê điều.

Chương 2:

XÂY DỰNG VÀ TU BỔ ĐÊ ĐIỀU

Điều 4. Việc xây dựng mới hoặc tu bổ đê điều phải thực hiện theo quy hoạch đê điều được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm lập, phê duyệt và hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng và bảo vệ đê điều.

Điều 5. Việc sử dụng lao động nghĩa vụ công ích trong xây dựng, tu bổ đê điều thường xuyên theo khoản 1 Điều 7 của Pháp lệnh Đê điều được quy định như sau:

Căn cứ quy định của Pháp lệnh Lao động nghĩa vụ công ích, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) chỉ đạo lập kế hoạch hàng năm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định và chỉ đạo thực hiện việc huy động quỹ ngày công lao động nghĩa vụ công ích trên địa bàn tỉnh để ưu tiên xây dựng, tu bổ đê điều thường xuyên.

Điều 6. Kinh phí xây dựng tu bổ đê điều được Nhà nước ưu tiên đầu tư theo Điều 8 của Pháp lệnh Đê điều được quy định như sau:

1. Đê từ cấp III đến cấp đặc biệt chủ yếu do ngân sách trung ương đầu tư; đồng thời các địa phương cũng phải có trách nhiệm tham gia đầu tư xây dựng, tu bổ đối với mọi cấp đê thuộc địa bàn của địa phương mình.

2. Hàng năm, Nhà nước bố trí kế hoạch vốn đầu tư cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xây dựng, tu bổ, nâng cấp các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt.

3. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức đầu tư hàng năm cho các tuyến đê cấp IV và các tuyến đê của địa phương.

4. Trường hợp các địa phương gặp thiên tai hoặc đặc biệt khó khăn, thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét hỗ trợ các địa phương từ nguồn vốn đê điều do Bộ quản lý để khôi phục, tu bổ các tuyến đê cấp IV.

Chương 3:

BẢO VỆ VÀ SỬ DỤNG ĐÊ ĐIỀU

Điều 7. Vùng phụ cận của đê điều theo Điều 9 Pháp lệnh Đê điều được quy định như sau:

1. Vùng phụ cận:

a) Đê sông từ cấp III đến cấp đặc biệt:

Đối với các khu dân cư và đô thị: Phạm vi bảo vệ từ chân đê hiện tại trở ra 5 mét cả hai phía sông và phía đồng. Đối với các vùng khác: Phạm vi bảo vệ từ chân đê hiện tại trở ra 20 mét về phía sông, 25 mét về phía đồng.

b) Đê biển: Phạm vi bảo vệ kể từ chân đê hiện tại trở ra 200 mét về phía biển, 15 mét về phía đồng.

Đối với đê biển ở nơi có rừng ngập mặn phạm vi bảo vệ từ 200 mét đến 500 mét với rừng hiện có về phía biển, 15 mét về phía đồng.

c) Đê cấp IV, đê tuyến trong, đê bối và các tuyến đê khác của địa phương: Phạm vi bảo vệ từ chân đê hiện tại trở ra do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

d) Kè bảo vệ đê:

Phạm vi bảo vệ các kè trực tiếp bảo vệ đê sông và đê biển được xác định từ giới hạn phần xây đúc cuối cùng trở ra mỗi phía là 50 mét.

đ) Cống qua đê: Phạm vi bảo vệ các cống thuộc hệ thống đê sông và đê biển được xác định từ giới hạn phần xây đúc cuối cùng trở ra mỗi phía 50 mét.

e) Đối với các hoạt động khoan, đào ngoài phạm vi bảo vệ đê điều: Khi khoan đào sâu xuống 1 mét so với mặt đất tự nhiên phải cách xa phạm vi bảo vệ đê điều thêm 10 mét đối với đoạn đê có nền bình thường và 200 mét đối với đoạn đê có địa chất nền xấu thường bị đùn, sủi trong mùa lũ, trừ trường hợp đặc biệt được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

2. Trường hợp đặc biệt phải thay đổi phạm vi bảo vệ đê điều quy định tại khoản 1 Điều này thì Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều 8. Các công trình đặc biệt khác quy định tại khoản 3 Điều 11 của Pháp lệnh Đê điều bao gồm:

1. Cửa khẩu qua đê.

2. Trạm bơm, cống, âu thuyền.

3. Các công trình ngầm phục vụ cho an toàn đê, an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội.

4. Hệ thống giếng khai thác nước ngầm phục vụ lợi ích dân sinh, kinh tế chung.

5. Các đường ống: điện, cáp quang, dẫn dầu, dầu khí, dẫn nước.

6. Di tích lịch sử, văn hóa, khu phố cổ cần bảo vệ, tôn tạo.

Điều 9. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể tải trọng cho phép đối với xe cơ giới đi trên đê theo khoản 6 Điều 11 của Pháp lệnh Đê điều.

Điều 10. Việc xử lý đối với nhà cửa, công trình hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều tính đến trước ngày Pháp lệnh Đê điều có hiệu lực (ngày 01 tháng 01 năm 2001) theo Điều 18 của Pháp lệnh Đê điều được quy định như sau:

1. Thực hiện mục a khoản 1 Điều 18 của Pháp lệnh Đê điều. Nhà cửa, công trình hiện có ở mặt đê, mái đê, cơ đê và trong phạm vi 5 mét kể từ chân đê hiện tại đối với mọi cấp đê đều phải di dời, trừ công trình chuyên dùng quy định tại khoản 3 Điều 11 Pháp lệnh Đê điều và công trình đặc biệt khác quy định tại Điều 8 Nghị định này.

2. Nhà cửa, công trình từ vị trí cách chân đê hiện tại 5 mét đến hết phạm vi bảo vệ đê thuộc phía đồng được tiếp tục sử dụng, cải tạo, sửa chữa nhưng không được mở rộng mặt bằng; việc cải tạo, sửa chữa do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

3. Nhà cửa, công trình từ vị trí cách chân đê hiện tại 5 mét đến hết phạm vi bảo vệ đê điều thuộc phía sông và nhà cửa, công trình ở bãi sông, lòng sông được xử lý như sau:

a) Nhà cửa, công trình mà không gây ảnh hưởng trực tiếp đến thoát lũ thì được tiếp tục sử dụng, cải tạo, sửa chữa, nhưng không được mở rộng mặt bằng; việc cải tạo, sửa chữa do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

b) Nhà cửa, công trình mà gây ảnh hưởng trực tiếp đến thoát lũ: sát bờ sông, vùng trũng thấp dưới mức báo động 2, ở nơi có biến đổi dòng chảy gây sạt lở bờ thì phải di dời hoặc quy hoạch cải tạo để đảm bảo các quy định về thoát lũ.

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo việc lập và thực hiện kế hoạch di dời nhà cửa, công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều hoặc quy hoạch cải tạo, bảo đảm an toàn đê điều và quy định thoát lũ; đồng thời tùy từng trường hợp cụ thể có chính sách đền bù thiệt hại hoặc hỗ trợ kinh phí cho tổ chức, cá nhân có nhà cửa, công trình bị tháo dỡ, di dời theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng trình Chính phủ ban hành Quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và sắc phục của Hạt chuyên trách quản lý đê điều theo quy định tại Điều 20 của Pháp lệnh Đê điều.

Chương 4:

HỘ ĐÊ

Điều 12. Việc phân lũ, chậm lũ theo Điều 24 của Pháp lệnh Đê điều được quy định như sau:

1. Việc phân lũ, chậm lũ thực hiện theo quy định cụ thể của Quy chế về phân lũ, chậm lũ ban hành kèm theo Nghị định số 62/1999/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chỉ đạo quy hoạch phân lũ, chậm lũ, các biện pháp đảm bảo an toàn cho các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt; xác định thứ tự điều hành các vùng chậm lũ, phân lũ, khi có lũ lớn vượt mức lũ thiết kế hoặc tình huống khẩn cấp về lũ.

3. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng phương án phân lũ, chậm lũ, các biện pháp đảm bảo an toàn cho mọi cấp đê thuộc địa bàn của địa phương để kịp thời đối phó với lũ lớn vượt mức nước thiết kế hoặc những tình huống khẩn cấp về lũ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm thẩm định phương án, giải pháp của Uỷ ban nhân dân tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

4. Việc hỗ trợ khắc phục hậu quả ngập lụt, trợ cấp cho nhân dân trong vùng được xác định là phân lũ, chậm lũ thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đối với vùng phân lũ, chậm lũ.

Điều 13. Thẩm quyền huy động vật tư, phương tiện, lực lượng để hộ đê, cứu hộ đê theo Điều 25 của Pháp lệnh Đê điều được quy định như sau:

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão cấp tỉnh có trách nhiệm huy động kịp thời lực lượng, vật tư, phương tiện của nhà nước, của địa phương, của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để cứu hộ, bảo đảm an toàn đê điều.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão cấp huyện có trách nhiệm huy động kịp thời lực lượng, vật tư, phương tiện của Nhà nước, của địa phương, của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để hộ đê bảo đảm an toàn đê điều. Việc huy động vật tư dự trữ phòng, chống lụt, bão của nhà nước trên địa bàn phải do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Trưởng ban Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão cấp tỉnh trở lên quyết định.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm huy động kịp thời lực lượng vật tư, phương tiện của địa phương, của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để xử lý ngay giờ đầu các sự cố đê điều; đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp để có sự chi viện, cứu hộ kịp thời, bảo đảm an toàn đê điều.

4. Khi xảy ra sự cố có nguy cơ đe doạ trực tiếp đến an toàn của đê điều, người chỉ huy của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật được quyền ra lệnh huy động vật tư, phương tiện để hộ đê, cứu hộ đê và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình; sau khi xử lý sự cố phải tiến hành kiểm tra kết quả việc đã sử dụng vật tư, phương tiện trên và thực hiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền giải quyết để hoàn trả hoặc bồi thường cho tổ chức, cá nhân bị huy động.

5. Trường hợp khẩn cấp chống lũ, lụt, bão, thiên tai mà cần phải sử dụng đất thì các địa phương được trưng dụng đất theo quy định của pháp luật. Thẩm quyền trưng dụng đất, việc trả lại đất và bồi thường cho người có đất bị trưng dụng thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.

Chương 5:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐÊ ĐIỀU

Điều 14. Phân công trách nhiệm, phân cấp quản lý Nhà nước về đê điều theo Điều 27 của Pháp lệnh Đê điều được quy định như sau:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và phối hợp với các Bộ, ngành trong việc xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch về xây dựng, tu bổ, bảo vệ, sử dụng đê điều, hộ đê và cứu hộ đê.

b) Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về đê điều và quy định mực nước thiết kế cho từng tuyến đê.

c) Tổng hợp, quản lý các thông tin dữ liệu về đê điều trong phạm vi cả nước và tổ chức nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ về xây dựng và bảo vệ đê điều.

d) Cấp, thu hồi, gia hạn giấy phép hoặc văn bản thỏa thuận theo quy định tại các Điều 13, 14 và 15 của Pháp lệnh Đê điều.

đ) Quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để hộ đê, cứu hộ đê, khắc phục hậu quả do bão, lụt gây ra đối với công trình đê điều.

e) Xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế về lĩnh vực đê điều.

g) Chỉ đạo, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thành lập lực lượng nhân dân quản lý đê không thuộc biên chế Nhà nước.

h) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về đê điều.

i) Tổ chức công tác thanh tra chuyên ngành về đê điều; giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật đê điều.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc khai thác cát, đá, sỏi có giấy phép trong các sông, suối và phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ngăn chặn việc khai thác không có giấy phép gây mất an toàn đê điều.

3. Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan xây dựng và thực hiện phương án bảo đảm an toàn các công trình thủy điện, thực hiện quy trình điều tiết lũ của các hồ chứa theo quy định.

4. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có đê trong việc:

a) Quy hoạch luồng lạch giao thông thủy, quy hoạch các cầu qua sông, suối đảm bảo khả năng thoát lũ của sông, suối, các công trình phục vụ giao thông thủy và việc cải tạo mặt đê kết hợp sử dụng làm đường giao thông trên nguyên tắc ưu tiên bảo đảm an toàn cho đê điều và thoát lũ, không gây xói lở cho các khu vực lân cận.

b) Xây dựng phương án chuẩn bị phương tiện, vật tư và phương án bảo đảm an toàn giao thông phục vụ công tác cứu hộ đê trong mùa lũ, bão; chỉ đạo việc cắm biển báo hiệu đường bộ trên các tuyến đê kết hợp làm đường giao thông, lắp đặt báo hiệu đường thủy nội địa trên các tuyến đường thủy nội địa có liên quan đến an toàn đê điều và kiểm tra việc thực hiện các quy định đó.

5. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các Bộ, ngành có liên quan, hướng dẫn kỹ thuật cải tạo, sửa chữa nhà cửa, công trình hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều, ở bãi sông, lòng sông được tiếp tục sử dụng theo quy định tại Điều 18 Pháp lệnh Đê điều.

6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm bố trí kinh phí cho các giải pháp công trình đối phó với lũ vượt mức lũ thiết kế hoặc những tình huống khẩn cấp về lũ. Bố trí thành một hạng mục riêng đầu tư kinh phí cho các dự án về xây dựng, tu bổ, quản lý, bảo vệ đê điều, hộ đê, cứu hộ đê và các vùng lũ quét, các vùng chứa lũ và phân lũ, chậm lũ.

7. Bộ Tài chính bố trí một khoản kinh phí hàng năm để xử lý đột xuất, khắc phục hậu quả cho đê điều trước, trong và sau mỗi đợt mưa, lũ, bão; chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan:

a) Hướng dẫn việc đền bù và miễn, giảm thuế cho tổ chức, cá nhân bị khai thác đất để phục vụ cho xây dựng, tu bổ đê điều và các công trình phòng, chống lụt, bão.

b) Xây dựng ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đối với các lực lượng tuần tra canh gác đê, hộ đê, cứu hộ đê và chính sách bồi thường thiệt hại vật tư, phương tiện được huy động cho việc cứu hộ đê.

8. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, kiểm tra thực hiện việc tổ chức lực lượng, phương tiện, phương án và triển khai lực lượng hộ đê, cứu hộ đê.

9. Bộ Công an phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng công an lập và thực hiện phương án bảo đảm trật tự, an ninh ở khu vực đê xung yếu và các khu vực phân lũ, chậm lũ trong mùa lũ, bão; kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều.

Điều 15. Thanh tra chuyên ngành về đê điều theo Điều 30 của Pháp lệnh Đê điều được quy định như sau:

1. Nhiệm vụ của Thanh tra đê điều:

a) Thanh tra việc thực hiện pháp luật về Đê điều, pháp luật về phòng, chống lụt, bão.

b) Thanh tra việc lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch, phương án xây dựng, tu bổ quản lý, bảo vệ, sử dụng đê điều và hộ đê.

c) Thanh tra việc quản lý, sử dụng vật tư dự trữ phòng, chống lụt, bão.

d) Thanh tra việc cấp, thu hồi và thực hiện nội dung quy định trong giấy phép hoặc văn bản thỏa thuận đối với các hoạt động liên quan đến an toàn đê điều, thoát lũ.

đ) Thanh tra việc quản lý, vận hành và bảo vệ các công trình điều tiết lũ, phân lũ, chậm lũ, thoát lũ và các công trình khác có liên quan đến an toàn của đê điều.

e) Giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về đê điều.

2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra chuyên ngành về đê điều.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Nghị định này thay thế Nghị định số 429/HĐBT ngày 15 tháng 12 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng hướng dẫn thi hành Pháp lệnh về Đê điều năm 1989.

Bãi bỏ các quy định trước đây trái với Nghị định này.

Điều 17. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Chính phủ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải