• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2017
BỘ XÂY DỰNG
Số: 07/2017/TT-BXD
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2017

THÔNG TƯ

Hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt

_________________________________

Căn cứ Nghị định số 62/2013/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về Quản lý chất thải và phế liệu;

Theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng và Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng;

Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.  

 

          Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt làm cơ sở để lập, thẩm định và phê duyệt giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

2. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập, thẩm định, phê duyệt giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt và thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

          Điều 2. Nguyên tắc định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt

1. Việc định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải phù hợp với công nghệ xử lý; tuân thủ quy trình kỹ thuật; tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường, định mức kinh tế kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc công bố và phù hợp với chất lượng của dịch vụ.

2. Giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải được tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ của quá trình đầu tư và khai thác, vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; phù hợp với điều kiện thực tế tổ chức thực hiện dịch vụ; điều kiện hạ tầng kỹ thuật, điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách của địa phương.

3. Giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải đảm bảo khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư để xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

          Điều 3. Phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt

1. Giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt được xác định theo công thức sau:

GXLCTR =  ZTB + (ZTB x P)          (1)

         

          Trong đó:

- GXLCTR: là giá dịch vụ xử lý 01 tấn chất thải rắn sinh hoạt chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Đơn vị: đồng.

- ZTB: là giá thành toàn bộ để xử lý 01 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Đơn vị: đồng

- P là tỷ lệ lợi nhuận (%): không quá 5%.

 

2. Giá thành toàn bộ để xử lý 01 tấn chất thải rắn sinh hoạt (ZTB) được xác định theo công thức sau:

     (2)

          Trong đó:

- ZTB: là giá thành toàn bộ để xử lý 01 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Đơn vị: đồng.

- CT: là tổng chi phí hợp lý, hợp lệ thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đơn vị: đồng.

- Q: là tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt vận chuyển đến cơ sở xử lý để xử lý. Đơn vị: tấn.

Chi phí hợp lý, hợp lệ thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CT)

Bảng tổng chi phí hợp lý, hợp lệ thực hiện dịch vụ xử lý CTR sinh hoạt (CT)

TT

Nội dung chi phí

Ký hiệu

1

Chi phí vật tư trực tiếp

Cvt

2

Chi phí nhân công trực tiếp

CNC

3

Chi phí máy, thiết bị trực tiếp

CM

4

Chi phí sản xuất chung

CSXC

 

Tổng chi phí sản xuất

Cp = Cvt+ CNC + CM + CSXC

5

Chi phí quản lý doanh nghiệp

Cq

 

Tổng chi phí

CT= Cp+ Cq

 

 

 

Trong đó:

a) Chi phí vật tư trực tiếp (Cvt), bao gồm: chi phí của các vật tư sử dụng trực tiếp trong quá trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt được xác định bằng tổng khối lượng của từng loại vật tư nhân (x) với đơn giá vật tư tương ứng, trong đó:

          Khối lượng của từng loại vật tư được xác định trên cơ sở quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức hao phí vật tư cho công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc công bố. Trường hợp chưa có định mức hao phí vật tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc công bố, đơn vị lập phương án giá tổ chức xác định hao phí vật tư hợp lý làm cơ sở để xác định chi phí vật tư khi lập phương án giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

          Giá vật tư là giá đến cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, phù hợp với mặt bằng giá thị trường xác định theo công bố giá hoặc hóa đơn theo quy định pháp luật tại thời điểm lập phương án. Cụ thể:

          - Đối với sản phẩm được sản xuất ra thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng tính theo phương pháp khấu trừ thì giá vật tư không bao gồm thuế giá trị gia tăng.

          - Đối với sản phẩm được sản xuất ra không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng hoặc thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp thì giá vật tư bao gồm thuế giá trị gia tăng.

b) Chi phí nhân công trực tiếp (CNC), bao gồm: các khoản chi phí bằng tiền mà các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải trả cho người lao động trực tiếp như: tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và các khoản chi khác theo quy định đối với công nhân trực tiếp xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó:

Chi phí tiền lương, tiền công được xác định bằng số lượng ngày công theo định mức hao phí nhân công trực tiếp cho công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt do cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc công bố nhân (x) với đơn giá ngày công tương ứng. Đơn giá ngày công của công nhân trực tiếp thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt xác định theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh). Trường hợp chưa có định mức hao phí nhân công do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc công bố, đơn vị lập phương án giá tổ chức xác định hao phí nhân công hợp lý làm cơ sở để xác định chi phí nhân công khi lập phương án giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và các khoản chi khác của công nhân trực tiếp thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định hiện hành của pháp luật (bao gồm cả khoản do người lao động phải nộp và khoản do doanh nghiệp chi trả).

c) Chi phí máy, thiết bị trực tiếp (CM), được xác định trên cơ sở chi phí liên quan đến giá máy, thiết bị, chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao máy, thiết bị theo quy định của Bộ Tài chính; phương pháp xác định giá ca máy, thiết bị do Bộ Xây dựng hướng dẫn và các qui định khác có liên quan. Khi xác định chi phí máy, thiết bị trực tiếp cần lưu ý xác định thời gian khấu hao của máy, thiết bị phù hợp với đặc điểm về điều kiện làm việc của máy, thiết bị trực tiếp thực hiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

d) Chi phí sản xuất chung (CSXC), bao gồm các khoản chi phí sản xuất gián tiếp (ngoài các chi phí vật tư trực tiếp; chi phí nhân công trực tiếp; chi phí máy, thiết bị trực tiếp) phát sinh tại cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, gồm: bảo dưỡng, sửa chữa máy, thiết bị trực tiếp; khấu hao, sửa chữa tài sản cố định (trừ máy, thiết bị trực tiếp); chi phí vật liệu, dụng cụ, công cụ dùng cho phân xưởng; tiền lương, phụ cấp có tính chất lương; khoản trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn của cán bộ, nhân viên phân xưởng (bao gồm cả khoản do người lao động phải nộp và khoản do doanh nghiệp chi trả); chi phí kiểm định, quan trắc môi trường; chi phí thuê mặt bằng phục vụ sản xuất (nếu có); chi phí dịch vụ mua ngoài và các chi phí bằng tiền khác được tính vào giá thành theo quy định của pháp luật.

Chi phí vật tư, chi phí nhân công trong chi phí sản xuất chung xác định như cách xác định chi phí vật tư, nhân công trực tiếp tại khoản a, b Điều này.

Chi phí khấu hao, sửa chữa tài sản cố định trong chi phí sản xuất chung xác định theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.

đ) Chi phí quản lý doanh nghiệp (Cq), bao gồm toàn bộ các khoản chi phí chi cho bộ máy quản lý và điều hành doanh nghiệp, các khoản chi phí có tính chất chung của toàn doanh nghiệp như: khấu hao, sửa chữa tài sản cố định phục vụ bộ máy quản lý và điều hành trong doanh nghiệp; chi phí tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn của bộ máy quản lý doanh nghiệp (bao gồm cả khoản do người lao động phải nộp và khoản do doanh nghiệp chi trả); chi phí vật liệu, đồ dùng cho văn phòng, các khoản thuế, phí và lệ phí, chi phí dịch vụ mua ngoài thuộc văn phòng doanh nghiệp; các chi phí chung khác cho toàn doanh nghiệp như: chi trả lãi vay, các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng nợ phải thu khó đòi, chi phí tiếp tân, giao dịch, chi phí nghiên cứu khoa học, nghiên cứu đổi mới công nghệ; chi sáng kiến, cải tiến, chi bảo vệ môi trường; chi phí giáo dục, đào tạo, y tế cho người lao động của doanh nghiệp, chi phí cho lao động nữ, các khoản chi phí quản lý khác theo chế độ quy định hiện hành.

Chi phí vật tư, chi phí nhân công trong chi phí quản lý doanh nghiệp xác định như cách xác định chi phí vật tư, nhân công trực tiếp tại khoản a, b Điều này.

Chi phí khấu hao, sửa chữa tài sản cố định trong quản lý doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.

Chi phí quản lý doanh nghiệp xác định chi tiết theo từng khoản chi phí nêu trên nhưng không vượt quá 5% của tổng chi phí sản xuất (Cp).

          Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm lập, thẩm định, phê duyệt giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 26 của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

- Quản lý nhà nước về hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt, phê duyệt giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn do mình quản lý

- Gửi những định mức, đơn giá, giá đã công bố, ban hành về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý.

3. Giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt xác định theo hướng dẫn tại Thông tư này được phê duyệt là cơ sở để ký kết hợp đồng, thanh toán hợp đồng thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trường hợp giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt được xác định lớn hơn mức chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo công bố của Bộ Xây dựng, thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất với Bộ Xây dựng trước khi phê duyệt.

4. Việc thỏa thuận điều chỉnh giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt được ký kết giữa chủ cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt với cơ quan quản lý theo phân cấp phải phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan.

5. Đối với các hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã được ký kết, các bên tham gia ký hợp đồng xem xét để bổ sung, điều chỉnh các nội dung của hợp đồng cho phù hợp với quy định của Thông tư này.

6. Cơ quan lập phương án giá, chủ cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt được thuê tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm để lập hoặc thẩm tra phương án giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt làm cơ sở để thẩm định, phê duyệt giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

7. Bộ Xây dựng công bố mức chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chủ trì, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng phương án giá và thực hiện các quy định về quản lý giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương.

          Điều 5. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2017.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Xây dựng để xem xét, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Phan Thị Mỹ Linh

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.