• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/08/2022
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 03/2022/TT-BNNPTNT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 2022

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 05/2018/TT-BNNPTNT NGÀY 15 THÁNG 5 NĂM 2018 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THỦY LỢI

Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:

"Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về lập, ban hành và thực hiện quy trình vận hành công trình thủy lợi; điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng.

2. Quy trình kỹ thuật vận hành công trình thủy lợi thuộc thành phần, nội dung lập thiết kế kỹ thuật không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này, thực hiện theo quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam “Công trình thủy lợi - Thành phần, nội dung lập thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công”.".

2. Sửa đổi khoản 1 và bổ sung khoản 5 Điều 2 như sau:

a) Sửa đổi khoản 1 như sau:

"1. Quy trình vận hành công trình thủy lợi là văn bản quy định về nguyên tắc, trách nhiệm, tổ chức thực hiện, trình tự vận hành các công trình thủy lợi thuộc hệ thống công trình thủy lợi; đảm bảo hệ thống công trình thủy lợi vận hành an toàn, đúng nhiệm vụ thiết kế, phù hợp với điều kiện nguồn nước và phân phối nước tiết kiệm, hiệu quả, hài hoà lợi ích giữa các nhu cầu sử dụng nước (sau đây gọi là Quy trình vận hành).".

b) Bổ sung khoản 5 như sau:

"5. Kênh chìm là kênh dẫn nước hở, có mực nước thiết kế thấp hơn cao độ mặt đất tự nhiên trung bình ở xung quanh, khi xây dựng phải đào xuống dưới mặt đất tự nhiên.".

3. Bổ sung khoản 9 Điều 4 như sau:

"9. Nội dung cụ thể quy trình vận hành tại Mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.".

4. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 6 như sau:

"b) Trình tự, thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, dự toán và tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy trình vận hành thực hiện theo quy định về trình tự, thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, dự toán và tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn lập dự án đầu tư xây dựng.".

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 như sau:

a) Sửa đổi khoản 2 như sau:

“2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý hoặc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý công trình thủy lợi mà việc khai thác và bảo vệ liên quan đến 02 tỉnh trở lên. Danh mục phân giao nhiệm vụ quản lý công trình mà việc khai thác và bảo vệ liên quan đến 02 tỉnh trở lên quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.”.

b) Bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 như sau:

“2a. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định điều chỉnh việc phân cấp quản lý công trình quy định tại khoản 2 Điều này thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Công trình hoàn thành giai đoạn đầu tư xây dựng được phân cấp cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý;

b) Xảy ra sự cố ảnh hưởng đến an toàn công trình và vùng hạ du thuộc nguyên nhân chủ quan của chủ quản lý hoặc đơn vị khai thác công trình;

c) Trong 02 năm liên tiếp, doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi được chủ sở hữu xếp loại C theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc đơn vị, tổ chức khai thác được cơ quan có thẩm quyền đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ được giao theo hướng dẫn của Đảng hoặc Chính quyền;

d) Để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong thực hiện các quy định về cấp giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.”.

6. Bổ sung Điều 15a vào sau Điều 15 như sau:

“Điều 15a. Phân công trách nhiệm trong quản lý công trình thủy lợi được phân cấp

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Tổng hợp, sắp xếp đưa vào danh mục đầu tư sửa chữa, nâng cấp, hiện đại hoá các công trình đã phân cấp địa phương quản lý trong kế hoạch đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác;

b) Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về thủy lợi; tổ chức quan trắc, giám sát, dự báo nguồn nước, chất lượng nước phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, vận hành công trình thủy lợi;

c) Tổ chức rà soát, phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ công trình thủy lợi;

d) Hướng dẫn, kiểm tra thực hiện pháp luật về thủy lợi.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Thực hiện trách nhiệm chủ sở hữu đối với công trình thủy lợi được phân cấp theo quy định của pháp luật;

b) Chỉ đạo chủ quản lý công trình thủy lợi, đơn vị khai thác công trình thủy lợi của địa phương thực hiện công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi và pháp luật liên quan;

c) Báo cáo kết quả thực hiện công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc khi xảy ra sai phạm trong công tác quản lý, khai thác và bảo đảm an toàn công trình.”.

7. Bổ sung Điều 15b vào sau Điều 15a như sau:

“Điều 15b. Thực hiện phân cấp quản lý

1. Sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân cấp quản lý công trình cho địa phương, cơ quan liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tham mưu để chủ sở hữu phân công nhiệm vụ cho chủ quản lý và đơn vị khai thác công trình.

2. Tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi được giao, xử lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

3. Bàn giao hồ sơ công trình:

a) Đối với công trình mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng, chủ đầu tư bàn giao hồ sơ cho đơn vị quản lý khai thác theo pháp luật về xây dựng;

b) Đối với công trình đã đưa vào quản lý, khai thác, đơn vị khai thác công trình đang quản lý bàn giao toàn bộ hồ sơ liên quan cho đơn vị khai thác mới được phân công nhiệm vụ. Việc bàn giao phải được lập thành biên bản, có xác nhận của các bên liên quan.”.

8. Sửa đổi, bổ sung Điều 17 như sau:

"Điều 17. Thẩm quyền quyết định phân cấp quản lý công trình thủy lợi và vị trí điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi

1. Đối với công trình thủy lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý:

a) Tổng cục Thủy lợi chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định phân cấp quản lý công trình thủy lợi;

b) Tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi xác định cụ thể vị trí điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.

2. Đối với công trình thủy lợi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý; công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý hoặc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý:

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với tổ chức, cá nhân có liên quan trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp quản lý công trình thủy lợi trong phạm vi tỉnh và quy mô thủy lợi nội đồng;

b) Tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi thuộc địa phương có trách nhiệm phối hợp với tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi xác định cụ thể vị trí điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.”.

9. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 18 như sau:

“3. Trường hợp công trình đã có mốc giải phóng mặt bằng hoặc mốc hành lang bảo vệ nguồn nước hoặc mốc của công trình khác thì coi các mốc này là mốc tham chiếu để xác định chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình.”.

10. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 19 như sau:

"5. Căn cứ yêu cầu công tác quản lý, bảo vệ công trình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trường hợp phải cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình trên địa bàn đối với kênh chìm và các trường hợp chưa được quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này.".

11. Sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 20 như sau:

"b) Đối với lòng hồ chứa nước quy định tại khoản 2 Điều 19 Thông tư này, căn cứ địa hình khu vực cắm mốc và yêu cầu quản lý, khoảng cách giữa hai mốc liền nhau từ 200 m đến 500 m; khu vực lòng hồ có độ dốc lớn hoặc không có dân cư sinh sống, khoảng cách giữa hai mốc liền nhau lớn hơn 1000 m. Tại những điểm chuyển hướng, giao cắt của đường chỉ giới với địa hình, địa vật phải có mốc.”.

12. Bổ sung khoản 6 Điều 21 như sau:

"6. Dự toán kinh phí cắm mốc chỉ giới, trừ các công trình xây dựng mới và sửa chữa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư.".

13. Bổ sung khoản 4 Điều 22 như sau:

"4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt dự toán kinh phí cắm mốc chỉ giới đối với công trình xây dựng mới và sửa chữa do Bộ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư sau khi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án cắm mốc chỉ giới.".

14. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 31 như sau:

“b) Liên hiệp tổ chức thủy lợi cơ sở được thành lập từ 04 tổ chức thủy lợi cơ sở là hợp tác xã trở lên, hoạt động theo quy định của pháp luật về hợp tác xã.".

15. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 31 như sau:

"2. Cơ cấu tổ chức của liên hiệp tổ chức thủy lợi cơ sở thực hiện theo quy định tại Điều 29 Luật Hợp tác xã.".

Điều 2. Bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số quy định của Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi

1. Bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại các điều, khoản, điểm sau đây:

a) Bổ sung cụm từ "THUỘC HỆ THỐNG CÔNG TRÌNH THỦY LỢI" vào tên Chương II;

b) Thay thế cụm từ “của công trình” bằng cụm từ “trong” tại khoản 1 Điều 5;

c) Bỏ cụm từ "trừ kênh chìm" tại khoản 3 Điều 19;

d) Bỏ cụm từ “kinh phí thực hiện” tại điểm đ khoản 4 Điều 21;

đ) Bỏ cụm từ "Trong thời hạn không quá 03 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực" tại khoản 1 Điều 30; bỏ cụm từ "trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này" tại khoản 2 Điều 30.

2. Thay thế Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 05/2018/TT- BNNPTNT bằng Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2022.

2. Quy định chuyển tiếp

a) Vị trí điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục được thực hiện;

b) Phương án cắm mốc chỉ giới bảo vệ công trình thủy lợi đã được phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục triển khai thực hiện.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh bằng văn bản về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Hoàng Hiệp

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.