• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 19/03/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 01/05/2015
CHÍNH PHỦ
Số: 21/2005/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 1 tháng 3 năm 2005

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Quy định chi tiết thi hành một số điều của
luật giao thông đường thủy nội địa

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa về phạm vi hành lang bảo vệ luồng; điều kiện an toàn của phương tiện phải đăng ký nhưng không thuộc diện đăng kiểm; điều kiện của cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa; trách nhiệm bố trí đủ chức danh, định biên thuyền viên của chủ phương tiện; điều kiện kinh doanh xếp, dỡ hàng hóa, phục vụ hành khách; phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng, bến thủy nội địa có tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài và điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giao thông đường thủy nội địa.

Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với Nghị định này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Phạm vi hành lang bảo vệ luồng

1. Phạm vi hành lang bảo vệ luồng quy định tại khoản 4 Điều 16 của Luật Giao thông đường thủy nội địa được xác định theo cấp kỹ thuật đường thủy nội địa và theo quy định sau đây :

a) Trường hợp luồng không sát bờ, phạm vi hành lang bảo vệ luồng tối đa không quá 25 mét, tối thiểu không dưới 10 mét kể từ mép luồng trở ra mỗi phía bờ.

b) Trường hợp luồng sát bờ, phạm vi hành lang bảo vệ luồng phía sát bờ được tính từ mép bờ tự nhiên trở vào phía bờ tối thiểu không dưới 5 mét; nếu luồng trong khu vực thành phố, thị xã, thị trấn thì phạm vi hành lang bảo vệ luồng có thể dưới 5 mét do Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

c) Trường hợp phạm vi hành lang bảo vệ luồng trùng với hành lang an toàn đường bộ, đường sắt thì phạm vi hành lang bảo vệ luồng được tính từ mép luồng tới mép bờ tự nhiên.

d) Trường hợp phạm vi hành lang bảo vệ luồng trùng với hành lang an toàn cầu đường bộ, cầu đường sắt thì thực hiện theo quy định về bảo vệ hành lang an toàn cầu.

đ) Trường hợp phạm vi hành lang bảo vệ luồng trùng với phạm vi bảo vệ các công trình phòng, chống lụt, bão, bảo vệ đê thì thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống lụt, bão, pháp luật về đê điều.

2. Mép bờ tự nhiên quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này là đường giao nhau giữa bãi sông và bờ sông.

Mép bờ tự nhiên do cơ quan quản lý giao thông chủ trì phối hợp với cơ quan quản lý thủy lợi cấp tỉnh xác định cụ thể căn cứ đặc điểm của từng khu vực.

3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể phạm vi hành lang bảo vệ luồng theo cấp kỹ thuật đường thủy nội địa, quy định việc cắm mốc, quy cách mốc chỉ giới và bảo vệ mốc chỉ giới trên mặt đất của phạm vi hành lang bảo vệ luồng.

Điều 4. Điều kiện an toàn của phương tiện phải đăng ký nhưng không thuộc diện đăng kiểm

1. Phương tiện phải đăng ký nhưng không thuộc diện đăng kiểm là phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 tấn đến dưới 5 tấn hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 mã lực hoặc có sức chở dưới 5 người.

2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định điều kiện an toàn của phương tiện quy định tại khoản 1 Điều này để làm căn cứ cho việc đăng ký, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của phương tiện.

Điều 5. Điều kiện của cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa

Điều kiện của cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa nói tại khoản 1 Điều 27 của Luật Giao thông đường thủy nội địa được quy định như sau:

1. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp; có phương án tổ chức sản xuất phù hợp với chủng loại, kích cỡ phương tiện được sản xuất.

2. Có bộ phận giám sát, quản lý chất lượng để bảo đảm sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

3. Có ít nhất một cán bộ kỹ thuật:

a) Tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành đóng tàu trở lên đối với cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện có sức chở đến 12 người, phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần đến 50 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 50 mã lực;

b) Tốt nghiệp đại học chuyên ngành đóng tàu trở lên đối với cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện có sức chở trên 12 người, phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 50 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 50 mã lực.

4. Có phương án phòng cháy, chữa cháy và phòng ngừa ô nhiễm môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc cấp giấy chứng nhận.

Điều 6. Trách nhiệm bố trí đủ các chức danh, định biên và lập danh bạ thuyền viên của chủ phương tiện

1. Chủ phương tiện quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật Giao thông đường thủy nội địa là một trong các đối tượng sau đây:

a) Người sở hữu phương tiện;

b) Người được người sở hữu phương tiện giao quyền quản lý, sử dụng phương tiện;

c) Người thuê phương tiện không có thuyền viên để khai thác vận tải;

d) Thuyền trưởng.

2. Khi phương tiện hoạt động trên đường thủy nội địa, chủ phương tiện phải bố trí đủ các chức danh, định biên thuyền viên và lập danh bạ thuyền viên theo quy định.

Điều 7. Điều kiện kinh doanh xếp, dỡ hàng hóa, phục vụ hành khách tại cảng, bến thủy nội địa

Điều kiện kinh doanh xếp, dỡ hàng hóa, phục vụ hành khách tại cảng, bến thủy nội địa nói tại khoản 3 Điều 69 của Luật Giao thông đường thủy nội địa được quy định như sau :

1. Tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh xếp, dỡ hàng hóa, phục vụ hành khách;

2. Cảng, bến thủy nội địa đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động.

Điều 8. Phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng, bến thủy nội địa có tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài

1. Phương tiện thủy nước ngoài là phương tiện thủy nội địa, tàu biển do nước ngoài cấp giấy chứng nhận đăng ký.

2. Trong việc chủ trì phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng, bến thủy nội địa có tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài, Cảng vụ đường thủy nội địa có trách nhiệm sau đây :

a) Chủ trì, điều hành việc phối hợp hoạt động quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa;

b) Tổ chức và chủ trì các hội nghị, cuộc họp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác hoặc với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan tại khu vực cảng, bến thủy nội địa để thống nhất việc giải quyết những vướng mắc phát sinh;

c) Yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác tại cảng, bến thủy nội địa thông báo kịp thời kết quả làm thủ tục và biện pháp giải quyết những vướng mắc phát sinh; yêu cầu doanh nghiệp khai thác cảng, bến thủy nội địa, chủ phương tiện, thuyền trưởng phương tiện thủy nước ngoài và các cơ quan, tổ chức liên quan khác cung cấp số liệu, thông tin cần thiết;

d) Kiến nghị Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có cảng, bến thủy nội địa giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền có liên quan đến quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa.

3. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác tại cảng, bến thủy nội địa có trách nhiệm sau đây:

a) Phối hợp chặt chẽ để giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các thủ tục liên quan đến phương tiện thủy nước ngoài, hàng hóa, hành khách và thuyền viên trên phương tiện thủy nước ngoài khi hoạt động tại cảng, bến thủy nội địa theo quy định của Nghị định này và của pháp luật có liên quan;

b) Thông báo kịp thời cho Cảng vụ đường thủy nội địa biết kết quả giải quyết thủ tục liên quan đến phương tiện thủy nước ngoài, hàng hóa, thuyền viên, hành khách trên phương tiện thủy nước ngoài khi hoạt động tại cảng, bến thủy nội địa;

c) Sau khi xử lý thông tin do Cảng vụ đường thủy nội địa hoặc chủ phương tiện thủy nước ngoài cung cấp hoặc trường hợp có vướng mắc phát sinh phải báo kịp thời cho Cảng vụ đường thủy nội địa biết để phối hợp giải quyết.

4. Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và các cơ quan có thẩm quyền khác đối với phương tiện thủy nước ngoài, hàng hóa, hành khách, thuyền viên và những đối tượng khác khi hoạt động tại cảng, bến thủy nội địa có tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài thực hiện theo quy định của Nghị định này và của pháp luật có liên quan.

5. Phương tiện thủy nước ngoài khi đến và rời cảng, bến thủy nội địa thực hiện thủ tục theo quy định của pháp luật về hàng hải đối với tàu thuyền đến và rời cảng biển.

Điều 9. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa có tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trực thuộc thực hiện tốt việc phối hợp hoạt động quản lý nhà nước tại cảng, bến thủy nội địa có tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài.

2. Kiểm tra, thanh tra hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trực thuộc và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa

1. Điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa nói tại khoản 2 Điều 77 của Luật Giao thông đường thủy nội địa được quy định như sau :

a) Tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh vận tải đường thủy nội địa;

b) Phương tiện có đầy đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa;

c) Thuyền viên, người lái phương tiện phải có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh đảm nhiệm, đúng độ tuổi theo quy định.

2. Ngoài điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách còn phải đáp ứng điều kiện sau đây :

Đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông vận tải đường thủy nội địa phương án tổ chức chạy tàu và biểu đồ chạy tàu theo tuyến cố định (đối với hình thức vận tải theo tuyến cố định) hoặc khu vực hoạt động (đối với hình thức vận tải không theo tuyến cố định).

3. Đối với vận tải hành khách ngang sông, ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này thì bến đón, trả hành khách phải đáp ứng đầy đủ điều kiện an toàn và được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo; thay thế Nghị định số 91/2001/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh một số ngành, nghề giao thông vận tải đường thủy nội địa.

Điều 12. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.