• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 14/05/2002
  • Ngày hết hiệu lực: 14/05/2002
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 74/HĐBT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 1982

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 74/HĐBT NGÀY 26-4-1982 QUY ĐỊNH QUÂN HIỆU, CẤP HIỆU, PHÙ HIỆU VÀ LỄ PHỤC
CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;

Căn cứ Luật về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 30 tháng 12 năm 1981;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

NGHỊ ĐỊNH

Điều 1.- Quân hiệu của sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ các quân chủng, binh chủng, bộ đội biên phòng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam hình tròn, giữa có sao vàng đặt trên nền đỏ tươi, xung quanh có 2 bông lúa, phía dưới bông lúa có nửa bánh xe màu vàng, vành ngoài quân hiệu màu vàng.

Quân hiệu có hai loại đường kính 36 ly và 26 ly.

Điều 2.- Màu của nền phù hiệu và màu của đường viền cấp hiệu của sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ các quân chủng, bộ đội biên phòng và quân nhân chuyên nghiệp được quy định như sau:

- Lục quân màu đỏ tươi.

- Không quân, phòng không màu xanh da trời.

- Hải quân màu tím than.

- Bội đội biên phòng màu xanh lá cây.

- Quân nhân chuyên nghiệp màu ghi sáng.

Điều 3.- Cấp hiệu của sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ và học viên thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam:

1. Cấp hiệu của các sĩ quan và chuẩn uý:

Cấp hiệu của sĩ quan đeo ở vai áo, nền cấp hiệu màu vàng tươi có viền theo màu quân chủng và bộ đội biên phòng như quy định ở Điều 2, trên cấp hiệu có sao và cúc:

Thiếu uý, thiếu tá, thiếu tướng, chuẩn đô đốc hải quân 1 sao.

Trung uý, trung tá, trung tướng, phó đô đốc hải quân 2 sao.

Thượng uý, đại tá, thượng tướng, đô đốc hải quân 3 sao.

Đại uý, đại tướng 4 sao.

Sao của các cấp tướng màu vàng, cúc có hình Quốc huy, màu vàng.

Sao của cấp tá và cấp uý màu bạc, cúc có hình sao giữa 2 bông lúa, màu bạc.

Cấp hiệu của cấp tá có 2 vạch ngang màu bạc; cấp uý 1 vạch.

Cấp hiệu chuẩn uý như cấp hiệu cấp uý, nhưng không có sao.

2. Cấp hiệu của hạ sĩ quan, binh sĩ:

a) Cấp hiệu của hạ sĩ quan, binh sĩ lục quân, không quân, phòng không, hải quân đánh bộ và bộ đội biên phòng đeo ở vai áo, nền cấp hiệu màu xám nhạt có viền theo màu của từng quân chủng và bộ đội biên phòng như quy định ở điều 2, trên cấp hiệu có cúc màu bạc, có hình sao giữa 2 bông lúa màu bạc, có vạch ngang hoặc chữ V màu đỏ để phân biệt cấp bậc:

- Binh nhì 1chữ V.

- Binh nhất 2 chữ V.

- Hạ sĩ 1 vạch ngang.

- Trung sĩ 2 vạch ngang.

- Thượng sĩ 3 vạch ngang.

b) Cấp hiệu của hạ sĩ quan, binh sĩ hải quân khi mặc quân phục kiểu áo có yếm, đeo ở bả vai, nền cấp hiệu màu tím than, có vạch màu vàng để phân biệt cấp bậc:

- Binh nhì 1vạch ngang ở một đầu cấp hiệu, giữa có hình phù hiệu hải quân.

- Binh nhất 2 vạch ngang ở hai đầu cấp hiệu, giữa có hình phù hiệu hải quân.

- Hạ sĩ 1 vạch ngang ở giữa cấp hiệu.

- Trung sĩ 2 vạch ngang cân đối ở giữa cấp hiệu.

- Thượng sĩ 3 vạch ngang cân đối ở giữa cấp hiệu.

3. Cấp hiệu của học viên:

a) Cấp hiệu của học viên đã là sĩ quan và chuẩn uý như cấp hiệu của sĩ quan và chuẩn uý đã quy định ở điểm 1, Điều 3.

b) Cấp hiệu của học viên chưa phải là sĩ quan, nền cấp hiệu theo màu của từng quân chủng và bộ đội biên phòng, có cúc màu bạc, có hình sao giữa 2 bông lúa màu bạc.

- Học viên các trường đào tạo sĩ quan sơ cấp màu vàng.

- Học viên các trường đào tạo hạ sĩ quan không có viền.

Điều 4.- Phù hiệu của Quân đội nhân dân Việt Nam.

1. Khi đeo cấp hiệu ở vai áo, có phù hiệu đeo ở ve cổ áo, trên nền phù hiệu có hình quân chủng, binh chủng, ngành nghề chuyên môn. Nền phù hiệu theo màu của từng quân chủng, bộ đội biên phòng và quân nhân chuyên nghiệp như quy định ở điều 2. Phù hiệu cấp tướng có viền vàng ở 3 cạnh.

2. Hình phù hiệu của quân chủng, binh chủng, ngành nghề chuyên môn có:

- Binh chủng hợp thành, bộ binh: hình thanh kiếm và khẩu súng đặt chéo;

- Bộ binh cơ giới: hình xe bọc thép trên thanh kiếm và khẩu súng đặt chéo;

- Đặc công: hình dao găm đặt trên một khối bộc phá dưới có mũi tên vòng;

- Xe tăng, xe bọc thép: hình xe tăng;

- Pháo binh: hình 2 khẩu pháo đặt chéo;

- Hoá học: hình tia phóng xạ trên hình nhân ben-zen.

- Công binh: hình cuốc, xẻng trên nửa bánh xe;

- Thông tin: hình sóng điện;

- Bộ đội biên phòng: hình móng ngựa trên thanh kiếm và khấu súng đặt chéo;

- Quân chủng không quân: hình sao trên đôi cánh chim;

- Bộ đội nhảy dù: hình máy bay trên dù đang mở;

- Quân chủng phòng không: hình 2 khẩu pháo đặt chéo;

- Tên lửa: hình tên lửa trên nền mây;

- Cao xạ: hình khẩu pháo cao xạ;

- Ra đa: hình ra đa trên bệ;

- Quân chủng hải quân: hình mỏ neo;

- Hải quân đánh bộ: hình mỏ neo trên thanh kiếm và khẩu súng đặt chéo;

- Ngành hậu cần, tài vụ: hình thanh kiếm và khẩu súng đặt chéo, dưới có bông lúa;

- Quân y, thú y: hình chữ thập đỏ trên hình tròn;

- Ngành kỹ thuật: hình com-pa đặt trên chiếc búa.

- Lái xe: hình tay lái trên díp xe;

- Quân pháp, kiểm soát quân sự: hình mộc trên 2 thanh kiếm đặt chéo;

- Quân nhạc: hình chiếc kèn và sáo đặt chéo;

- Thể công: hình cung tên;

- Văn công: hình ký hiệu âm nhạc và đàn nguyệt.

Điều 5.- Cấp hiệu kết hợp phù hiệu của Quân đội nhân dân Việt Nam:

a) Cấp hiệu kết hợp phù hiệu đeo ở ve cổ áo (khi không đeo cấp hiệu ở vai), có hình quân chủng, binh chủng hoặc ngành nghề chuyên môn, có sao, vạch để phân biệt cấp bậc:

- Cấp tướng viền vàng ở 3 cạnh.

- Cấp tá và cấp uý không có viền, chỉ có vạch bạc: cấp tá 2 vạch, cấp uý một vạch.

- Hạ sĩ quan có vạch chỉ vàng.

- Binh sĩ không có vạch.

b) Cấp hiệu kết hợp phù hiệu của học viên các trường đào tạo sĩ quan sơ cấp có một vạch dọc màu vàng rộng 6 ly, ở giữa có hình quân chủng binh chủng hoặc ngành nghề chuyên môn, không có sao.

c) Cấp hiệu kết hợp phù hiệu của học viên các trường đào tạo hạ sĩ quan có 1 vạch dọc màu vàng 3 ly, ở giữa có hình quân chủng, binh chủng hoặc ngành nghề chuyên môn, không có sao.

Điều 6.- Lễ phục của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam:

1. Khi dự các ngày lễ 1-5, 2-9, 22-12. Đại hội đảng toàn quốc hoặc đi dự lễ ngoại giao, ngày Quốc tang, sĩ quan cấp tướng và cấp tá mặc lễ phục mùa hè màu xám nhạt, mùa đông màu cỏ úa thẫm, theo kiểu thông nhất:

a) Cấp tướng:

- Mũ kê-pi có viền đỏ, có quai tết màu vàng, có hai cành tùng bao quanh quân hiệu.

- Áo ngoài cổ mở, một hàng cúc màu vàng có hình sao giữa hai bông lúa, hai túi dưới chìm, cổ áo viền theo màu của từng quân chủng và và bộ đội biên phòng, trên ve cổ áo có cành tùng và một ngôi sao vàng.

- Quần như quân phục thường.

- Áo sơ-mi màu trắng, dài tay, cổ đứng.

- Cra-vát đen, tất tay trắng.

- Giầy đen có tất.

b) Cấp tá: Lễ phục của cấp tá như của cấp tướng, chỉ khác:

- Mũ kê-pi không có cành tùng bao quanh quân hiệu;

- Ve cổ áo không có ngôi sao vàng, nhưng có hình quân chủng, binh chủng hoặc ngành nghề chuyên môn (đeo trực tiếp vào ve áo phía trong cành tùng).

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm quy định lễ phục của cấp uý, việc mặc lễ phục trong các ngày lễ khác và các trang phục thường dùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Điều 7.- Các quy định về quân hiệu.

Cấp hiệu, phù hiệu và lễ phục trong nghị định này áp dụng cho cả sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ, dự bị và những sĩ quan đã chuyển ra ngoài quân đội được phép mặc quân phục theo quy định của Bộ Quốc phòng.

Điều 8.- Bãi bỏ Điều lệ quy định quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và lễ phục của Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành kèm theo nghị định số 307-TTg ngày 20-6-1958 và những quy định trước đây trái với Nghị định này.

Điều 9.- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

 

Chủ tịch Hội đông Bộ Trưởng

(Đã ký)

 

Tố Hữu

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.