• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/12/2014
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 53/2014/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2014

 

THÔNG TƯ

Quy định về bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa

phương tiện giao thông cơ giới đường bộ

______________

 

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về bảo dưỡng kỹ thuật (sau đây gọi chung là bảo dưỡng) và sửa chữa phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi chung là xe cơ giới) tham gia giao thông đường bộ.

2. Thông tư này không áp dụng đối với:

a) Xe mô tô, xe gắn máy, máy kéo;

b) Xe cơ giới sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới tham gia giao thông.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bảo dưỡng là công việc dự phòng được tiến hành bắt buộc sau một chu kỳ vận hành nhất định trong khai thác theo nội dung công việc đã quy định nhằm duy trì trạng thái kỹ thuật tốt của xe cơ giới.

2. Chu kỳ bảo dưỡng là quãng đường xe chạy hoặc khoảng thời gian khai thác giữa 02 lần bảo dưỡng.

3. Sửa chữa là những hoạt động hoặc những biện pháp kỹ thuật nhằm khôi phục khả năng hoạt động bình thường của xe cơ giới bằng cách phục hồi hoặc thay thế các chi tiết, hệ thống, tổng thành đã bị hư hỏng hoặc có dấu hiệu dẫn đến hư hỏng.

Điều 4. Quy định chung về bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới

1. Xe cơ giới phải duy trì các tính năng và tình trạng kỹ thuật thông qua biện pháp bảo dưỡng bắt buộc hoặc sửa chữa theo yêu cầu.

2. Trước khi tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa phải kiểm tra xe cơ giới để đưa ra giải pháp phù hợp.

3. Xe cơ giới phải được bảo dưỡng khi hoạt động đến chu kỳ bảo dưỡng theo quy định.

4. Chu kỳ bảo dưỡng của xe phải được xây dựng phù hợp trên cơ sở yêu cầu của nhà sản xuất và đặc thù trong khai thác sử dụng (địa hình hoạt động, phân vùng lãnh thổ, khí hậu, yêu cầu kỹ thuật).

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ BẢO DƯỠNG, SỬA CHỮA XE CƠ GIỚI

Điều 5. Bảo dưỡng thường xuyên

1. Bảo dưỡng thường xuyên được thực hiện hàng ngày hoặc trước, sau và trong mỗi chuyến đi.

2. Bảo dưỡng thường xuyên phải được chủ xe hoặc lái xe thực hiện để đảm bảo tình trạng kỹ thuật của xe trước khi xuất phát.

3. Nội dung bảo dưỡng thường xuyên thực hiện theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Bảo dưỡng định kỳ

1. Bảo dưỡng định kỳ được thực hiện theo chu kỳ bảo dưỡng với các cấp bảo dưỡng khác nhau.

2. Việc bảo dưỡng định kỳ được thực hiện tại cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa theo nội dung và chu kỳ như sau:

a) Đối với xe cơ giới có quy định của nhà sản xuất: Thực hiện theo đúng quy định của nhà sản xuất;

b) Đối với xe cơ giới không có quy định của nhà sản xuất: Cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa phải xây dựng nội dung bảo dưỡng phù hợp với từng loại xe. Chu kỳ bảo dưỡng thực hiện theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Đối với các thiết bị chuyên dùng lắp trên xe, căn cứ vào đặc tính sử dụng và hướng dẫn của nhà chế tạo để xác định chu kỳ và nội dung công việc bảo dưỡng cho những hệ thống, thiết bị chuyên dùng ngoài những bộ phận của xe cơ giới được quy định tại Thông tư này.

4. Sau khi thực hiện bảo dưỡng định kỳ cho xe cơ giới, cán bộ kỹ thuật của cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa phải thực hiện nghiệm thu, kiểm tra đảm bảo chất lượng công việc.

5. Các xe cơ giới xuất xưởng sau khi bảo dưỡng định kỳ phải có biên bản giao xe, trong đó ghi rõ thời hạn và các điều kiện bảo hành chất lượng sau dịch vụ. Thời hạn bảo hành không được nhỏ hơn 02 tháng hoặc 1.500 km xe chạy tùy theo điều kiện nào đến trước, tính từ thời điểm giao xe xuất xưởng.

Điều 7. Xây dựng, quản lý quy trình bảo dưỡng định kỳ xe cơ giới

1. Các cơ sở bảo dưỡng phải căn cứ vào nội dung, chu kỳ bảo dưỡng để xây dựng quy trình bảo dưỡng phù hợp.

2. Các bước trong quy trình bảo dưỡng định kỳ phải do kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn phù hợp đảm nhận.

Điều 8. Kiểm tra xe

1. Trước và sau khi tiến hành bảo dưỡng định kỳ phải có biên bản kiểm tra xác nhận tình trạng kỹ thuật của xe.

2. Kết quả bảo dưỡng định kỳ của cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa phải được thể hiện trong Sổ bảo dưỡng, sửa chữa.

Điều 9. Sửa chữa xe cơ giới

1. Xe cơ giới bị hư hỏng, không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phải được đưa đi sửa chữa để tiếp tục tham gia giao thông.

2. Việc sửa chữa phải được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu của nhà sản xuất.

3. Sau khi hoàn thành việc sửa chữa, khắc phục hư hỏng của xe cơ giới, cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa phải kiểm tra và vận hành thử phương tiện, đảm bảo phương tiện vận hành ổn định, an toàn mới cho phép xuất xưởng để tham gia giao thông.

4. Cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa chịu trách nhiệm bảo hành nội dung sửa chữa trong thời hạn tối thiểu 02 tháng hoặc 1.500 km tùy theo điều kiện nào đến trước, tính từ thời điểm giao xe xuất xưởng.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của đơn vị vận tải, chủ xe, lái xe

1. Thực hiện kiểm tra tình trạng hoạt động các chi tiết, hệ thống, tổng thành để đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới trước khi tham gia giao thông.

2. Kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên trước và sau một chuyến đi hoặc sau mỗi ngày hoạt động để nắm chắc tình trạng kỹ thuật của xe cơ giới. Kịp thời phát hiện, khắc phục các hư hỏng, đảm bảo cho xe cơ giới hoạt động an toàn, ổn định.

3. Thực hiện đầy đủ và đúng yêu cầu các nội dung quy định tại Thông tư này.

4. Theo dõi và chấp hành việc bảo dưỡng phương tiện theo chu kỳ bảo dưỡng nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật của xe cơ giới theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khi tham gia giao thông đường bộ.

Điều 11. Trách nhiệm của các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa

1. Có đủ năng lực và trang thiết bị cần thiết để đảm bảo chất lượng công tác bảo dưỡng, sửa chữa.

2. Xây dựng, tổ chức thực hiện quy trình kỹ thuật cho bảo dưỡng, sửa chữa phù hợp với từng kiểu loại xe cơ giới.

3. Bảo đảm chất lượng bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa xe cơ giới đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

4. Sử dụng thiết bị chuyên dùng, các biện pháp kỹ thuật tiên tiến đảm bảo an toàn lao động, chất lượng trong công tác bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới.

5. Có biện pháp thu hồi, xử lý chất thải và phế liệu (dầu, mỡ, cao su...), bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.

Chương V

HIỆU LỰC THI HÀNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014 và thay thế Quyết định số 992/2003/QĐ-BGTVT ngày 09 tháng 4 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành “Quy định bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa ô tô”.

Điều 13. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh La Thăng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.