• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 24/11/1999
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 218/1999/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 9 tháng 11 năm 1999

QUYẾT ĐỊNH

Về việc thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

_______________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 09 năm 1992;

Căn cứ Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 01 tháng 09 năm 1999 về bảo hiểm tiền gửi;

Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và sự phát triển an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng.

Điều 2. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính Nhà nước, có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập, bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí, hoạt động trên phạm vi cả nước, có vốn điều lệ, có tài sản, có bảng cân đối, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại các ngân hàng trong nước và nước ngoài.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trụ sở chính tại Hà Nội và được mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại các địa bàn trong nước khi cần thiết.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hoạt động theo Điều lệ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 3. Hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam không vì mục tiêu lợi nhuận.

Chế độ tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính và ý kiến của Ngân hàng Nhà nước.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được miễn nộp các loại thuế theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Vốn hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bao gồm :

1. Vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng, do Nhà nước cấp;

2. Nguồn vốn bổ sung từ thu phí bảo hiểm tiền gửi hàng năm;

3. Các nguồn vốn khác.

Điều 5. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có các nhiệm vụ và quyền hạn sau :

1. Thu phí bảo hiểm tiền gửi của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định;

2. Chi trả các khoản tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền trong phạm vi mức bảo hiểm tối đa theo quy định;

3. Theo dõi, giám sát và kiểm tra việc chấp hành các quy định tại Nghị định của Chính phủ về bảo hiểm tiền gửi và các quy định về an toàn trong hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi;

4. Hỗ trợ cho tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi có nguy cơ mất khả năng chi trả nhưng chưa đến mức phải đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt;

5. Tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị phá sản;

6. Kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chủ trương, chính sách về bảo hiểm tiền gửi;

7. Tuyên truyền về bảo hiểm tiền gửi đối với công chúng; tổ chức tập huấn, đào tạo và tư vấn về các nghiệp vụ liên quan đến bảo hiểm tiền gửi;

8. Hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước nhằm tăng cường năng lực hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi;

9. Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Thủ tướng Chính phủ giao.

Điều 6. Cơ cấu tổ chức bộ máy, quản trị và điều hành

1. Hội đồng quản trị:

a) Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có 5 thành viên, trong đó có 3 thành viên chuyên trách là Chủ tịch, một ủy viên kiêm Tổng giám đốc, một ủy viên kiêm trưởng Ban kiểm soát; hai ủy viên kiêm nhiệm là Thứ trưởng Bộ Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các thành viên Hội đồng quản trị do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

b) Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản trị thực hiện theo Điều lệ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

2. Ban Kiểm soát có 03 thành viên chuyên trách và một số thành viên kiêm nhiệm, trong đó có một thành viên là Trưởng ban. Các thành viên Ban kiểm soát (ngoài Trưởng ban) do Chủ tịch Hội đồng quản trị bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của Trưởng Ban kiểm soát.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Kiểm soát thực hiện theo Điều lệ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

3. Tổng giám đốc là đại diện pháp nhân của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Giúp Tổng giám đốc có một số Phó Tổng giám đốc. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó Tổng giám đốc do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Giám đốc và cơ cấu tổ chức bộ máy điều hành thực hiện theo Điều lệ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Điều 7. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền

1. Giám sát hoạt động của Hội đồng quản trị bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và có thẩm quyền:

- Tham dự các cuộc họp của Hội đồng quản trị khi cần thiết;

- Nhận các loại báo cáo định kỳ và đột xuất, bao gồm cả báo cáo kiểm soát của Ban kiểm soát, nghị quyết của Hội đồng quản trị, trong trường hợp phát hiện những sai phạm trong các báo cáo, không đồng ý với nội dung Nghị quyết của Hội đồng quản trị, thì trực tiếp làm việc với Hội đồng quản trị để xem xét để thống nhất xử lý hoặc điều chỉnh lại nội dung Nghị quyết, trường hợp các sai phạm trong hoạt động và nội dung Nghị quyết của Hội đồng quản trị trái với Nghị định của Chính phủ về bảo hiểm tiền gửi và các văn bản pháp luật khác thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể khác do Thủ tướng Chính phủ giao.

Điều 8. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 9. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ trưởng cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn và thực hiện Quyết định này.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.