NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ
Về việc thành lập Cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam
______________
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị định số 74/CP ngày 1 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Công nghiệp;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Bộ trưởng Trưởng ban Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở hợp nhất Cục Địa chất Việt Nam và Cục quản lý Tài nguyên Khoáng sản.
Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam là cơ quan trực thuộc Bộ Công nghiệp, giúp Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành địa chất và khoáng sản, bao gồm: công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản về địa chất, hoạt động khoáng sản (khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản), bảo vệ tài nguyên khoáng sản; tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản và tìm kiếm phát hiện mỏ trong phạm vi cả nước.
Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu, kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp, có tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.
Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có trụ sở tại thành phố Hà Nội, có các đơn vị trực thuộc đặt tại một số khu vực.
Điều 2. Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có các nhiệm vụ và quyền hạn chủ yếu sau đây:
1. Xây dựng và tham gia xây dựng các văn bản pháp luật về quản lý, bảo vệ, điều tra cơ bản về địa chất, tài nguyên khoáng sản và hoạt động khoáng sản để Bộ trưởng Bộ Công nghiệp trình Chính phủ ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền.
2. Xây dựng và tham gia xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chính sách về công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản địa chất, hoạt động khoáng sản, phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản để Bộ trưởng Bộ Công nghiệp trình Chính phủ phê duyệt.
3. Trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành hoặc Cục ban hành theo thẩm quyền các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật về chuyên ngành địa chất và khoáng sản. Hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản cho các Sở Công nghiệp địa phương.
4. Trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp quyết định việc cấp, gia hạn, thu hồi các loại giấy phép về khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và cho phép trả lại giấy phép hoạt động khoáng sản, cho phép chuyển nhượng quyền hoạt động khoáng sản.
Trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp các khu vực cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực có khoáng sản độc hại để Bộ quyết định theo thẩm quyền sau khi có ý kiến bằng văn bản của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý khu vực đó và của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố thuộc Trung ương.
Xác nhận tính hợp pháp của mẫu vật, tài liệu về địa chất và khoáng sản, các khoáng sản được đưa ra nước ngoài và để làm luận chứng khả thi các đề án.
5. Căn cứ vào nhiệm vụ, kế hoạch được giao, Cục tổ chức, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch về nghiên cứu, điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản, địa chất môi trường, địa chất thuỷ văn, địa chất công trình, địa chất đô thị, địa chất nông thôn, địa chất tai biến, địa nhiệt và tìm kiếm phát hiện mỏ.
Tổ chức thực hiện việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác điều tra cơ bản về địa chất và hoạt động khoáng sản.
Đăng ký, theo dõi, tổng hợp tình hình hoạt động địa chất và khoáng sản trong phạm vi cả nước.
6. Thẩm định hoặc tham gia thẩm định các đề án, báo cáo điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản để trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp phê duyệt hoặc Cục trưởng phê duyệt theo uỷ quyền và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.
Tham gia thẩm định các dự án đầu tư, đề án, báo cáo thiết kế kỹ thuật trong hoạt động khoáng sản.
7. Lưu trữ, quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật toàn bộ mẫu vật, số liệu, thông tin về địa chất khoáng sản.
8. Thực hiện việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản. Đại diện cho ngành địa chất và khoáng sản Việt Nam tham gia các hoạt động quốc tế trong lĩnh vực hợp tác khoa học công nghệ về địa chất và khoáng sản.
9. Thực hiện việc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về điều tra cơ bản về địa chất và hoạt động khoáng sản.
Tham gia giải quyết hoặc giải quyết theo thẩm quyền các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong hoạt động điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản và hoạt động khoáng sản.
10. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các ngành, địa phương, cơ sở và công dân thực hiện pháp luật về địa chất và khoáng sản. Phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật và chính quyền địa phương trong việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản.
11. Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài chính, tài sản Nhà nước giao; quản lý các công trình đầu tư xây dựng cơ bản theo quy định pháp luật và phân công của Bộ.
12. Quản lý tổ chức, biên chế và tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công nhân trong ngành.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam gồm:
1. Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam do Cục trưởng lãnh đạo và một số Phó cục trưởng giúp việc Cục trưởng. Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về toàn bộ hoạt động của Cục. Các Phó cục trưởng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng về lĩnh vực được Cục trưởng phân công.
Cục trưởng, các Phó cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp bổ nhiệm.
2. Bộ máy giúp việc Cục trưởng gồm có:
a) Văn phòng và các phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp quy định cụ thể các Phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ trực thuộc Cục. b) Các đơn vị sự nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thống nhất với Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ quyết định cụ thể các đơn vị sự nghiệp trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hiện có.
3. Đối với các doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp xem xét quyết định theo quy định của Luật doanh nghiệp Nhà nước và các văn bản pháp luật khác quy định về thành lập, tách, nhập, giải thể doanh nghiệp Nhà nước.
Điều 4. Nghị định này có hiệu lực từ ngày ban hành. Bãi bỏ việc thành lập Cục quản lý tài nguyên khoáng sản và Cục Địa chất Việt Nam nói trong khoản d, mục 1, Điều 3 của Nghị định số 74/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp.
Điều 5. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.