Sign In

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - NĂNG LƯỢNG

Hướng dẫn thực hiện nộp
ngân sách và một số biện pháp cân đối tài chính
năm 1993 đối với ngành điện lực

Căn cứ vào văn bản số 1309/KTTH ngày 1-4-1993 của Văn phòng Chính phủ về phụ thu giá điện ở các tỉnh phía Nam và cân đối thu chi tài chính do ngành Điện.

Liên bộ Tài chính - Năng lượng thống nhất hướng dẫn việc thực hiện phụ thu giá điện, thu nộp ngân sách và một số biện pháp cân đối thu chi tài chính năm 1993 đối với ngành Điện lực như sau:

 

I. PHỤ THU GIÁ ĐIỆN

Từ 1-4-1993 đến hết tháng 6-1993 ngành Điện lực được phép phụ thu vào giá điện ở các tỉnh phía Nam (từ Khánh Hoà trở vào, trừ thành phố Hồ Chí Minh).

Mức phụ thu và đối tượng thu thực hiện theo thông báo của Ban Vật giá Chính phủ, công văn số 272 VGCP-TLSX ngày 12-4-1993.

 

II. CÁC KHOẢN THU NỘP NGÂN SÁCH VÀ BIỆN PHÁP
CÂN ĐỐI THU CHI TÀI CHÍNH NĂM 1993

1. Về thuế doanh thu: Tất cả các đơn vị thuộc ngành Điện đều phải nộp thuế doanh thu vào Ngân sách Nhà nước. Mức thuế suất, cách tính thuế, thủ tục nộp và địa điểm nộp thuế thực hiện theo quy định tại công văn số 294-TC/TCT ngày 11-3-1991 của Bộ Tài chính "V/v thi hành luật thuế doanh thu đối với điện và than".

những địa phương có áp dụng giá điện luỹ tiến, giá phụ thu, doanh thu tiền điện tính thuế bao gồm cả số thu tiền điện luỹ tiến, tiền phụ thu.

Riêng Sở Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh doanh thu tiền điện tính thuế không bao gồm tiền phụ thu. Tiền phụ thu của thành phố Hồ Chí Minh đựơc thực hiện theo Quyết định số 548/QĐ-UBCN ngày 15-4-1993 của UBND thành phố Hồ Chí Minh.

2. Khoản thu về thuế tài nguyên:

Các Công ty Điện lực có trách nhiệm tính đúng thuế tài nguyên theo đúng quy định tại công văn số 766 TC-TCT ngày 11-6-1991 của Bộ Tài chính "về thuế tài nguyên đối với nước dùng sản xuất thuỷ điện" và có trách nhiệm nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định hiện hành.

3. Khoản thu về sử dụng vốn NSNN:

Các công ty Điện lực phải tính đúng khoản thu sử dụng vốn NSNN trên cơ sở số vốn đã được bảo toàn theo quy định hiện hành và tỷ lệ thu quy định tại Thông tư số 13-TC/TCT ngày 23-2-1991 của Bộ Tài chính.

- Công ty điện lực I phải nộp toàn bộ khoản thu sử dụng vốn vào NSNN (bằng phương thức ghi thu sử dụng vốn NSNN của Công ty Điện lực I và ghi chi về khoản trợ giá cho Công ty Điện lực III).

- Công ty Điện lực II, III được tạm hoãn nộp thu sử dụng vốn năm 1993.

4. Xử lý lãi lỗ năm 1993:

- Công ty Điện lực I năm 1993 do có phát thuỷ điện cao nên có phát sinh lợi nhuận siêu ngạch, số lợi nhuận siêu ngạch này được xác định trong kế hoạch năm 1993 của Công ty Điện lực I. Công ty điện lực I phải nộp toàn bộ số lợi nhuận siêu ngạch này vào ngân sách Nhà nước (bằng phương thức ghi thu LNSN của Công ty Điện lực I và ghi chi về khoản trợ giá cho Công ty Điện lực II và III).

Số lợi nhuận phát sinh do phấn đấu hạ giá thành được xác định là lợi nhuận thực hiện, sau khi nộp thuế lợi tức Công ty Điện lực I được trích lập 3 quỹ theo chế độ hiện hành.

- Công ty Điện lực II, III sau khi được tạm hoãn khoản thu sử dụng vốn, giảm khấu hao cơ bản đối với Công ty Điện lực II, khoản lỗ còn lại (nếu có) do khách quan sẽ được Bộ tài chính xem xét cấp bù dưới hình thức trợ giá.

Nguồn trợ giá cho Công ty Điện lực II, III là số thu lợi nhuận siêu ngạch, thu sử dụng vốn phải nộp ngân sách của Công ty Điện lực I.

Căn cứ vào lỗ kế hoạch năm Bộ Tài chính sẽ xác định lỗ từng quý và tạm cấp trợ giá theo quý. Để có cơ sở cấp trợ giá nhanh, chính xác đề nghị các Công ty Điện lực hàng quý phải lập kế hoạch quý, báo cáo quyết toán quý gửi về Bộ Tài Chính và Bộ Năng lượng. Căn cứ vào quyết toán quý trước và kế hoạch quý Bộ Tài chính sẽ xét tạm cấp quý. Thời gian ấn định phải nộp kế hoạch quý là ngày mùng 5 của đầu quý và báo cáo quyết toán là ngày 30 của đầu quý đó.

5. Trích nộp khấu hao cơ bản:

Các đơn vị ngành điện trích khấu hao cơ bản theo đúng quy định tại Thông tư số 507-TC/ĐTXD ngày 22-7-1985 của Bộ Tài chính và Thông tư số 59-TC-CN ngày 5-12-1990 của Bộ Tài chính, nguyên giá TSCĐ là nguyên giá đã được bảo toàn vốn theo quy định hiện hành.

- Các công ty điện lực I, III phải nộp toàn bộ khấu hao cơ bản vào Ngân sách Nhà nước.

- Công ty Điện lực II được tạm tính khấu hao cơ bản năm 1993 vào giá thành bằng 50% số KHCB phải trích theo các thông tư quy định nói trên và số KHCB đó phải nộp toàn bộ vào NSNN theo quy định hiện hành.

Cuối năm căn cứ vào quyết toán của Công ty ĐL II Bộ Tài chính sẽ xem xét quyết định mức giảm chính thức cho Công ty trên cơ sở số lỗ phát sinh.

6. Trích và sử dụng khấu hao sửa chữa lớn:

Việc trích và sử dụng vốn KHSCL phải đúng mục đích và đúng qui định tại Thông tư số 33-TC/CN ngày 31-7-90 của BTC. Căn cứ vào nhu cầu SCL năm 1993 ngành điện xác định số trích KHSCL theo đúng chi phí thực tế hợp lý vào giá thành sản phẩm. Riêng Công ty Điện lực II được xử lý vốn SCL theo văn bản số 1492/KTTH ngày 9-4-93 của Văn phòng chính phủ "V/v xử lý vốn SCL cho Công ty Điện lực II" nhưng tối đa không quá 35 tỷ như Công ty đã đề nghị.

 

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Căn cứ vào những quy định trên đây đề nghị các Công ty Điện lực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Ngân sách Nhà nước.

Cuối năm 1993 căn cứ vào quyết toán của từng đơn vị. Bộ Tài chính sẽ xem xét mức miễn giảm và miễn thu chính thức cho từng Công ty. Đối với một số khoản phải ghi thu - ghi chi trợ giá phát sinh trong quý I-93 đề nghị các Công ty làm báo cáo 2 Bộ để xem xét và làm thủ tục kịp thời.

Trên cơ sở những quy định tại Thông tư này; đề nghị các cơ quan thuế địa phương kiểm tra việc thực hiện có gì vướng mắc kịp thời báo cáo 2 Bộ giải quyết.

 

Bộ Năng lượng

Bộ Tài chính

Đang cập nhật

Đang cập nhật

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Lê Liêm

Phạm Văn Trọng