Sign In

 BỘ CÔNG THƯƠNG

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số: 33 /2019/TT-BCT

Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2019

 

THÔNG TƯ

Quy định Hệ thống tiêu chí của
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam

 

Căn cứ Luật Quản lý ngoại thương ngày 12 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 28/2018/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về một số biện pháp phát triển ngoại thương;

Căn cứ Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại;

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định Hệ thống tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định Hệ thống tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, bao gồm:

1. Tiêu chí xây dựng, thẩm định, phê duyệt đề án thuộc Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam (Chương trình).

2. Tiêu chí xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các đơn vị chủ trì thực hiện đề án thuộc Chương trình, cơ quan quản lý Chương trình và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan.

 

Chương II

HỆ THỐNG TIÊU CHÍ CỦA CHƯƠNG TRÌNH
THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA VIỆT NAM

Mục 1

TIÊU CHÍ XÂY DỰNG, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THUỘC
CHƯƠNG TRÌNH THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA VIỆT NAM

Điều 3. Tiêu chí xây dựng đề án thuộc Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam

1. Đề án phải phù hợp với các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 16 Nghị định 28/2018/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về một số biện pháp phát triển ngoại thương.

2. Đề án phải đáp ứng được một trong các mục tiêu:

a) Nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của thương hiệu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư;

b) Nâng cao năng lực xây dựng, phát triển, quản trị thương hiệu cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng tiêu chí của Chương trình;

c) Quảng bá Thương hiệu quốc gia Việt Nam gắn với quảng bá thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Điều 4. Tiêu chí thẩm định đề án thuộc Chương trình

1. Các tiêu chí thẩm định đề án thuộc Chương trình bao gồm:

a) Tiêu chí 1: Sự cần thiết;

b) Tiêu chí 2: Mục tiêu;

c) Tiêu chí 3: Nội dung;

d) Tiêu chí 4: Phương án triển khai;

đ) Tiêu chí 5: Kế hoạch triển khai và tiến độ thực hiện;

e) Tiêu chí 6: Dự toán kinh phí;

g) Tiêu chí 7: Năng lực của đơn vị chủ trì;

h) Tiêu chí 8: Kết quả dự kiến, rủi ro dự kiến và biện pháp khắc phục.

2. Các tiêu chí tại khoản 1 Điều này được quy định chi tiết tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Nguyên tắc thẩm định, phê duyệt đề án 

1. Đề án được thẩm định theo phương thức chấm điểm. Thang điểm đánh giá là 100. Thang điểm đánh giá được xác định cụ thể đối với từng chỉ số đánh giá trong tiêu chí quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Đề án đủ điều kiện xét phê duyệt là đề án có tổng điểm thẩm định đạt từ 80 điểm trở lên, trong đó mỗi tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 4 có điểm đạt từ 60% trở lên.

3. Trên cơ sở dự toán chi ngân sách cho Chương trình được Bộ Tài chính thông báo hàng năm, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định phê duyệt đề án theo nguyên tắc tổng kinh phí thực hiện các đề án không vượt quá tổng dự toán được giao.

 

Mục 2

TIÊU CHÍ ĐĂNG KÝ, XÉT CHỌN SẢN PHẨM ĐẠT
THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA VIỆT NAM

Điều 6. Tiêu chí đăng ký xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam

1. Tiêu chí đối với sản phẩm đăng ký xét chọn

a) Là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam theo quy định của pháp luật;

b) Sản phẩm, hàng hóa được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

2. Tiêu chí đối với doanh nghiệp có sản phẩm đăng ký xét chọn

a)  Là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam;

b) Là chủ sở hữu văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ của sản phẩm đăng ký xét chọn;

c) Có thời gian hoạt động tối thiểu từ 02 năm liên tiếp trước năm xét chọn;

d) Tuân thủ các quy định của pháp luật về hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh, bảo vệ môi trường, lao động, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ về tài chính, thuế và các nghĩa vụ khác đối với ngân sách nhà nước.

Điều 7. Tiêu chí xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam

1. Các tiêu chí xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam bao gồm:

a) Tiêu chí 1: Chất lượng;

b) Tiêu chí 2: Đổi mới sáng tạo;

c) Tiêu chí 3: Năng lực tiên phong.

2. Các tiêu chí tại khoản 1 Điều này được quy định chi tiết tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 8. Nguyên tắc xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam

1. Việc xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được thực hiện theo phương thức chấm điểm. Thang điểm đánh giá là 1.000. Thang điểm đánh giá được xác định cụ thể đối với từng chỉ số đánh giá trong tiêu chí quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Tổng điểm quy định để một sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam là từ 650 điểm trở lên và điểm mỗi tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 7 đạt từ 60% trở lên.

 

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Công Thương

1. Cục Xúc tiến thương mại là đầu mối chủ trì quản lý, thực hiện Chương trình có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn xây dựng các đề án, tiếp nhận, thẩm định, trình Bộ trưởng phê duyệt;

b) Tổng hợp, xây dựng dự toán kinh phí quản lý, thực hiện Chương trình và tổng hợp chung trong dự toán của Bộ Công Thương, trình cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật ngân sách;

c) Quản lý, sử dụng nguồn kinh phí của Chương trình theo chế độ tài chính hiện hành;

d) Ký hợp đồng thực hiện các đề án thuộc chương trình với các đơn vị chủ trì và thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ theo Hợp đồng đã ký; trực tiếp thực hiện các đề án thuộc chương trình do Cục Xúc tiến thương mại chủ trì; Nội dung hợp đồng ký với các đơn vị chủ trì thực hiện theo qui định tại Điều 12 của Nghị định số 28/2018/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về một số biện pháp phát triển ngoại thương;

đ) Tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính về  xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam theo qui định tại Điều 8 Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg TTg ngày 08 tháng 10 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam;

e) Trước ngày 20 tháng 12 hàng năm tổng hợp, đánh giá, báo cáo Bộ Công Thương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Chương trình;

g) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các đề án thuộc Chương trình, việc tuân thủ các quy định của Chương trình đối với các doanh nghiệp tham gia Chương trình;

h) Tổ chức hướng dẫn, triển khai và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại thực hiện tổng hợp dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí thực hiện Chương trình theo quy định.

3. Tổng cục Quản lý thị trường có trách nhiệm phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Thông tư này theo quy định tại Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

4. Các đơn vị khác thuộc Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và các đơn vị chủ trì đề án triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình.

Điều 10. Trách nhiệm của đơn vị chủ trì đề án, các doanh nghiệp tham gia xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam

1. Đơn vị chủ trì đề án chịu trách nhiệm tổng hợp nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để đề xuất, xây dựng và phối hợp thực hiện các đề án theo các tiêu chí tại Thông tư này và các quy định tại Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

2. Các doanh nghiệp tham gia xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam chịu trách nhiệm thực hiện các quy định của Thông tư này và Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 08  tháng 01 năm 2019.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Công Thương để nghiên cứu, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:

  • Ban Bí thư Trung ương Đảng;
  • Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
  • Các Ban của Đảng;
  • Các Văn phòng: TW, TBT, CTN, CP, QH;
  • Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
  • Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
  • HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
  • Tòa án nhân dân tối cao;
  • Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
  • Kiểm toán Nhà nước;
  • Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
  • Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
  • Công báo;
  • Các Cổng TTĐT Chính phủ, Bộ Công Thương;
  • Bộ Công Thương: BT, các TT, các đơn vị thuộc Bộ;
  • Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
  • Lưu: VT, XTTM (10).

BỘ TRƯỞNG

 

 

 

 

 

 

Trần Tuấn Anh

 

Bộ công thương

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Tuấn Anh