Sign In

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước

thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng

tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 – 2015

_________________

 

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia;

Thực hiện Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012-2015;

Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước (NSNN) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012-2015 như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012-2015 (sau đây gọi tắt là Chương trình).

2. Đối tượng áp dụng

a) Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình;

b) Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình

1. Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình được huy động từ các nguồn: kinh phí ngân sách Nhà nước (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương), nguồn kinh phí tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, nguồn kinh phí đóng góp từ các doanh nghiệp và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác theo quy định.

2. Ngân sách Trung ương đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình do các Bộ, ngành Trung ương quản lý.

3. Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình do địa phương quản lý.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí

1. Việc quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phải theo đúng mục đích, đúng chế độ, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi khi triển khai; chịu sự kiểm tra, kiểm soát và giám sát đánh giá của cơ quan chức năng có thẩm quyền; quyết toán kinh phí đã sử dụng hàng năm và kết thúc nhiệm vụ, dự án theo quy định hiện hành.

2. Việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí phải phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

3. Các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân (UBND) các cấp khi quyết định đầu tư xây dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo cơ sở vật chất sử dụng nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước bố trí từ các Chương trình khác có nội dung sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì không hỗ trợ đầu tư các dự án nêu trên bằng kinh phí thuộc Chương trình.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Nội dung chi thực hiện các nhiệm vụ, dự án của Chương trình

1. Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp:

a) Tăng cường giáo dục, tuyên truyền phổ biến thông tin, vận động cộng đồng, nâng cao nhận thức, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường:

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong nhân dân;

- Đưa chương trình giáo dục về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào hệ thống giáo dục quốc gia;

- Xây dựng mô hình thí điểm các dạng năng lượng thay thế có quy mô lớn và mô hình gia đình tiết kiệm năng lượng.

b) Phát triển, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp:

- Xây dựng các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng và thực hiện Chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc;

- Hỗ trợ kỹ thuật đối với các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, bán lẻ sản phẩm hiệu suất năng lượng cao và các phòng thử nghiệm hiệu suất năng lượng trong nước;

- Hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật, cải thiện hiệu suất nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

- Xây dựng tiêu chuẩn và mô hình quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng.

c) Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà:

- Tăng cường áp dụng Quy chuẩn tiết kiệm năng lượng trong quá trình xây dựng mới và cải tạo lại đối với tòa nhà có quy mô lớn;

- Triển khai áp dụng các giải pháp, công nghệ, thiết bị, vật liệu tiết kiệm năng lượng;

- Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chiếu sáng công cộng.

d) Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong ngành giao thông vận tải:

- Tiết kiệm năng lượng trong quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải;

- Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong tổ chức, khai thác hệ thống giao thông vận tải;

- Ứng dụng công nghệ mới, năng lượng tái tạo trong giao thông vận tải.

2. Chi từ nguồn kinh phí đầu tư phát triển:

a) Đầu tư xây dựng hai Trung tâm đào tạo về quản lý năng lượng cấp quốc gia tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2012-2015;

b) Hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp các phòng thí nghiệm hiệu suất năng lượng trong nước;

c) Hỗ trợ cơ sở sản xuất đầu tư chuyển đổi dây chuyền, công nghệ, áp dụng các sản phẩm sử dụng năng lượng hoặc đầu tư vào dây chuyền sản xuất ra thiết bị tiết kiệm năng lượng đáp ứng các tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng;

d) Hỗ trợ cải thiện hiệu suất của dây chuyền sản xuất: Hỗ trợ đầu tư thay thế, cải thiện hiệu suất đối với các thiết bị cũ nhằm thực hiện kế hoạch sử dụng tiết kiệm năng lượng; cải thiện hiệu suất đối với các thiết bị mới, hỗ trợ trong việc xác định thông số vận hành tối ưu đối với dây chuyền sản xuất có lắp đặt các thiết bị mới;

đ) Hỗ trợ đầu tư xây dựng các dự án thí điểm thay thế, ứng dụng, lắp đặt thiết bị, công nghệ mới, thiết bị có hiệu suất năng lượng thấp bằng thiết bị có hiệu suất cao trong tòa nhà mới và hiện hữu;

e) Hỗ trợ cho doanh nghiệp để đầu tư các dự án tiết kiệm năng lượng thực hiện theo Hiệp định.

3. Nguồn kinh phí tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn kinh phí của các doanh nghiệp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác được huy động để thực hiện Chương trình phải tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 5. Một số mức chi cụ thể theo nguồn kinh phí sự nghiệp

1. Một số mức chi chung:

Mức chi cho một số hoạt động của Chương trình thực hiện theo các quy định hiện hành, cụ thể như sau:

a) Hội nghị, hội thảo, tập huấn, đi công tác trong nước, tăng cường giáo dục, tuyên truyền phổ biến thông tin, vận động cộng đồng, nâng cao nhận thức, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 7 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Chi đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài thực hiện theo quy định tại Thông tư số 102/2012/TT- BTC ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức Nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí;

b) Biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo theo yêu cầu của Chương trình thực hiện theo theo quy định tại Thông tư số 123/2009/TT-BTC ngày 17 tháng 6 năm 2009 của Bộ Tài chính quy định nội dung chi, mức chi xây dựng chương trình khung và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học đối với các ngành đào tạo Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp;

c) Tổ chức các cuộc thi về tiết kiệm năng lượng thực hiện theo quy định tại Thông tư số 101/2009/TT-BTC ngày 20 tháng 5 năm 2009 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm thực hiện các dự án, chương trình thuộc đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015”; các cuộc thi tòa nhà hiệu quả năng lượng quốc gia, các cuộc thi thiết kế, ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà thực hiện theo quy định tại Thông tư số 52/2007/TT-BTC ngày 21 tháng 5 năm 2007 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chế độ tài chính cho hoạt động hội thi sáng tạo kỹ thuật;

d) Chi đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;

đ) Chi điều tra khảo sát thực hiện theo quy định tại Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê;

e) Chi tạo lập thông tin điện tử thực hiện theo quy định tại Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử;

g) Chi xây dựng các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng, quy chuẩn, tiêu chuẩn về chiếu sáng công cộng hiệu suất cao, chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, chi xây dựng định mức sử dụng năng lượng trong một số loại hình sản xuất và tòa nhà thực hiện theo quy định tại Thông tư số 145/2009/TTLT-BTC-BKHCN ngày 17 tháng 7 năm 2009 của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học Công nghệ hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật;

h) Đối với dự án/chương trình sử dụng nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA): thực hiện theo mức chi quy định tại Thông tư số 219/2009/TT- BTC ngày 19 tháng 11 năm 2009 của Bộ Tài chính và Thông tư số 192/2011/TT-BTC ngày 26 tháng 12 năm 2011 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2009/TT-BTC quy định một số định mức chi tiêu áp dụng cho các dự án/chương trình sử dụng nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

2. Một số mức chi đặc thù

a) Chi xây dựng mô hình:

- Đối với mô hình sử dụng tiết kiệm năng lượng trong mỗi hộ gia đình, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% chi phí vật tư, thiết bị nhưng tối đa không quá 1.000.000 đồng/mô hình (mô hình bình đun nước bằng năng lượng mặt trời hoặc hầm biogas);

- Riêng đối với hộ nghèo, thực hiện theo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015, mức ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa bằng hai lần so với qui định đối với mô hình sử dụng tiết kiệm năng lượng trong mỗi gia đình nêu trên;

- Đối với mô hình về quản lý năng lượng trong các tòa nhà, doanh nghiệp, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí tư vấn và triển khai áp dụng mô hình nhưng tối đa không quá 70 triệu đồng/mô hình.

b) Chi thực hiện kiểm toán năng lượng các tòa nhà, doanh nghiệp, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí kiểm toán nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng cho một doanh nghiệp, theo mức cụ thể như sau:

- Tòa nhà, doanh nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng đến 1 triệu kWh/năm hoặc tương đương đến 160 tấn dầu quy đổi (TOE)/năm: mức hỗ trợ không quá 30 triệu đồng/doanh nghiệp;

- Tòa nhà, doanh nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng từ 1 đến dưới 2 triệu kWh/năm hoặc tương đương từ 160 đến dưới 320 TOE/năm: mức hỗ trợ không quá 50 triệu đồng/doanh nghiệp;

- Tòa nhà, doanh nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng từ 2 đến dưới 3 triệu kWh/năm hoặc tương đương từ 320 đến dưới 500 TOE/năm: mức hỗ trợ không quá 75 triệu đồng/doanh nghiệp;

- Doanh nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng từ 3 đến 6 triệu kWh/năm hoặc tương đương từ 500 đến 1000 TOE/năm: mức hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/doanh nghiệp.

c) Chi hỗ trợ kỹ thuật đối với các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, bán lẻ sản phẩm hiệu suất năng lượng cao và các Tổ chức thử nghiệm hiệu suất năng lượng trong nước trong việc triển khai chương trình dán nhãn năng lượng thông qua tổ chức hội thảo chuyên đề, hoạt động triển lãm, xây dựng gian hàng trưng bày sản phẩm dán nhãn năng lượng; đánh giá, chứng nhận, đào tạo nâng cao năng lực: ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi phí thực hiện, triển khai chương trình dán nhãn năng lượng tối đa không quá 100 triệu đồng/doanh nghiệp có từ 3 loại sản phẩm áp dụng dán nhãn trong một năm;

d) Đối với mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bằng bình đun nước nóng năng lượng mặt trời mô hình công nghiệp (có hệ thống điều khiển tự động và công suất tối thiểu là 5.000 lít/ngày), ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% chi phí vật tư, thiết bị nhưng không quá 100 triệu đồng/mô hình;

đ) Chi thực hiện kiểm toán năng lượng cho nhà máy nhiệt điện, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 20% chi phí kiểm toán nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/nhà máy.

Điều 6. Mức hỗ trợ kinh phí đầu tư thực hiện Dự án

1. Đối với hai Trung tâm đào tạo về quản lý năng lượng quốc gia quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 4 Thông tư này, mức hỗ trợ tối đa không quá 15 tỷ đồng cho một Trung tâm.

2. Đối với các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp các phòng thí nghiệm hiệu suất năng lượng trong nước quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 4 Thông tư này, mức hỗ trợ tối đa không quá 30% tổng mức đầu tư và không vượt quá 10 tỷ đồng/dự án.

3. Đối với các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng quy định tại các điểm c, d, khoản 2, Điều 4 Thông tư này, mức hỗ trợ tối đa không quá 30% tổng mức đầu tư của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và không vượt quá 7 tỷ đồng/dự án.

4. Đối với các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 4 Thông tư này, mức hỗ trợ tối đa không quá 30% tổng mức đầu tư của dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và không vượt quá 5 tỷ đồng/dự án.

5. Đối với các dự án tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dự án xây dựng thí điểm mô hình tiết kiệm năng lượng, dự án thí điểm phổ biến phương tiện, thiết bị hiệu suất cao: mức hỗ trợ từ vốn tài trợ nước ngoài không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và không vượt quá 3 tỷ đồng.

6. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, cơ quan chủ trì dự án của Chương trình phê duyệt mức hỗ trợ phù hợp với tính chất, quy mô đầu tư của từng dự án nhưng không vượt quá các mức trên đây.

Điều 7. Điều kiện để được hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình

Các tổ chức, cá nhân thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, dự án được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm phải đảm bảo các điều kiện sau:

1. Nội dung chương trình, nhiệm vụ, dự án phù hợp với nội dung hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Chương trình, nhiệm vụ, dự án được tuyển chọn theo Quy chế tuyển chọn chương trình nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện hành.

3. Có cam kết bố trí đủ kinh phí theo tiến độ thực hiện dự án đối với phần kinh phí thuộc trách nhiệm bố trí của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thực hiện chương trình, nhiệm vụ, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp, phải có quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước của cơ quan có thẩm quyền.

5. Nhiệm vụ, dự án chưa được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khác của Nhà nước.

Điều 8. Lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình

1. Căn cứ vào các nhiệm vụ, dự án quy định tại Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chủ trì giao nhiệm vụ cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình;

2. Các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng nhiệm vụ, dự án theo quy định và đề xuất nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ, dự án; có thuyết minh chi tiết cơ sở tính toán và phân kỳ nguồn kinh phí để triển khai theo từng năm. Tùy theo tính chất của từng nhiệm vụ, dự án, việc lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, dự án được thực hiện như sau:

a) Đối với dự án bố trí từ nguồn kinh phí đầu tư phát triển: việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng;

b) Đối với nhiệm vụ, dự án bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp: căn cứ mục tiêu, nội dung và tính chất của từng nhiệm vụ, dự án, các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ, dự án căn cứ khối lượng công việc cụ thể và chế độ tài chính hiện hành, lập đề cương, dự toán của các nhiệm vụ, dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 9. Lập, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí Chương trình

Việc lập dự toán, phân bổ, quản lý và thanh quyết toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình, thực hiện theo quy định tại Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Thông tư liên tịch này hướng dẫn cụ thể thêm một số nội dung sau:

1. Lập dự toán hàng năm:

a) Hàng năm trên cơ sở các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan quản lý, thực hiện Chương trình tiến hành đánh giá tình hình thực hiện Chương trình của năm trước đó; căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, nội dung và tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, dự án, các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình có trách nhiệm lập dự toán kinh phí báo cáo Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương xem xét, tổng hợp vào dự toán Chương trình gửi Bộ Công Thương để tổng hợp;

b) Bộ Công Thương lập dự toán kinh phí đối với các dự án, đề án, nhiệm vụ do Bộ thực hiện; tổng hợp, rà soát kinh phí thực hiện các dự án, đề án, nhiệm vụ của các Bộ, ngành, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại thời điểm lập dự toán ngân sách hàng năm;

c) Căn cứ tổng mức kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được cấp có thẩm quyền thông báo, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến phân bổ kinh phí của Chương trình (chi tiết theo từng dự án; nguồn vốn trong nước - ngoài nước, kinh phí sự nghiệp - vốn đầu tư) cho các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ đã được phê duyệt; gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Chính phủ, Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

2. Chấp hành dự toán:

a) Căn cứ kế hoạch và dự toán ngân sách Nhà nước được cấp có thẩm quyền giao, các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc theo mã số của Chương trình. Mã số này được sử dụng trong khâu chấp hành dự toán, kế toán và quyết toán ngân sách Nhà nước;

b) Các cơ quan quản lý thực hiện Chương trình chịu trách nhiệm lập, thẩm định, phê duyệt nội dung chi tiết của từng dự án, nhiệm vụ trong danh mục các dự án được giao thuộc Chương trình;

c) Mức tạm ứng cho các đề án, nhiệm vụ Chương trình sau khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc sau khi ký hợp đồng thực hiện tối đa không quá 70% kinh phí theo tiến độ thực hiện của các đề án, nhiệm vụ được Chương trình hỗ trợ.

3. Quyết toán kinh phí:

a) Hàng năm, các tổ chức, cá nhân được phân bổ và giao dự toán kinh phí thực hiện Chương trình có trách nhiệm quyết toán việc sử dụng nguồn kinh phí của Chương trình theo đúng chế độ quy định;

b) Hàng năm thực hiện chế độ kiểm toán đối với việc sử dụng các nguồn kinh phí của Chương trình.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Công Thương:

a) Rà soát, tổng hợp kế hoạch và nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hàng năm trên cơ sở đề nghị của các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định; chủ trì cung cấp cho các nhà tài trợ kế hoạch ngân sách năm và kế hoạch hoạt động của Chương trình theo Hiệp định đã ký (nếu có);

b) Chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các nhà tài trợ nước ngoài đánh giá tình hình thực hiện Chương trình; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc triển khai thực hiện Chương trình và cung cấp các báo cáo về việc thực hiện Chương trình cho các Nhà tài trợ theo Hiệp định đã ký (nếu có);

c) Chủ trì xây dựng và phê duyệt các nhiệm vụ, dự án được giao theo Danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ (mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung và dự toán kinh phí, phân kỳ vốn thực hiện từng năm). Tổ chức chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, dự án của Chương trình; phối hợp lồng ghép với các chương trình, dự án khác để thực hiện có hiệu quả;

d) Chủ trì xây dựng, phổ biến, hướng dẫn hệ thống chỉ tiêu theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, đánh giá tác động của Chương trình;

đ) Định kỳ (6 tháng và hàng năm) tổng hợp Báo cáo tình hình thực hiện Chương trình gửi Ban Chỉ đạo Chương trình, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; Nhà tài trợ (đối với vốn ODA và vốn viện trợ, tài trợ). Báo cáo 6 tháng gửi trước ngày 15 tháng 8, báo cáo năm gửi trước ngày 30 tháng 4 năm sau;

e) Chủ trì việc lựa chọn đơn vị thực hiện Chương trình lập báo cáo đánh giá tác động của Chương trình;

g) Tổng hợp, lập báo cáo kết thúc Chương trình gửi Ban Chỉ đạo Chương trình.

2. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Chịu trách nhiệm phê duyệt các nhiệm vụ, dự án được giao theo danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ (mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung và dự toán kinh phí, phân kỳ vốn thực hiện từng năm);

b) Tổ chức chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, dự án của Chương trình đã được giao theo hướng dẫn của Bộ Công Thương và theo kế hoạch được duyệt. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả, không thất thoát và quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành;

c) Thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án khác để thực hiện Chương trình có hiệu quả;

d) Huy động sự đóng góp từ các thành phần kinh tế tư nhân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho Chương trình theo quy định của pháp luật;

đ) Phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện báo cáo cho các Nhà tài trợ theo Hiệp định đã ký (nếu có).

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính căn cứ vào nhiệm vụ, dự án của Chương trình, trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, địa phương, cân đối, bố trí vốn kế hoạch hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước để thực hiện Chương trình; thông báo cho Bộ Công Thương biết để theo dõi, tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình.

4. Các đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ, dự án có trách nhiệm định kỳ (6 tháng và hàng năm) báo cáo tình hình thực hiện cho Bộ, ngành (đối với nhiệm vụ, dự án do Bộ, ngành chủ trì), báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với nhiệm vụ, dự án do địa phương chủ trì). Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổng hợp và gửi báo cáo tới Ban Chỉ đạo Chương trình (thông qua Văn phòng Chương trình đặt tại Bộ Công Thương), Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo 6 tháng gửi trước ngày 20 tháng 7, báo cáo năm gửi trước ngày 31 tháng 3 năm sau.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 12 tháng 01 năm 2015.

2. Thông tư liên tịch này thay thế Thông tư liên tịch số 142/2007/TTLT- BTC-BCT ngày 30 tháng 11 năm 2007 của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương về việc hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, xử lý./.

Bộ công thương

Bộ Tài chính

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Thứ trưởng

Thứ trưởng

Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Cao Quốc Hưng

Trương Chí Trung

Nguyễn Văn Hiếu