THÔNG TƯ
Liên bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp - Tài chính - Lao động số 2/TT-LB ngày 8-2-1980 về chế độ, chính sách đối với giáo viên, cán bộ khoa học kỹ thuật, kinh tế tham gia giảng dạy tại các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp tại chức
Ngày 15/3/1963, Bộ Giáo dục đã có thông tư số 13-TT quy định chế độ công tác và chế độ phụ cấp cho giảng viên các trường, lớp tại chức (học buổi tối, học bằng thư) đại học, trung cấp.
Ngày 10/3/1968, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 49 -TTg/VG về việc tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, kinh tế bằng hình thức học tại chức. Chỉ thị đã nhấn mạnh: "Các cơ quan, xí nghiệp cần huy động những cán bộ khoa học, kỹ thuật, kinh tế có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và có khả năng giảng dạy để làm giáo viên kiêm chức cho các trường, lớp đào tạo tại chức".
Tuy nhiên đến nay vẫn còn rất ít cán bộ tham gia công tác này. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có sự quan tâm đầy đủ và tạo điều kiện của các cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ và thiếu chế độ khuyến khích thoả đáng để động viên, tổ chức lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật, kinh tế sẵn có ở các ngành và địa phương tham gia giảng dạy kiêm chức cho hệ tại chức.
Để khắc phục tình trạng trên, liên Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp - Lao động - Tài chính hướng dẫn một số điểm như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Những cán bộ giảng dạy trong các trường đại học và trung học chuyên nghiệp (gọi là giáo viên chuyên nghiệp), ngoài trách nhiệm đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị giao cho mình, còn có nghĩa vụ tham gia dạy cho các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp tại chức được thành lập, theo quy định của Nhà nước và có đăng ký với Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp.
Những cán bộ khoa học kỹ thuật, kinh tế khác, thì các cơ quan, xí nghiệp có trách nhiệm thi hành đúng chỉ thị số 49-TTg/VG của Thủ tướng Chính phủ là huy động, động viên, tạo điều kiện cho những người có kinh nghiệm thực tiễn, có khả năng giảng dạy làm giáo viên kiêm chức cho các trường, lớp đào tạo bồi dưỡng tại chức.
Việc tham gia có thể gồm một hay nhiều khâu công tác như giảng lý thuyết (gồm cả soạn, giảng, chấm bài), hướng dẫn thực hành, thực tập, thí nghiệm về một môn học, hoặc hướng dẫn luận văn thiết kế tốt nghiệp.
2. Cán bộ khoa học, kỹ thuật, kinh tế được mới dạy cho hệ đào tạo bồi dưỡng tại chức cần có các điều kiện sau:
a. Có đạo đức, tư cách tốt, có khả năng đảm bảo chất lượng giảng dạy;
b. Được thủ trưởng đơn vị đồng ý, trước khi nhận giảng dạy cho các trường, lớp tại chức;
c. Trước khi giảng dạy, nói chung, nếu chưa phải là giáo viên chuyên nghiệp thì phải qua bồi dưỡng về chuyên môn, sư phạm và được xác nhận chính thức về khả năng giảng dạy ở một trường đại học hoặc trung học chuyên nghiệp, theo quy định của Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp.
Các ngành, các cấp cần động viên và tạo điều kiện cho những cán bộ, giáo viên của đơn vị mình tham gia dạy tại chức (đại học, trung học, bồi dưỡng) đảm bảo yêu cầu và đạt kết quả tốt.
II. CHẾ ĐỘ GIẢNG DẠY VÀ ĐÃI NGỘ
1. Chế độ giảng dạy:
a. Giáo viên chuyên nghiệp được mới tham gia giảng dạy cho hệ đào tạo, bồi dưỡng tại chức trong một năm học, nói chung, không dạy vượt quá một nửa (1/2) số giờ tiêu chuẩn quy định hàng năm hiện hành cho mỗi giáo viên giảng dạy đại học và không vượt quá một phần ba (1/3) số giờ tiêu chuẩn quy định hàng năm hiện hành cho mỗi giáo viên giảng dạy trung học chuyên nghiệp.
Đối với giáo viên kiêm chức, số giờ dạy trong năm học cũng chỉ tương đương với số giờ mời giảng của giáo viên chuyên nghiệp quy định ở trên.
Mỗi ngày nhiều nhất không giảng quá 5 tiết, mỗi tuần nhiều nhất không giảng quá 20 tiết. Trường hợp đặc biệt phải mời giáo viên ở địa phương xa về giảng và phải giảng tập trung dứt điểm, cho từ hai lớp trở lên, thì mỗi tuần nhiều nhất cũng không giảng quá 30 tiết.
Số giờ hướng dẫn thực hành, thí nghiệm trong một ngày hay một tuần, do thủ trưởng đơn vị có trường, lớp đại học, trung học chuyên nghiệp tại chức căn cứ vào tình hình thực tế mà sắp xếp quy định cho hợp lý.
Việc sắp xếp thời gian và nhận khối lượng giảng dạy phải nhằm động viên khả năng, sức lực của giáo viên, cán bộ một cách hợp lý, đảm bảo cho mỗi giáo viên, cán bộ vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chính của đơn vị mình, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ mời giảng.
b. Mỗi năm, không kể thời gian đi, về nói chung, giáo viên kiêm chức được sử dụng 2 tuần trong giờ chính quyền (đối với hệ đại học) và một tuần trong giờ chính quyền (đối với hệ trung học) để đi bồi dưỡng chuyên môn và sư phạm. Trường hợp dạy dài hạn từ 2 năm trở lên thì trong năm học đầu tiên, trước khi giảng dạy, được sử dụng 4 tuần trong giờ chính quyền (đối với hệ đại học) và 2 tuần (đối với hệ trung học) để đi bồi dưỡng chuyên môn và sư phạm.
Trong thời gian giảng dạy, mỗi tuần lễ giáo viên kiêm chức còn được sử dụng 4 giờ (một buổi) chính quyền để làm nhiệm vụ giảng dạy, thời gian còn lại lấy ngoài giờ chính quyền. Trường hợp cần thiết, nếu được thủ trưởng đơn vị quản lý cán bộ đồng ý, có thể bố trí thêm một số giờ nhất định trong giờ chính quyền để làm nhiệm vụ giảng dạy, nhưng tối đa không vượt quá 12 giờ một tuần.
2. Chế độ đãi ngộ:
a. Giáo viên chuyên nghiệp, giáo viên kiêm chức được mời giảng dạy cho các trường, lớp đại học, trung học chuyên nghiệp, bồi dưỡng tại chức được hưởng chế độ sau:
Giáo viên chuyên nghiệp được mời giảng dạy cho hệ tại chức nhất thiết phải đảm bảo thực hiện đầy đủ khối lượng công tác cả năm tại trường mình và được hưởng 100% mức phụ cấp dạy thêm giờ do trường, lớp mời giảng thanh toán trực tiếp cho giáo viên. Trường hợp đặc biệt, trong năm học đó chưa hoàn thành đủ khối lượng công tác quy định, thì trường quản lý cán bộ phải bố trí cho giáo viên làm các công tác khác, hoặc phải hoàn thành khối lượng công tác còn thiếu trong năm học tiếp.
b. Giáo viên kiêm chức được mời giảng cho các trường, lớp đại học, trung học chuyên nghiệp, bồi dưỡng tại chức được hưởng 100% mức phụ cấp dạy thêm giờ do trường, lớp mời dạy trực tiếp thanh toán cho giáo viên.
c. Giáo viên kiêm chức được biệt phái dạy cho hệ tại chức một thời gian, nếu dạy được ba phần tư (3/4) số giờ tiêu chuẩn trong một năm học, quy định cho giáo viên chuyên nghiệp cùng loại, cùng ngành nghề, cùng cấp học, thì giáo viên kiêm chức đó sẽ được hưởng chế độ nghỉ tết, nghỉ hè như giáo viên chuyên nghiệp. Nếu dạy vượt quá ba phần tư (3/4) số giờ tiêu chuẩn quy định ở trên, thì số giờ dạy vượt sẽ được trả thù lao bằng 100% mức phụ cấp dạy thêm giờ.
Giáo viên chuyên nghiệp biệt phái, nếu dạy vượt quá số giờ tiêu chuẩn quy định trong năm học, thì số giờ dạy vượt cũng được trả thù lao bằng 100% mức phụ cấp dạy thêm giờ.
Số giờ dạy vượt được tính và trả phụ cấp sau từng học kỳ. Trong suốt thời gian biệt phái, lương và phụ cấp lương của cán bộ, giáo viên biệt phái do trường, lớp mời giảng trả trực tiếp cho giáo viên.
d. Giáo viên kiêm chức, giáo viên chuyên nghiệp được biệt phái hoặc mời dạy cho trường, lớp tại chức, do có thay đổi đối tượng, điều kiện giảng dạy, hoàn cảnh sinh hoạt, nên có khó khăn hơn khi ở đơn vị của mình. Để trả bồi dưỡng tương đối hợp lý, cho phép dùng hệ số quy đổi khối lượng công tác để tính trả bồi dưỡng, cụ thể là 1 giờ giảng được tính bằng 1,1 giờ lý thuyết. Riêng trường hợp giáo viên công tác ở phía Bắc được mời tới giảng dạy tại các trường lớp tại chức ở phí Nam hoặc ngược lại, thì 1 giờ giảng được tính bằng 1,2 giờ lý thuyết để khuyến khích.
e. Mức phụ cấp dạy giờ được quy định như sau:
- Đối với hệ đại học:
Cán bộ giảng dạy có bậc lương chính từ 85 đồng trở xuống, phụ cấp 1,20 đồng/1 giờ.
Cán bộ giảng dạy có bậc lương từ 100 đến 115 đồng, phụ cấp 1,60 đ/1 giờ.
Cán bộ giảng dạy có bậc lương từ 130 đến 160 đồng, phụ cấp 2đ/1 giờ (chỉ kể lương chính, không kể phụ cấp khu vực).
Cán bộ không hưởng theo thang lương cán bộ giảng dạy, nếu bậc lương ở giữa hai khung lương nói trên, thì hưởng giá biểu phụ cấp của khung lương liền trên.
- Đối với hệ trung học:
Cán bộ (không phân biệt mức lương) dạy các môn chuyên môn, cơ sở, phụ cấp 1,20đ/1 giờ. Cán bộ dạy các môn khác, phục cấp 1đ/1 giờ.
- Đối với hệ bồi dưỡng:
Chế độ phụ cấp dạy thêm giờ này cũng được áp dụng cho giáo viên dạy các lớp bồi dưỡng tại chức có yêu cầu kiến thức đại học hay trung học chuyên nghiệp, được Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp xác nhận. Mức trả phụ cấp dạy thêm giờ cho giáo viên dạy các lớp bồi dưỡng được tính ngang với mức trả cho cho giáo viên dạy các lớp đào tạo tại chức ở cùng ngành nghề và cùng cấp học.
g. Những ngày đi giảng dạy và bồi dưỡng sư phạm giáo viên, cán bộ được mời dạy cho các trường, lớp tại chức vẫn được hưởng nguyên lương và phụ cấp lương thường xuyên (nếu có) và do đơn vị quản lý cán bộ trả thường lệ.
Riêng đối với giáo viên kiêm chức là người thuộc đơn vị kinh doanh, sản xuất và có hạch toán kinh tế, thì trường lớp mới giảng phải thanh toán cho đơn vị quản lý cán bộ (giáo viên kiêm chức) số tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) của những ngày giáo viên kiêm chức sử dụng giờ chính quyền để đi giảng dạy và bồi dưỡng chuyên môn, sư phạm, nếu đơn vị đó có yêu cầu.
h. Trong thời gian tham gia giảng dạy, mỗi cán bộ giáo viên được trường, lớp mời giảng cung cấp một nửa (1/2) định suất văn phòng phẩm (giấy, bút, mực) quy định cho giáo viên đại học, trung học chuyên nghiệp để làm việc.
k. Thời gian cán bộ, giáo viên được mời đi dạy cho các trường, lớp tại chức trong năm học được coi là thời gian làm công tác liên tục tại cơ quan đó và được hưởng mọi chính sách, chế độ như những người làm công tác liên tục tại cơ quan đó.
3. Thủ tục thanh toán:
Các trường, lớp đại học, trung học chuyên nghiệp, bồi dưỡng tại chức mời cán bộ, giáo viên giảng dạy, có nhiệm vụ thanh toán và hạch toán như sau:
- Đối với cán bộ, giáo viên thuộc các cơ quan hành chính sự nghiệp thì đơn vị mời chỉ phải thanh toán trực tiếp với giáo viên các khoản phụ cấp dạy giờ, phụ cấp lưu trú và công tác phí cả lượt đi và lượt về, và chênh lệch phụ cấp khu vực (nếu có). Còn tiền lương và các khoản phụ cấp khác vẫn do cơ quan quản lý cán bộ, giáo viên đài thọ như khi cán bộ, giáo viên đó công tác tại cơ quan của mình.
Nếu cán bộ, giáo viên thuộc các đơn vị sản xuất kinh doanh thì đơn vị mời phải thanh toán toàn bộ lương, phụ cấp lương cho cán bộ, giáo viên trong thời gian giảng dạy tại trường của đơn vị mời, theo nguyên tắc:
- Khoản phụ cấp dạy giờ, phụ cấp lưu trú, công tác phí cả lượt đi và về, và chênh lêch phụ cấp khu vực (nếu có) thanh toán trực tiếp với cán bộ, giáo viên được mời.
- Khoản lương chức vụ hay cấp bậc và các khoản phụ cấp lương thường xuyên (nếu có) thanh toán thẳng với cơ quan cử cán bộ, giáo viên đi giảng (trừ trợ cấp đông con, vẫn do cơ quan cử giáo viên đài thọ).
- Các khoản chi nói trên, đơn vị mời giảng hạch toán vào tiết 16, mục 16, khoản 34 (chi học tập, giảng dạy của các trường, lớp đại học, trung học chuyên nghiệp tại chức).
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
a. Thông tư này chỉ áp dụng cho giáo viên biệt phái, giáo viên chuyên nghiệp, giáo viên kiêm chức được mời giảng dạy cho các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp, bồi dưỡng tại chức, được thành lập theo đúng quy định của Nhà nước và có đăng ký với Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp.
b. Giáo viên các trường, lớp đại học, trung học chuyên nghiệp giảng dạy cho các lớp đào tạo hay bồi dưỡng tại chức thuộc chỉ tiêu của trường mình đặt tại trường hay tại địa phương cơ sở hoặc giáo viên chuyên trách của các trạm, các trường tại chức địa phương hay cơ sở thì không coi là giáo viên mời giảng hay biệt phái và không áp dụng thông tư này.
c. Các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp, bồi dưỡng tại chức có yêu cầu mời giáo viên, cán bộ đến giảng dạy tại chức cho trường, lớp mình cần có kế hoạch chọn lựa và ký kết hợp đồng chặt chẽ với giáo viên chuyên nghiệp hay kiêm chức để đảm bảo kết quả nhiệm vụ của các bên và thực hiện nghiêm túc các quy định ở trên.
Kết thúc kế hoạch hợp đồng giảng dạy, các trường, lớp mời giảng cần tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm với cán bộ, giáo viên và có nhận xét gửi cho đơn vị quản lý cán bộ, giáo viên đó biết.
d. Thông tư này thay thế thông tư của Bộ Giáo dục số 13-TT ngày 15/3/1963 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Đảng và Nhà nước rất quan tâm khuyến khích những cán bộ, giáo viên tham gia giảng dạy cho hệ tại chức, nhằm tạo điều kiện cho đông đảo người lao động suốt đời học tập, trau dồi nghề nghiệp và mở mang kiến thức để phục vụ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa của nước ta. Vì vậy, đề nghị các ngành, các cấp, các giáo viên, cán bộ khoa học, kỹ thuật, kinh tế tích cực thực hiện chủ trương này.