THÔNG TƯ
Quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng
do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam
Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 4 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2021, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Thông tư số 07/2024/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 5 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung Điều 7 và thay thế Phụ lục II, Phụ lục III của Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 4 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 02 tháng 11 năm 2024.
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam.[1]
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam bao gồm: bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương (sau đây gọi chung là văn bằng).
2. Thông tư này áp dụng đối với:
a) Cục Quản lý chất lượng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo;
b) Cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Sở Giáo dục và Đào tạo);
c) Các tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam.
Điều 2. Công nhận văn bằng
Công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam (sau đây gọi là công nhận văn bằng) là việc công nhận trình độ của người học được ghi trên văn bằng theo hệ thống giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính và xác định mức độ tương đương với trình độ đào tạo quy định tại Khung trình độ Quốc gia Việt Nam.
Điều 3. Nguyên tắc công nhận văn bằng
1. Công nhận văn bằng được thực hiện theo nhu cầu của người có văn bằng, cơ quan quản lý về nhân sự hoặc đơn vị quản lý lao động khi được sự đồng ý của người có văn bằng (sau đây gọi chung là người đề nghị công nhận văn bằng).
2. Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận khi người học hoàn thành chương trình giáo dục bảo đảm chất lượng theo quy định của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính và được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó công nhận quy định tại Điều 4 Thông tư này.
3. Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được miễn thực hiện thủ tục công nhận văn bằng khi đáp ứng quy định tại Điều 5 Thông tư này.
4. Cơ sở giáo dục đại học căn cứ các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư này tự đánh giá văn bằng để sử dụng trong hoạt động đào tạo và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đánh giá văn bằng. Trường hợp cần thiết, cơ sở giáo dục đại học yêu cầu người có văn bằng thực hiện thủ tục công nhận văn bằng quy định tại Điều 7 Thông tư này.
Điều 4. Điều kiện công nhận văn bằng
1. Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học được công nhận khi chương trình giáo dục có thời gian học, nghiên cứu phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam và đáp ứng một trong hai điều kiện sau:
a) Chương trình giáo dục được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính kiểm định chất lượng tương ứng với hình thức đào tạo;
b) Cơ sở giáo dục nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính cho phép đào tạo, cấp bằng hoặc đã được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính kiểm định chất lượng.
2. Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động tại nước khác nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính (bao gồm cả Việt Nam) được công nhận khi cơ sở giáo dục đó được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của hai nước cho phép mở phân hiệu, cho phép đào tạo hoặc phê duyệt việc hợp tác, liên kết đào tạo; thực hiện hoạt động đào tạo theo giấy phép đồng thời đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức đào tạo trực tuyến, đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến được công nhận khi đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và một trong hai điều kiện sau:
a) Chương trình đào tạo được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép đào tạo tại Việt Nam khi người học lưu trú và học tập tại Việt Nam;
b) Chương trình đào tạo được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước nơi tổ chức đào tạo cấp phép khi người học lưu trú và học tập tại nước đó.
4. Việc công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và các trường hợp bất khả kháng khác do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định.
Điều 5. Miễn thực hiện thủ tục công nhận văn bằng
1. Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học được công nhận để sử dụng tại Việt Nam mà không phải thực hiện thủ tục công nhận văn bằng gồm:
a) Văn bằng của cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của hiệp định, thỏa thuận về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố;
b) Văn bằng của cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi học bằng ngân sách Nhà nước;
c) Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018) có hiệu lực thi hành.
2. Văn bằng quy định tại khoản 1 Điều này phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Tên văn bằng phù hợp với quy định về văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam;
b) Thời gian đào tạo và điều kiện tuyển sinh phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
c) Đào tạo theo hình thức trực tiếp hoặc đào tạo theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến mà thời lượng giảng dạy trực tuyến không quá 30% tổng thời lượng của chương trình.
3. Việc miễn thực hiện thủ tục công nhận văn bằng không bao gồm việc xác thực văn bằng; cơ quan, tổ chức hoặc người sử dụng lao động chịu trách nhiệm xác thực văn bằng trong trường hợp cần thiết.
Điều 6. Thẩm quyền công nhận văn bằng
1. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận bằng cử nhân, bằng thạc sỹ, bằng tiến sỹ và văn bằng trình độ tương đương.
2. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Điều 7. Hồ sơ, trình tự, kết quả công nhận văn bằng[2]
1. Người đề nghị công nhận văn bằng cung cấp các thông tin về văn bằng quy định tại Phụ lục I Thông tư này và tải hồ sơ lên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi chung là cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng) và thực hiện thanh toán lệ phí theo quy định.
2. Hồ sơ bao gồm:
a) Bản sao văn bằng hoặc bản sao từ sổ gốc cấp văn bằng đề nghị công nhận kèm theo bản công chứng dịch sang tiếng Việt;
b) Bản sao phụ lục văn bằng hoặc bảng kết quả học tập kèm theo bản công chứng dịch sang tiếng Việt;
c) Bản sao công chứng văn bằng, chứng chỉ có liên quan trực tiếp (nếu có);
d) Minh chứng thời gian học ở nước ngoài (nếu có): Quyết định cử đi học và tiếp nhận của đơn vị quản lý lao động; hộ chiếu, các trang thị thực có visa, dấu xuất nhập cảnh phù hợp với thời gian du học hoặc giấy tờ minh chứng khác;
đ) Văn bản ủy quyền xác minh thông tin về văn bằng (nếu đơn vị xác thực yêu cầu).
3. Việc tải hồ sơ lên cổng dịch vụ công trực tuyến như sau:
a) Trường hợp người đề nghị công nhận văn bằng có thông tin, minh chứng để xác thực trực tiếp từ cơ sở giáo dục cấp bằng hoặc cơ quan có thẩm quyền xác thực thì cung cấp thông tin, minh chứng để xác thực trực tiếp cho cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng đồng thời tải lên cổng dịch vụ công trực tuyến: bản quét (scan) các thành phần hồ sơ quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này (không cần chứng thực bản sao điện tử từ bản chính); chứng thực bản sao điện tử từ bản chính các thành phần hồ sơ quy định tại điểm c, điểm d khoản 2 Điều này;
b) Trường hợp người đề nghị công nhận văn bằng không có thông tin, minh chứng để xác thực trực tiếp thì thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính các hồ sơ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều này, kèm theo văn bản ủy quyền xác minh thông tin về văn bằng (nếu đơn vị xác thực yêu cầu) và tải lên cổng dịch vụ công trực tuyến;
c) Trường hợp không tải hồ sơ lên cổng dịch vụ công trực tuyến, người đề nghị công nhận văn bằng nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính đến cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng các hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Trong thời hạn 20 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng có trách nhiệm trả kết quả công nhận văn bằng cho người đề nghị công nhận văn bằng. Trường hợp cần xác minh thông tin về văn bằng từ cơ sở giáo dục nước ngoài hoặc đơn vị xác thực nước ngoài, thời hạn trả kết quả công nhận văn bằng không vượt quá 45 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ công nhận văn bằng.
5. Kết quả công nhận văn bằng được ghi trên giấy công nhận theo mẫu tại Phụ lục II và Phụ lục III Thông tư này. Trường hợp văn bằng không đủ điều kiện công nhận hoặc quá thời hạn quy định tại khoản 4 Điều này mà không đủ căn cứ xác minh thông tin về văn bằng, cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng phải trả lời bằng văn bản hoặc thư điện tử cho người đề nghị công nhận văn bằng. Trường hợp không xác định được mức độ tương đương của văn bằng với trình độ đào tạo quy định tại Khung trình độ quốc gia Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng cung cấp thông tin và công nhận giá trị của văn bằng theo hệ thống giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính.
6. Cơ quan có thẩm quyền công nhận bằng lập sổ cấp giấy công nhận, trong đó ghi các thông tin về: họ tên, ngày tháng năm sinh của người được công nhận văn bằng; tên cơ sở giáo dục cấp bằng; hình thức đào tạo; trình độ tương đương với Khung trình độ quốc gia Việt Nam hoặc trình độ theo hệ thống giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính; số vào sổ cấp giấy công nhận.
7. Cơ sở giáo dục đại học tự đánh giá văn bằng để sử dụng trong hoạt động đào tạo lập hồ sơ đánh giá văn bằng và lưu trữ theo quy định.
Điều 8. Hủy bỏ kết quả công nhận văn bằng
1. Trường hợp xác minh được văn bằng không hợp pháp hoặc hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng không trung thực, kết quả công nhận văn bằng bị hủy bỏ.
2. Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng ra quyết định hủy bỏ kết quả công nhận văn bằng và thu hồi giấy công nhận trong đó nêu rõ lý do hủy bỏ, thu hồi.
3. Quyết định hủy bỏ kết quả công nhận văn bằng và thu hồi giấy công nhận được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng, được gửi đến người có văn bằng bị hủy bỏ kết quả công nhận, cơ quan kiểm tra phát hiện sai phạm (nếu có), cơ quan người có văn bằng bị hủy bỏ kết quả công nhận đang công tác (nếu có) và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Điều 9. Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng
1. Cục Quản lý chất lượng
a) Chịu trách nhiệm về kết quả công nhận văn bằng và giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có);
b) Công bố, cập nhật trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin về các trường hợp được miễn thực hiện thủ tục công nhận văn bằng quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Chịu trách nhiệm về kết quả công nhận văn bằng và giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có);
b) Báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo số lượng các loại văn bằng đã được công nhận trước ngày 25 tháng 12 hằng năm.
Điều 10. Hiệu lực thi hành[3]
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2021. Thông tư này thay thế Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về trình tự thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp; Thông tư số 26/2013/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp ban hành kèm theo Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thông tư số 17/2017/TT-BGDĐT ngày 13 tháng 7 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi cụm từ “Vụ Hợp tác quốc tế” và “Cục Đào tạo với nước ngoài” thành “Cục Hợp tác quốc tế”; cụm từ “Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục” thành “Cục Quản lý chất lượng” tại Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 26/2013/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; giám đốc các đại học, học viện; hiệu trưởng các trường đại học; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Phụ lục I
MẪU PHIẾU ĐỀ NGHỊ CÔNG NHẬN VĂN BẰNG
DO CƠ SỞ GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI CẤP
(Kèm theo Thông tư quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam)
PHIẾU ĐỀ NGHỊ
CÔNG NHẬN VĂN BẰNG DO CƠ SỞ GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI CẤP
I. THÔNG TIN CỦA NGƯỜI CÓ VĂN BẰNG/CHỨNG NHẬN
Họ và tên (người có văn bằng/chứng nhận):........................................................
Sinh ngày... tháng.... năm....... Giới tính:..............................................................
Giấy chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu số:............................., cấp ngày... tháng... năm...... ; nơi cấp.......................................................................
Địa chỉ liên hệ:......................................................................................................
Đơn vị công tác, địa chỉ:.......................................................................................
Số điện thoại:................................................. Email:............................................
II. THÔNG TIN VĂN BẰNG/CHỨNG NHẬN
Trình độ đào tạo:...................................................................................................
Tên cơ sở cấp văn bằng/chứng nhận:....................................................................
Tên cơ sở thực hiện đào tạo (nếu khác với cơ sở cấp văn bằng/chứng nhận):...........................................................................................................................
Văn bằng/chứng nhận cấp ngày..... tháng.... năm......; Số hiệu văn bằng/chứng nhận (nếu có):..............................................................................................................
Hình thức học (du học, liên kết, trực tuyến,...):....................................................
Thời gian đào tạo (ghi cụ thể thời gian đào tạo tại cơ sở đào tạo hoặc cơ sở cấp văn bằng):....................................................................................................................
Ngành/chuyên ngành đào tạo (nếu có):................................................................
III. MINH CHỨNG XÁC THỰC VĂN BẰNG
..........................................................................................................................................................................................................................................................................
Ghi chú: Nếu đề nghị công nhận từ 02 văn bằng/chứng nhận trở lên, ghi rõ nội dung của mục II theo từng văn bằng/chứng nhận.
Phụ lục II
MẪU GIẤY CÔNG NHẬN[4]
(Kèm theo Thông tư quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam)
………………(1)
………………(2)
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
GIẤY CÔNG NHẬN
I. Thông tin người đề nghị công nhận văn bằng/chứng nhận
Họ và tên: .................................................................................................................. (3)
Sinh ngày …….. tháng …….. năm ………..
II. Thông tin văn bằng/chứng nhận được công nhận
Văn bằng/chứng nhận của …………………………. (4) cấp năm .......................... (5)
Cho ............................................................................................................................ (6)
Do ............................................................................................................................. (7)
Là văn bằng/chứng nhận ........................................................................................... (8)
Thời gian đào tạo/tín chỉ: .......................................................................................... (9)
Hình thức đào tạo: .................................................................................................. (10)
Nhận xét: ................................................................................................................. (11)
Địa chỉ cổng thông tin điện tử truy cập để kiểm tra: .............................................. (12)
|
………(13), ngày …. tháng ... năm ….
……………..(14)
|
Số vào sổ cấp giấy công nhận:... (15)
Phụ lục III
HƯỚNG DẪN GHI NỘI DUNG TRÊN GIẤY CÔNG NHẬN[5]
(Kèm theo Thông tư quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam)
(1) Ghi tên cơ quan quản lý trực tiếp của cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng.
(2) Ghi tên cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng.
(3) Ghi họ tên người đề nghị công nhận văn bằng/chứng nhận.
(4) Ghi tên cơ sở giáo dục nước ngoài cấp văn bằng/chứng nhận và tên nước nơi cơ sở giáo dục đó đặt trụ sở chính.
(5) Ghi năm văn bằng/chứng nhận được cấp.
(6) Ghi họ tên người được cấp văn bằng/chứng nhận nếu có minh chứng xác thực trực tiếp từ cơ sở giáo dục cấp văn bằng/chứng nhận hoặc cơ quan có thẩm quyền xác thực văn bằng/chứng nhận.
(7) Ghi tên cơ sở giáo dục thực hiện đào tạo và tên nước nơi cơ sở giáo dục đó đặt trụ sở chính (nếu có).
(8) Ghi tên văn bằng/chứng nhận theo hệ thống giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính.
(9) Ghi số năm đào tạo hoặc số tín chỉ (không áp dụng đối với bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông).
(10) Ghi hình thức đào tạo nếu đủ minh chứng xác định (không áp dụng đối với bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông).
(11) Ghi các thông tin sau: cấp học, trình độ đào tạo tương đương theo hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam hoặc Khung trình độ quốc gia Việt Nam hoặc theo hệ thống giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính; trình độ đào tạo kế tiếp mà người có văn bằng/chứng nhận được tiếp cận (nếu xác định được); lĩnh vực đào tạo (nếu xác định được) và các nhận xét khác (nếu có).
(12) Ghi địa chỉ cổng thông tin điện tử truy cập để kiểm tra tính xác thực của giấy công nhận.
(13) Ghi tên tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng đóng trụ sở.
(14) Ghi chức danh của người có thẩm quyền công nhận văn bằng.
(15) Ghi số vào sổ cấp giấy công nhận theo quy định của cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng.
[1] Thông tư số 07/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Điều 7 và thay thế Phụ lục II, Phụ lục III của Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 4 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 7 và thay thế Phụ lục II, Phụ lục III của Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 4 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam.”
[2] Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Thông tư số 07/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Điều 7 và thay thế Phụ lục II, Phụ lục III của Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 4 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 02 tháng 11 năm 2024.
[3] Điều 2 và Điều 3 của Thông tư số 07/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Điều 7 và thay thế Phụ lục II, Phụ lục III của Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 4 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 02 tháng 11 năm 2024 quy định như sau:
“Điều 2. Điều khoản chuyển tiếp
Đối với hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng đã nộp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì được áp dụng theo Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 4 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 11 năm 2024.
2. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; giám đốc các đại học, học viện; hiệu trưởng các trường đại học; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.”
[4] Phụ lục này được sửa đổi theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 07/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Điều 7 và thay thế Phụ lục II, Phụ lục III của Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 4 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 02 tháng 11 năm 2024.
[5] Phụ lục này được sửa đổi theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 07/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Điều 7 và thay thế Phụ lục II, Phụ lục III của Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 4 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 02 tháng 11 năm 2024.