Sign In

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn một số nội dung và mức chi của Dự án

Phát triển Giáo viên Tiểu học

           

Căn cứ Hiệp định Tín dụng Phát triển số 3594-VN ngày 2/4/2002; Hiệp định Viện trợ không hoàn lại quỹ tín thác DFID số TF 023861 ngày 2/4/2002 giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) về việc tài trợ cho Dự án Phát triển Giáo viên Tiểu học;

Căn cứ Quyết định số 906/QĐ-TTg ngày 24/7/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư (giai đoạn I) Dự án "Phát triển Giáo viên Tiểu học";

Căn cứ Quyết định số 112/2001/QĐ-BTC ngày 9/11/2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành một số định mức chi tiêu áp dụng cho các Dự án có sử dụng nguồn vốn Hỗ trợ Phát triển chính thức (ODA) vay nợ;

Căn cứ Quyết định số 6051/QĐ-BGD&ĐT-TCCB ngày 5/11/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thành lập Ban Điều phối Dự án Phát triển Giáo viên Tiểu học;

Liên tịch Bộ Tài Chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn một số nội dung và mức chi của Dự án Phát triển Giáo viên Tiểu học như sau:

 

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

1- Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý Dự án Phát triển Giáo viên Tiểu học.

Ban Điều phối Dự án Phát triển Giáo viên Tiểu học (sau đây gọi chung là Ban Điều phối Dự án) đảm nhiệm nhiệm vụ tổ chức thực hiện và điều phối các hoạt động của Dự án.

2- Kinh phí thực hiện Dự án Phát triển Giáo viên Tiểu học thuộc nguồn vốn sự nghiệp bao gồm:

Vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB);

Viện trợ không hoàn lại của Quỹ Viện trợ Phát triển Quốc tế Anh quốc (DFID);

Vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

3- Các quy định tại Thông tư này chỉ áp dụng cho Dự án Phát triển Giáo viên Tiểu học.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

1- Phân định nhiệm vụ chi:

1.1- Vốn vay của WB:

Chi mua sắm hàng hoá, tài liệu, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ giảng dạy và học tập thí điểm;

Chi đào tạo trong và ngoài nước, bao gồm: hội thảo, tập huấn, đào tạo giáo viên, dạy thí điểm, xây dựng chương trình khung, biên soạn giáo trình.

1.2- Vốn viện trợ không hoàn lại của DFID:

Chi cho tư vấn trong nước (bao gồm cả lương nhân viên hợp đồng về chuyên môn, nghiệp vụ trong trường hợp được sự chấp thuận bằng văn bản của DFID và WB) và ngoài nước;

Chi đào tạo ở nước ngoài.

1.3- Vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam:

Chi cho các hoạt động thường xuyên của Ban điều phối Dự án: thuê nhà; văn phòng phẩm; chi trả tiền điện, nước; thông tin liên lạc; chi hợp đồng, thuê mướn; chi nộp thuế...

Chi lương hợp đồng lái xe, nhân viên phục vụ...

Chi đào tạo trong nước: hội thảo, tập huấn, đào tạo giáo viên, dạy thí điểm, xây dựng chương trình khung, biên soạn giáo trình;

Mua sắm hàng hoá, tài liệu, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ giảng dạy và học tập thí điểm.

1.4- Việc sử dụng các nguồn vốn của Dự án để chi cho các nhiệm vụ nêu trên theo đúng tỷ lệ đã quy định trong Hiệp định Tín dụng và Hiệp định Viện trợ không hoàn lại.

2- Nội dung và mức chi của Dự án:

2.1- Chi hội nghị, hội thảo, tập huấn, đào tạo trong nước:

Ban Điều phối Dự án lập báo cáo chi tiết về nội dung, số người tham gia, thời gian và địa điểm phù hợp với yêu cầu triển khai dự án và các điều khoản quy định trong Hiệp định Tín dụng và Hiệp định Viện trợ không hoàn lại.

Thời gian tổ chức hội nghị, hội thảo không quá 3 ngày, tổ chức lớp tập huấn không quá 10 ngày. Mức chi cho các nhiệm vụ này thực hiện theo Quyết định số 112/2001/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài Chính về việc ban hành một số định mức chi tiêu áp dụng cho các Dự án có sử dụng nguồn vốn Hỗ trợ Phát triển chính thức (ODA) vay nợ.

Mức chi cho các khoá tập huấn có thời gian trên 10 ngày và các khoá đào tạo trong nước thực hiện theo hợp đồng giữa cơ sở đào tạo và Dự án, có sự phê duyệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2.2- Chi dạy thí điểm, phụ cấp trách nhiệm cho các giáo viên và cán bộ quản lý cấp trường tại các trường sư phạm và trường tiểu học được chọn:

Chi bồi dưỡng giáo viên dạy mẫu: 10.000 đồng/tiết dạy mẫu.

Chi bồi dưỡng giáo viên giảng dạy thí điểm: 5.000 đồng/tiết dạy thí điểm.

Chi phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ quản lý cấp trường (hiệu trưởng, hiệu phó trực tiếp tham gia các hoạt động của dự án) tại các trường sư phạm và trường tiểu học được chọn, thành viên Ban chỉ đạo các cấp thực hiện thí điểm (nếu có) tối đa 150.000 đồng/người/tháng.

2.3- Chi xây dựng chương trình khung cho các ngành học và biên soạn chương trình môn học:

Soạn thảo các tài liệu đề dẫn, các dự thảo văn bản thảo luận và kết luận của các Hội đồng xây dựng chương trình: 50.000 đồng/trang.

Xây dựng chương trình khung và chương trình môn học:

Biên soạn chương trình              : 55.000 đồng/tiết.

Sửa chữa, biên tập tổng thể      : 30.000 đồng/tiết.

Đọc phản biện nhận xét             : 25.000 đồng/tiết.

Biên soạn giáo trình:

Viết giáo trình                           : 50.000 đồng/trang.

Sửa chữa, biên tập                   : 25.000 đồng/trang.

Đọc phản biện nhận xét             : 20.000 đồng/trang.

2.4- Định mức chi dịch thuật:

Thực hiện theo Quyết định số 112/2001/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài Chính về việc ban hành một số định mức chi tiêu áp dụng cho các Dự án có sử dụng nguồn vốn Hỗ trợ Phát triển chính thức (ODA) vay nợ, cụ thể như sau:

(1) Dịch viết:

Dịch tài liệu từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt: không quá 35.000 đồng/trang 300 từ.

Dịch tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài: không quá 40.000 đồng/trang 300 từ.

(2) Dịch nói:

Dịch nói thông thường: không quá 70.000 đồng/giờ/người, tương đương với không quá 560.000 đồng/ngày/người làm việc 8 tiếng.

Dịch đuổi: không quá 150.000 đồng/giờ/người, tương đương với không quá 1.200.000 đồng/ngày/người làm việc 8 tiếng.

Định mức chi dịch thuật nêu trên chỉ áp dụng trong trường hợp cần thiết khi Dự án phải thuê biên, phiên dịch từ bên ngoài; không áp dụng cho biên, phiên dịch là cán bộ của Dự án.

2.5- Chi hội thảo, đào tạo ngoài nước ngắn hạn và dài hạn:

Mức chi cho cán bộ tham gia hội thảo, huấn luyện, đào tạo ngắn hạn ngoài nước theo quy định tại Thông tư số 45/1999/TT-BTC ngày 4/5/1999 của Bộ Tài Chính “Quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài” và Thông tư số 108/1999/TT-BTC ngày 4/9/1999 của Bộ Tài Chính hướng dẫn, bổ sung một số điểm của Thông tư số 45/1999/TT-BTC.

Đối với nhiệm vụ đào tạo dài hạn ở nước ngoài:

Trên cơ sở quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với việc tuyển chọn lưu học sinh của Đề án "Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở đào tạo nước ngoài bằng ngân sách nhà nước", Ban Điều phối Dự án xây dựng quy chế tuyển chọn lưu học sinh đi đào tạo dài hạn ở nước ngoài trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Mức chi áp dụng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 88/2001/TTLT/BTC-BGD&ĐT-BNG ngày 6/11/2001 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Ngoại giao Hướng dẫn quản lý và cấp phát nguồn kinh phí ngân sách nhà nước dành cho Đề án "Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở đào tạo nước ngoài bằng ngân sách nhà nước", Thông tư liên tịch số 28/2003/TTLT/BTC-BGD&ĐT ngày 4/4/2003 của Liên Bộ Tài chính Bộ Giáo dục và Đào tạo "Quy định chế độ thu và sử dụng phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh) vào các cơ sở giáo dục - đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân".

Nghĩa vụ của lưu học sinh thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 75/2000/TTLB/BTC-BGD&ĐT ngày 20/7/2000 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo "Hướng dẫn bồi hoàn kinh phí đào tạo đối với các đối tượng được cử đi học ở nước ngoài nhưng không về nước đúng hạn" và các quy định khác của Dự án.

2.6- Đối với các cuộc điều tra trong nước thuộc các Thành phần của Dự án, thực hiện theo hợp đồng thoả thuận giữa Ban Điều phối Dự án và đơn vị tư vấn trong nước trên cơ sở yêu cầu của cuộc điều tra. Mức chi cho các nhiệm vụ này do Ban Điều phối quyết định trên cơ sở các mức chi đã được quy định tại Thông tư số 114/2000/TT-BTC ngày 27/11/2000 của Bộ Tài Chính “Hướng dẫn quản lý kinh phí các cuộc điều tra thuộc nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách nhà nước”.

2.7- Chi làm việc ngoài giờ: áp dụng theo quy định của Luật Lao động và Thông tư số 18/LĐTBXH-TT ngày 2/6/1993 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương, làm thêm giờ và phụ cấp làm đêm.

2.8- Mức khoán chi sử dụng điện thoại di động như sau:

Trưởng Ban Điều phối Dự án thanh toán không quá 300.000 đồng/tháng.

Trợ lý dự án mức thanh toán không quá 200.000 đồng/tháng.

2.9- Mức khoán công tác phí tháng cho những cán bộ, nhân viên thường xuyên phải sử dụng phương tiện cá nhân đi giao dịch công tác không quá 100.000 đồng/tháng/người.

2.10- Chi thử nghiệm và thực hiện chuẩn chuyên môn và các môđun đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học:

Xây dựng văn bản hướng dẫn áp dụng chuẩn chuyên môn để đánh giá giáo viên tiểu học;

Phân tích các yêu cầu đối với chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học;

Xây dựng các môđun đào tạo, bồi dưỡng, các băng hình, băng tiếng, đĩa CD, trang Web;

Soạn thảo, dạy thí điểm chương trình, giáo trình mới để bồi dưỡng giáo viên tiểu học tại các trường sư phạm, trường tiểu học...

Căn cứ nội dung và tính chất công việc, Trưởng Ban Điều phối quyết định hình thức thực hiện công việc (hợp đồng theo công việc, hợp đồng theo thời gian, hợp đồng khoán gọn...) và mức chi trả cho từng công việc phù hợp với khả năng kinh phí của Dự án.

2.11- Ngoài các nội dung và mức chi nêu trên, Dự án Phát triển Giáo viên Tiểu học được sử dụng kinh phí từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của DFID để chi cho các nội dung sau: 

a- Chi lương cho nhân viên hợp đồng làm việc tại Dự án theo các mức:

Mức 1: từ 100 USD/người/tháng đến 200 USD/người/tháng.

Mức 2: từ 200 USD/người/tháng đến 250 USD/người/tháng.

Căn cứ khả năng và chất lượng công việc, Trưởng ban Điều phối Dự án báo cáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt việc chi trả tiền lương cho các nhân viên hợp đồng của Dự án.

b- Chi lương cho chuyên gia tư vấn trong nước (chuyên gia tư vấn trong nước được tuyển chọn vào những vị trí công việc đã được quy định trong Hiệp định; quá trình tuyển chọn theo đúng hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới, các nhà tài trợ và hướng dẫn của Chính phủ Việt Nam) theo các mức:

Mức 1: từ 250 USD/người/tháng đến 450 USD/người/tháng.

Mức 2: từ 450 USD/người/tháng đến 600 USD/người/tháng.

Mức 3: từ 600 USD/người/tháng đến 800USD/người/tháng.

Căn cứ yêu cầu công việc, trình độ chuyên gia và kết quả thoả thuận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định hoặc uỷ quyền Trưởng ban Điều phối Dự án quyết định việc chi trả tiền lương cho các chuyên gia trong nước.

3- Dự toán, quản lý cấp phát và quyết toán kinh phí:

Công tác lập dự toán, quản lý, cấp phát và quyết toán kinh phí thực hiện theo chế độ hiện hành đối với nguồn ODA sự nghiệp.

3.1- Dự toán:

Hàng năm, theo đúng quy định về xây dựng dự toán Ngân sách nhà nước, Ban Điều phối Dự án xây dựng dự toán ngân sách của Dự án gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp chung trong dự toán ngân sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gửi Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt.

Dự toán hàng năm của Dự án phải phân định rõ nguồn vốn vay, nguồn viện trợ không hoàn lại và nguồn vốn đối ứng (vốn sự nghiệp) của Chính phủ Việt Nam.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch, Bộ Tài Chính thông báo dự toán chi ngân sách cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có dự toán ngân sách của Dự án. Bộ Giáo dục và Đào tạo phân bổ ngân sách cho Dự án theo quy định hiện hành.

Trên cơ sở dự toán năm được phân bổ cho Dự án, Ban Điều phối Dự án xây dựng kế hoạch tài chính của Dự án gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài Chính. Căn cứ kế hoạch tài chính của Dự án và ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài Chính thống nhất bằng văn bản đối với kế hoạch tài chính của Dự án, đồng gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo và Kho bạc Nhà nước.

3.2- Kiểm soát chi và cấp phát kinh phí:

Các quy trình, thủ tục và yêu cầu về hồ sơ chi tiêu thực hiện theo Thông tư số 40/1998/TT-BTC ngày 31/3/1998 của Bộ Tài Chính “Hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản chi Ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước” và các văn bản liên quan.

Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm kiểm soát chi đối với các khoản chi tiêu cho các hoạt động trong phạm vi Dự án do Ban Điều phối Dự án thực hiện.

Việc cấp phát vốn đối ứng của Ngân sách Nhà nước cho Dự án thực hiện theo các quy định hiện hành về cấp phát vốn Ngân sách Nhà nước.

3.3- Rút vốn và sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB):

Thủ tục và phương thức rút vốn từ nguồn vốn vay WB thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 81/1998/TTLT-BTC-NHNN ngày 17/6/1998 của Liên Bộ Tài Chính - Ngân hàng Nhà nước "Hướng dẫn quy trình, thủ tục và quản lý việc rút vốn đối với nguồn hỗ trợ phát triển chính thức"; Quyết định số 96/2000/QĐ-BTC ngày 12/6/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài Chính ban hành hướng dẫn chi tiết về quy trình và thủ tục rút vốn ODA.

3.4- Kế toán, quyết toán và quản lý tài sản thực hiện theo chế độ hiện hành đối với lĩnh vực hành chính sự nghiệp.

Công tác kiểm toán thực hiện theo đúng quy định tại Hiệp định và nguyên tắc của nhà tài trợ.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.

Các khoản kinh phí đã tạm ứng từ khi Dự án có hiệu lực đến thời điểm hiệu lực của Thông tư này được phép thanh toán theo các mức chi cụ thể của Thông tư.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị phản ánh về liên Bộ để xem xét giải quyết./.

Bộ Tài chính

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thứ trưởng

Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Công Nghiệp

Đặng Huỳnh Mai