THÔNG TƯ LIÊN BỘ
Quy định tạm thời về quản lý vốn ngân sách đầu tư cho ngành đào tạo.
______________________
Để nâng cao hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước, phát huy chức năng quản lý toàn ngành đối với sự nghiệp đào tạo đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; Liên bộ Đại học, THCN và Dạy nghề - Tài chính quy định tạm thời việc quản lý ngân sách đào tạo như sau:
I/ NGUYÊN TẮC CHUNG:
1/ Hàng năm Bộ Đại học, THCN và Dạy nghề tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện ngân sách đào tạo gắn với kết quả đào tạo từ mọi nguồn kinh phí theo các hình thức, các cấp đào tạo ở các Bộ, ngành Trung ương và địa phương trong cả nước. Trên cơ sở đường lối phát triển của ngành, để ra những chủ trương, định hướng đào tạo (cả về quy mô, chất lượng, phương thức đào tạo) phù hợp với khả năng các nguồn kinh phí đào tạo.
2/ Bộ Đại học, THCN và DN cùng với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính, trên cơ sở phương hướng, mục tiêu và chỉ tiêu chủ yếu về đào tạo trong năm kế hoạch; tính toán các nguồn kinh phí bảo đảm cho kế hoạch đào tạo để báo cáo, đề xuất với Hội đồng Bộ trưởng xem xét để trình Quốc hội phê duyệt nguồn kinh phí Ngân sách Nhà nước đầu tư cho sự nghiệp đào tạo. Bộ Đại học - THCN và DN cùng với Bộ Tài chính xây dựng, ban hành các định mức chỉ tiêu tính trên một học sinh trong năm kế hoạch đối với từng phương thức đào tạo và phân bổ kinh phí đào tạo cho các nhiệm vụ, mục tiêu chung của ngành.
II/ CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ:
1/ Bộ Đại học, THCN và Dạy nghề phối hợp với Bộ Tài chính và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước hướng dẫn các Bộ, ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch ngân sách đào tạo dài hạn, và hàng năm từ nguồn kinh phí Ngân sách Nhà nước đầu tư và các nguồn thu khác hỗ trợ bổ sung cho công tác đào tạo.
2/ Dựa trên các số liệu cơ bản và những nhiệm vụ chủ yếu của ngành trong kỳ kế hoạch; Bộ Đại học - THCN và Dạy nghề cùng Bộ Tài chính lập kế hoạch thu chi ngân sách sự nghiệp đào tạo gắn với kế hoạch đào tạo để trình Hội đồng Bộ trưởng và Quốc hội.
3/ Bộ Đại học - THCN và Dạy nghề cùng Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng các định mức chi tiêu đào tạo, mức thu đối với học sinh diện đào tạo mở rộng, hợp đồng hàng năm phù hợp với yêu cầu đào tạo, tình hình kinh tế xã hội và khả năng đầu tư của Ngân sách Nhà nước để hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương thực hiện.
4/ Sau khi NSNN đầu tư cho sự nghiệp đào tạo được Quốc hội thông qua Bộ Đại học - THCN và Dạy nghề phối hợp với Bộ Tài chính dự kiến mức kinh phí đào tạo của từng Bộ, ngành, địa phương để trình Hội đồng Bộ trưởng giao cho các Bộ, ngành và địa phương cùng với việc giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách chung hàng năm.
5/ Theo chế độ phân cấp quản lý ngân sách hiện hành của Nhà nước, trên cơ sở kế hoạch ngân sách đào tạo được giao và khả năng thu của Ngân sách Nhà nước, trong quá trình thực hiện Bộ Tài chính cấp phát kinh phí qua ngành chủ quản, cho các đơn vị đào tạo thuộc các Bộ, ngành Trung ương quản lý; các Sở Tài chính cấp phát kinh phí cho các đơn vị đào tạo do địa phương quản lý.
6/ Bộ Đại học - THCN và Dạy nghề có trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện ngân sách đào tạo gắn với kết quả đào tạo của toàn ngành, thường xuyên tự tổ chức hoặc phối hợp với Bộ Tài chính tiến hành kiểm tra tình hình sử dụng kinh phí đào tạo, bảo đảm đúng mục đích và có hiệu quả, tổng hợp và phản ánh thường xuyên với Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và báo cáo lên Hội đồng Bộ trưởng.
7/ Hàng quý và cuối năm các đơn vị đào tạo quyết toán kinh phí đào tạo với ngành chủ quản để tổng hợp quyết toán với cơ quan Tài chính cùng cấp theo quy định hiện hành, đồng thời gửi cho Bộ Đại học - THCN và Dạy nghề để theo dõi tổng hợp, Bộ Tài chính xem xét quyết toán của các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương để tổng hợp, báo cáo Hội đồng Bộ trưởng và Quốc hội.
III/ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:
Thông tư này được thi hành từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề gì vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Liên Bộ để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cần thiết, kịp thời. Các Bộ, ngành và các địa phương hướng dẫn các trường, các cơ sở đào tạo trực thuộc chấp hành nghiêm chỉnh chế độ quản lý tài chính của Nhà nước; thực hiện công tác thống kê, tổ chức công tác hạch toán kế toán theo đúng chế độ quy định, thông tin báo cáo kịp thời đúng với yêu cầu chung của ngành đã được Bộ Đại học - THCN và Dạy nghề quy định./.