CHỈ THỊ
Về việc tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện
an toàn - vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp
_______________________
Trong những năm qua, thực hiện công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn nước ta, sản xuất nông nghiệp đã đạt được thành tựu to lớn, góp phần tăng tổng sản phẩm trong nước, bảo đảm an ninh lương thực, phát triển công nghiệp và xuất khẩu, góp phần quan trọng cải thiện đời sống nhân dân.
Cùng với sự nỗ lực của nhân dân, Nhà nước đã giành nguồn đầu tư đáng kể để xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới phương thức sản xuất, ứng dụng công nghệ mới, đầu tư thiết bị, máy móc, điện, thuốc bảo vệ thực vật..., ngày càng cải thiện điều kiện lao động trong sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đối với lao động nông nghiệp cũng đã xảy ra và gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Nguyên nhân là do lao động trong nông nghiệp chưa được tuyên truyền, hướng dẫn, huấn luyện kỹ về tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật và các biện pháp phòng ngừa; các Bộ, ngành, chính quyền các cấp, các tổ chức kinh doanh chưa làm hết trách nhiệm theo quy định pháp luật.
Để phòng ngừa và khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm môi trường sản xuất nông nghiệp ngày càng tốt hơn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, các ngành, đoàn thể, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần thực hiện ngay một số việc sau đây:
1. Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc thực hiện an toàn - vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp:
a) Từ nay đến hết năm 2005, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, bổ sung, hoàn thiện và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành các văn bản pháp luật về an toàn - vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn Công ước số 184 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về an toàn - vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp.
b) Các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công nghiệp, Bộ Thuỷ sản rà soát, bổ sung, sửa đổi các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm sử dụng thiết bị, máy móc, hoá chất cho phù hợp với tình hình phát triển của ngành nông nghiệp; xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam về trang bị bảo hộ lao động bảo đảm an toàn - vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp.
c) Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, Ban, ngành tại địa phương có biện pháp cụ thể khuyến khích cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn - vệ sinh lao động nói chung và trong nông nghiệp nói riêng.
2. Tăng cường công tác phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong sản xuất nông nghiệp:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng chống mối mọt, côn trùng, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, chăn nuôi; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam xây dựng Chương trình hành động về an toàn - vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp và bổ sung Chương trình này vào Chương trình hành động quốc gia về an toàn - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý nhà nước, quản lý các hoạt động an toàn - vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp.
3. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động trong sản xuất nông nghiệp về các quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật, các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động khi sử dụng máy móc, thiết bị, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp:
a) Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo các cơ quan truyền thông, tổ chức thông tin, tuyên truyền thường xuyên, nêu gương những điển hình tốt, phê phán những cơ sở và cá nhân chưa làm tốt về an toàn - vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp.
b) Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành và Hội Nông dân Việt Nam kết hợp các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường với hoạt động an toàn - vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp.
c) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng chương trình, tài liệu khoa học về an toàn - vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp trong hệ thống giáo dục, đào tạo.
d) Bộ Tài chính bảo đảm kinh phí cho các hoạt động về an toàn - vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp cho các Bộ, ngành và địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
đ) ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Ban, ngành tại địa phương phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và xã hội, đặc biệt là Hội Nông dân Việt Nam xây dựng phong trào nông dân thực hiện an toàn - vệ sinh lao động trong sản xuất, bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng đến tận tuyến huyện, xã; tổ chức tập huấn về an toàn - vệ sinh lao động cho nông dân, trước hết là trong các làng nghề, các trang trại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều lao động.
4. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an toàn - vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp:
Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tranh thủ nguồn viện trợ của các Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ cho việc đào tạo, huấn luyện, học tập kinh nghiệm, trợ giúp kỹ thuật và tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn - vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển bền vững ở nước ta.
5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn - vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công nghiệp chỉ đạo thanh tra chuyên ngành phối hợp với ủy ban nhân dân các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng các thiết bị, máy móc, điện và thiết bị điện, thuốc bảo vệ thực vật,...; kiên quyết xử lý, kể cả đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi vi phạm nghiêm trọng.
6. Tổ chức thực hiện:
a) Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương định kỳ 06 tháng và hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị này về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
b) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Chỉ thị này.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động Việt Nam, các Hội nghề nghiệp có liên quan tổ chức thực hiện Chỉ thị này./.