• Hiệu lực: Chưa có hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/02/2025
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 61/2024/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2025

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2021/TT-BGTVT ngày 14 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa

______________________

 

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa; Nghị định số 54/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa; Nghị định số 06/2024/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa;

Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2021/TT-BGTVT ngày 14 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2021/TT-BGTVT ngày 14 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 2 như sau:

Điều 2. Vị trí và chức năng

1. Cảng vụ đường thủy nội địa là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa (sau đây viết tắt là cảng, bến), khu neo đậu; trên luồng, tuyến khi có sự phân công của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhằm bảo đảm việc chấp hành quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa và bảo vệ môi trường.

2. Cảng vụ đường thủy nội địa có tư cách pháp nhân, có trụ sở riêng, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng thương mại theo quy định.”.

2. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 3 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 như sau:

“d) Cảng, bến, khu neo đậu trong vùng nước cảng biển được Bộ Giao thông vận tải giao.”.

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Phạm vi quản lý của Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Sở Giao thông vận tải (sau đây viết tắt là Sở) của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm các cảng, bến (trừ bến khách ngang sông), khu neo đậu đã được công bố, cấp phép hoạt động, cụ thể như sau:

a) Cảng, bến, khu neo đậu trên đường thủy nội địa địa phương;

b) Cảng, bến, khu neo đậu trên đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương;

c) Cảng, bến, khu neo đậu trong vùng nước cảng biển thuộc địa giới hành chính của địa phương được Bộ Giao thông vận tải giao;

d) Cảng, bến, khu neo đậu theo quy định tại khoản 1 Điều này được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phân cấp theo quy định.”.

3. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 4 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3 và khoản 4 như sau:

“2. Kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật trong phạm vi của cảng, bến, khu neo đậu về: an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường đối với phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài; giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện và danh bạ thuyền viên; thiết bị xếp, dỡ hàng hóa, giấy chứng nhận, chứng chỉ của người điều khiển thiết bị xếp dỡ hàng hóa theo quy định.

3. Cấp giấy phép hoặc lệnh điều động cho phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài ra, vào cảng, bến, khu neo đậu theo quy định. Không cho phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài ra, vào cảng, bến, khu neo đậu khi cảng, bến, khu neo đậu hoặc phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài không bảo đảm điều kiện an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường hoặc cảng, bến, khu neo đậu không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.

4. Thực hiện công tác quản lý luồng, tuyến theo phân công của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; thông báo hiện trạng của luồng, tuyến cho phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài.”.

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 12 và khoản 13 như sau:

“12. Xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật; thực hiện quyết định của cơ quan có thẩm quyền đối với việc bắt giữ tàu biển hoặc thả tàu biển đang bị bắt giữ theo quy định.

13. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về giao thông đường thủy nội địa của các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi trách nhiệm; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, công dân; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử phạt vi phạm hành chính; thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.”.

4. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 7 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm b, điểm c và điểm d khoản 1 như sau:

“b) Phòng Tài chính – Kế toán;

c) Phòng An toàn;

d) Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng.”.

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa

Cảng vụ đường thủy nội địa có thể có một hoặc một số Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa.

Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa là tổ chức tương đương phòng, thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến, khu neo đậu theo quy định; được sử dụng con dấu riêng theo quy định.

Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa có trách nhiệm bố trí nhân sự của Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa tại các văn phòng hoặc tại cảng, bến hoặc trên phương tiện để làm thủ tục vào, rời cảng, bến, khu neo đậu trong phạm vi quản lý theo quy định.

Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa thực hiện theo quy định.”.

c) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng chuyên môn nghiệp vụ; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi quản lý của Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa theo quy định.”.

Điều 2. Bãi bỏ điểm đ khoản 1 Điều 3 Thông tư số 18/2021/TT-BGTVT ngày 14 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa

Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2025.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./. 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Sang

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.