• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 09/04/1990
  • Ngày hết hiệu lực: 01/06/1998
HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
Số: 34-LCT/HĐNN8
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 1990

PHÁP LỆNH

THUẾ TÀI NGUYÊN

 

Để khuyến khích việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên được tiết kiệm, hợp lý có hiệu quả và đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước;

Căn cứ vào Điều 80 và Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 6 ngày 28 tháng 12 năm 1989 về việc uỷ quyền cho Hội đồng Nhà nước quy định một số thuế mới;

Pháp lệnh này quy định thuế tài nguyên.

 

CHƯƠNG I

ĐỐI TƯỢNG TÍNH THUẾ, NỘP THUẾ TÀI NGUYÊN

Điều 1

Tài nguyên thiên nhiên thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam, nước ngoài khai thác tài nguyên đều phải nộp thuế tài nguyên theo Pháp lệnh này.

Đối với xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Bên nước ngoài hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng đã ký kết trước ngày ban hành Pháp lệnh này có khai thác tài nguyên và trả tiền tài nguyên theo quy định tại Điều 29 của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thì tiếp tục trả tiền tài nguyên mà không phải nộp thuế tài nguyên theo Pháp lệnh này.

Điều 2

Đối tượng tính thuế tài nguyên quy định trong Pháp lệnh này bao gồm:

1- Tài nguyên khoáng sản kim loại và không kim loại, kể cả đá, cát, sỏi và đất làm nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp;

2- Sản phẩm của rừng tự nhiên: gỗ, củi, sản phẩm khác của rừng;

3- Cá và các loại thuỷ sản tự nhiên khác.

Điều 3

Các tổ chức, cá nhân Việt Nam không phải nộp thuế tài nguyên trong những trường hợp sau đây:

1- Khai thác sản phẩm của rừng tự nhiên mà nộp tiền nuôi rừng theo quy định của Hội đồng bộ trưởng;

2- Khai thác các nguồn nước tự nhiên trừ nguồn nước dùng cho sản xuất thuỷ điện.

Điều 4

Trong trường hợp Bên Việt Nam tham gia xí nghiệp liên doanh góp vốn pháp định bằng các nguồn tài nguyên theo quy định tại Điều 7 của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì xí nghiệp liên doanh không phải nộp thuế tài nguyên theo quy định của Pháp lệnh này đối với số tài nguyên mà Bên Việt Nam dùng để góp vốn theo hợp đồng đã ký kết.

CHƯƠNG II

CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ BIỂU THUẾ THUẾ TÀI NGUYÊN

Điều 5

Căn cứ tính thuế tài nguyên là sản lượng khai thác, giá tính thuế trên một đơn vị sản phẩm và thuế suất tính trên giá trị tài nguyên khai thác.

Điều 6

Biểu thuế thuế tài nguyên quy định như sau:

 

 

STT

Nhóm tài nguyên

Thuế suất (%)

1

Khoáng sản kim loại

2 - 10%

 

Riêng: - vàng

2 - 15%

2

Khoáng sản không phải kim loại

1 - 12%

 

Riêng: - Đá quý

3 - 15%

 

- Dầu mỏ, khí đốt

6 - 20%

3

Sản phẩm của rừng tự nhiên

10 - 40%

4

Cá, các loại thủy sản tự nhiên khác

3 - 10%

5

Tài nguyên khác

1 - 10%

 

Căn cứ vào Biểu thuế này, Hội đồng bộ trưởng quy định thuế suất cụ thể của từng nhóm tài nguyên.

Điều 7

Giá tính thuế tài nguyên quy định như sau:

1- Đối với tài nguyên do tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác, là giá bán thực tế của tài nguyên nguyên khai;

2- Đối với tài nguyên do tổ chức, cá nhân nước ngoài khai thác, là giá bán tài nguyên nguyên khai do Hội đồng bộ trưởng quy định phù hợp với giá thị trường quốc tế trong từng thời gian;

3- Trong trường hợp tài nguyên nguyên khai không có giá bán như quy định tại điểm 1 và điểm 2 Điều này thì giá tính thuế tài nguyên dựa trên giá của sản phẩm nguyên chất và hàm lượng trong tài nguyên nguyên khai để xác định;

4- Nếu trong tài nguyên nguyên khai chứa nhiều chất khác nhau thuộc đối tượng chịu thuế, thì giá tính thuế tài nguyên được dựa trên giá của các sản phẩm nguyên chất và hàm lượng của từng chất trong tài nguyên.

CHƯƠNG III

KÊ KHAI, NỘP THUẾ TÀI NGUYÊN

Điều 8

Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên có trách nhiệm:

1- Khai báo trung thực, đầy đủ với cơ quan thuế theo mẫu quy định của Bộ Tài chính chậm nhất là 5 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động, tách, nhập hoặc giải thể;

2- Chấp hành đúng chế độ sổ sách, chứng từ kế toán;

3- Cung cấp tài liệu, sổ sách, chứng từ kế toán theo yêu cầu của cơ quan thuế;

4- Nộp thuế đầy đủ, đúng thời hạn.

Điều 9

Thuế tài nguyên nộp theo định kỳ do cơ quan thuế quy định.

Điều 10

Cơ quan thuế có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Hướng dẫn, giúp đỡ, đôn đốc các cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm chỉnh chế độ sổ sách, chứng từ kế toán và thủ tục kê khai, nộp thuế tài nguyên;

2- Kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh để tính thuế;

3- Tính thuế và thông báo số thuế tài nguyên phải nộp vào kho bạc hoặc ngân hàng;

Khi thu thuế, cơ quan thuế phải cấp cho tổ chức, cá nhân nộp thuế biên lai hoặc chứng từ chứng nhận số thuế đã nộp theo quy định của Bộ Tài chính;

4- Lập biên bản và xử phạt hành chính theo thẩm quyền hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự các vi phạm về thuế tài nguyên;

5- Xem xét, giải quyết các đơn khiếu nại về thuế tài nguyên.

Điều 11

Cơ quan thuế có quyền ấn định mức thuế phải nộp cho đối tượng nộp thuế tài nguyên trong các trường hợp sau đây:

1- Không khai báo hoặc khai báo không đúng quy định của Nhà nước;

2- Không nộp hoặc nộp không đúng thời hạn tờ khai về thuế tài nguyên;

3- Không thực hiện nghiêm chỉnh chế độ sổ sách, chứng từ kế toán;

4- Từ chối việc xuất trình sổ sách, chứng từ kế toán theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc không cung cấp đủ tài liệu cần thiết có liên quan đến việc xác định số thuế tài nguyên.

CHƯƠNG IV

GIẢM THUẾ TÀI NGUYÊN

Điều 12

Tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác tài nguyên được xét giảm thuế tài nguyên trong các trường hợp sau đây:

1- Trong 3 năm đầu mới khai thác gặp khó khăn làm ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh;

2- Trong thời gian tận thu ở vùng đã thôi khai thác.

Mức giảm cao nhất không quá 50% số thuế tài nguyên phải nộp. Hội đồng bộ trưởng quy định việc xét giảm thuế tài nguyên.

 

CHƯƠNG V

KHIẾU NẠI, THỜI HIỆU

Điều 13

Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại việc thi hành Pháp lệnh thuế tài nguyên không đúng đối với tổ chức, cá nhân mình.

Trong khi chờ giải quyết, người khiếu nại phải nộp đủ và đúng thời hạn số tiền thuế, tiền phạt đã được thông báo.

Cơ quan nhận đơn khiếu nại phải xem xét, giải quyết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đơn.

Cơ quan thuế phải thoái trả tiền thuế hoặc tiền phạt thu không đúng trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định giải quyết khiếu nại.

Nếu người khiếu nại không đồng ý với quyết định của cơ quan nhận đơn hoặc để quá thời hạn trên mà chưa giải quyết, thì người khiếu nại có quyền khiếu nại lên cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan nhận đơn.

Điều 14

Nếu phát hiện và kết luận có sự khai man, trốn thuế, lậu thuế hoặc nhầm lẵn về thuế, thì cơ quan thuế có quyền ra lệnh truy thu, truy hoàn thuế trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày khai man, trốn thuế, lậu thuế hoặc nhầm lẵn về thuế.

 

CHƯƠNG VI

XỬ LÝ VI PHẠM, KHEN THƯỞNG

Điều 15

1- Việc xử lý các vi phạm Pháp lệnh thuế tài nguyên được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân không làm đúng quy định về thủ tục khai báo, lập sổ sách và giữ chứng từ kế toán nói tại Điều 8 của Pháp lệnh này, thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng;

b) Tổ chức, cá nhân có hành vi khai man, trốn thuế, lậu thuế, thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế theo quy định của Pháp lệnh này, còn bị phạt tiền từ 1 đến 3 lần số thuế gian lậu;

c) Tổ chức, cá nhân nộp chậm tiền thuế hoặc tiền phạt ghi trong lệnh thu thuế hoặc quyết định xử phạt, thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế hoặc tiền phạt, mỗi ngày nộp chậm còn bị phạt 0,5% (năm phần nghìn) số tiền nộp chậm;

d) Tổ chức, cá nhân dây dưa nộp thuế, nộp phạt thì bị khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng hoặc bị kê biên tài sản bán đấu giá để bảo đảm tiền thuế, tiền phạt còn thiếu.

2- Cá nhân trốn thuế với số lượng lớn hoặc đã bị xử lý hành chính theo các điểm a, b, c, d khoản 1, Điều này mà còn vi phạm hoặc trốn thuế với số lượng rất lớn hoặc phạm tội trong các trường hợp nghiêm trọng khác, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật hình sự.

3- Thẩm quyền xử lý vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này được quy định như sau:

a) Cán bộ thuế được phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 20.000 đồng;

b) Trưởng trạm thuế được phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 50.000 đồng;

c) Trưởng phòng thuế huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh được áp dụng tất cả các hình phạt và biện pháp xử lý quy định tại khoản 1, Điều này và phạt tiền đến 200.000 đồng;

d) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được áp dụng tất cả các hình thức phạt và biện pháp xử lý quy định tại khoản 1, Điều này và phạt tiền đến 2.000.000 đồng theo đề nghị của cơ quan thuế;

đ) Chi cục trưởng thuế tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương được áp dụng tất cả các hình thức phạt và biện pháp xử lý quy định tại khoản 1, Điều này và phạt tiền đến 5.000.000 đồng;

e) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương được áp dụng tất cả các hình thức phạt và biện pháp xử lý quy định tại khoản 1, Điều này theo đề nghị của cơ quan thuế.

Điều 16

Cá nhân cản trở hoặc xúi giục người khác cản trở việc thi hành Pháp lệnh thuế tài nguyên hoặc cản trở việc điều tra và xử lý các vụ vi phạm Pháp lệnh này, thì tuỳ mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị xử phạt hành chính hoặc tuy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 17

Cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm dụng, tham ô tiền thuế tài nguyên, thì phải bồi thường cho Nhà nước toàn bộ số thuế đã chiếm dụng, tham ô và tuỳ mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn bao che cho người vi phạm Pháp lệnh thuế tài nguyên, cố ý làm trái quy định của Pháp lệnh này, thiếu trách nhiệm trong việc thi hành Pháp lệnh thuế tài nguyên, thì tuỳ mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 18

Cơ quan thuế, cán bộ thuế có thành tích trong việc thi hành Pháp lệnh thuế tài nguyên, người có công giúp đỡ cơ quan thuế phát hiện những trường hợp trốn thuế, lậu thuế, thì được khen thưởng theo chế độ quy định của Nhà nước.

CHƯƠNG VII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19

Hội đồng bộ trưởng lãnh đạo việc tổ chức thực hiện công tác thuế tài nguyên trong cả nước.

Điều 20

Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, kiểm tra công tác thuế tài nguyên trong cả nước; giải quyết các khiếu nại, kiến nghị về thuế tài nguyên thuộc thẩm quyền của mình.

Điều 21

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp chỉ đạo việc thực hiện và kiểm tra việc chấp hành Pháp lệnh thuế tài nguyên trong địa phương mình.

Điều 22

Các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm giải thích, động viên, kiểm tra việc chấp hành Pháp lệnh thuế tài nguyên.

Mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giúp đỡ cơ quan thuế thi hành Pháp lệnh thuế tài nguyên.

CHƯƠNG VIII

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 23

Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.

Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 1990

 

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Võ Chí Công

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.